Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Người giúp việc - Kathryn Stockett



Tôi xem phim “Người giúp việc” trước khi đọc truyện qua lời giới thiệu của một người bạn thân, và đây có lẽ là một trong những bộ phim hiếm hoi tôi thấy xứng đáng với truyện: mặc dù chủ đề của tác phẩm hướng vào một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ, hoặc thậm chí là lịch sử thế giới, thì nó lại được diễn đạt bằng một cách hết sức rộng mở, và không có sự căng thẳng gay gắt đến tột độ như một số tác phẩm khác cùng chủ đề phân biệt chủng tộc như “Túp lều bác Tom” hay “Giết con chim nhại”. Có lẽ bởi do thời điểm viết nên tác phẩm thì nội chiến đã kết thúc, và ít nhất trên danh nghĩa thì người da đen không còn là nô lệ thuần tuý; cũng có thể đó là do cách tiếp cận từ hướng gia đình của tác giả, đi từ những sự kiện thường ngày; hoặc cũng do tác giả đã lựa chọn cách đấu tranh ôn hoà bằng tri thức và sự bày tỏ sự thật từ góc nhìn của bên nạn nhân thay vì cái nhìn phê phán gay gắt của người quan sát. Dù có từ lý do nào, thì “Người giúp việc” là một cuốn sách hết sức nên đọc, bởi với cá nhân tôi, có là một trong những cuốn sách bồi dưỡng nhân cách mà không sa vào dạy dỗ đạo đức nhàm chán kiểu Nga (mong những người ưa chuộng văn học Nga hãy thứ lỗi cho sự châm biếm của tôi).


Đây là một câu chuyện khá đơn giản, kể về cuộc sống của những người giúp việc da đen trong những gia đình da trắng ở miền Nam vẫn chưa thoát khỏi định kiến truyền thống về chủng tộc và sắc da, và về một cô gái da trắng hiếm hoi đặt câu hỏi cho số phận bị áp đặt lên những con người, quá khứ thì bị cướp đi quyền làm người mà hiện tại thì bị cướp đi phẩm giá và lựa chọn. Câu chuyện có cấu trúc lời kể ngôi một từ từng nhân vật một, gồm Aibeleen, Mimi và Skeeter. Aibeleen và Mimi đều là hầu gái trong những gia đình da trắng, còn Skeeter chính là cô gái da trắng, vì sự ích kỷ của mình mà rốt cuộc lại đem lại cơ hội đấu tranh ôn hoà cho những người giúp việc da đen. Sự đấu tranh nhân đạo và cũng đầy hài hước đó xuất hiện trong một thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn rõ ràng qua những biểu hiện xã hội như: các gia chủ da trắng buộc người giúp việc da đen đi vệ sinh riêng; xe công cộng dồn người da đen vào một chỗ; mọi dịch vụ công cộng hầu như từ chối phục vụ người da đen hoặc đẩy họ vào khu vực riêng biệt; cho đến những vụ bắn chết người da đen một cách nhẫn tâm và không bị truy tố,… Theo một cách nào đó, nỗi sợ và lòng mong mỏi sự thay đổi của những con người đã chịu số phận nhân tạo gây ra bởi đồng loại đã hoà vào nhau để cho ra đời một cuốn sách đầy tình nhân đạo, đánh động ý thức và mang tính đạo đức, ngay cả khi họ phải đối mặt với một cái giá to lớn, thậm chí có thể là mạng sống của họ.


Chúng ta từng có những tác phẩm nói đến sự gắn bó của người da đen với người da trắng, ví dụ như vú Mammy một đời trung thành với Scarlett bướng bỉnh, nhưng chúng ta liệu có biết được vú Mammy nghĩ gì? Bà có lựa chọn thế không? Bà còn có sự lựa chọn nào khác không? Những người vú da đen khi dốc lòng vì những đứa trẻ da trắng đã đổi lấy được cái gì ngoài nỗi sợ hãi mỗi ngày rằng một ngày khi đứa trẻ họ chăm bẵm và yêu thương lớn lên, chúng sẽ bắt đầu bị tiêm nhiễm cái định kiến về sự thấp kém của người da màu, và nỗi đau đớn khi chăm con cho những người phụ nữ không để tâm đến đứa trẻ trong khi phải bỏ lơ những đứa con của chính mình. Và chúng ta có Aibileen, người đàn bà dành cả đời chăm sóc 77 đứa trẻ da trắng, nhưng lại mất chính đứa con đầy triển vọng của mình. Bà là một người yêu chuộng tri thức, từng có hoài bão và mong ước, nhưng định mệnh lại đẩy bà vào tầng lớp có danh tính bị áp đặt là thấp kém, phải chịu nhục nhã và phải sống để chăm nuôi con cái cả thiên hạ nếu muốn kiếm đủ sống để chu cấp cho đứa con của chính mình. Người đàn bà với tấm lòng khoan dung đó rốt cuộc vẫn vất vưởng sống, chăm sóc bé Mae trong khi chính mẹ của bé chẳng để tâm đến bé, mỗi ngày vẫn thủ thỉ vào tai bé rằng con rất ngoan, rất thông minh, rất quan trọng, bởi lẽ trái tim bà không cho phép bà để một đứa trẻ thiếu thốn tình thương trở nên tự ti và khép kín, cho đến khi bà tìm được một động lực sống khác đó chính là câu chuyện trong quyển sách của một cô gái da trắng có thể đem lại được cơ may gợi ra nhận thức cũng như sự nguy hiểm. Rốt cuộc trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời bà sau khi phải nghỉ việc, bà mới tìm thấy ý nghĩa sống bám vào hoài bão từng chỉ là vọng tưởng của tuổi trẻ. Nhưng ít nhất ở cuối câu truyện, Aibileen đã có một công việc bà thích và theo một cách nào đó, bước một chân thoát khỏi số phận đáy xã hội, báo hiệu cho một tương lai tốt đẹp hơn dành cho người da màu. Bà đã chấp nhận đấu tranh, và sự đấu tranh đó đem lại cho bà sự thanh thản. Bà không phải chịu số phận như bà vú da màu của của Skeeter, người phụ nữ đem lại cho Skeeter sự tự tin và phẩm giá cá nhân thay cho người mẹ bị cuộc sống vật chất điều khiển lý trí của cô, nhưng rốt cuộc lại bị chính gia đình mình đã phục vụ suốt 29 năm đuổi đi chỉ vì bà lỡ có một đứa con có làn da màu sáng và đứa trẻ dám trở về đối mặt với gia chủ.


Một nhân vật khác cũng đáng yêu và độc đáo không kém chính là Minny. Minny là bạn thân của Aibileen, tính cách có chút nóng nảy, bộp chộp, nấu ăn rất ngon, an phận nhưng cũng cực kỳ mạnh mẽ và “có máu ăn thua”. Là một người phụ nữ phải chịu bạo hành gia đình, Minny có một nguồn sức sống mạnh mẽ và bao dung đối với những người cô quan tâm, và tinh thần chống đối rất mạnh. Có lẽ hành trình của Minny cho đến trước khi cô tự giải phóng được bản thân mình khỏi bạo hành gia đình, người ta sẽ nhớ đến nhất chiếc bánh sô cô la “đặc chết” cô dành cho Hilly độc địa và ngu xuẩn (mình sẽ không spoilllllll), và sự kiện cô quyết định đưa hành động tặng bánh đó vào quyển sách của Skeeter để làm bảo đảm an toàn cho tất cả những người đã cùng tham gia đấu tranh bất chấp an nguy cá nhân. Đó là một quyết định táo bạo và đáng phục từ một người phụ nữ sẵn sàng đem bản thân ra cược lấy an toàn của bè bạn. Thứ hai có lẽ là khi cuộc đời cô sang trang khi nhận công việc với Celia Foote, một người phụ nữ đến từ nơi nghèo đói và không bị ảnh hưởng bởi định kiến đặc miền Nam như giới da trắng bán quý tộc tự nhận, vợ của một người có tư tưởng khá cấp tiến. Đó là nơi đầu tiên và duy nhất Minny thực sự có tiếng nói và được đối xử như một con người, mặc dù vẫn trong thân phận người giúp việc. Có lẽ Celia Foote là nhân vật tôi ưng nhất trong cả câu chuyện, có lẽ là bởi sự chân thành ngốc nghếch của cô, cũng có lẽ là do cô là một loại ánh sáng ngây thơ, quyến rũ và lột khỏi vỏ bọc đạo đức Cơ Đốc độc ác của lũ đàn bà da trắng mà tôi xin phép được nói thẳng là ngu xuẩn. Có lẽ họ ngu xuẩn cũng không phải tội của họ, mà là do tác động của định kiến xưa cũ và truyền thống bảo thủ thối nát. Họ là những sản phẩm của những điều tồi tệ. Nhưng rốt cuộc điều đó cũng không thể thực sự bào chữa cho những quan niệm sai lầm của họ khi bên cạnh họ vẫn tồn tại những người như Skeeter.


Nhân vật Skeeter có lẽ là nhân vật tôi ít thích nhất, thậm chí còn không thích bằng cả Hilly “xấu xa một cách thuần tuý” hay Leelof “ngu xuẩn một cách thuần tuý”. Trong khi cả hai nhân vật này đều đã mang đặc cái hình ảnh “kẻ xấu” một cách triệt để rồi, thì nhân vật Skeeter theo một cách nào đó lại là một nhân vật đại diện cho quá trình thay đổi: từ sự bàng quan đến quan tâm, và cuối cùng là góp sức vào cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc. Nhưng đây là một nhân vật mà theo tôi là có sự ích kỷ khá nửa vời, không có đặc tính độc đáo. Cô có cảm xúc yêu quý đặc biệt với người vú của mình nhưng khi bà rời đi cô cũng không đặc biệt truy đuổi, cho đến khi cô muốn làm ra một quyển sách cũng chỉ để thoả mãn tham vọng cá nhân chứ không thực sự suy xét đến an toàn cho người tham gia, cho đến sự thờ ơ của cô với gia đình nói chung và với người mẹ bị cuộc sống điều khiển thay vì tự làm chủ đời mình nói riêng. Nói chung nhân vật này mang một tính chất đệm làm cầu nối giữa hai thế giới, thế giới người da đen và người da trắng, thế giới những phụ nữ truyền thống ở nhà ăn hại và thế giới những phụ nữ cấp tiến tự lo cho cuộc sống của mình. Cô là đại diện của tương lai thay đổi nhưng nói chung, Skeeter không phải một nhân vật có tâm tư phức tạp, tinh tế và đáng để suy diễn.


Đây là một câu chuyện rất hay, gợi sự đấu tranh đến từ cuộc sống thường nhật và mang một loại sóng ngầm dữ dội bên dưới mặt hồ phẳng lặng. Một tác phẩm rất đáng đọc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét