Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Kẻ trộm sách - Markus Zusak



Lúc đầu thì tôi không định viết về “Kẻ trộm sách”; đúng ra mà nói tôi cũng lâu lâu rồi không viết review sách, vì một là hơi bị lười, hai là toàn đọc sách chuyên môn, review ra chắc chết sặc. Nhưng dạo gần đây khi tìm hiểu về quan hệ Trung Đông nói chung và lịch sử Do Thái/Israel nói chung, tôi lại tuân theo luật kinh điển trong thói quen tiếp thu kiến thức mới của mình: đọc truyện kể bao gồm yếu tố cần tìm hiểu thay vì đọc tài liệu chuyên môn cụ thể. Tôi tìm đến trên hết là “Câu chuyện Do Thái”, sau đó đến “Trí tuệ Do Thái” – cả hai quyển sách đều ít nhiều nói về văn hoá và lịch sử Do Thái; và cuối cùng là “Kẻ trộm sách” – quyển tiểu thuyết khiến tôi không thể không viết ra vài dòng, chỉ bởi một băn khoăn của thần chết vốn vẫn ám ảnh tôi bao lâu nay: “làm sao mà một giống loài lại có thể vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế.”; cũng bởi cả dòng cảm xúc lỏng đặc như thạch quấn vào dây thần kinh chi kết thúc những trang cuối cùng.

 Tôi sẽ không viết về quyển “Trí tuệ Do Thái”, bởi đối với tôi nó – mặc dù theo một cách nào đó đem đến những lời khuyên khá hữu ích trong học tập và tiếp thu tri thức, cũn như một số hiện tượng tâm lý học khiến tôi khá thích thú – nhưng rốt cuộc về mặt văn học thì nó chẳng hơn gì một câu chuyện nhàm chán có mô típ cũ rích được dựng lên chỉ để làm nền cho những lời khuyên kinh điển. “Con đường Do Thái” thì có thể sẽ có một bài riêng.

Đây là một câu chuyện đơn giản, viết về cuộc sống của một cô bé mồ côi được đưa đến làm con nuôi trong gia đình Hurbemann ở phố Thiên Đàng – một con phố nghèo thuộc nước Đức Quốc Xã đang trong thời kỳ gây chiến khắp châu Âu và tích cực tạo nên thảm hoạ bài trừ Do Thái. Câu chuyện không thực sự tập trung vào “nỗi buồn chiến tranh” kiểu Bảo Ninh, cũng không mang sự dữ dội điên cuồng mà tắc nghẹn đến ngạt thở như “Phía Tây không có gì lạ” của Remarque. Đó là một câu chuyện được kể bởi thần chết; đó là một câu chuyện được kể lại bởi một sự thực hiển nhiên không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên; ông vốn thật bận rộn, đặc biệt là trong thời kỳ ngàn vạn người cần đến ông không ngừng nghỉ, ấy vậy là ông vẫn đặc biệt dành lại tâm tình và xúc cảm cho cô bé nhỏ sống nơi con phố nghèo đó cùng với những người chịu ảnh hưởng bé nhỏ của cô bé. Điều gì đã làm nên sự đặc biệt của Liesel Memminger đến mức ngay cả thần chết cũng phải giữ lại câu chuyện của cô và truyền lại cho người khác – một hành động “truyền chữ” vốn là của Liesel chứ không thuộc bổn phận cũng như trong tầm để tâm của ông? Đó là những lần cô bé ăn trộm những quyển sách? Đó là tình bạn của một cô bé người Đức dành cho một tay đấm Do Thái trốn nhui nhủi dưới tầng hầm? Đó là tình cha con dịu dàng và day dứt giữa cô và Hans? Hay đó là tình mẹ con gai ráp nhưng không kém phần sâu đậm của cô bé và bà mẹ nuôi Rosa? Cũng có thể là tình bạn vừa ngây thơ vừa dữ dội giữa Liesel và Rudy?

Tôi sẽ bắt đầu bằng người bố nuôi của Liesel, là ông thợ sơn kiêm chơi đàn xếp – một người đàn ông hiền từ và tốt bụng có đôi mắt màu bạc trầm tư. Ông đón nhận Liesel bằng một tấm lòng bao dung và kiên nhẫn – ông thức dậy mỗi đêm khi đứa bé gái vừa mất em trai trong một đêm tuyết trắng xoá trên đường cùng mẹ đến chỗ vợ chồng ông khóc thét lên vì ác mộng để đem đến cho con bé từng chút một sự an toàn, vỗ về nỗi bất an cô đơn nơi nó. Ông dạy nó đọc chữ dù bản than ông cũng không biết đọc nhiều cho lắm, và đem đến cho nó không chỉ chút kiến thức cơ bản mà còn đem đến cho nó cả một bầu trời tình thương ấm áp từ một người cha. Đại khái là người ta có thể ngàn lời để kể về mối quan hệ cha con đẹp đẽ giữa Hans và Liesel – đó quả thực là một mối quan hệ ấm áp đầy xúc cảm chân thành đến đáng ngạc nhiên giữa hai con người nguyên bản là hoàn toàn xa lạ. Thế nhưng điều khiến tôi đặc biệt chú ý đến Hans không thực sự do mối quan hệ cha con giữa ông và Liesel. Nó rất đẹp, nhưng nó chỉ là một phần trong con người của ông. Con người của ông không phải chỉ khi gặp Liesel mới tốt đẹp và hoàn thiện. Con người ông đẹp đẽ và tốt bụng từ trong bản chất; và quan trọng nhất là ông là một người thấu hiểu. Ông thấu hiểu chiến tranh, bởi ông đã kinh qua đại chiến thế giới thứ nhất, và rồi sau khi có được chút thời gian hạnh phúc cùng bồn chồn với gia đình và Max ông còn phải trải qua cả đại chiến thế giới thứ hai; ông thấu hiểu cảm xúc của người khác, nên chính vì vậy mà ông luôn dùng sự tốt đẹp, hoặc ít nhất là không bao giờ để sự nghiệt ngã của mình đối diện với người khác – một người từng sượt qua đôi bàn tay của thần chết thì còn gì mà không thể thông cảm? ông để lương tâm đồng cảm với những người Do Thái bị dồn đến tận cùng tuyệt vọng, và ông, hơn ai hết, thấu hiểu chính bản thân mình. Ông vừa dũng cảm, vừa hèn nhát.

Tại sao tôi lại nói ông vừa dũng cảm, vừa hèn nhát? Ông giữ lời hứa của mình với một đồng đội Do Thái suốt từ trận chiến trước để chứa chấp và che giấu một người Do Thái – con trai của đồng đội – đến tận cận kề chiến tranh thứ hai – cuộc chiến tranh được phát động và nuôi dưỡng bằng sự thù hằn và căm ghét giống loài bất hạnh muôn đời chịu sự trừng phạt của Chúa đó. Ông dũng cảm không chỉ vì ông dám giữ lời hứa của mình, mà vì ông còn “dám” từ chối nỗi căm thù vô lý của tập thể bị gợi lên bởi ngôn ngữ dằn dữ của kẻ bạo chúa hầu như vô nhân tính – ông đã dám tin tưởng vào phán đoán của mình để không trút sự phi lý lên dân Do Thái, và ông đã dám để lương tâm của mình đem miếng bánh mì cũ đến cho những khối xương sống bị ép diễu hành qua phố Thiên Đường để đến trại nghĩa địa. Ông đã phải trả giá bởi sự dũng cảm đó – vì một hành động phút chốc mà ông hầu như tuyệt vọng trong sự tin tưởng rằng “chúng nó” sẽ đến huỷ hoại gia đình nghèo nhỏ của ông để trừng phạt tội “yêu Do Thái”, và cả tội giấu một người Do Thái dưới hầm – ông đã buộc phải đuổi Max đi trong tình thế cuộc thảm sát đang lên đến đỉnh điểm. Đây chính là giây phút ông hèn nhát hơn cả, không phải vì ông đuổi Max đi với hi vọng nhỏ xíu là có thể bảo vệ mình và gia đình, mà vì ông đã để lương tâm cắn rứt ăn mòn hết cả sức sống của mình, đến độ ông còn cầu cho quỷ dữ phát xít đến bắt ông đi để việc đuổi Max đi không phải vô ích – ông đã hèn nhát không dám đối diện với việc mình đã sai lầm một chốc rồi hại một mạng người; nhưng ông cũng đủ dũng cảm để thừa nhận sự dằn vặt của lương tâm chứ không huyễn hoặc mình bằng những lý do hợp lý để bào chữa cho sai lầm của mình – ví dụ như để bảo toàn gia đình, để bảo toàn bản thân hay những điều tương tự như vậy. Liesel, mặc dù đau buồn khi Max phải ra đi, nhưng cô bé đã hiểu một điều mà chính ông bố to lớn hàm hậu của cô dường như đã quên mất: ông là một con người, chỉ là một con người mà thôi. Chính một câu nói ngắn ngủi không được thốt ra của Liesel đã khiến tôi như bừng tỉnh: mối quan hệ của hai người đều là dựa vào nhau. Đứa bé hẳn nhiên là dựa vào tình thương vô điều kiện của người cha, nhưng chính Hans cũng dựa vào đứa trẻ cứng đầu và nhạy cảm một cách khác thường đó để sống có ý nghĩa.

Rồi cũng chẳng lâu sau đó, ông cũng phải nhận sự trừng phạt của mình. Ông “được” nhận vào đảng Quốc xã và bị điều đi làm người dọn xác chết chiến tranh, ngụp lặn trong khói mỳ bom đạn hoà với nỗi tuyệt vọng trong không khí; và ngay cả khi ông may mắn thoát khỏi cái ôm ấm áp của thần chết đến tận lần thứ hai, thì tầm 3 tháng  hạnh phúc ngắn ngủi sau khi đoàn tụ với gia đình, một trận bom đến không chỉ cướp đi mạng sống của ông mà còn của hầu như tất cả mọi bóng hình trong con phố Thiên Đường đứa, chỉ chừa lại mỗi kẻ trộm sách với nỗi đau và sự kiên cường vĩ đại. Nhưng ít nhất khi chết, linh hồn của ông đã ngồi dậy, và với thần chết, thì “nững người tốt bụng đều như vậy cả”. Ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Ông đã là một con người, và trên hết là một con người tốt đẹp.


Nhân vật thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là Rosa Hubermann, vợ của Hans. Người đàn bà bỗ bã và dường như có cái sức sống gì đó mãnh liệt và cay đắng trong cách cư xử nhưng lại nhạy cảm và bao dung đáng ngạc nhiên trong trái tim. Bà đến với người đọc bằng những cụm từ “đồ con lợn” hầm hầm hổ hổ nhưng cũng đi cùng với chúng là sự nhân hậu, mạnh mẽ và nhẫn nhịn, đến mức hầu như cho đến những trang cuối cùng tôi vẫn có ấn tượng với bà hơn cả. Có ai tưởng tượng được một người phụ nữ, to béo, gương mặt như bìa các tông, mở miệng là cằn nhằn và chửi bới, lại có một dòng chảy tình thương kín đáo đến như thế: chẳng hạn như ngay khi bà gặp tay đấm Do Thái đến cầu cạnh, một việc vốn đẩy cả gia đình vào vòng nguy ngập bất an ngày đêm, thì việc đầu tiên bà làm là cho chàng trai khốn khổ đó ăn cho no cái đã, rồi để anh ta sưởi chút cái đã. Hoặc như bà chạy đến trường Liesel chỉ để gấp gáp báo cho con bé rằng cái tay đấm Do Thái Max đó đã tỉnh lại sau một cuộc đấu tranh với bệnh tật đến từ sự cầm tù gián tiếp trong căn hầm nghèo nàn đó và từ sự giày vò của lương tâm khi vẫn khao khát muốn sống. Hoặc như cái cách bà đối mặt với sự tuyệt vọng của chồng trong cơn mù quáng truy tìm sự trừng phạt để việc trục xuất Max trở thành chính đáng. Hay chính lúc bà mò tay xuống gầm giường lôi quyển sách của chàng Do Thái bất hạnh đưa cho đứa con gái nuôi bướng bỉnh. Người phụ nữ đó đã tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn đến phi thường, và thậm chí phải nói rằng chính bà mới là cột sống cảm xúc của gia đình. Liệu có khi nào chính những người phụ nữ mới thật sự là những nhân tố trụ cột cảm xúc trong gia đình chăng? Nhưng bất chấp những hành động và những lựa chọn hành động đối mặt một cách cương quyết như thế, Liesel vẫn có thể bắt gặp bà kín đáo ôm ghì chiếc đàn xếp của chồng đến mức như thể nó chìm hẳn vào cơ thể bà. Như bao người phụ nữ khác, bà cũng mất con, hai lần chia tay chồng, xoay sở cho gia đình trong nỗi thiếu thốn và còn phải là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho cả gia đình, ấy vậy mà mỗi bước của bà vẫn trầm vững và thẳng tiến về phía trước, cho tận đến lúc linh hồn bà nằm trong vòng tay thần chết. Những người đàn bà.

Trái ngược với bà, có lẽ là người vợ của ngài thị trưởng, Ilsa Herman. Người phụ nữ yếu đuối đó mặc dù được phước cho một cuộc sống ấm no ngay cả trong thời chiến thì dường như chính cuộc sống đó cũng cướp đi cả sức mạnh đối mặt của bà. Khác với những người phụ nữ tối mặt tối mày đối đầu với cuộc sống, cái chết của đứa con trai đã cướp đi toàn bộ sức sống của bà và đặt bà vào sự trống rỗng u buồn suốt bao năm tháng đằng đẵng. Bà có lẽ chỉ là một điểm chấm bé nhỏ trong câu chuyện, và một nhân tố đem đến cho Liesel những quyển sách để con bé thay đổi cuộc sống của chính mình và những người xung quanh mình. Nhưng sự thay đổi từng chút của bà có khi cũng đem đến cho chúng ta một nỗi cảm thông mờ nhạt dành cho những người không thể tự cứu vớt nổi bản thân mình.

Rồi lại đến nhân vật Rudy, thằng bé ngọt ngào và ngỗ ngược đã “tia” trúng Liesel ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy. Thằng bé đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng cũng đầy ắp kỉ niệm với Liesel, cả những hồi ức cay đắng về hiện trạng. Cảnh đẹp nhất trong truyện của Rudy đọng lại trong tôi có lẽ là khi thằng bé nhảy xuống dòng nước buốt giá để vớt quyển sách lên cho Liesel, và theo đó là câu hỏi vừa bất an vừa mong đợi: “một nụ hôn thì thế nào, đồ con lợn?”. Thằng bé chỉ nhận được nụ hôn nó luôn mong muốn khi nó đã chết. Nhưng dù sao chúng ta cũng không thể nói rằng đó là một nụ hôn muộn màng. Đứa trẻ đơn thuần đó đã không bao giờ mở mắt ra nữa cùng với những người trong con phố Thiên Đàng nghèo nàn đó, tên tuổi và sự tồn tại của nó biến mất như chưa từng xuất hiện, và những chứng minh tồn tại duy nhất của thằng bé chỉ còn ở trong mỗi tâm trí của Liesel và quyển sách Liesel viết nằm trong tay thần chết: khi thằng bé nhận ra mình căm thù Quốc Trưởng, những buổi ăn trộm trong cơn đói, khi thằng bé đem bánh mì rải đầy con đường mà những bộ xương khô Do Thái phải diễu hành qua, những thằng bé cố gắng hết mình để chiến thắng những cuộc thi chạy để chứng tỏ bản thân với bè lũ Thiếu Niên Hitler khốn kiếp và trở nên quá nổi bật để rồi đẩy bố nó vào việc buộc phải đi lính; và cái cảnh khiến tôi hầu như ngỡ ngàng nhất là khi thằng bé đặt con gấu bông bên cạnh một người lính “kẻ địch” rớt cùng với máy bay. Chỉ một hành động của một thằng bé người Đức ngây thơ và lời cảm ơn của một kẻ chết trận trên xứ người mà khiến toàn bộ những tranh cãi về chiến tranh phi lý hay chiến tranh công chính phải câm lặng. Khi Liesel thét lên rằng nó yêu thằng bé, thì linh hồn Rudy đã nằm trong vòng tay thần chết và được thâm nhập một cách cẩn thận hơn bình thường. Nhưng chúng ta vẫn biết, Rudy đã sống một cuộc đời ngắn ngủi và có ý nghĩa.

Và đến nhân vật Max, tay đấm Do Thái trốn chui trốn nhủi dưới tầng hầm nhà Hubermann để tránh cuộc thảm sát Do Thái của Đức Quốc Xã. Có lẽ có nhiều điều để viết về anh. Chẳng hạn, phải nói rằng anh là một trong số những người may mắn ít nhất đã tìm được chỗ trú ẩn trong một thời gian không ngắn, và dù bệnh tật và tuyệt vọng quấn thân thì anh vẫn sống sót. Hoặc như anh là biểu tượng của cả một dân tộc ngàn đời bị bài xích và lúc nào cũng phải lẩn khuất như phận chuột để rồi cuối cùng cũng vẫn bị thảm sát dã man. Anh cũng có thể là biểu tượng của sự kiên cường, bám víu lấy cuộc sống một cách tuyệt vọng. Chúng ta cũng rất có thể nói rằng sự sống sót của anh sau mọi thảm hoạ áp lên người Do Thái và việc anh gặp gỡ Liesel sau khi đã tự do là tương lai đầy kỳ vọng của cả một dân tộc. Chúng ta có thể nhìn thấy tinh thần anh trong những giấc mơ mỗi đêm, khi anh mơ mình lên võ đài đấu với tay Quốc Trưởng độc ác đó, và dù trong mơ anh luôn bị hạ gục bởi đám đông bị mê hoặc bởi những từ ngữ ma mị của Quốc Trưởng, thì khi kể cho Liesel, anh đã thốt ra rằng anh thắng ông ta – đó không chỉ là một giấc mơ Do Thái chiến thắng sự áp bức của Đức Quốc Xã, đó còn là khát vọng của một người một chiến thắng sự suy sụp của chính mình.

Nhưng điều làm tôi chú ý hơn cả không phải vô số những ý nghĩa có thể gán cho sự tồn tại của Max, mà là một thứ cảm xúc của anh khi trốn chạy, mà tôi muốn nói cùng với Hans và Micheal – một người được về do đại thương trên chiến trường. Đó là cách họ đối mặt với khao khát được sống khi đối mặt với cái chết. Cả anh và Micheal - con trai của một người phụ nữ cũng “độc miệng” chẳng kém gì Rosa – cả hai đều sống trong nỗi giày vò của lương tâm khi khao khát được sống: Max khi được một người bạn giúp đỡ trốn chạy đã phải bỏ lại cả gia đình, và song hành với tình thương gia đình chính là cảm giác nhẹ nhõm vì vẫn có cơ hội sống sót; còn Micheal, sau khi tận mắt chứng kiến cái chết của em trai, anh may mắn hơn bị thương và được giải ngũ về nhà. Cả hai đều đã lựa chọn khát vọng sống mãnh liệt của mình, và phải trả giá cho cái bản năng tự nhiên của bất kỳ giống loài nào đó bằng nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi ăn mòn lương tâm. Micheal bị đẩy vào tình thế tận cùng của tuyệt vọng khi người mẹ của anh, sau khi biết tin mất đứa con trai nhỏ, đã rơi vào tình trạng sẵn sàng muốn chết, trong khi đó bản thân anh lại khao khát muốn sống. Sự mâu thuẫn đã khiến anh tự kết liễu chính bản thân mình. Chúng ta có thể tưởng tượng được chăng nỗi cuồng loạn của cả một thời đại đẩy con người vào đường chết chỉ vì muốn sống?

Còn Max, sự lựa chọn của anh là đối mặt sống với nỗi xấu hổ của mình. Đây là một lựa chọn hết sức kiên cường khi tất cả đều đã bỏ cuộc. Nhưng có lẽ phải nói rằng phần lớn sức mạnh của anh đến từ kẻ lay từ ngữ - cái cô bé nhỏ ở gia đình nghèo với khao khát những con chữ cùng cực. Đứa bé gái đó đã làm bạn của anh, đem lại cho anh chút thanh thản, chút ấm áp và cả một nguồn dũng khí để hi vọng. Có thể thấy hi vọng trong đáy cốc của Max rõ ràng hơn hết ở những cảnh cuối cùng, khi anh sau bao lâu trốn chạy cũng bị bắt lại và buộc phải diễu hành đến cái chết cùng với những người Do Thái khác, thì khác với đồng loại tăm tối mất hết ánh sáng, anh vẫn ngó nghiêng đi tìm mẩu ánh sáng của cuộc đời anh. Mẩu ánh sáng đó đã lao đến với tất cả sức lực và tình cảm của mình, chịu những lằn roi buốt bỏng chỉ để kịp biết anh còn sống và bất lực nhìn anh tiến đến chỗ chết. Có lẽ, sự trở về của anh với Liesel sau chiến tranh không chỉ là biểu tượng của niềm hi vọng dân tộc, mà nó còn là phần thưởng của sự kiên trì hi vọng và yêu thương đến những giây phút cuối cùng.

Hans cũng là một số phận phải trải qua nỗi dằn vặt lương tâm như thế. Ông đã tự cho mình là hèn nhát trong chiến tranh thế giới thứ nhất, và hẳn là nhờ thế ông mới sống sót. Nhưng rốt cuộc việc nhận thức được nỗi sợ có thực sự là hèn nhát hay không? Và có sự hèn nhát nào trong việc cảm thấy vui mừng vì bạn đã sống sót hay không? Là một người hầu như là có kinh nghiệm đối mặt với những bóng tối trong suy nghĩ của mình, ông ít nhất cũng đã vượt ra khỏi nỗi nhục nhã và đay nghiến chính bản thân mình khi khao khát và vui mừng do còn sống – khác mới Micheal chọn giết mình, và khác với Max hẳn sẽ đem nỗi nhục đó đến hết cuộc đời. Dù sao sự khác biệt của ông, ít nhất là giữa ông và Max, đó là ông sống sót trong chiến tranh, còn Max thì bỏ lại gia đình để sống sót sau thời kỳ danh tính dân tộc họ bị bài. Thế nhưng, trong con mắt thần chết, tất cả những điều này không phải là một vết nhơ lương tâm như họ vẫn hằng nghĩ. Trái lại, vị thần chết đã phải thốt lên: chính thế giới này mới không xứng đáng với những người như các bạn.

Tôi để nhân vật chính, Liesel Memminger đến cuối cùng, bởi cô bé là cây cầu kết nối mọi nhân vật khác, và cũng chính là một tồn tại ảnh hưởng đến rất nhiều những con người xung quanh cô. Có lẽ sẽ hợp lý hơn cả khi đặt cô vào vị trí ngang hàng nhưng đối lập với chính Hitler – khi cả hai đều là những người lay chữ. Nhưng khác biệt lớn nhất là, Hitler là một kẻ dùng ngôn từ để reo rắc căm ghét, thù hằn, khuấy động chiến tranh và đem lại nỗi bất hạnh vô tận không chỉ cho những dân tộc khác mà còn cho cả chính dân tộc của mình. Chỉ bằng sức mạnh của ngôn từ mà tên bạo chúa đó đã đem sự trừng phạt đến biết bao nhiêu người: đến những con người tha hương không tổ quốc như dân tộc của Max; đến những người phụ nữ tần tảo nuôi gia đình nhưng vẫn buộc mình phải mạnh mẽ đối mặt với cơn đau cùng quẫn khi rời bỏ hoặc mất người thân như Rosa; đến những người đã giúp đỡ những kẻ khốn cùng như Hans hoặc người không chịu từ bỏ đứa con của mình như cha của Rudy; thậm chí đến cả những người vốn vô tội như anh lính phi công rớt cùng máy bay nhưng may mắn được nhìn thấy con gấu bông của Rudy ở phút cuối cùng trong đời mình. Ấy vậy mà kẻ lay từ ngữ vĩ đại một cách xấu xa đó lại chưa từng ban phát một lời giải thích nào cho những sự trừng phạt khủng khiếp đó, đặc biệt là đến những cái thây vô hồn tộc Do và nỗi đau khổ sống không bằng chết của họ.

Đứng ở thái cực ngược lại hoàn toàn kẻ bạo ngược đó là Liesel, mà theo như thần chết, chính là một trong những người lay từ ngữ vĩ đại nhất trong lịch sử. Từ buổi khởi đầu cô bé đã khao khát chữ nghĩa, và những hành động trộm sách của cô bé thể hiện một nỗi khao khát vô tận dành cho ngôn từ. Nhưng chỉ ăn trộm sách cũng không có nghĩa là trộm được cả chữ nghĩa. Cô bé đã sẻ chia nỗi khát khao con chữ cùng với hi vọng và tình cảm của mình cho bố nuôi Hans, đem lại bình yên và dũng khí cho Max, kéo giật Ilsa ra khỏi cái kén đau buồn trống rỗng, và trấn an những tâm hồn mờ mịt sợ hãi trong những căn hầm tránh bom của phố Thiên Đàng. Nhưng điều quan trọng hơn cả việc ảnh hưởng đến người khác, Liesel thấu hiểu sâu sắc quyền năng của từ ngữ đó chính là niềm hi vọng. Cũng như cô bé dùng từ ngữ để đem hi vọng cho người khác, chính cô bé cũng nhận được ơn huệ của ngôn ngữ và có một niềm hi vọng lớn lao và không bao giờ tắt cho đến những giây phút cuối cùng. Thậm chí đã từng có lúc cô bé nguyền rủa từ ngữ: khi cơ thể tràn đầy những vết thương và trái tim bị xé toạc ra bởi những nỗi đau khôn cùng, cô bé hầu như đã phải cầu xin từ ngữ đừng lấp đầy con người cô bé bằng hy vọng và niềm trông đợi vào một cái gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra. Hành động xé nát sách trong căn phòng của bà vợ ngài thị trưởng dường như đã là phản kháng trong bất lực cuối cùng của Liesel trước ánh sáng mà từ ngữ đem lại cho tâm hồn cô. Thế nhưng cũng chính hành động đó lại đưa Ilsa đến nhà Liesel để mở ra cho Liesel một cơ hội mới: bà tặng choc ô bé một quyển sách trống để cô bé tự viết nên câu chuyện của mình. Và chính lúc cô bé đang viết câu chuyện của mình, chính lúc cô bé vừa chấp nhận sự trở lại của hy vọng dưới tầng hầm nơi cô từng thân cận với Max, thì trận bom cuối cùng đến xoá số toàn bộ Thiên Đường, chừa lại duy nhất đứa trẻ mà chúng ta không biết nên nói là may mắn hay bất hạnh nữa.


Thế nhưng ngay sau đó, khi cô bé đã mất tất cả: mất bố nuôi Hans, mẹ nuôi Rosa, bạn thân Rudy trong trận bom cuối cùng, và cả Max đang tiến tới vòng tay cái chết, thì sự kiên cường của cô bé vẫn khiến thần chết phải kinh ngạc. Thần chết kinh ngạc trước sức mạnh trong thân thể bé nhỏ đó, cũng như trước loài người vốn bất lực đủ đường này – trước điều họ có thể làm trong khi suốt nước mắt vẫn chảy khi họ loạng choạng tìm kiếm, và tìm thấy. Ngay cả khi đó chỉ là những kết cục.

Và đó là câu chuyện về Liesel Memminger, một kẻ trộm sách, một cô bé lay chữ nghĩa, được kể lại bởi một thần chết. Một thần chết có trái tim, không có thân hình bộ xương cũng chẳng đem theo lưỡi liềm. Một thần chết đặc biệt thích để ý màu của bầu trời mỗi khi ông đón đi một linh hồn mới, bởi đó là đặc quyền của một hiện tượng tự nhiên vượt khỏi tầm hiểu biết của loài người nhưng ai cũng phải trải qua không tài nào tránh nổi. Những bầu trời dưới mắt của vị thần chết đó có lẽ còn đặc sắc hơn vô số kiếp người độc đáo mà ông đã chứng kiến chăng? Tôi thì lại thích nghĩ ông bắt đầu đặc biệt ưa thích sự thay đổi của bầu trời sau những năm tháng tối tăm đó, sau khi ông biết đến số phận những con người như Max – đêm đen mò lên chỉ để đánh cắp một giây để nhìn thấy bầu trời. Một vị thần chết chứng kiến mọi sự bằng nỗi bình thản nhưng lại xúc động trước những cố gắng nỗ lực tột bậc của loài người để chứng tỏ với ông rằng sự tồn tại của họ trên cõi đời này là đáng giá. Và một thần chết, lặng lẽ để tâm đến một cô bé trộm sách, nhặt đi cuốn sách về cuộc đời cô khi cô đã mất tất cả và phải bỏ lại mọi thứ sau lưng nếu muốn bước tiếp. Đó là một kết cục luôn trăn trở với câu hỏi: làm sao mà một giống loài lại có thể vừa xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao từ ngữ của giống loài ấy lại vừa đáng nguyền rủa vừa kỳ diệu đến thế. Đây có lẽ là câu hỏi không ai có thể trả lời triệt để, bởi ngay cả cái chết, cái kết chung của vạn sự còn không trả lời được. Cuối cùng, cái chết chỉ có thể thừa nhận với Liesel rằng, “Tôi bị ám ảnh bởi những con người”.

Ngôn ngữ mới mẻ và cách hành văn thú vị, các nhân vật độc đáo vừa bổ xuyết lại vừa mâu thuẫn nhau xuất hiện dưới lời kể từ một hướng nhìn đặc biệt khách quan khiến câu chuyện vừa rộng lớn cũng vừa tỉ mỉ. Chiến tranh không được nhắc đến một cách trực tiếp nhưung người đọc vẫn có thể cảm nhận được sự dữ dội và nỗi đau nó đem lại một cách âm ỉ và đặc sệt như chìm vào ảo giác. Những chi tiết nhỏ được nhấn mạnh lại đem đến những ấn tượng đặc sắc về nhân cách các nhân vật trong truyện khiến tôi không thể dằn được nước mắt. Một lựa chọn quá xứng đáng để suy nghĩ, cảm thông và trân trọng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét