Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Quán rượu – Emile Zola



Theo tôi, cái khó nhất khi đối diện với một tác phẩm nghệ thuật nói chung hoặc một tác phẩm văn học nói riêng là thấu hiểu được ý nghĩa và ẩn ý của tác giả. Nhưng thực ra trong trường hợp tác phẩm được viết quá…mạch lạc, rõ ràng thì thậm chí cũng khó chẳng kém gì – một tác phẩm quá đơn giản liệu có phải một cái bẫy đánh lừa hướng cảm nhận của người đọc hay không? Có lẽ tôi đã suy diễn quá nhiều *cười*.


Tôi chuyển ngang sang đọc Quán Rượu thực ra là do tình cờ thôi, vì sau khi đọc được phân nửa quyển Chiếc Trống Thiếc thì thấy nó…chán quá, rối tinh rối mù, đọc mãi vẫn chẳng hiểu lắm nó thật sự muốn nói cái gì hết trơn. Nhưng đọc xong Quán Rượu lại cảm thán quả thật không tốn 2 ngày cày cuốc; thực sự mà nói thì cốt truyện của Quán Rượu rất đơn giản, ngôn từ cũng bỗ bã, thẳng thừng và phải nói là “thẳng ruột ngựa” đến độ tưởng như là châm biếm tàn cảnh đương thời. Ông hẳn nhiên không hề có chút ý tứ chế nhạo gì, mà đúng hơn ông viết quá thực về cảnh đời của những con người khiến chúng ta không có cách nào khác ngoài vừa kinh hoàng vừa khinh bỉ sự ngu dốt của họ trong xã hội dưới chính quyền đế chế của Pháp.


Cốt truyện có thể tóm tắt nhanh gọn như sau: Gervaise, một cô gái tỉnh lẻ bỏ trốn với nhân tình là anh hàng mũ cùng hai đứa con lên thành phố, nhưng chẳng bao lâu bị anh ta bỏ rơi. Sau đó cô quay sang cưới anh hàng thiếc, và cuộc sống tạm thời êm ấm trong thời gian đầu khi cả hai đều vừa làm lụng vừa tiết kiệm. Cả hai cũng có một đứa con gái chung. Nhưng sau một tai nạn khiến chồng Gervaise phải nằm một chỗ trong vài tháng trời, anh ta đâm ra lười biếng và bắt đầu suốt ngày chỉ ăn chơi. Còn Gervaise, vốn mơ ước có một hiệu giặt là của riêng mình, đã vay mượn để mua cửa hiệu sau khi đã tiêu hết tiết kiệm vào việc chạy chữa cho chồng. Tưởng như có hiệu giặt thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn, nhưng chồng cô càng ngày càng chìm vào rượu chè, ăn tàn phá hại cả cơ nghiệp của cô, và sự quá quắt đó ngoặt sang hẳn một hướng mới khủng khiếp hơn khi anh ta dẫn anh hàng mũ từng là nhân tình của cô về chung sống với hai vợ chồng. Gervaise phải làm lụng và nợ nần để nuôi đến hai người chồng vô năng chỉ biết ăn bám, và dần dà chính cô cũng buông thả và kệ sự đời. Cuối cùng, do nợ nần không thể trả nổi, cô phải bán cửa hiệu, và ngày càng bê tha, chìm vào bia rượu hệt như chồng, thậm chí còn bán thân ăn rác rưởi để nuôi miệng. Câu chuyện kết lại với khung cảnh khủng khiếp: chồng Gervaise do nghiện rượu mà chết trong nhà thương điên; Gervaise chết như một con chó trong cái xó xỉnh thối nát nhất của khu ổ chuột; còn con gái của cả hai là Nana thì trở thành một con đĩ chuyên nghiệp.


Vậy là chỉ cần biết cốt truyện là ta hầu như có thể mường tượng được chủ đề chính của câu chuyện là nạn rượu chè huỷ diệt con người, huống chi chính tên truyện cũng được đặt là Quán Rượu nữa. Nếu phải nói rằng có điểm gì nổi bật hơn cả trong một tiểu thuyết viết về tệ nạn xã hội, về thói lười biếng nghiện ngập của con người này thì hẳn đó là hiện thực quá chân thật và tàn khốc – đến độ quả thật người ta không thể thương cảm nổi. Có chăng thì đó chỉ là cảm giác kinh tởm mà thôi; hoặc cùng lắm là thương cho một con người cũ của Gervaise từng mong muốn lương thiện và yên ổn. Và chính điểm này cũng là một điểm khá cốt yếu trong chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Pháp – một trong những yếu điểm khiến nó khó có thể tồn tại đến ngày nay – đó là sự tuân theo giống nòi và tự nhiên. Chỉ cần đọc tác phẩm ta cũng dễ dàng hiểu được truyện viết về cảnh hiện thực trên cách phân tích về mặt huyết thống; coi con người thuần tuý sinh lý, hay nói thẳng ra là có chút gì đó “thú vật”; ngay cả khi họ có đôi chút lý trí hay nhận ra điều sai lầm thì rốt cuộc họ vẫn đi theo đúng cái “bản năng dòng máu”. Nhưng ta cũng phải hiểu rằng hướng tiếp cận này rất lệch lạc, gán mọi yếu tố thành bại trong cuộc đời một con người vào những yếu tố khởi thuỷ như huyết thống, môi trường và dục vọng.


Chính nhờ chút nào đó vượt khỏi tính chất trên mà Emile Zola mới được xem là một trong những nhà văn hiện đại kinh điển của Pháp. Bởi lẽ theo một cách nào đó, hoặc ít nhất là nhân vật chính của ông vẫn giãy dụa trong lý trí ngay cả khi đã bắt đầu buông thả trong sự bất chấp cuộc đời. Gervaise mặc dù cứ nhanh chóng quen với những điều kinh tởm và khủng khiếp xảy đến trong cuộc đời chị, thì vẫn còn một thứ tình yêu tự trọng bé nhỏ dành cho anh hàng rèn – nhân vật có lẽ phải nói là ánh sáng không chỉ trong truyện mà trong cả thời đại đó. Anh chàng Goujet chăm chỉ thành thực đã từng yêu một nàng Gervaise chăm chỉ lam lũ mà vẫn hiền từ, và thậm chí vẫn vừa yêu vừa thương hại đến cùng người đàn bà đã hoàn toàn sa ngã, tàn tạ đến mức tìm cách bán thân ăn rác nuôi miệng. Và chính anh đã nói một câu mà tôi nhớ nhất trong truyện – một câu nói của một người nhìn xa trông rộng, và nếu được học hành tử tế thì hẳn sẽ làm nên nghiệp lớn. Anh đã đứng trước những máy móc hiện đại có năng suất gấp mấy lần người với nỗi lòng bi ai của công nhân bị giảm lương từng ngày mà nói rằng:


“Nó hơn đứt chúng tôi, có phải không? Nhưng có lẽ sau này nó sẽ phục vụ cho hạnh phúc của tất cả mọi người.”


Chỉ một câu nói này thôi đã khiến tôi thực sự hết lòng đọc truyện đấy J.


Và hành động đúng đắn nhất của cuộc đời Gervaise chính là, ở cuối truyện, khi đã rơi vào cảnh khốn cùng, cô đã từ chối Goujet. Mặc dù có lẽ không ý thức được điều này, nhưng cô đã cứu một người lương thiện, một người yêu cô khỏi chính bản thân tồi tệ của cô. Theo một cách nào đó tôi đã thở phào trước cách xử lý tình huống này của tác giả: Emile cho Gervaise gặp lại ánh sáng của cuộc đời mình lần cuối cùng trước khi chết và cũng giải thoát cho nhân vật lương thiện duy nhất trong truyện của ông.


Và như vậy ta có thể nhận ra rằng sự thành công của Emile không chỉ dựa trên duy nhất yếu tố tự nhiên, mà còn phần nào dựa vào yếu tố hiện thực nhân đạo nữa. Bên sự xuất sắc trong việc mô tả những mảnh đời bị tàn phá đó là miêu tả tâm lý của đám đông kẻ nghèo. Tôi rất ấn tượng với việc ông thực sự nhìn ra được cách đám đông nghèo hèn suy nghĩ: họ không còn tự vấn bản thân nữa mà đổ lỗi toàn bộ cho mọi yếu tố bên ngoài. Yếu tố hiện thực nhân đạo chính là ở chỗ này: ông hiểu và mô tả rõ ràng được bi kịch trong suy nghĩ thiển cận của kẻ khốn cùng, nhưng lại giúp chúng ta nhìn nhận xã hội một cách khoan dung hơn.



Nói chung Quán Rượu không phải là một tác phẩm khiến tôi đặc biệt muốn viết do sự tối tăm và bi kịch của nó; nhưng lại nằm trong số những tác phẩm nên đọc. Bởi lẽ con người, dù có thông tuệ đến đâu chi chăng nữa, thì cũng chẳng ai có thể tự nhận được là có thể thấu hiểu và thông cảm cho người khác. Đọc một tác phẩm chân thực như Quán Rượu, thì dù không thông cảm cho những mảnh đời khác với chúng ta, thì ít nhất chúng ta cũng có thể hiểu và phân tích chúng một cách lý trí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét