Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Bức hoạ Maja khoả thân - Samuel Edward




Phải nói rằng, cả ngoài đời thực lẫn trong nghệ thuật, những hình tượng điên loạn, tâm thần và bão tố luôn có sức cuốn hút và quyến rũ đặc biệt – họ phức tạp, khó đoán biết, và tâm trí vượt khỏi mọi quy chuẩn thông thường. Hannibal, Grenouille, Javert,… chỉ những nhân vật không bị trói buộc trong phạm vi đạo đức luân lý mới có thể kích thích được lòng suy diễn của tôi – hay ít ra là tôi từng nghĩ như vậy. Nhưng chính lúc đọc xong câu chuyện về Goya, tôi lại phát hiện ra, cái mình thực sự luôn chú tâm là sự phức tạp buộc tôi phải suy nghĩ và phân tích trong một nhân cách mới là cái đẹp dưới trần tục mà tôi ưu ái – không nhất định phải là những người có nhân cách tách biệt với cộng đồng, mà chỉ cần họ có sự phức tạp độc đáo đủ để tôi muốn huy động trí tuệ. Và cũng chính vì thế tôi rất vinh dự được đặt Goya vào hình tượng “người tốt” đầu tiên trong văn học mở lòng cho tôi đến với những thể loại có nhân vật với những tính chất có chút kiểu “anh hùng”. Nói là người đầu tiên là vì mặc dù trước đó có những nhân vật “người tốt” cũng thú vị như Pierre trong “Chiến tranh và hoà bình”, hay Jean van Jean trong “Những người khốn khổ”,…thì cái tốt thuần tuý của họ không đủ khiến kích thích tôi, bởi họ đều là biểu tượng; Còn Goya, Goya là một người có thực, một nghệ sĩ tài năng có thực với những cảm xúc cũng có thực, và được khắc hoạ rất xuất sắc và đầy sống động trong tác phẩm “Nàng maja khoả thân” – cùng tên với một bức trong cặp tranh về nàng maja nổi tiếng nhất của Goya.


Một tác phẩm hay hẳn nhiên có bao điều để nói – bối cảnh lịch sử, sự thay đổi cảm xúc của nhân vật, nhân vật tương tác và những triết lý trong truyện. Với cá nhân tôi, không điều gì quan trọng bằng bối cảnh lịch sử, bởi lẽ môi trường chính là nơi tạo nên con người, và có lẽ chính thời điểm lịch sử đó đã tạo nên một Goya vĩ đại để lại cho chúng ta những tuyệt tác ngày sau.


Câu chuyện viết về khoảng trước khi Goya bước vào thời điểm thực sự sống vì nghệ thuật và kết thúc vào khoảng cái chết của người tình suốt đời của Goya và sự nhận thức đầy đủ của anh về mục đích và nghĩa vụ chân chính trong cuộc sống của mình. Đó chính là vào thời đại khai sáng, khi những tư tưởng bình đẳng, tự do và bác ái đã lên ngôi mạnh mẽ - Hà Lan độc lập từ lâu, nước Mỹ đã giành được độc lập từ Anh, nước Anh đã bước vào quân chủ lập hiến với quốc hội dân bầu, nước Pháp trải qua cách mạng. Ấy vậy mà nước Tây Ban Nha một thời từng hùng mạnh và giàu có nay chìm vào bê tha và đang từng bước suy tàn. Dưới triều đình của vua Charles IV vô năng cùng hoàng hậu Maria Louisa cấu kết với thủ tướng Godoa vì lợi ích cá nhân chứ chẳng hề có chút trách nhiệm nào với đất nước. Sự hỗn độn về tài chính, hành chính ngăn chặn mọi đường phát triển của Tây Ban Nha và đẩy đất nước này vào sâu trong nghèo đói và bất mãn; sự chống đối và khao khát tự do ngày càng dâng cao, nhân dân ngày càng mong mỏi bình đẳng và tình bác ái. Toà án giáo hội của Tây Ban Nha vẫn tràn đầy sức mạnh trong vai trò một chính phủ chuyên chế thứ hai chỉ tập trung vào đàn áp, cướp bóc và áp bức nhân dân một cách trắng trợn. Thời thế phức tạp ắt sinh anh hùng. Chẳng qua không phải lúc nào anh hùng cũng cầm kiếm xông pha chiến trường, anh dũng huân công; và vị anh hùng Goya này chính là như vậy, lấy ngòi bút màu vẽ toan vải để phản ánh hiện thực, lên án bất công và truyền đi những tình cảm mãnh liệt say đắm.


Câu chuyện bắt đầu với một Goya còn non trẻ, nhiệt huyết và đầy tài năng thiên bẩm nhưng lại chưa biết đến ý nghĩa của cuộc đời mình, cũng không hiểu thế nào là mục đích sống, mà thích thú trèo vào thế giới kiểu cách học đòi làm sang mục nát bất chấp thân phận “thấp kém” bình dân. Lúc đó anh chàng vẫn đã hiểu thế nào là trắc ẩn đâu, bởi anh chưa từng đau khổ - chỉ đau khổ mới đem lại một người nghệ sĩ vĩ đại nếu người ta muốn nói đến chủ nghĩa vị nhân sinh trong nghệ thuật hiện thực! Tuy nhiên một sự kiện đấu kiếm với kẻ thuộc tầng lớp cao hơn do tính nông nổi của tuổi trẻ chính là cột mốc đánh dấu sự bắt đầu cho công cuộc thay đổi là nhận thức của chàng hoạ sĩ trẻ này. Và từ đây, sự đặc sắc mới bắt đầu đến với cây đại thụ điên loạn của Tây Ban Nha.


Sự kiện đả thương quý tộc buộc anh phải trốn lên thủ phủ Madrid. Những cảnh tượng của người nông dân khốn khổ và ngu dốt kết hợp với lí do trốn chạy của chính bản thân mình anh đã nhìn ra được một phần vấn đề to lớn của dân tộc mình, đồng thời cũng bắt đầu hiểu được những trò phù phiếm mà anh hằng ưa thích. Anh chứng kiến bọn thống trị quý tộc lợi dụng sự ngu dốt của quần chúng để bóc lột quần chúng, giúp chúng duy trì chế độ nô lệ nhân dân. Nhưng lúc đó trong chàng trai trẻ chỉ mới trỗi dậy sự cảm thông với nhân dân và muốn dùng nghệ thuật để bộc lộ cái đẹp của giai cấp bần cùng và cùng vị thế với mình mà thôi. Anh tìm thấy lại một phần con người trong cái thế giới chân chính là của anh đó và nhận ra anh vẫn luôn yêu nghệ thuật, mà muốn hành động nghệ thuật thì phải có kỷ luật cá nhân – chỉ khi đẩy lùi được những cám dỗ phù phiếm anh mới có thể đối mặt với nghệ thuật một cách nghiêm túc. Nhưng phải nói rõ rằng sự cảm thông của anh lúc này mới chỉ là yêu cái đẹp của quần chúng chứ chưa hề mang tính cách mạng vượt thời thế hay đấu tranh thực sự gì. Anh còn quá trẻ.


Madrid chính là nơi anh bắt đầu làm việc nghiêm túc và xây dựng được tiếng tăm nhờ tài năng của mình, và bắt đầu có những bài học cuộc sống thực thụ. Anh nhận ra rằng con đường nghệ sĩ anh muốn đi không phải dựa vào những thứ đẹp thuần tuý và thị trường, mà anh muốn hướng đến một hình thức nghệ thuật cao cả hơn, mặc dầu thời gian này anh vẫn nhận đủ loại yêu cầu vẽ tranh để sống. Anh cũng trải qua biến cố đầu tiên trong cuộc đời mình là cuộc hôn nhân với Joshephina, em gái của một hoạ sĩ thuộc Hàn Lâm viện. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì vợ anh là một người toan tính và không thấu hiểu tâm hồn nghệ sĩ của anh, còn anh thì ngày càng thân thiết hơn với giai cấp nhân dân “hạ đẳng”. Chẳng mấy chốc một mâu thuẫn khác lại xảy ra trong quán rượu liên quan đến nàng tình nhân mà sau này anh yêu say đắm, nhưng trước khi đến được với nàng anh đã phải khăn gói gia nhập vào một đoàn các đấu sĩ đấu bò để che dấu danh tính. Và trong chính cuộc sống mạo danh này anh mới thực sự hiểu tầm quan trọng của nghệ thuật trong cuộc đời mình, hiểu được khao khát nghệ sĩ trong tâm hồn mình, và chính ở đây đã quyết định mục tiêu cả đời dành cho nghệ thuật của anh. Cũng chính khoảng thời gian này anh hiểu được khoảng cách và sự phân biệt đích thực giữa các giai cấp xã hội. Nhưng anh mới chỉ đi được một đoạn đường bé nhỏ - anh chỉ mới biết mình được sinh ra là để làm nghệ thuật, chứ chưa thực sự có quyết tâm sắt đá dùng nghệ thuật của mình với lý tưởng gì.


Anh lại gặp mâu thuẫn trong cuộc đời lang thang với danh tính giả - nhưng chính lần lưu vong chân chính sang Ý này là một bước chuyển biến vô cùng sâu sắc cho tâm hồn nghệ thuật của anh. Anh cảm nhận được sâu sắc tinh thần tự do bình đẳng ở châu Âu đích thực, nhận thấy toà án dị giáo đã bị huỷ bỏ ở khắp nơi, đặc quyền đẳng cấp đã bị phá tan sau bao cuộc cách mạng đầy rung động. Tâm hồn anh bắt đầu hướng về tự do và bình đẳng, hướng về lý tưởng trở thành một nghệ sĩ thời đại của Tây Ban Nha với khao khát thể hiện những đồng bào Tây Ban Nha của mình. Anh lưu vong mà cõi lòng và tài năng hướng về quê hương tổ quốc; nhưng sự trưởng thành hơn khiến anh suy nghĩ thận trọng hơn và không còn đeo đuổi ý chí nổi dậy cuồng nhiệt nữa. Anh dè chừng quá đỗi và không muốn bạo động. Anh muốn phục vụ đất nước với tài năng ngòi bút chứ không phải lưỡi gươm đao kiếm. Và cơ hội đến khi anh được nữ bá tước Albe giúp đỡ xin lệnh đặc xá để trở về quê hương, bắt đầu thời kỳ đỉnh cao danh vọng trong sự nghiệp và cũng bắt đầu những chuỗi ngày thực sự nếm trải đau khổ chân chính trong những mâu thuẫn và dằn vặt.


Nghệ thuật của anh trong thời kỳ này “phản ảnh trung thực thái độ khinh mạn sâu sắc đối với những nhân vật thuộc tầng lớp quí tộc, thái độ ngạo nghễ và lề thói sống phù phiếm của họ. Người ta cũng nhận thức được qua tác phẩm của anh thời kỳ ấy, tấm lòng ưu ái của nghệ sĩ đối với con người sống ở tầng lớp dưới của xã hội, những người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột, bị hãm trong vòng dốt nát tối tăm. Cùng với ý tưởng nghệ thuật đã chín chắn, quan điểm chính trị của anh cũng có phần già dặn hơn. Anh trở nên khoáng đạt và cẩn trọng, vẫn giữ mối cảm thông và liên hệ sâu sắc với tầng lớp lao khổ dưới đáy xã hội, nhưng anh đã giảm bớt phần cực đoan, đã thấy không cần thiết phải gay gắt chống đối những kẻ giàu sang có quyền thế, không lớn tiếng kêu gào đấu tranh chống

bất công trong đời sống, và tìm cách thay đổi trật tự xã hội một sớm một chiều như trước nữa. Anh hiểu là một cuộc thay đổi lớn lao như vậy phải có những bước tuần tự. Và từng giai đoạn, từng hoàn cảnh cụ thể, phương pháp đấu tranh mềm dẻo mang lại nhiều hiệu quả hơn cách dùng bạo lực kiên cường”. Nhưng anh vẫn luôn sống trong nỗi dằn vặt vì chưa thực hiện được mục đích sáng tạo của mình: đó là bằng tác phẩm thức tỉnh đất nước, tác động vào lương tri giới cầm quyền. Đây phải nói rằng là một mục đích tốt đẹp và mặc dù ôn hoà nhưng có phần hơi ngây thơ, khi hi vọng một giải pháp hoà bình trong một vấn đề cần cách mạng.


Và may mắn để đời nhất của Goya, kiêm bất hạnh vĩ đại nhất của Goya, có lẽ chính là mối tình duyên với nữ công tước quý tộc Albe. Nàng giống anh ở nhiệt huyết và say mê, cũng chung một lý tưởng bình đẳng bác ái, nhưng lại hẳn với anh trong chủ trương; nàng vội vã muốn hoà nhập nhưng lại không thực sự thấu hiểu nhân dân bởi bản thân nàng là một quý tộc và vẫn luôn giữ nguyên quy cách quý tộc, còn anh sống giữa nhân dân và hiểu nhân dân nhưng lại chưa thực sự một lòng sống vì nhân dân, sống vì nhân dân nguyên bản mà mới chỉ sống vì lý tưởng nghệ thuật vị nhân dân mà thôi; nàng có chút nông nổi, chủ trương mãnh liệt và thiên về hướng bạo động một cách nôn nóng, trong khi anh lại quá thận trọng và cầu hoà đến độ gần như là phó mặc cho thời đại tự thay đổi, tự chờ đợi quả Tây Ban Nha tự chín nẫu và sụp đổ; nàng coi chừng và đề phòng nước Pháp có âm mưu xâm chiếm Tây Ban Nha và luôn công khai ủng hộ trực diện mọi phong trào của quần chúng nhân dân, trong khi anh lại có cảm tình một cách ngây thơ với Napoleon với tư tưởng chính trị cũng ngây thơ chẳng kém của một nghệ sĩ khi tin rằng quân nước ngoài có thể đem lại tự do cho dân tộc. Hai nhân vật này có nhiều mâu thuẫn đến đáng ngac nhiên, vậy mà mối tình của họ lại điên cuồng và say đắm hơn tất thảy. Chính từ mối tình si này mà Goya đã bước sang một trang mới, một quyết tâm mới, lý tưởng chân chính vì nhân dân, nghệ thuật phục vụ nhân dân và thời đại!


Chậc thực ra viết quài lảm nhảm hoài về quyển này thì cũng không cần thiết lắm bởi vì thứ nhất là trong truyện viết khá đầy đủ rõ ràng rồi không có gì phải nói nhiều, ai đọc cũng hiểu; thứ hai là lời nhận xét cũng quá thấu triệt và đúng trọng tâm nên viết nữa đâm ra lại thành dài dòng. (Thế nên viết đến đây thì tôi hơi chán, một là vì không muốn toàn chơi copy paste ý từ chính sách mà một cái khác là chẳng kích thích suy diễn gì cả, mặc dù quá trình trưởng thành và mâu thuẫn của nhân vật Goya khá đặc sắc). Tôi viết bài này là muốn nhắm vào hai trọng tâm lớn nhất: chương thứ 11, cảnh Goya và nữ công tước vừa nhảy trên vũ đài trong lễ hội đang ngầm ẩn biểu tình vừa tranh cãi về chính trị, theo tôi là cảnh ấn tượng đặc sắc nhất truyện. Và thứ hai, đó là cái chết của nữ công tước Albe, mà theo tôi là một cái kết khá hoàn hảo.


Thứ nhất, chương 11 cảnh khiêu vũ đặc sắc là vì nó mô tả cả hai đang đều trong đúng ngưỡng “đang trưởng thành”. Lúc này Goya vừa mới thu mình lại với quan điểm chính trị ôn hoà, khác hẳn với nông nổi quá mức của tuổi trẻ, trong khi nghệ thuật lại đến thời điểm có mục đích là đồng cảm với quần chúng nhân dân. Thế nên có thể nói Goya là nhà cách mạng ôn hoà, và, nói thẳng ra, có chút quá thận trọng, mặc dầu phải nhìn nhận đúng đắn rằng thời điểm đó ông thận trọng là hợp lý, bởi chính quyền dù thối nẫu nhưng vẫn còn bị các thế lực quý tộc chèn từ trên và nước Pháp chèn từ ngoài, nên chưa đến độ rụng chín hẳn – nhưng cũng phải nói rằng nhờ có hành động hôm đó mà cuộc chiến mới bắt đầu thật sự manh nha. Trong khi đó, nữ công tước Albe, nôn nóng và có chút nông nổi, tổ chức phong trào, thậm chí còn cố tình ăn vận như một nàng maja để cố chứng minh sự hoà mình vào quần chúng nhân dân, nhưng tiếc thay mặc dù nàng có lòng nhiệt huyết thì lại chưa thấu hiểu người dân, nên nàng khơi dậy một ngọn lửa mà nàng không thể kiểm soát cũng không biết đường dập tắt. Và cảnh hai người nhảy với nhau và khẩu chiến trên vũ đài là cảnh hai tư tưởng của thời đại đó đấu chiến nhau nảy lửa – hết sức ám ảnh và đặc sắc.


Thứ hai đó là cảnh cái chết của nàng công nương. Cái chết của nàng kết thúc một mối tình đẹp, nhưng cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để một mối tình đẹp trở thành bất hủ. Hơn nữa, quan trọng hơn cả, cái chết của nàng và hình tượng nàng để lại, tức là hình mẫu trong hai tấm vẽ nàng maja của Goya đã đánh dấu một bước ngoặt lý tưởng vĩ đại của Goya – khi Goya đứng trước toà án pháp hình để tuyên bố lý tưởng nghệ thuật của cuộc đời anh; và bên cạnh đó cái chết đó cũng chính là yếu tố quan trọng hơn cả đưa một Goya từng ủng hộ Pháp và định dựa dẫm vào quân Napoleon để chiếm lại bình đẳng tự do cho dân tộc sang hẳn một con đường tự lực cánh sinh với tư tưởng đóng đinh chặt thép rằng một dân tộc muốn tự chủ tự do thì phải dựa vào sức nhân dân của nó. Đó, theo tôi, mới là tư tưởng vĩ đại nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Goya, chứ không phải là những điều như đồng cảm nông dân hay gì cả. Quan niệm này vào thời điểm đó bao quát toàn bộ tư tưởng nhân dân, hoà vào nhân dân, chứ không còn là một người chứng kiến nữa. Ngòi bút của anh không còn vẽ lại từ lòng đồng cảm nữa, mà là vẽ từ lòng mình trong giữa lòng nhân dân. Đó, chính là điểm cao trào nhất tác phẩm – một điểm cao trào kết thúc một phần cuộc đời của Goya.


Tất nhiên câu chuyện chỉ kể lại một khoảng thời gian quan trọng nhất trong đời Goya mà thôi, từ lúc trước khi anh thực sự nghiêm túc và chân chính sống vì nghệ thuật cho đến khi anh khám phá được cả ý nghĩa và mục đích của nghệ thuật của mình. Cá nhân tôi thì lại theo đuổi lý tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật vị nhân sinh – theo tôi nghệ thuật vị nhân sinh chỉ là một nhánh của nghệ thuật vị nghệ thuật mà thôi; thế nên tôi không đặc biệt thần tượng hay ưu ái Goya. Nhưng phải nói rằng tác phẩm ngắn này khá đặc sắc trong tiến trình giải quyết dòng trưởng thành trong một nghệ sĩ vĩ đại – đem lại cho chúng ta một chân dung sinh động về một con người đã và sẽ sống mãi trong công trình nghệ thuật của nhân loại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét