Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Bông hồng mất tích - Serdar Ozkan



Không độc đáo lắm, tôi thích thể loại truyện biểu tượng khiến người đọc đoán già đoán non hoặc loạn trí trong suy diễn hơn, như kiểu “Mùi Hương” của Patrick Suskind, hoặc loại truyện cung cấp nhiều chi tiết mới lạ thay đổi cả trường kiến thức như 1984 của George Orwell chẳng hạn. Nhưng nói chung cũng là một lựa chọn không tệ - một dạng như khúc nghỉ để tinh thần và đầu óc thả lỏng trước khi tiếp tục lao đầu vào những thứ hết mực “hàn lâm” khác.


Một câu chuyện đơn giản dành cho trẻ con, kể về một cô gái sau cái chết của mẹ thì bắt đầu cuộc hành trình đi tìm người em sinh đôi của cô, mà thực ra là hành trình đi tìm lại chính con người mình. Cô tìm được con người mình từ cách “nói chuyện với hoa hồng”. Nói chung đây là một câu chuyện kinh điển và không thể quen thuộc hơn về một cô gái nhà giàu, xinh đẹp, tài năng, được người người ngưỡng mộ nhưng lại luôn cảm giác cô độc vì nghĩ rằng không ai thực sự hiểu mình, và rằng cô đang bị người khác áp đặt cách sống do tự mình chìm đắm vào kì vọng của người khác. Một ngày khi có một cú sốc lớn xảy ra – trong trường hợp của cô thì là cái chết của người mẹ rất mực kính yêu, và bà nhờ cô đi tìm đứa em song sinh của cô nhưng thực ra ẩn ý của người mẹ là đi tìm chính bản thân cô. Vậy là sau những dấu hiệu bí ẩn, cô quyết định lên đường tìm người đàn bà mà trong thư của cô em gái song sinh kể cho mẹ là đã dạy cô bé cách nói chuyện với hoa hồng để từ đó tìm ra cô bé. Nhưng rốt cuộc cô lại trở thành chính người ở lại để học cách nói chuyện với hoa hồng cùng người phụ nữ một lần nữa, và từ đó ngẫm ra chân lý của cuộc đời cô.


Từ đó, tác giả muốn mô tả một chân lý hết sức đơn giản: hãy sống là chính mình chứ đừng là bản sao từ kì vọng của người khác. Con người thì nông cạn và chỉ đánh giác vẻ ngoài của người khác, chứ không mấy khi trân trọng bản chất thật của nhau. Nếu không tự trân trọng bản chất và ôm ấp ước mơ cũng như con người mình, chẳng mấy chốc người đó sẽ đánh mất mình mà thôi. Người ta cũng hay tôn vinh Bông hồng mất tích là một Hoàng Tử Bé thứ hai, nhưng không có đâu, Hoàng Tử Bé mang cái phong vị quá đỗi đặc biệt đến độ tác phẩm này chỉ là một bản sao mờ nhạt mà thôi. Mang mác kinh điển, nhưng thực ra lại đơn giản và viết tuồn tuột hết mọi thứ lên từng trang sách, nên không thể nói là có sức cuốn hút lớn để giữ chân người đọc, cùng lắm là để thoả mãn những đứa trẻ ngây thơ.



Giết thời gian thì cũng được. Xuất sắc thì không có.

1 nhận xét:

  1. Đây là một trong số ít quyển mình đang đọc dở thì muốn dừng (vẫn cố đọc hết vì mất công mua). Hành trình nói chuyện với hoa hồng quá siêu thực tới khiên cưỡng, rồi thì nhân vật anh chàng họa sĩ (?) cho vào cũng sáo mòn, chỉ để nhân vật chính có được kiểu người yêu quyến rũ, phong trần nào đó. Đọc phần về ông già và cô gái đang hay hay thì diễn biến sau đó lại lê thê và xa rời phần đầu.

    Trả lờiXóa