Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Shogun - James Clavell


Tôi nhớ từ lâu lắm rồi hình như Mỹ cũng làm một bộ phim có nội dung từa tựa như cuốn truyện này, tên là “Samurai cuối cùng” thì phải. Đại khái là một người châu Âu lạc đến đất Nhật và bị cuốn hút bởi dòng văn hoá huyền bí thuần khiết của con người và linh hồn Nhật. Tuy nhiên cái thời lượng giới hạn của thế giới phim ảnh đã khiến câu chuyện trở nên hời hợt với cái bài anh hùng ngoại quốc muôn thuở. Chỉ khi đọc đến Shogun, tôi mới phần nào có thể nhìn thấy cả một khung cảnh sâu sắc hơn về sự va chạm của các nền văn hoá.


Shogun là một quyển sách quá dài để có thể phân tích, và quá rộng để có thể chú tâm vào một mặt nào đó: dù là về văn hoá, tinh thần dân tộc, chính trị, nhân vật, tình huống hay bối cảnh. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng trong khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết, thì Shogun đã làm rất xuất sắc việc xây dựng cả một thiên truyện đầy chi tiết và dã tâm. Điều khiến Shogun nổi bật nhất có lẽ chính là sự đối đầu hết sức chân thực giữa hai nền văn hoá Đông Tây.


Về văn hoá, tôi khá ngạc nhiên là mặc dù tác giả không phải người Nhật, nhưng dường như đã nắm được phần nào đó rất sâu sắc những tinh tuý trong văn hoá và tư tưởng của người Nhật, và chúng được mô tả hết sức tinh tế: từ ẩm thực thuần tuý cho đến những hình ảnh samurai, những lãnh chúa, những mối quan hệ giữa các giai cấp với nhau, những khía cạnh độc đáo như trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo, nghề kĩ nữ, nghệ thuật xử thế, nghệ thuật giao tiếp, thần đạo Shinto… nhưng cái quan trọng hơn, tác giả không chỉ đi vào cái hình thức bên ngoài của những thức “đạo” đó, mà nhìn ra được cái tinh tuý của sự “hài hoà” chân chính bên trong từng hoạt động tu dưỡng tâm tính của Nhật: sự tôn nghiêm, lòng thuần phục, sự hiến dâng và lòng tận tuỵ.


Về tinh thần dân tộc, có lẽ phải nói Nhật là một trong những nước có tinh thần dân tộc sâu sắc và cực đoan hiếm có – cái sự tập trung và đồng lòng hiếm thấy trong con người Nhật kiên cường và cứng rắn một cách đáng sợ. Điều này thể hiện cực kì rõ ràng qua cách thức xử lý tình hình chính trị trong nước. Bối cảnh câu chuyện là một khúc lịch sử tôi đặc biệt thích thú – lúc Nhật đang hỗn loạn gần bước vào cuộc chiến tranh giữa các Shogun, thì một anh chàng người Holland xuất hiện và gia nhập vào làn sóng chính trị đó: và chính sự xuất hiện của anh chàng này mà ta nhìn tổng quát được cả tình hình chính trị châu Âu bấy giờ và nó tham vọng thâm nhập vào Nhật nói riêng cũng như châu Á nói chung ra sao. Trong khi Nhật đang âm thầm nội chiến, Thiên Chúa giáo châu Âu cũng đang khủng hoảng giữa Công giáo và Tin Lành – và thời điểm đó đang là đỉnh điểm mây thuẫn giữa nữ hoàng Elizabeth I của Anh giáo và Phillipe II của Tây Ban Nha theo Thiên Chúa chính thống. Sự xuất hiện của anh chàng người Holland theo phe người Anh chống lại Công giáo đã khiến tình hình nội chiến của Nhật vốn đã đủ phức tạp nay còn vướng thêm cả mâu thuẫn giữa hai phe phái tôn giáo phương Tây – và vấn đề ảnh hưởng nhất chính là ở chỗ, Công giáo nhờ đã cắm rễ mọc mầm trong xã hội Nhật thông qua buôn bán thương mại với Trung Quốc nên có ảnh hưởng không hề nhỏ đến tình hình trong nước; vậy mà khi một kình địch của Công giáo – Khách Cách xuất hiện, lập tức kiềng chính trị Nhật trở nên sôi sục cạnh tranh ngầm. Nói chung, vài câu mô tả thì nghe đơn giản, nhưng cái cách tác giả mô phỏng tình hình chính trị trong truyện mới thật đầy mưu mô, đầy tài tình làm sao, khiến tôi vốn là một người học chính trị mà cũng phải đến nửa quyển mới bắt đầu vẽ được cái khung ngoài của truyện.


Về nhân vật, không thể phủ nhận rằng tác giả nắm rất chắc và diễn tả vô cùng xuất sắc các nhân vật trong truyện. Với bút pháp mô tả tâm lý tư tưởng hết sức nhuần nhuyễn, từng nhân vật hiện lên độc đáo và đặc sắc, mang đậm chất cá nhân, và được nâng lên tầm biểu tượng của cả một ý thức hệ: Blackthorne là hình tượng của dân tộc Anh và người theo đạo, Mariko là người đàn bà mẫu mực kiểu Nhật, Toranaga là một tay mưu cơ điển hình thâm nho đầy chất Nhật,… không một nhân vật nào là không thể trở thành biểu tượng, và tất cả đều được khắc hoạ chân thực như người thật.


Về tình huống cũng xuất sắc không kém – trên đời không nhiều người tự tin viết được về sự va chạm của các nền văn hoá, vì không một người ngoại lai nào dám nhận mình thấu triệt văn hoá của một dân tộc bản địa như chính người bản địa. Nhưng với sự lựa chọn hết sức tham vọng, lại còn lựa chọn một nền văn hoá có thể nói là khác biệt và thần bí nhất châu Á, James Clavell, phải nói là hết sức thành công, đã đi được vào tinh hoa của những mặt nổi bật nhất trong văn hoá Nhật, để từ đó so sánh với văn hoá Tây phương. Điều độc đáo ở chỗ, ông đã mô tả được sự thuyết phục của một nền văn hoá đối với con người: chúng ta nhận thấy rằng sau những khó hiểu khác biệt ban đầu, Blackthorne khi dần hiểu được con người Nhật đã thật sự bắt đầu trở thành một người Nhật. Nói cách khác, tác giả không bị đi theo mô típ “thuyết phục” người bản địa thường thấy theo kiểu anh hùng chính nghĩa, mà là sự thật rằng một con người bị thay đổi theo bối cảnh và vùng đất họ sống trên nó. Nhưng tất nhiên, Blackthorne vẫn là một người Tây, trong anh vẫn còn ghi nhớ nền văn hoá Tây phương đã nuôi dưỡng anh từ tấm bé. Anh trở thành một hình ảnh dung hoà, độc đáo và cá biệt.



Tóm lại, vài lời không thể thể hiện được hết tinh hoa của cuốn tiểu thuyết, nhưng trong tầm khả năng cá nhân lại không thể viết nổi một nghiên cứu tốn thời gian, nên có lẽ tố hơn cả là dừng tay sớm để cái tinh tuý trở thành một phần trong kí ức.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét