Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

David Copperfield - Charles Dickens


Tôi lấy làm lạ khi mình có thể đọc được hết David Copperfield chỉ trong gần ba ngày ngắn ngủi. Thực ra có lẽ cũng không đến mức đáng ngạc nhiên lắm vì, quỷ tha ma bắt, ký túc chỗ tôi mất mạng, và các quý bà phục phịch nồng hậu dù có tận tuỵ đến đâu cũng không thể thay đổi được cung cách làm ăn chậm chạp kiểu Ý. Tóm lại, cái thời gian vật vã vì thiếu mạng đã đẩy mức tập trung của tôi lên cao độ khi đọc liên tục không ngừng nghỉ hai mươi ngàn trang sách đặc chữ xen giữa những bản nhạc bất tử trong Nodame Cantabile.


Tôi không có ý định nói quá nhiều về tác phẩm, bởi thực ra là nó quá-dài đến độ chắc chỉ cần kể tên nhân vật và các mối quan hệ trong truyện ra cũng đi đứt cả trang A4. Hơn nữa, bất chấp việc nó là một câu chuyện tuyệt hay về cuộc đời của cả một con người (được khẳng định mạnh mẽ là tái hiện lại phần nào chính con người và cuộc đời của Charles Dickens), thì tôi vẫn phải thú thực có lẽ tác phẩm này là một tác phẩm đọc để say mê, để đắm chìm, để tìm về những cảm xúc sơ khai giản dị để rồi để nó chìm vào sâu trong kí ức – hay nói phũ ra là để giải trí và rồi để lãng quên. Tôi không có ý nói rằng nó không đủ đặc sắc để nhớ, mà chẳng qua nó là một câu chuyện hồi ký thuần tuý đến độ dường như sau khi đọc xong tôi không biết mình đã thu lượm được cái gì ngoài những suy diễn đạo đức cũ kĩ cứng nhắc về thể loại tiểu thuyết mang màu sắc cổ tích hay không. Nếu là ngày xưa cũ, tôi sẽ thấy không còn cái hân hạnh nào cao quý hơn phân tích những bài học đức hạnh giản dị của những nhân cách được khắc hoạ sống động trong truyện; nhưng ngày nay có vẻ đầu óc tôi đã quá lệch lạc đến độ những đức hạnh đó chỉ còn là những hình ảnh đơn thuần tinh khiết để lưu luyến và giải trí mà thôi.


Trước đó tôi từng đã từng đọc Oliver Twist của Charles Dickens và theo một cách nào nó tôi rút ra được một ấn tượng chung về tác gia được cả đất Anh yêu mến này: đó là tính chất cổ tích và tươi sáng trong truyện của ông. Thực vậy, mặc dù người ta có thể nói nhiều về sự trào lộng của ông khi đối diện với thực tại đất nước – nhưng lấn át hơn cả lại chính là cái màu sắc kịch nghệ đặc chất Anh và cái hơi hướm cổ tích trong truyện của ông. Sự phân biệt rõ ràng trong các đức tính, quan điểm của các nhân vật của ông khiến câu chuyện dù miêu tả hiện thực nhưng lại mang đậm chất cổ tích: hoặc là có đầy đủ những đức tinh giản dị tốt đẹp, hoặc là xấu xa gian trá đến một điểm khó có thể tha thứ, và thường những điều đó được thể hiện rõ rệt đến nỗi chỉ cần đọc cách ông miêu tả thói quen và cách hành xử của nhân vật cũng đã lập tức cảm nhận được. Các nhân vật của ông thường hiếm khi có thay đổi về mặt tính cách, mà thường tính cách của họ xuyên suốt từ đầu truyện đến cuối truyện, thậm chí đến ngay cả cách suy nghĩ cũng đi theo tính cách một cách trọn vẹn đến độ ta có thể coi rằng các nhân vật của ông đều có một cái khung hoàn thiện và vững chãi.


Bên cạnh đó, khác hẳn nhà văn trào phúng cùng thời với ông là William Thakeray với “Hội chợ phù hoa” lừng danh, Charles Dickens hướng ngòi bút chủ yếu tới tầng lớp dưới và thường đưa ra cả các quan điểm về cuộc sống, về giáo dục, đặc biệt nhắm tới chủ đề về trẻ con và người nghèo. Ở ông có một tình thương trìu mến nhưng hơi yếu đuối kiểu con chiên với những người bình dân, thông qua cách ông xử lý các tình huống là luôn hướng tới sự nhẫn nhịn, chịu đựng, đón nhận và ngoan đạo, và thường là có kết thúc tốt đẹp. Ngoài ra, dù ông có vạch ra những sai sót của giai cấp trên đến đâu thì câu chuyện của ông vẫn có những nàh tư sản đỡ đầu tốt bụng, chứng tỏ ông vẫn rất khoan dung với những vấn đề xã hội, chứ không châm biếm sâu cay kiểu Thakeray. Thế nên ta chẳng lạ gì khi những con người tốt đẹp trong David Copperfield được đền đáp xứng đáng, kẻ ác được trừng trị thích đáng, và cái “hiện thực” nhất trong truyện có lẽ là vài ngoại lệ nhỏ bé như nhân vật Ham trung hậu lại phải chết (những cũng chết trong vinh quang do hành động nghĩa hiệp), hay an hem nhà Morson lại tiếp tục hành hạ những con người khác. Tâm lý của nhân vật, quả thực tôi không mê cho lắm, có lẽ vì cái đầu óc thích phức tạp hoá vấn đề một cách không cần thiết của tôi đã bị rối rắm hoá nhờ những cuốn tiểu thuyết hơi tâm thần. Thế nên ngoài việc tìm thấy được cảm xúc hài hoà dịu dàng qua những quan điểm đạo đức ôn hoà và giản dị trong truyện của Charles Dickens, thì tôi không có đặc biệt ưa thích nhân vật nào trong truyện cả. Hoạ chăng chắc là có bà cô Bessy độc đáo của David – một bà cô khá đặc biệt trong truyện, vừa tự do tự tại, vừa khác người lại vừa có cái mềm yếu của một người đàn bà.



Cái tôi phục nhất ở Charles Dickens không nằm trong những điểm nhìn trong truyện của ông hay những con người đạo đức trung hậu trong truyện của ông, mà là cái bút pháp tài tình giữ chân người đọc của ông. Trên đời này có nhiều tác gia với sa số những cách thể hiện tác phẩm khác nhau, nhưng bút pháp của Charles Dickens có cái gì đó khiến người ta rất khó dứt. Đọc truyện của Charles, tôi thấy mình như đứng ở một điểm khách quan, một người qua đường tình cờ nghe lại câu chuyện đời của một con người chưa quen biết; và thú vị thay câu chuyện đó êm ái như lời tâm tình ngay cả những tình huống sóng gió nhất. Tôi tin ông là một tác giả sinh ra vì tâm hồn của những đứa trẻ và tinh thần của những người trưởng thành. Giải trí, sâu sắc, nhẹ nhàng và giản dị, Charles Dickens như một món ăn giản dị trên bữa tiệc văn chương phong phú của mọi thời đại.

1 nhận xét:

  1. Mình mới chỉ xem phim chuyển thể các tác phẩm của Dickens thôi, nhưng đúng là tính cách các nhân vật đều được ông cố tình đẩy đến độ điển hình. Biết vậy mà vẫn thích, vì cái quan trọng là âm hưởng xã hội trong đó rất hay.

    Trả lờiXóa