Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Chữ A màu đỏ - Nathaniel Hawthorne


Nếu không phải một người yêu thích tâm lý thì có lẽ “Chữ A màu đỏ” cũng không thực sự ấn tượng lắm, vì phải nói rằng với cấu trúc truyện khá đơn giản và không mấy gay cấn thì “Chữ A màu đỏ” khó có thể tạo nổi kích thích trong khi đọc. Cá nhân tôi lại rất thích tâm lý học, và theo chủ ý cá nhân, “Chữ A màu đỏ” xứng đáng được xếp vào danh mục những tác phẩm mô tả tâm lý xuất sắc nhất mọi thời đại. Và như tôi đã nói trước kia, một nhà văn vĩ đại là một nhà văn phải tạo nên được một nhân vật như thật và thấu hiểu nhân vật như chính bản thân, thì không còn nghi ngờ gì nữa, “Chữ A màu đỏ” đã đưa tác gia Nathaniel Hawthorne lên hàng những tác gia đáng chú ý nhất trong lịch sử văn học Mỹ nói riêng và văn học thế giới nói chung.


Nền tảng đáng chú ý nhất góp phần tạo nên những biến động tâm lý của ba nhân vật chính chính là tôn giáo. Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong không khí đặc mùi Thanh giáo: một nhánh của Cơ Đốc giáo chú trọng vào đức tin thuần tuý thay vì lý trí. Cái đáng trách lớn nhất của tôn giáo nói chung có lẽ là nằm ở chỗ sự cực đoan có thể khiến một tâm hồn không tha thứ nổi cho bản thân, và cũng không tha thứ cho người khác – có lẽ vế hai hơi tiêu cực và hẹp hòi; những người theo đạo hoặc những người có xét đoán có thể sẽ phản bác lại tôi rằng điều này là hoàn toàn vô lý khi các tôn giáo đều được xây dựng trên tình yêu và lòng khoan dung; tuy nhiên trong trường hợp đức tin Thanh Giáo cực đoan được mô tả trong truyện thì tôi phải nói rằng tôi không có cách nào khác để diễn tả mặt xấu trong cách con người lý giải tôn giáo (xin hãy chú ý rằng tôi muốn nhấn mạnh đến cách lý giải và xây dựng tôn giáo của con người chứ không phải bản thân tôn giáo). Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng tôn giáo đồng thời cũng là cái gánh nặng được hệ thống hoá của lương tâm mà ngay cả nhiều học giả đầy duy lý cũng phải thừa nhận vô điều kiện, bởi nó không chỉ là một công cụ thống trị hiệu quả mà nó còn là thước đo đạo đức khắc nghiệt và chính đáng để răn dạy con người – tất nhiên cũng chỉ trong chừng mực do con người tạo ra thôi. Quả thực mà nói, đôi lúc tôi phải ngạc nhiên trước thói ảo tưởng và tâm lý quái đản của con người. Nhưng thôi cũng nhờ vậy mà lại sinh ra nhiều thứ vui để mà tán phét như thế này.


Nhân vật trung tâm hiển nhiên là người phụ nữ trong cộng đồng Thanh Giáo ở New England tên là Hester Prynne. Chị đã ngoại tình trong thời gian chồng chị đi làm xa, và khi kết quả của mối tình thiếu đạo đức đó là bé Pearl được sinh ra thì chị cũng bị lôi lên cái bục ô nhục để cả thiên hạ phỉ nhổ và khinh bỉ. Cái án cho tội nghiệt chị đã phạm phải là chị phải suốt đời mang trên ngực áo chữ A màu đỏ đại diện cho tội ngoại tình như một thứ để nhắc nhở chị về thân phận một kẻ thiếu đạo đức đáng tủi hổ. Thế nhưng, hình tượng người đàn bà đó là một hình tượng tuyệt đẹp trong văn học về nghị lực của người phụ nữ và về sự chi phối quái ác của tôn giáo vào lương tâm. Về nghị lực người phụ nữ, ai đọc thì cũng có thể tuôn ra dài diễn văn vô tận để bào chữa cho tội lỗi mà người đàn bà mắc phải do thật lòng yêu thương hay cái gì đó tương tự thế, hoặc đại khái là cách Hester đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc sống. Đúng, đó là một người phụ nữ hết sức nghị lực khi dám nhận mọi tội lỗi về phía bản thân để bảo vệ cho danh tiếng và sự nghiệp của người đàn ông đã cùng chị sa ngã, dám đơn thân đối mặt với mọi sự tra tấn tinh thần của thiên hạ và của chính bản thân để nuôi dạy đứa con gái – kết quả của mối tình ô nhục. Chị cũng là một người đàn bà hết sức cương nghị, không chút hối hận về hành động của mình, mà coi chính lỗi lầm là một sự răn dạy để sống thanh bạch, hàm hậu, trung thực và cống hiến vì nhân loại như một nữ thánh sống. Đối với chị, cái tội lỗi đeo trên ngực chị không phải một thứ định nghĩa con người chị, mà nó chỉ là một dấu hiệu lỗi lầm có thể chuộc lại được bằng cách sống sao cho xứng đáng, vì nếu sống đủ xứng đáng thì tự nó sẽ mất đi hoặc biến thành một cái gì đó mang ý nghĩa khác. Như vậy ta có thể thấy được sự tích cực trong tinh thần của một người phụ nữ dùng những cách thức suy nghĩ tiêu cực bị tôn giáo chi phối để trừng phạt chính bản thân mình – chính từ điều này sẽ khiến người đọc buộc phải ý thức rằng, phải chăng không phải tội lỗi là điều không thể tha thứ được, hay do định kiến của giáo lý biến nó thành không thể tha thứ?


Vậy là, ta phải nhìn nhận lại cho rõ ràng: nguồn khởi gây nên sự tự ngược tâm lý của nhân vật bi kịch Hester Prynne phần nhiều đến từ cách con người lý giải và ấn định giáo lý tôn giáo. Tất nhiên khi mắc tội, toà án lương tâm sẽ dằn vặt và khiến con người hối hận, nhưng qua sự can thiệp của giáo lý tôn giáo do những kẻ cuồng tín đặt ra, thì sự tha thứ lại bất khả đạt được. Rõ ràng tôn giáo luôn đề cao sự khoan dung và cầu xin sự xá tội của Chúa, và rằng chỉ có duy nhất Đức Chúa nhà người được phép phán xét tội nghiệt của một linh hồn, nhưng chẳng rõ rành rành ra rằng giáo hội Thanh Giáo đã cướp đi cái quyền phán xét của Chúa để ấn định tội nghiệt vĩnh cửu cho một người đàn bà lầm lỡ hay sao? Và chẳng phải chính giáo lý của loài người đã nhào nặn cái đầu óc của người đàn bà đó theo hướng khắc kỉ và khuôn phép đến mức chính chị cũng không tha thứ được mình còn gì? Qua sự “gia công” của tín điều khổ hạnh, cảm giác tội lỗi được phóng đại lên gấp nhiều lần và cứ mặc sức đay nghiến, dày vò và tàn phá tất cả những điều tốt đẹp trong linh hồn của người đàn bà ngoan đạo đó qua con chữ A vô tri và qua đứa con gái xinh đẹp rạng rỡ của chị.


Nhưng Hester vẫn sẽ chỉ là một trong số những con chiên ngoan đạo mù quáng tẻ đến tẻ nhạt nếu chị rơi vào trạng thái tự hành xác sau tội lỗi hay cái gì đó đại loại như thế. Hester, đúng vậy, tự buộc mình trong trạng thái đau khổ và tự lên án liên tục, sống thanh đạm một cách triệt để, nhưng những hành động của chị lại cực kì tích cực. Chị cống hiến tinh thần, sức lao động và tâm trí vào việc giúp đỡ và, như chúng ta có thể nói, ban phước cho người khác. Khi lựa chọn cách sống “vị nhân sinh” quên mình như vậy, ta có thể nói Hester đã trở thành một biểu tượng một nữ thánh tuẫn táng cá nhân vì nhân loại. Chị lựa chọn cách thức dùng hành động để chuộc lại ô danh lỗi lầm của chị. Sau một thời gian dài sống vì con và vì người khác một cách thanh khiết, tiếng xấu của chị dần dần lại biến thành tiếng tốt – bàn tay của thế gian và lương tâm của chính chị đã chỉ định chị trở thành một Bà Phước tốt lành đem đến sự chăm sóc, ân cần và tận tuỵ. Cái đáng nói ở đây là, vì chị tự nguyện hiến thân đến một mức độ gần như là hành xác, nên cách nhìn của công chúng đối với chị cũng dần dà biến đổi thành sự tha thứ và đồng tình – loại đồng tình thương hại và yêu quý của những kẻ giáo điều với nạn nhân biết sám hối của chúng. Điều này biểu hiện cho hai điều lớn nhất, thứ nhất là chân lý rằng, ngay cả dưới vỏ bọc tội lỗi và ô nhục cũng có thể có một tâm hồn vị tha và thánh thiện; thứ hai, điều này còn là một điểm chốt quan trọng thay đổi tinh thần và cuộc đời của Hester. Chính từ sự biến chuyển trong quan niệm của thiên hạ - tương đương với sự thừa nhận rằng không phải cứ giáo điều được lý giải bởi con người là đúng, tương đương với một sự phủ nhận tính cưỡng chế và khắc nghiệt của tôn giáo loài người – đã mở ra cho Hester một thế giới tinh thần mới, vừa có đạo đức của tôn giáo lại vừa có tự do của tư tưởng. Đây chính là điều thú vị nhất trong thay đổi tâm lý của một con người; khi mà người ta nhận ra một điều gì đó lớn lao hơn cái khuôn khổ hẹp hòi được định nghĩa bởi kẻ khác.


Từ sự cô độc do bị chỉ trích và chê trách cho đến sự cô độc do đức tính khiêm tốn hạ mình của người phạm lỗi trong vòng thương cảm có khoảng cách của xã hội, những tình cảm mềm dịu của một người đàn bà bên trong Hester dần dà bị nén xuống tận đáy sâu tâm hồn, chỉ còn để lại những cảm giác nguội lạnh cứng cỏi – từ đam mê chuyển mình sang lý trí. Luật lệ của tập tục tôn giáo đã không còn hiệu lực gì mạnh mẽ với chị nữa. Sự trơ tọi giữa thế gian với niềm vô vọng trong phục hồi địa vị xã hội và trách nhiệm với đứa con thơ vừa lại đại diện của tình thương vừa là quả đắng của tội lỗi đem đến cho chị những tư tưởng tự do hơn trong suy xét và phán đoán. Những câu hỏi về quyền của người phụ nữ bắt đầu manh nha trong đầu óc của người đàn bà cả nửa đời bị giáo lý và tội nhục dằn vặt đó; những băn khoăn trăn trở về quyền hạn của người đàn ông trong xã hội, về sự tha thứ, về phẩm chất con người bắt đầu cuộn xoáy và đôi lúc đẩy Hester vào ngõ cụt lý trí, bởi lẽ xã hội Thanh Giáo còn khép kín của chị vẫn chưa được tiếp nhận đầy đủ ánh sáng giải phóng và văn minh mới từ bờ bên kia Đại Tây Dương (thế kỉ 17 đang là thế kỉ của chủ nghĩa lãng mạn, tôi sẽ nói về bối cảnh ở phía dưới sau). Giờ đây, cái đè nặng chị không còn là định kiến của toà án con người nhân danh Chúa nữa, mà chỉ còn là lương tâm của một người đàn bà ít nhiều vẫn còn bị ảnh hưởng bởi giáo lý khắc khổ mà thôi. Chúng ta hãy chú ý vào điều mà chị nhận thức được, điều được đánh dấu là điểm chuyển mình sang chủ nghĩa cá nhân của Hester: trách nhiệm với lương tâm của chị chứ không phải trách nhiệm với thế gian. Điều này được thể hiện qua câu nói hết sức bản lãnh của chị: “Nếu tôi xứng đáng được giũ nó đi, thì tự nó sẽ mất đi, hoặc biến thành một cái gì đó nói lên ý nghĩa khác” (ý chị nói về chữ A trên ngực áo chị).


Ngoài ra sự tiến bộ trong tư tưởng tự do thiên về lý trí hơn là đức tin mùa quáng của Hester còn thể hiện ở hai sự kiện: thứ nhất là chị không đồng tình với nỗi cắn rứt lương tâm của mục sư Dimmesdale – vị mục sư phụ trách phần hồn của chị, cũng chính là đồng phạm ngoại tình của chị, cha của bé Pearl; và thứ hai là hành động nổi loạn: bứt chữ A màu đỏ trên áo và ném xuống đất khi gặp gỡ và cảnh báo Dimmesdale. Sauk hi đã vượt khỏi được cái giếng ý thức hạn hẹp khi giáo lý đóng khung, với Hester, chỉ còn có Đức Chúa có quyền được phán xét tội lỗi của họ, và nỗi cắn rứt lương tâm của Dimmesdale là hoàn toàn không thoả đáng, bởi lẽ, theo thiển ý cá nhân, tôi cho rằng Hester không đồng tình với việc Dimmesdale cho tình cảm giữa hai người là một tội lỗi; có là tội lỗi thì chỉ là hành động, mà rõ ràng Dimmesdale tự trừng phạt mình không phải vì hối hận trước tội yêu Hester, mà là hối hận vì không dám sống thật với bản thân mình, nhưng lại cứ huyễn hoặc rằng tình cảm giữa hai cá nhân là sai trái, là vô đạo đức. Trong trường hợp này thì câu nói “điều chúng ta đã làm có một tính thánh hoá của riêng nó” của Hester khi hai người gặp gỡ trong rừng chính là lời khẳng định tính thần thánh quý giá của tình yêu, và với Chúa, tình yêu là không bao giờ sai trái; hoạ chăng chỉ có cách đạt đến tình yêu đó có sai trái hay không mà thôi.


Đỉnh cao của sự thay đổi tư tưởng đó chính là khao khát muốn trốn đi của Hester cùng với Dimmesdale và bé Pearl. Đó có thể được tính là một hành động hoàn toàn “nổi loạn”, bứt phá khỏi khuôn khổ tôn giáo để đi tìm một cuộc sống mới. Nhưng ta hãy chú ý: bé Pearl – hình thể hoá của chữ A màu đỏ - không chịu nhận mẹ khi chị vứt chữ A màu đỏ trên ngực xuống đất. Điều này dấy lên một câu hỏi: có thật là chị nổi loạn để đi tìm hạnh phúc hay không? Câu hỏi này tôi cũng không có câu trả lời chuẩn xác, bởi lẽ giờ đây chữ A màu đỏ đã không còn là biểu tượng của sự ô nhục trước thế gian nữa, mà chỉ còn là đòn trừng phạt của cá nhân chị áp lên mình mà thôi. Tôi lờ mờ nghĩ rằng, thẳm sâu trong lương tâm của Hester vẫn còn dây xích của nền tảng đạo đức đúc kết từ tôn giáo, và lương tâm đó đang báo động rằng tư tưởng tưởng như truy tìm cuộc sống mới của chị cùng Dimmesdale lại thực ra chỉ là một hành động trốn chạy do niềm thương hại với người đàn ông tự hành hạ mình suốt bảy năm ròng. Chị đã trung thực với tội lỗi của mình trong suốt thời gian bị trừng phạt, và chính sự đối mặt đầy bản lãnh của chị trước tội lỗi đó là nền tảng của tinh thần Bà Phước khiến chị trở nên tốt đẹp hơn. Chính lúc đó chị lại muốn chạy trốn, và đột nhiên lương tâm thầm kín trỗi dậy. Chứng minh cho điều này chính là sự quay lại của chị vào những năm cuối đời sau khi bé Pearl đã có cuộc sống riêng tư hạnh phúc chỉ để tiếp tục cuộc sống cô độc đạm bạc ở chốn xưa kia từng giày vò chị giữa hai luồng tư tưởng mới cũ. Tôi ngầm đoán rằng đây cũng là tư tưởng vẫn còn mang nặng tính chất Thanh giáo của chính tác giả: bất kì tội lỗi nào cũng phải sám hối và chuộc lỗi cả cuộc đời thì mới được tha thứ - không phải để được thiên hạ tha thứ, mà để được chính bản thân mình tha thứ, từ đó xứng đáng đứng trước phán quyết của Đức Chúa một cách trọn vẹn hiến dâng.


Nhân vật chính song song với chị, nhân vật Dimmesdale cũng là một nhân vật đáng chú ý – một tín đồ cuồng tín hèn nhát và không dám thừa nhận tội lỗi của mình cho đến những giây phút cuối cùng. Chúng ta hãy xem xét thật kĩ quá trình suy sụp của người đàn ông ngoan đạo đến bảo thủ đó tự vắt kiệt tinh thần và sức khoẻ của mình vì cảm giác tội lỗi. Nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng anh ta, giống như Hester Prynne, cảm thấy tội lỗi vì hành động ngoại tình ô nhục của mình, và liên tục cảm thấy tội lỗi vì không dám trung thực với bản thân và với thiên hạ khi để Hester một than cô độc đứng trên bục ô nhục trong khi chính anh ta, dưới sự bảo vệ của một người đàn bà thân cô thế cô, lại liên tục thăng tiến trong công danh mang danh nghĩa phục vụ Đức Chúa. Nhưng vấn đề chính là ở chỗ đó – anh không hề sám hối về hành động tình cảm “thiếu đạo đức” giữa anh và Hester, hoặc có chăng cũng chỉ là một phần rất nhỏ chẳng đáng nói, mà cảm giác tội lỗi của anh sinh ra do đấu tranh với giáo lý tẩy não của tôn giáo và sự hèn nhát không dám trung thực mà thôi. Vậy là, không phải luật của Chúa, mà là luật của con người đẩy anh đến ngưỡng khắc kỉ cực đoan, và vì quá tận tâm với tôn giáo và địa vị xã hội của anh mà anh cảm thấy việc mình không hối hận là sai trái. Thú vị nó ở chỗ đấy đấy; nếu bạn coi toàn bộ tiến tình đau khổ của anh chỉ đơn thuần là do anh cũng cảm thấy ô nhục như Hester nhưng do không dám trung thực nên tự hành xác thì có phần khuyết thiếu, và như vậy thì tâm lý còn người quá dễ đoán, còn gì mà tìm hiểu nữa chứ?


Bên cạnh đó, ta cũng có thể thấy được một luồng cảm xúc tội lỗi khác trong con người Dimmesdale mà Nathaniel phán xét nhiều hơn là thương cảm, đó chính là tội hư danh. Trong lý thuyết bảy nguyên tội, hư danh được coi là tội lỗi lớn nhất, bởi đó là tội tự phán xét hành động thay vì giao mình cho sự trung thực dưới mắt Thiên Chúa. Dimmesdale đã mắc phải tội hư danh vì đã đạo đức giả suốt bảy năm ròng – ngay cả khi anh ta tự hành hạ mình để ép mình luôn bị giày vò bởi mặc cảm tội lỗi, thế nhưng anh ta vẫn sống đủ bảy năm trong danh tiếng lớn lao và địa vị cao quý. Trong khi vị nữ thánh sống Hester luôn bị khép vào vòng cô độc ngay cả khi đã được tha thứ và đồng tình, thì Dimmesdale – với vẻ ngoài đạo mạo, u sầu và thánh khiết nhưng bên trong lại nhơ nhuốc và tràn ngập những điều đáng hổ thẹn – lại được tôn sùng và thờ lạy như tiếng nói được vật chất hoá của Chúa. Qua những cách hành xác khắc nghiệt của Dimmesdale, ta có thể thấy được Nathaniel muốn nói lên một trong những lời răn của Thanh giáo: con người chỉ có thể được cứu rỗi nhờ sự hoàn toàn khiêm nhường và khuất phục trước ý chí của Đức Chúa để cầu xin sự tha thứ của Người mà thôi. Dimmesdale không trung thực với chính mình, lại còn nghi ngờ quyền năng của Chúa khi cảm thấy không hề tội lỗi trước giáo lý được tạo ra bởi con người. Có lẽ đây là điểm quan trọng nhất trong thế giới tư tưởng của Dimmesdale – anh lẫn lộn giữa bản thân Đức Chúa và sự “giáo lý hoá” Đức Chúa của tôn giáo loài người.


Chính ở thời điểm khi Hester tác động vào tư tưởng của Dimmesdale là thời điểm Dimmesdale được “sáng mắt”. Anh phát hiện ra mình đã rời bỏ chính Đức Chúa và giam mình trong khuôn khổ giáo lý nên mới đau khổ đến vậy, và sự thay đổi của anh đến chóng vánh đến nỗi nó mang một màu sắc gần như tiêu cực, bởi lẽ anh lập tức cảm thấy giễu cợt và chế nhạo cái không gian tôn giáo mà cả đời anh đã hiến thân. Sự nhận thức này đến với anh rõ ràng hơn là đến với Hester, cũng mạnh mẽ hơn Hester. Anh gần như đã quyết định sẽ trốn chạy với Hester và bé Pearl để làm lại cuộc đời. Thế nhưng, vẫn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi truyền thống Thanh giáo, Nathaniel vẫn viện ra nhiều lí lẽ của lương tâm và luật pháp để giải quyết tư tưởng nổi loạn tức thời của Dimmesdale. Dimmesdale không trốn đi như dự tính, mà quyết tâm ở lại, bước lên bục ô nhục, trung thực với tội lỗi của bản thân rồi chịu chết trong khi yên tâm là đã thắng được chính mình. Đúng, anh đã thắng được sự hèn nhát của chính mình, và phải trả giá bằng mạng sống.


Một nhân vật khác quan trọng không kém và theo tôi là thú vị nhất trong truyện, đó là chồng cũ của Hester Pynne, lão Roger Chillingworth. Như chúng ta có thể thấy, Roger là một nhà khoa học thuần duy lý, gần như không bị kiểm soát bởi đức tin tôn giáo và hoàn toàn là một con người đủ tham sân si độc địa đúng nghĩa. Chà, tôi rất thích cái cách Roger trả thù, không phải bằng bạo lực thể xác cũng không hề ngu xuẩn theo kiểu võ biền, mà bằng cách tra tấn tinh thần từng chút xíu một. Lão trả thù người vợ bằng việc để lại cô ta cho toà án lương tâm và sự phán xét của thế gian, trong khi trả thù Dimmesdale bằng cách khiến cảm giác tội lỗi của anh liên tục kéo dài và hoành hành. Than ôi, có cách trả thù nào tuyệt hảo bằng cách thức tinh tế và khéo léo đó hay sao? Cách cách thức hành hạ tâm trí con người ta đến bước đường cùng của tuyệt vọng và day dứt. Có thể trong mắt bất cứ ai, hắn là một kẻ hèn hạ và đê tiện vì đã không có một tinh thần cao thượng để tha thứ cho hai linh hồn tội lỗi. Nhưng trong mắt tôi, hắn chính xác là một con người với đầy đủ ý nghĩa của từ, một con người thoát khỏi vòng kiềm toả đầy chất “thánh nhân” của tôn giáo và giao mình cho nhân quả thay vào dòng phán xét của nhân loại. Chính nhân vật này lại bị Nathaniel phán xét nhiều nhất, bởi đối với ông nói riêng và có lẽ với tín ngưỡng tôn giáo nói chung, xúc phạm vào cõi thiêng liêng trong tâm hồn người khác mới là tội nghiệt trọng đại nhất. Không được miêu tả nhiều về nội tâm mà chỉ đóng vai trò là một tác nhân trả thù và gián tiếp đẩy Dimmesdale lên bục thú tội, nhưng Roger Chillingworth lại là một nhân vật chính yếu nối kết sự thay đổi của cả hai nhân vật tội lỗi.


Chúng ta nên nhắc ngược lại một chút về bối cảnh xây dựng câu chuyện này. Bên cạnh sự ảnh hưởng của Thanh giáo, câu chuyện dưới ngòi bút của Nathaniel còn là một câu chuyện bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn mới lên ngôi ở Mỹ - điều này lý giải cho việc mặc dù mang nặng màu sắc tôn giáo nhưng lại không hề có chút phê phán quá nặng nền nào vào tội lỗi của con người, mà chủ yếu mô tả tâm lý bị tội lỗi tác động. Chủ yếu nhờ tác động của chủ nghĩa lãng mạn – đề cao vai trò của con người trên thế giới; bởi lẽ trước đó con người hoàn toàn không có giá trị gì mà chỉ có thể mỗi ngày cầu xin sự tha thứ và cứu rỗi của Đức Chúa. Đó chính là lí do “Chữ A màu đỏ” là một tác phẩm đặc biệt, một sự chuyển mình chưa đầy đủ từ Thanh giáo khô cằn sang chủ nghĩa cá nhân, tập trung vào cảm xúc con người khi đối diện với bản thân. Tuy vậy, “chưa đầy đủ” còn có nghĩa là mặc dù đề cao con người nhưng vẫn giữ lại cái nền tảng đạo đức nghiêm khắc của tôn giáo để răn đe con người rơi vào đường trượt dài của kiêu hãnh mà coi thường lời răn của Chúa – tức là của đạo đức.


Bên cạnh đó, phong cách hành văn trôi chảy và lãng mạn cùng với những thủ pháp vận dụng biểu tượng của Nathaniel càng góp phần thành công cho câu chuyện vốn không được tính là dài này. Tôi hứng thú hơn với cách dùng biểu tượng của Nathaniel, nên sẽ chỉ chủ tâm nói về phương diện này. Biểu tượng lớn nhất, xuyên suốt câu chuyện đó chính là biểu tượng chữ A màu đỏ: lúc đầu nó là biểu tượng của một tội lỗi ô nhục để nhắc nhở và răn đe người phạm lỗi luôn phải ý thức được than phận của mình, từ đó biết thân biết phận mà hổ thẹn. Tuy nhiên, trong quá trình hiến thân vị nhân sinh, chữ A trên ngực Hester lại trở thành nguyên nhân thôi thúc chị trở thành người thanh bạch và tốt đẹp để chuộc lại tiếng nhơ thân phận trước mình và trước Đức Chúa. Mở rộng ra hơn, chữ A đó tượng trưng cho những gì yếu kém kiềm hãm sự phát triển, niềm hi vọng, sự vận động tiến lên phía trước của loài người – một biểu tượng của sự bảo thủ, khắc nghiệt và cay đắng, cộp mác lên tâm hồn cá nhân và định kiến của kẻ ngoài cuộc. Nhưng oái oăm thay, nó dần dà lại thay đổi thành một nghĩa khác hẳn, ngược lại với ý nghĩa ban đầu của nó: nó trở thành một biểu tượng nhân hậu, phước lành và cứu chuộc. Quá trình thay đổi ý nghĩa của biểu tượng chữ A cũng là một quá trình trưởng thành của con người nói chung và quá trình đi đến sự cứu rỗi của tôn giáo nói riêng: sự sụp đổ của một con người là sự sụp đổ có phúc, bởi chỉ khi kinh qua tội lỗi và đau khổ, con người mới có thể có được chiều sâu tâm hồn và tầm rộng mở của nhãn quan, mà nếu không va vấp và trải nghiệm thì không thể nào có được. Ngoài ra, kết cấu ba đoạn được phân bằng hình ảnh bục ô nhục cũng hết sức độc đáo: ở đầu câu chuyện, nó là sự trừng phạt; ở giữa câu chuyện, nó là đỉnh cao của nỗi đau; và ở cuối câu chuyện, nó là sự chuộc tội và giải thoát. Những hình ảnh khác cũng mang ý nghĩa biểu tượng không kém, ví dụ như khu rừng mang biểu tượng của sự lạc lối về tinh thần đạo lý: chính là khúc Hester và Dimmesdale gặp nhau trong rừng và muốn chạy trốn, chính là lúc Hester định rũ bỏ tội nghiệt và bé Pearl đã ngăn lại,… Ngay cả chính bé Pearl cũng là một biểu tượng: bé là một chữ A sống, kết quả của mối tình cấm đoán, trái ngọt của tình mẫu tử, lương tâm luôn nhắc nhở và cuối cùng là cuộc sống tương lai mà Hester mong muốn.


Nhưng rốt cuộc câu chuyện vẫn mang một màu tăm tối, vì người duy nhất được giải thoát là Dimmesdale thì chết trong tay Hester trên bục tội hình, còn bản thân Hester vẫn không tha thứ cho mình mà rút về sống ẩn dật để chuộc tội nhân thế. Kết lại câu chuyện, Nathaniel chỉ viết: TRÊN MỘT NỀN, MÀU ĐEN, ĐÂY CHỮ A, MÀU ĐỎ.


Một tác phẩm tâm lý xuất sắc và tuyệt đẹp, đáng để thấu hiểu, trân trọng và nghiền ngẫm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét