Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Vương Nguyên - Pearl Buck


Thường thì người ta đọc sách, người ta thường có ý kiến yêu thích rõ ràng về nhân vật. Tôi nghĩ tôi cũng vậy, hay thường là như vậy. Nhưng phải nói rằng có lẽ Vương Nguyên của Pearl Buck là cuốn sách đầu tiên có nhân vật mà tôi ghét cay ghét đắng đồng thời cũng cực kì yêu thích – ghét là ghét cái nhân cách nhu nhược, sĩ diện, cố chấp, bảo thủ, nông cạn, phân biệt chủng tộc và ngớ ngẩn được miêu tả, nhưng thích là vì nó được miêu tả thật quá, chi tiết quá, chẳng khác gì một nhân cách có thật. Có lẽ đây là sự khác biệt giữa những nhà văn chân chính và những “văn sĩ” hạng hai chăng? Cái khả năng phân tích và nhập thần vào nhân vật quá tinh tế đến độ gây thảng thốt.


Chà, thật sự là tiểu thuyết Vương Nguyên tác động đến tôi khá nhiều – mỗi trang là tôi đều muốn chửi thề, vì tôi khinh bỉ coi thường cái loại người như Vương Nguyên quá. Tôi có người bạn vô cùng ghét những người vô năng ba phải, nhưng trước giờ tôi cũng chỉ đơn giản coi đó là một loại người ở thế giới khác, lờ đi là được, nhưng khi đọc đến Vương Nguyên, tôi cảm thấy như hiểu cái cảm giác ức chế trước những kẻ vô dụng. Nếu nói về tổng quát, Pearl Buck vô cùng xuất sắc khi viết về cái xung đột Đông Tây ảnh hưởng lên nhân cách của Vương Nguyên cũng như cả một thế hệ số đông những kẻ nửa vời, và cái thú vị của quyển tiểu thuyết cũng như bút pháp của Pearl Buck là nhìn vào cái mặt trái trong sự giao hoà thời kì đầu giữa các nền văn hoá khác biệt. Chúng ta có thể viện nhiều lí do xã hội, hủ tục, gia đình để vớt vát cho cái nhân cách rẻ mạt của Vương Nguyên; bản thân tôi cũng nghĩ đến những lí do ngoại cảnh đó quá mạnh mẽ nên biến Vương Nguyên thành một kẻ nhu nhược nửa nạc nửa mỡ, nhưng tôi vẫn chẳng thế kiềm chế được cái nỗi khinh ghét những loại người như Vương Nguyên, cái loại vô dụng đó.


Cuốn tiểu thuyết được viết vào thời kì văn minh châu Âu đang từng bước xâm nhập vào xã hội Trung Hoa, đem đến những cái mới lạ, những tiến bộ gây choáng ngợp cho cái xã hội vốn kín đáo và bảo thủ đó: họ đem đến công nghệ, văn minh, những thói chơi mới, nhưng tập tục mới, những tư tưởng tự do mới mẻ khiến “giới trẻ” ngày càng “nổi loạn” và “độc lập”. Thế nhưng thời kì đó, cái bảo thủ vẫn còn đó, những mục ruỗng từ thời kì trước vẫn âm ỉ nuôi sống tinh thần Cách Mạng. Cục diện đối chọi ba kiềng giữa Cách Mạng, Ngoại Lai và Phong Kiến khiến xã hội Trung Hoa nhộn nhạo và bối rối.


Ngay từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết, Vương Nguyên đã hiện lên là một kẻ nhu nhược, nhỏ nhen, bất hiếu và vô ơn, bất chấp sự thấu hiểu về tình yêu của cha dành cho hắn. Thực ra theo một cách nào đó, tôi cũng là người bảo thủ, và dù không ưng nhiều điều của những hủ tục ngu xuẩn áp chế sự phát triển tự do của con người, tôi phải nói rằng cũng những hủ tục đó phần nào cũng tạo nên được những điều mà cái thời đại tự do ngày nay khó có thể tạo nên nổi, đặc biệt ở nhân cách của những người đàn ông: nhân nghĩa lí trí tín. Tôi thừa nhận số phận của những con người thời phong kiến bị bóp méo khuôn khổ đến mức có phần quá đáng, nhưng chính những thứ đó lại tạo nên những người đàn ông có chí lớn, có trách nhiệm, có tham vọng, có tín có nghĩa; nhưng Vương Nguyên, được nuôi dạy trong những thứ lễ giáo đó lại không nhận thức được nét đẹp của những lễ giáo đó, mà chỉ thiển cận nghĩ đến nỗi khổ bị chèn ép cả nhân. Nói thẳng, khao khát muốn được an bình, muốn được tự do của Vương Nguyên là điều tốt đẹp, cái cách nghĩ bỏ trốn đi cũng chẳng có gì ích kỉ, nhưng cách phủ nhận người cha yêu thương hắn đến mức tiêu cực thì chỉ có ngu xuẩn không hơn. Tôi không thể nhìn ra nổi cái khí chất đàn ông ở một kẻ như vậy. Nhưng chúng ta có thể bỏ qua nếu chỉ là thời trẻ nông nổi.


Nhưng tiếp sau đó, khi hắn bỏ trốn đến nhà người em họ Ái Lan và bà mẹ già nhân từ của em, rồi từ đó về sau, tôi chỉ thấy một kẻ vô vụng, ba phải và nhu nhược. Cái giao hoà mới cũ trong hắn toàn là những thứ vô nghĩa – hắn tiếp cận cái mới ở Ái Lan, ở Thịnh, ở Mạnh một cách hoàn toàn bị động, không chọn lọc, phê phán một cách nhạt nhoà không lí lẽ, và thường là xuôi theo dòng cho xong đứt chuyện. Được bà mẹ Ái Lan hiền từ yêu quý như con, hắn chỉ cảm kích xuông rồi chăm chăm nghĩ vào cái phận an nhàn hưởng thụ của mình, không thèm nghĩ lấy một phân về trách nhiệm, về khả năng, về con đường tương lai. Hắn có cái kiểu nghĩ học sách vở một cách hết sức ngây thơ và bài xích những cái mới một cách yếu ớt, không triệt để.


Pearl Buck đã hết sức tài tình khi khắc hoạ phần lớn một thế hệ ở thời điểm giao thời lạc long, không phương hướng, không tham vọng và chí hướng, hỗn độn trong thế giằng co giữa cái mới và cái cũ. Vương Nguyên là điển hình của cái mẫu nhu nhược, muốn an phận thủ thường với cây cỏ ruộng đất đó, và nếu xét trên bình diện cái tâm thì hắn thực ra là một nhân cách chất phác và rất ít đòi hỏi. Quãng thời gian Vương Nguyên có thể gây được cảm tình với bạn đọc nhất đó có lẽ là khoảng thời gian Vương Nguyên chăm chú vào khu vườn nhỏ và anh bạn tá điền của hắn; chỉ trong cái công việc đó, tâm Vương Nguyên mới thanh thản nhẹ nhàng, mới quên đi được những băn khoăn bối rối giữa những thế cục đang lao vào cấu xé nhau trong xã hội Trung Quốc trước Cách Mạng. Đây, theo ý tôi, còn là hình ảnh tượng trưng của nền tảng cơ bản nhất của mọi xã hội: bất chấp sự thay đổi vùn vụt của thời đại, điều quan trọng nhất là phải có nền tảng vững vàng trên truyền thống tự nhiên, trên truyền thống những điều giả đơn thuần khiết nhất. Bên cạnh đó, ngay cả hình ảnh anh tá điền, bạn của Vương Nguyên trong thời gian Vương Nguyên chăm lo cho cái mảnh vườn tâm hồn của hắn, cũng là hình ảnh đơn thuần của những con người chịu thương chịu khó nhưng không hèn hạ đến mức thất học.


Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cha của Vương Nguyên là Vương Hổ Tướng cương quyết ép chàng trở về lấy vợ; đối với Vương Nguyên và chắc chắn là đối với bất kì một con người hiện đại nào, điều này đều không thể chấp nhận được; cái hủ tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy cướp đi nhân phẩm, tự do, cá tính của mỗi cá nhân; và hiển nhiên Vương Nguyên không hề có chút thích thú gì tuân mệnh cha. Nhưng hắn không tuân mệnh cha là một chuyện, nhưng cái thói quyết tiệt không triệt để và cái máu bị hủ tục cũ bám rễ khiến hắn rơi vào tiến thoái lưỡng nan, và rốt cuộc Vương Nguyên quyết định đi theo lời rủ rê của Mạnh vào làm Cách Mạng – hắn đổ lỗi cho cha, đổ lỗi cho truyền thống vì cướp đi cái tự do của hắn dù hắn chẳng hề vấn lại mình – và cho rằng cách duy nhất tự cứu mình là đi làm Cách Mạng. Đây là sự yếu hèn đầu tiên khiến tôi cảm thấy không ưa Vương Nguyên – khi hắn chọn lựa đi theo con đường hắn không thành tâm theo đuổi trong khi lại đổ lỗi cho người sống cả đời vì hắn. Tôi không nói Vương Nguyên nên làm theo ý cha, nhưng cái cách phản ứng của Vương Nguyên lại quá nông cạn đến mức khiến tôi ngờ rằng liệu hắn có phải người có học?


Và sự gia nhập Cách Mạng đó chính là sai lầm lớn đầu tiên của Vương Nguyên – hắn gia nhập mà tâm không tịnh, lòng không vững, trí không kiên; hắn làm việc chỉ như một cách chống đối với những thứ hắn không xác định được, đâm ra hắn không thực sự hiểu bất cứ điều gì mà có vẻ như cũng không định tâm hiểu cái gì. Cái tồi tệ ở chỗ, tất cả những thứ hắn nhìn thấy chỉ là cái ngọn, chứ không phải cái gốc rễ; cũng như hắn căm ghét bố hắn vì cường ép hắn mà lại không mấy chủ tâm hiểu được lí do tạo nên những người như bố hắn, đâm ra hắn cứ nhàng nhàng mà làm. Tệ hơn nữa, trong thời gian đó, hắn còn lợi dụng tình yêu của một nữ đảng viên như một tên khốn không biết điều để làm thay hắn những việc không muốn làm, nhưng hắn dù biết rõ không yêu nàng ta thì cũng chẳng biết đường quyết liệt rời bỏ nàng, hay cũng như hắn hiểu hắn chẳng có tâm với Cách Mạng mà cũng vẫn dây dưa không rời với Cách Mạng. Chính sự ngu xuẩn của tuổi trẻ vô phương hướng này khiến hắn ăn một đòn cũng đau – bị tống vào ngục.


Vương Nguyên cũng chỉ vào ngục dăm ngày rồi lại được lôi ra, do bố hắn – người bố hắn khinh ghét và chẳng một lần muốn gặp lại – và người mẹ Ái Lam giúp đỡ. Rồi hắn và Thịnh (người anh họ) được lo lót để đi du học phương Tây. Chính ở đây, nhân cách của Vương Nguyên nói riêng và người Trung Quốc nói chung (hay thậm chí là người châu Á nói chung), mới bộc lộ được rõ ràng trong những mối xung đột Đông – Tây. Đầu tiên chính là ở cái ý nghĩ một sách và tách biệt của Nguyên – Nguyên học, học mãi, ngưỡng mộ những tiến bộ của phương Tây và khao khát chúng cho Tổ Quốc, nhưng đồng thời lại phân biệt chủng tộc một cách khá là ngu ngốc. Đúng là người đọc có thể nhận thấy được cả cái phân biệt chủng tộc của chính người phương Tây – thậm chí ngay thời hiện đại đây người phương Tây vẫn khinh rẻ những giống người khác không thuộc dòng da trắng bởi cái ý thức hệ siêu việt truyền từ bao đời nay; nhưng chính Vương Nguyên hay dòng giống Đông Phương lại cũng mắc cái mệnh phân biệt đó theo thứ hình thức nhỏ mọn hơn – hắn ghen tị với dòng giống siêu việt của xứ người, tự ti với những cái của xứ mình, đến mức hắn phân biệt chủng tộc hắn với chủng tộc da trắng bằng thứ kì thị nửa vời của một kẻ không chủ động trong tìm hiểu văn hoá dân tộc mới.


Chính sự kì thị kiểu Vương Nguyên đã dẫn đến một thứ tự hào dân tộc ảo tưởng và thói sĩ diện hão huyền. Sự vượt trội của Tây phương đã khiến Vương Nguyên ảo tưởng về một tổ quốc đẹp đẽ và tiên tiến, một tổ quốc trong mơ ngang hàng với đồng bạn da trắng chứ không còn là tổ quốc đang giãy dụa thoát khỏi phong kiến và đối mặt với những thay đổi văn hoá nhanh đến chóng mặt. Đó là cái sĩ diện ảo tưởng của một người yêu tổ quốc bằng tấm lòng nông cạn thiếu suy nghĩ, bởi lẽ bên cạnh tang bốc một hình tượng không có thực của đất nước, hắn còn từ chối không tiếp nhận những khía cạnh xấu xa, thấp kém, đớn hèn của đất nước.Thậm chí phải sang đến xứ người hắn mới biết hắn cũng chưa hiểu rõ tổ quốc. Hắn nói quá những cái tốt, vẽ ra những cái chưa có, lấm liếp những cái xấu và thậm chí còn lừa dối chỉnh bản thân mình về một tổ quốc mộng tưởng. Trong suốt thời gian sáu năm Vương Nguyên sống ở xứ người, chàng chẳng mấy khi quan hệ, khép kín chính mình, học như mọt không rõ mục đích, không chịu hoà mình tìm hiểu văn hoá dân tộc mới,… thành tựu duy nhất trong suốt cái thời gian sáu năm đó có lẽ là mối quan hệ với gia đình ông giáo sư ngoan đạo và mối tình chóng vánh với người con gái ngoại quốc nết na của gia đình. Nhưng mối tình cũng kết thúc đột ngột, một phần là do ảo tưởng vỡ vụn khi biết tin đất nước có biến, nhưng phần lớn hơn đó chính là cái máu cổ hủ được truyền lại từ xưa và cái quan niệm thiếu suy xét của một kẻ nông cạn, đầy tự ái rởm của tuổi trẻ và thói bài ngoại vô nghĩa lý. Đáng tiếc thay cho Vương Nguyên, rốt cuộc trở về Trung Quốc chỉ với tấm bằng giấy vô ích.


Về Trung Quốc rồi Vương Nguyên vẫn chỉ được cái mác, còn lại vẫn đớn hèn vô ơn như cũ. Nhìn thấy thực trạng tổ quốc, hắn chỉ ghét, chứ chẳng có lý tưởng giúp nước nhà. Trở lại rồi mà hắn vẫn chỉ muốn phụ thuộc vào cái an nhàn mà người mẹ nuôi hiền hoà từng đem lại cho hắn, mà chẳng mấy suy xét bản thân cho kiện toàn. Điều khiến Vương Nguyên có vẻ tồi tệ hơn, đó chính là khi biết bố mình – Vương Hổ Tướng – phải chạy vạy lo lót khắp nơi để có thể cứu hắn ra tù và chu cấp cho hắn suốt thời gian hắn sống vô nghĩa ở nước ngoài. Vậy mà khi biết rằng hắn buộc phải trả nợ cho cái tình yêu thương đó của cha, hắn lại sinh ra căm ghét cha vì đã tròng hắn vào cái gông xiềng này. Vương Nguyên không phải một đứa con có hiếu, chưa bao giờ và cũng chẳng bao giờ. Dù về sau hắn có tình cảm với cha thật, đó cũng chỉ là thứ tình cảm thương hại giả dối và xấu hổ của một kẻ không biết ơn. Thực ra có thể dễ dàng hiểu cái cảm xúc của một cái “thế hệ mới” thấy được cái mới và ghê tởm xấu hổ về những cái cũ ở đất nước mình; điều này xảy ra nhiều và quá thường xuyên đến độ nó đã trở thành gần như bình thường. Nhưng biết là một chuyện, cảm thông là chuyện khác. Hình tượng Vương Nguyên từ điểm nhìn của tôi bị huỷ hoại đến chẳng còn ra hình thù, chỉ còn là một kẻ vô năng vô nghĩa khí.


Phần kết cũng không phải có gì đặc biệt lắm, một kẻ như Vương Nguyên với cái tôi ngu xuẩn lại rơi vào lưới tình của một người con gái đáng lẽ vượt quá tầm với của hắn, và Pearl Buck có vẻ rất ưu ái kẻ vô năng này khi đặt cái kết là cho hắn được nhận lại tình cảm của Mai Linh và hai người suy xét tìm cách về quê sống cuộc sống điền viên bên ruộng vườn, tránh xa nhân thế loạn lạc phức tạp. Rốt cuộc, Vương Nguyên trở thành ngoại nhân trên chính đất nước mình – không có can đảm rút bật hết gốc rễ trong máu tuỷ, lại không chịu thừa nhận hoàn toàn cái đổi mới. Hắn chênh vênh, bất lực. Hắn kết thúc cả tuổi trẻ vô nghĩa bằng ái tình với Mai Linh – có lẽ điều này lại may mắn thay đổi cuộc đời và con người hắn?


Có hai điều thực tế và thú vị nhất ở nhân vật này, thứ nhất đó là sự thừa nhận căm ghét khinh rẻ người nghèo ở hắn; thứ hai là thái độ trung dung, mặc dù cái trung dung này ngả theo hướng bàng quan nhiều hơn là bình thản. Điều thứ nhất, phải nói rằng rất ít tác giả nào dám thừa nhận, hay dám viết nhân vật mình căm ghét người nghèo, căm ghét cái bẩn thỉu của người nghèo, cho rằng họ làm xấu mặt xã hội. Cái này thực ra đúng. Chúng ta phải thừa nhận rằng người nghèo chỉ là một đàn cừu bất lực, tù hũ và ngu xuẩn, nhưng không hẳn toàn bộ là lỗi của họ - đó còn là lỗi của chính phủ, của xã hội, của hang loạt những thứ ngoại cảnh dẫn đến sự ngu dốt, và sự ngu dốt đẩy người nghèo đến đường cùng. Nhưng cũng có một cảnh nói lên mặt khác của người nghèo – đó là Mạnh đánh luôn anh phu xe vì anh ta hớn hở chỉ vì mấy đồng xu lẻ, vì Mạnh cho rằng Cách Mạng vì những kẻ nghèo hèn đó mà chúng lại là những kẻ hèn nhát dễ dàng thoả mãn chỉ với mấy đồng tiền mạt hạng. Quả thực, xét về lỗi lầm có lẽ lỗi lầm ngoại cảnh nhiều hơn là bản than nhưng con người ngu dốt hèn nhát bị đẩy đến tuyệt cảnh đó, đến mức an phận thủ thường mà chịu đựng. Nhưng, phải thừa nhận, người nghèo mặc dù nuôi những kẻ khác, lại luôn bị khinh rẻ: không tri thức, ngu dốt, bẩn thỉu. Nặng nhất là không tri thức, mà cũng không muốn tìm đến tri thức. Liệu ngoại cảnh có là tất cả, hay còn là chính bản thân những kẻ đó nữa?


Thứ hai chính là thái độ trung dung, không thực sự bài ngoại cũng không thực sự ủng hộ nội. Không quá để tâm vào sự vụ gì, thực ra cũng không thể nói hẳn là trung dung, mà đúng là cái thái độ lo mình chưa xong thì miễn bàn đến thiên hạ. Nhưng phải nói là hắn cũng chẳng có đủ khả năng mà để ý xung quanh, với cái tự ái hão và thói sĩ diện của tuổi trẻ xoay cảm xúc như chong chóng, thì chỉ nội việc điều tiết bản thân với những cảm xúc đó là đã đủ mệt rồi. Nói đi phải nói lại, không chỉ Vương Nguyên thế, mà cả một thế hệ tuổi trẻ lạc lối thời đó đều như thế cả, nên trách cũng chẳng trách được, mà chỉ có thể phê chán bằng sự châm biếm chua xót mà thôi.


Những nhân vật xoay quanh Vương Nguyên cũng thú vị không kém, và phải nói rằng mang những sắc thái hoàn toàn khác hẳn Vương Nguyên chứ không mù mờ như hắn. Cha của Vương Nguyên, Vương Hổ Tướng, dù mang đậm cái hủ tục phong kiến của những lãnh chúa, lại hết sức thương yêu con, và đáng tiếc thay ông bị cái a dua của thời đại mới trừng phạt một cách tàn nhẫn về những lỗi lẫm mà thời đại đem đến cho tư tưởng của ông. Trong khi đó, người mẹ nuôi hiền từ nhân hậu của Vương Nguyên với tư tưởng thoáng đãng hơn, chấp nhận những cái mới thì lại phải chịu cái kết quả là con gái có bầu trước khi lấy chồng. Mặc dù hậu quả của hai bên hoàn toàn khác nhau: con người của thời đại cũ bị gạt đi một cách mạnh bạo, phải đối mặt với sự thù địch của cả xã hội, trong khi con người chấp nhận thời đại mới lại phải đối mặt với những thay đổi ngược hẳn với những thuần phong mỹ tục xưa cũ. Âu ta phải thừa nhận những cái mới tiên tiến, và phải có xung đột văn hoá thì người ta mới mở mang được tri thức. Nhưng nếu không có quá trình từ từ và những giáo dục về nhận thức đúng đắn, thì những cái văn minh rốt cuộc cũng sẽ chỉ trở thành cái lố bịch mà thôi. Giống như Ái Lan, xinh đẹp, tự do, tân thời, nhưng rỗng tuếch và nông cạn.


Nhân vật tôi thấy thú vị và thuần nhất nhất có lẽ là Mạnh, người thanh niên nóng nảy đi theo Cách Mạng từ thời trẻ. Là một thành phần tiểu trí thức có lí tưởng, Mạnh đi theo những người chung chí hướng để gầy dựng Cách Mạng, giải thoát người đói nghèo; nhưng ở họ lại có một thứ lý tưởng bài trừ quá lớn lao đến mức tiêu cực, và gây bối rối cho người đọc bởi cái tâm lý đến là thẳng thắn kì lạ như thế. Nhưng sau khi Cách Mạng thành công, chàng lại bất bình với chính quyền không trân trọng Cách Mạng như lý tưởng của chàng mong muốn và cũng không thay đổi được quá gì nhiều trong các tầng lớp xã hội; ngoài ra chàng lại quay sang căm hận chính những kẻ nghèo hèn ngày xưa mà những người như chàng muốn đứng lên giải phóng vì lí do chúng lại trở thành chướng ngại của sự cải cách vĩ đại. Nói đúng ra, nhân vật này được tính là nhân vật phản diện nhất truyện cũng nên… nhưng chàng ta độc đáo, nóng nảy và cay nghiệt một cách chân thực trong một bối cảnh xã hội chân thực – điều này khiến Mạnh trở nên khác biệt.



Nổi bật hơn cả ngòi bút tinh tế như nhập hồn cho nhân vật văn học, Pearl Buck mô tả rất tài tình cái xung đột văn hoá Đông-Tây và những trường tâm lý đi cùng những xung đột đó. Sự tỉ mỉ, thực tế và đánh đúng “điểm ngứa” trọng tâm trong những vấn đề về giao thoa các nền văn hoá và giao thời các thời đại khiến tác phẩm của bà không chỉ là một tác phẩm văn chương hiện thực đương thời, mà còn là một tác phẩm nêu lên một vấn đề muôn thuở chưa có cách giải quyết triệt để. Có lẽ tôi nên đọc thêm cả hai phần trước của tác phẩm, Đất Lành và Những Người Con của Pearl Buck.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét