Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Utopia - Thomas More


Mặc dù là người ham thích những mặt vặn vẹo méo mó trong tâm lý của con người và thường dùng những mâu thuẫn tâm lý để đối đầu với những tư tưởng triết học cao cả không tưởng kiểu Platon hay Marx, tôi vẫn tìm đọc những tác phẩm viết về những loại xã hội như vậy như một cách để rèn luyện sự châm biếm ngạo nghễ của mình. Thường thì những tác phẩm tôi đọc cùng chủ đề hay mang những màu sắc khá tối tăm, kiểu như Trại Súc Vật hay 1984, có lẽ là do những lý tưởng quá cao cả đến độ không thực hiện nổi của chúng khi áp dụng vào xã hội lại gây biến tướng; phải nói rằng tôi khá là ngỡ ngàng khi đọc Utopia – tác phẩm khiến tôi có cảm xúc thán phục một cách kì dị, có lẽ là bởi vì nó mang một sự hoàn hảo đến độ dù biết là không tưởng nhưng vẫn khiến người ta mong ước.


Những người có tìm hiểu về triết học chắc chắn không xa lạ gì về Platon và ý tưởng về nhà nước Cộng Hoà tươi đẹp không tưởng của ông. Cá nhân tôi thì tôi thích thú với học thuyết về ý niệm của ông hơn cả (hình tượng Cái Hang của Platon mà tôi từng nhắc đến khá nhiều lần trong những bài viết khác nhau). Tuy rằng không đồng tình với lí tưởng của ông về một cơ chế nhà nước cộng hoà kiểu cộng sản, do cá nhân tôi thấy rằng nhà nước đó quá tốt đẹp đến độ dường như đã lu mờ hoá hầu hết những bản tính cơ bản tham sân si của con người (tôi vốn là người tôn sùng những mặt tối của con người hơn là đức hạnh), nhưng cũng phải nói rằng xã hội đó quả là một xã hội đáng mơ ước – theo cách hoàn toàn ngược lại so với chủ nghĩa vị kỉ sáng tạo của Ayn Rand (một trong những chủ nghĩa tôi cho rằng tôi có thiện cảm hơn cả). Utopia của Thomas More, không nghi ngờ gì nữa, chính là một tác phẩm tiêu biểu viết về một nhà nước cộng hoà lí tưởng kiểu Platon, thậm chí còn có phần hoàn thiện và tươi đẹp hơn cả trong viễn cảnh mong muốn của Platon.


Có lẽ sẽ hợp lý hơn cả nếu chúng ta theo dõi song song giữa hình ảnh Utopia và học thuyết của Platon.


Những mô tả mở đầu câu chuyện của Thomas More thông qua lời kể của Raphael là về cấu tạo xã hội của Utopia. Đầu tiên là về vấn đề đạo đức nền tảng của xã hội: sự công bằng. Theo Platon, sự công bằng đến từ những điều giản dị, gắn liền với tự nhiên, triệt tiêu sự xa hoa và lòng tham của con người – mà thể chế hiệu quả nhất nên là thể chế chú trọng nông nghiệp và tự cung tự cấp, và nên tránh những phát triển công thương nghiệp có thể tạo ra phân cấp xã hội và tạo ra tài sản tư hữu. Utopia xây dựng xã hội chú trọng vào nghề nông, mỗi người đến tuổi phải trở về làm nghề nông trong hai năm, và được trở về thành phố khi hết nhiệm kì và những người mới đến. Bên cạnh công việc đồng áng, mỗi người còn được huấn luyện một công việc chuyên môn riêng. Tuân theo tôn chỉ “nhàn cư vi bất thiện” kiểu Platon, mục tiêu cao nhất của xã hội lý tưởng Platon và Utopia là phải luôn sắp xếp việc làm cho tất cả mọi cá nhân trong xã hội – không có ngoại lệ - và điều đó giúp họ giảm thiểu lượng công việc xuống mức tối giản và thành quả đến mức tối đa. Bên cạnh đó, thể chế của Utopia cũng cố gắng xoá bỏ lòng tham của con người – điều mà như Platon cho rằng là nguồn gốc của mọi bất công – bằng cách triệt tiêu hoàn toàn những giá trị về tài sản quý hiếm, tiền tệ hay sự tư hữu: ví dụ như cách thức dùng vàng bạc để chế tạo nên những thứ khiêm tốn nhất trong xã hội, như bô vệ sinh, xiềng xích gông cùm hay những vật để đánh dấu tội phạm - từ đó họ triệt tiêu lòng tham chung với của cải và để xã hội hưởng thụ những giá trị khiêm tốn, giản đơn và đáp ứng vừa đủ với nhu cầu sinh tồn.


Tiếp đó là về chế độ xã hội. Trước giờ đa phần, dù đọc hay chưa đọc về Platon, đều dễ dàng rơi vào cái ý tưởng rằng Platon chủ trương nền cộng sản triệt để, biến tất cả thành cái chung: đất chung, của chung, tài sản chung, con chung, vợ chung,… Thực ra, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, Platon chỉ chủ trương nền cộng sản triệt để đối với giai cấp lãnh đạo – giai cấp được giáo dục và huấn luyện để trở thành những triết gia tường minh có khả năng lèo lái, định hướng xã hội, và giai cấp quân nhân – giai cấp được thiết lập để bảo vệ giai cấp lãnh đạo. Theo ông, chỉ có chế độ cộng sản mới có thể triệt tiêu được lòng tham tư lợi của hai giai cấp này và giúp họ nhìn xa trông rộng, làm việc vì xã hội. Còn lại giai cấp thứ ba chính là giai cấp làm kinh tế - giai cấp này sẽ là giai cấp tư sản, có nhiệm vụ nâng đỡ hai giai cấp trên, bởi theo Platon, bản chất của giai cấp này là sự tham lam và vơ vét, và có lẽ họ sẽ chịu sự chỉ huy của giai cấp lãnh đạo khi họ giản dị và sống vì xã hội. Tóm lại, ông muốn tạo ra một xã hội với ba giai cấp “nước sông không đụng nước giếng”, mỗi giai cấp sống vì mục đích và bản tính tự nhiên của giai cấp đó, nhưng lại hoà thuận với nhau để tạo nên một xã hội hoà bình. Như chúng ta có thể thấy được, chưa nói đến những vấn đề ngọn kiểu như “huỷ hoại sự phát triển, gây chây lỳ, thiếu trách nhiệm,…” trong cách tổ chức xã hội kiểu này, thì lỗ hổng lớn nhất của Platon đó là gán định tính chất “thánh nhân” cho giai cấp lãnh đạo – một điều hết sức vô lý ngay cả khi ông có chủ trương tổ chức giáo dục triệt để nhất dành cho giai cấp này.


Utopia, thậm chí còn nâng tiêu chuẩn xã hội lên một mức cao hơn cả Platon, và theo một cách nào đó tôi thấy còn có phần thuyết phục hơn cả Platon, dù lí tưởng thì hoang đường hơn: đó là cộng sản hoá cả xã hội. Thể chế ghép hai chế độ phân biệt trong cùng một xã hội và hi vọng cả hai sẽ tương trợ lẫn nhau, đặc biệt là ý tưởng giai cấp tư sản chịu cúi mình trước giai cấp lãnh đạo vô sản là gần như tuyệt đối hoang đường. Trong khi đó, cả xã hội của Utopia sẽ hưởng chế độ hoàn toàn công bằng triệt để đến từng cá nhân dựa theo nhu cầu về thực phẩm và vật phẩm để sinh tồn một cách vừa đủ, không quá xa hoa và tuyệt nhiên không thiếu thốn. Do chấp hành lí tưởng bất cứ ai cũng phải làm việc, nên sau khi phục vụ đủ nhu cầu xã hội, họ còn có thể xuất khẩu để kiếm tiền hoặc viện trợ cho những nước nghèo. Tuy nhiên tiền họ kiếm được cũng chỉ có tác dụng duy nhất đó là, trong một vài trường hợp hiếm hoi khi họ phải tổ chức chiến tranh để bảo vệ đất nước, họ sẽ dùng tiền đó để mướn quân đánh thuê phục vụ cho họ chứ không hề có ý định muốn hi sinh người dân Utopia. Họ tránh tuyệt đối việc giao thương với nước ngoài, và trong các trường hợp bất đắc dĩ họ cũng không cho phép người nước ngoài lên đất buôn bán mà bản thân họ sẽ đưa người đưa về, bởi lẽ - theo Platon – nền ngoại thương đòi hỏi những sự bảo vệ quân sự và đây chính là mầm mống của chiến tranh.


Từ hệ thống tự cung tự cấp này và hạn chế buôn bán với nước ngoài này, Utopia tránh triệt để mọi nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Thay vào đó, họ dùng mọi cách thức khác để bảo vệ lãnh thổ và con người Utopia khỏi chiến tranh, ví dụ như hối lộ và mua chuộc, hoặc gây nên những bất hoà nội bộ đất nước đối lập, hoặc bất cứ “hạ sách” nào -  theo lời người đời hiện nay – miễn là họ tránh được chiến tranh đổ máu. Nếu buộc phải có chiến tranh, họ sẽ vung của cải đồ sộ mà chính họ coi thường để thuê những tay lính đánh thuê đốn mạt ra trận thay họ. Trong hạ sách cuối cùng họ mới phải dùng đến chính người Utopia. Quân đội của họ chủ yếu dựa vào tình nguyện, và trong chiến tranh, quân đội tình nguyện đó vẫn có thể can đảm như bất cứ quân sĩ chuyên nghiệp nào, do họ được nuôi dạy là sống vì lợi ích cá nhân cũng như vì lợi ích cộng đồng, và ngoài ra họ vẫn luôn được yên tâm rằng cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, gia đình họ vẫn sẽ được chu cấp chu toàn và đầy đủ đến cuối đời.


Về giáo dục, Platon và Utopia đều hướng tới giáo dục cơ bản bình đẳng nam nữ, và có tiêu chí rất cao trong việc giáo dục những thành phần trí thức có trí lực nổi bật trong xã hội. Về cụ thể, Platon và Utopia đều cho rằng chỉ những người có trí tuệ xứng đáng mới có thể được phép tiếp tục theo đuổi những ngành nghề trí thức trụ cột xã hội như linh mục, thị trưởng,… bởi lẽ chỉ khi có trí năng và sự huấn luyện chu đáo lâu dài mới có thể khiến những cá nhân xuất sắc cống hiến hoàn toàn cho xã hội và bàn luận những quyết định đúng đắn để giữ gìn sự yên bình trong xã hội. Tuy nhiên bất cứ công dân nào trong xã hội có mong muốn tiếp tục học hành đều có thể tham gia các lớp học đa dạng để mở mang tri thức. Họ cũng được khuyến khích bàn luận và nêu ý kiến cá nhân với giai cấp lãnh đạo, và sẽ được xem xét nếu hợp lý. Xã hội Utopia khuyến khích học tập từ kinh nghiệm và tiếp thu những điều tinh hoá đến từ kinh nghiệm hoặc từ thế giới bên ngoài, đề cao những học thuyết tôn trọng thiên nhiên, đồng thời cũng nghiêm cấm hết những hoạt động gây ảnh hưởng đến tính thiện và gây lung lạc cho tri thức như bói toán, bài bạc, quán bar, bia rượu,….


Song song với các biện pháp giáo dục cởi mở và kéo dài liên tục, Utopia cũng duy trì chế độ nô lệ. Ngoài mục đích cải tạo (các nô lệ vẫn được tôn trọng đúng mực và được tạo cơ hội để lấy công chuộc tội), thì mục đích cao nhất của chế độ nô lệ đó là bảo vệ tinh thần của giống nòi tốt đẹp của người Utopia. Một công dân đủ quyền của Utopia không được săn bắn, không được làm những công việc bẩn thỉu, bởi họ có trách nhiệm phải duy trì xã hội trong sạch, điều hoà và văn minh. Thế nên chế độ nô lệ được duy trì để hoàn thành những mặt tối của xã hội, giữ cho mặt sáng của xã hội Utopia luôn được nhịp nhàng và trong sạch.


Sự phát triển đáng ngưỡng mộ nhất trong học thuyết chính trị của Platon cũng như trong đất nước Utopia là quyền về phụ nữ. Trên cơ bản, Platon và Utopia vẫn cho rằng phụ nữ vẫn dưới quyền đàn ông trong vai trò người vợ, nhưng về mặt giáo dục cả hai giới đều hoàn toàn bình đẳng, bởi lẽ Platon cho rằng nguyên tắc phân công dựa trên khả năng chứ không phải dựa trên sinh lý. Bất cứ ai cũng có quyền và cơ hội để học tập và tham gia vào những công việc phù hợp nguyện vọng và khả năng. Mặc dù vậy, chế độ của Utopia mang màu sắc nhân từ hơn Platon khi không đề cập đến việc triệt để gầy giống nòi một cách phân biệt rạch ròi, và thủ tiêu những đứa trẻ không đủ tiêu chuẩn.


Một khía cạnh khác của Utopia cũng được kế thừa và nâng lên một tầm cao mới đó chính là vấn đề tự do tín ngưỡng. Theo Platon, một đất nước phải có một tín ngưỡng  thờ một Đấng Tối Cao thì mới có thể giữ vững đạo đức và trật tự. Có một Đấng Tối Cao quyền năng sẽ tạo nên hi vọng, niềm tin, sự tận tâm và lòng hi sinh, áp chế sự vô độ, kiềm hãm đam mê và tạo nên sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt cũng như sự phán xét sau cái chết. Giải pháp của đất nước Utopia về vấn đề này rộng lượng hơn nhiều so với Platon. Họ chỉ nghiêm cấm công dân Utopia không được tin bất cứ cái gì xa lạ với nhân phẩm mà thôi; tức là, chuẩn mực cao nhất trong mọi thể thức tín ngưỡng ở Utopia đều nhắm đến việc tạo niềm tin về sự bất tử của linh hồn, sự thưởng phạt công minh sau cái chết,….như vậy để khuyến khích và gần như cưỡng chế con người Utopia là phải tốt đẹp và biết kiểm soát mình. Còn lại, bất cứ tín ngưỡng nào cũng được khoan dung và tôn trọng trong xã hội như nhau, bởi luật lệ tự do tín ngưỡng do Utopia đặt ra cho rằng Thượng Đế chỉ là tạo ra nhiều loại lòng tin khác nhau bởi ngài muốn được thờ phượng theo nhiều cách khác nhau mà thôi; và như vậy, công dân Utopia được phép theo đạo, cải đạo, thuyết phục người khác theo đạo của mình chừng nào điều đó không gây rối loạn trật tự công cộng hay được thực hành dưới thể thức cưỡng chế hay ép buộc.


Về luật pháp, Utopia chủ trương hệ thống luật pháp tối giản, bởi lẽ mục đích duy nhất của luật pháp chỉ là để nhắc nhở công dân về nghĩa vụ của họ mà thôi. Với hệ thống phân chia nhiệm vụ rạch ròi và nền giáo dục cộng đồng hợp lý nên mỗi công dân Utopia đều hiểu rõ nhiệm vụ của mình, và như thế quả thật họ không cần nhiều đến luật lệ. Họ không tin vào những cam kết hay giao ước, bởi họ cho rằng những cam kết hay giao ước khiến con người nhìn nhau như những kẻ thù tự nhiên, vì chỉ khi nghi kị lẫn nhau mới cần đến những giao ước như vậy. Người Utopia tin rằng con người là đồng minh tự nhiên của nhau, và bản tính con người tự nó đã là một hiệp ước, và rằng con người ta đoàn kết với nhau là ở lòng nhân hậu. Luật lệ của họ tập trung nhất vào việc chống sự lừa dối. Và thường thì sự trừng phạt của pháp luật rất linh hoạt, phụ thuộc vào từng hoàn cảnh của bên phạm tội và sự thông tuệ của những người xét xử. Đồng thời, họ khuyến khích cái thiện bằng cách vinh danh những cái tốt bằng niềm tự hào và sự trọng vọng. Và bất cứ ai, nhờ hiểu luật, đều được quyền tự biện hộ cho chính mình, nhân danh quyền công dân tự do.


Về niềm khoái lạc trong cuộc sống, họ chia ra khoái lạc tinh thần và khoái lạc vật chất. Khoái lạc tinh thần ở mức độ cao nhất chính là niềm tin; trong khi khoái lạc vật chất – được chia ra khoái lạc từ bên ngoài và bên trong: khoái lạc vật chất đến từ bên ngoài là những thứ khiến con người thư sướng vui vẻ và hướng về cái thiện, ví dụ như âm nhạc (được Platon chú trọng đề cao); khoái lạc vật chất thứ hai chính là một sức khoẻ hoàn chỉnh. Vì vậy, cuộc đời của mọi công dân Utopia tập trung tuyệt đối vào sự điều độ để thoả mãn và duy trì những niềm khoái lạc hết sức cơ bản và đạo đức như vậy.


Hãy để ý rằng, học thuyết của Platon cũng như cách tổ chức đất nước của Utopia lấy sự trật tự và điều hoà tập thể làm mục đích tối cao, dù họ có chế độ khoan dung tín ngưỡng đến đâu hay sự phổ biến học thức đến mức nào, và hoàn toàn dựa trên lí trí; trong khi những điều khác thuộc mặt cảm xúc có phần được coi nhẹ: ví dụ như quan niệm về thất tình lục dục hay tham sân si. Vậy là, đó là một xã hội trật tự hoàn hảo, yên bình hoàn hảo, giàu có hoàn hảo, nói chung là hoàn hảo. Nhưng nó không mang màu sắc rực rỡ của cảm xúc thuần tuý, của đam mê dục vọng, không mang sự phát triển vượt bậc và về cơ bản, đó là một địa đàng dành cho những cá nhân hướng tới sự thanh bình an ổn.


Nếu đọc về Platon, chúng ta cũng nên đọc cả về những thể chế khác thuộc trường phái Aristotle để hiểu rõ hơn những điểm bất lợi của chế độ cộng hoà kiểu Utopia này: đó chính là sự triệt tiêu trách nhiệm cá nhân, sự tự do đời tư, giết chết sáng tạo và độc đáo cá nhân. Nó phá huỷ những tình cảm gia đình thiêng liêng và những chuẩn mực đạo đức thường tình. Chế độ cộng hoà hướng về cộng sản chỉ là một gia đình được nới rộng ra toàn dân mà thôi. Hơn nữa cách thức xử lý các giai cấp của Platon dễ dàng đẩy chế độ lãnh đạo vào trạng thái phụ thuộc vào giai cấp nuôi sống nó. Nó đề cao cái đẹp nhưng không nuôi dưỡng những nghệ sĩ, trọng vọng cái trật tự mà bỏ đi cái tự do. Đây là một thể chế không thể thành hiện thực theo một cách mĩ mãn trong cuộc sống mà mỗi cá nhân là một bản thể với mọi khía cạnh đều khác nhau được; nó chỉ có thể thành hiện thực khi cộng đồng chỉ toàn những thánh nhân thấu triệt mà thôi. Mặc dù trong lịch sử từng xuất nhiện nhiều nhà nước cố gắng đi theo học thuyết của Platon nhưng đa phần đều thất bại, bởi lẽ học thuyết của Platon không dành cho quảng đại quần chúng mà dành cho một thiểu số thông tuệ. Mặc dù như ta đọc trong Utopia, dường như Utopia đã giải quyết những điều này rất thấu triệt, nhưng ta vẫn có thể thấy được sự khiếm khuyến lớn trong cảm xúc và mối liên kết trong xã hội Utopia. Chính vì vậy, Utopia mới mang tên là địa đàng trần gian: nó đứng tên cho cái khao khát và nỗi thất vọng triền miên trong công cuộc hoàn thiện chính mình của nhân loại.


Có thể nói Utopia đã tạo ra một dòng sách riêng theo trào lưu địa đàng trần gian do một thánh tử vì đạo Thomas More khởi xướng. Thomas More được coi là thánh tử vì đạo vì không thừa nhận Đức Vua là người đứng đầu nhà thờ Anh Quốc và ông bị Henry VIII xử tử vì điều này. Về sau Erasmus – một học giả cổ điển thuộc giáo hội vĩ đại thời đó – đã biên tập lại Utopia và cho xuất bản ở Bỉ. Ngày nay tổ chức Erasmus là tổ chức trao đổi sinh viên quốc tế lớn nhất, chú trọng đến sự trao đổi ngôn ngữ và giao thoa các nền văn hoá. Tiếng tăm của Utopia lên tới đỉnh điểm chính là vào khoảng thời gian Việt Nam cũng như các nước thuộc khối Cộng Sản đang chiến đấu vì tư tưởng Chủ Nghĩa Xã Hội – và một điểm hết sức thú vị là nó lại được gợi lên từ chính đất Mỹ, một đất nước “đặc tư bản”. Nếu người đọc có chút chú tâm vào nền văn học Mỹ nói riêng và lịch sử hiện đại Mỹ nói chung, ta sẽ thấy được những năm 70 – thời kì hoảng loạn của đạo đức và các hệ quy chiếu chuẩn mực và sự lên ngôi của một thế hệ hippie tôn sung những chủ nghĩa huyền bí phương đông (chúng ta có thể hiểu them về thời kì này qua những tác phẩm kinh điển Mỹ, ví dụ như Bắt Trẻ Đồng Xanh hay Đại Gia Gatsby) – có một phong trào cách mạng tư tưởng ôn hoà của giới trẻ lên ngôi: cải tạo xã hội theo hướng địa đàng trần gian. Giới trí thức trẻ của Mỹ thời bấy giờ say mê những học thuyết cao cả, vĩ đại, nhân ái, khoan dung, nhân bản, niềm tin,….của Utopia, của học thuyết Cộng Sản như thể họ không biết đến những mặt trái của học thuyết này. Mặc dù có nhiều điều ngây thơ và không tưởng, nhưng bất cứ ai đọc Utopia, Platon, hay bất cứ tác phẩm nào thuộc dòng văn học địa đàng trần gian này cũng phải thừa nhận một niềm say mê và ao ước tiến tới một thế giới mới hoàn chỉnh hơn. Có lẽ do đánh vào mong ước thẳm sâu nhất trong tâm can mỗi cá nhân mà Utopia luôn là một mộng tưởng, thậm chí là một loại tín ngưỡng có thể gây mù quáng.


Bên cạnh chủ đề chính là về Utopia và lí tưởng Cộng Sản nhân bản, Utopia còn nêu lên những vấn đề đương thời và thẳng thừng châm biếm chua cay những rối loạn trong xã hội Anh thời bấy giờ: coi mạng người như cỏ rác, sự ngu muội và tham lam của lòng người, chế độ chính quyền chuyên chế tàn độc và ngu xuẩn, thể chế quý tộc ăn bám nhân dân, sự ham thích chiến tranh gây ra đồi bại dân tộc và nhân cách, sự chú trọng không đúng mức vào những ngành nghề gây thiệt hại lớn lao cho xã hội, sự suy đồi của trí tuệ…. Nói chung, nửa đầu cuốn sách là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội Anh bê tha mục ruỗng đến tàn tệ, đến mức những trí thức như nhân vật Raphael phải lập luận rằng, thà ngài không làm gì cả còn hơn cố gắng làm một điều gì đó rồi bị coi thường khinh rẻ một cách vô ích.


Khúc cuối cùng kết lại truyện chính là tuyên bố của Thomas More về sự thối nát của xã hội:


“Khi xem xét mọi chế độ xã hội đang thịnh hành trên thế giới ngày nay, tôi không thể, xin Thượng đế tha tội, thấy chúng là cái gì khác ngoài một âm mưu lớn của người giàu nhằm củng cố bành trướng những quyền lợi riêng của mình dưới chiêu bài tổ chức quản lý xã hội.”


“Lòng ngạo mạn của chúng ta còn có tên là tự hào, là thị dục huyền ngã – cái ý muốn mình được người khác coi mình là quan trọng, là hơn đời. Chính lòng ngạo mạn đã khiến ta xét đoán sự thịnh vượng không phải bằng những gì ta có, mà bằng những gì người khác không có.”


Vậy là, bằng một thái độ châm biếm đau đớn và một lý tưởng cao cả đến mức ngây thơ, Thomas More đã tạo ra một kiệt tác văn học trường tồn mãi với thời gian và với con người, đem lại khát vọng vĩ đại cũng như sự thất vọng đớn hèn về số phận và bản chất của con người trong công cuộc tiến hoá. Utopia xứng đáng là một trong những cuốn sách nên đọc nhất trong nền văn học nhân loại, vì nó không chỉ đơn thuần là một tác phẩm lý tính, nó còn là một tư tưởng triết học vĩ đại xuyên suốt lịch sử con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét