Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Phía Tây không có gì lạ - Enrich Maria Remarque



Tuyệt diệu một cách cay đắng và tàn nhẫn. Chưa từng có một tác giả viết về chiến tranh nào khiến tôi cảm thấy xót xa như Enrich Maria Remarque viết về những cuộc chiến tranh thế giới. Trước đó tôi cũng đã từng đọc những tác phẩm viết về sự lạc lõng của những người lính hậu chiến tranh, nhưng tôi phải nói rằng Remarque viết về cái tâm lý quân nhân chân thực, đau đớn nhưng đầt chất thơ ca tuyệt đến mức từng câu từng chữ như thẩm thấu vào tâm hồn và giày xé lương tâm của độc giả. Chiến tranh, theo một cách nào đó, luôn là một sai lầm, và không có hướng tiếp cận chiến tranh nào đạo đức hơn từ những phần tử nhỏ nhất của những cuộc chiến: quân sĩ.


Cái tuyệt nhất, độc đáo nhất của Remarque đó là chọn đối tượng để viết. Người ta có thể dấy lên lòng thương cảm khi viết về những quân sĩ nông dân, quân sĩ nô lệ; gợi lên sự căy đắng khi viết về đàn bà, trẻ con, người già, những bà mẹ; nhưng không một loại đối tượng nào lại ám ảnh đến chết lặng như đối tượng của Remarque: thanh niên. Tôi thừa nhận từng có nhiều tác phẩm viết về cái anh dũng của giới thanh niên, thậm chí chính ra phần lớn nền văn học chiến tranh Việt Nam (nếu đó được gọi là một nền văn học, dù tôi coi đó là cách thức tuyên truyền nhiều hơn) đều viết về chiến sĩ thanh niên, nhưng cái chính là con người ta hay nghĩ về cái nhiệt huyết tuổi trẻ hơn là cái giá mà tuổi trẻ phải trả cho chiến tranh. Không không, cái giá tính mạng, cái giá lạc lõng hậu chiến vẫn còn là quá nhẹ. Đó là cái sự biến thành một thứ sinh vật trơ trọi và mất hoàn toàn nhân phẩm. Cái tuổi thanh xuân nghiệt ngã đó đẩy những chiến binh trẻ vào con đường cùng của sự sống – với những người đã phần nào trưởng thành, chiến tranh chỉ là một sự gián đoạn, và ngay cả khi đem vết thương chiến tranh trở về, họ vẫn có thể tiếp tục lao động sống sót; nhưng với cái lứa tuổi trên không chằng dưới không rễ và bước vào đời bằng chiến tranh, cuộc sống của họ coi như đã chấm dứt. Số phận của họ đã bị chiến tranh ràng buộc rồi, chẳng còn cách nào khác nữa cả, chẳng còn lựa chọn nào, ngay cả khi trở về họ cũng không thể bước vào đời một lần nữa, vì họ đâu còn biết gì ngoài chém giết – họ chưa đủ lớn để vững vàng nhưng không còn đủ nhỏ để giữ gìn niềm lạc quan hậu chiến. Chiến tranh khiến họ thành những người vô tích sự.


“chúng tôi không thuộc vào giới thanh niên nữa. Chúng tôi chẳng muốn lao vào vũ trụ nữa. Chúng tôi là những thằng đào ngũ. Trước đây chúng tôi đang trong cái tuổi mười tám, bắt đầu yêu đời yêu cuộc sống, thế mà chúng tôi đã phải nổ súng bắn vào cuộc sống. Quả đại bác đầu tiên rơi xuống đã nổ trúng trái tim chúng tôi. Chúng tôi chẳng còn thiết gì đến nỗ lực, hoạt động và tiến bộ nữa. Chúng tôi không còn biết đến những cái ấy nữa, chúng tôi chỉ còn tin có chiến tranh.”


Rồi họ sẽ làm sao đây, với một tinh thần đã bị huỷ hoại tàn nhẫn và không còn có thể tin tưởng vào tương lai, không có khả năng tin vào tương lại, hay thậm chí cả vào chính mình. Nếu họ may mắn sống sót trở về, người ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được họ, vì trước họ, cái thế hệ đã lớn rồi, tuy đã sống trong những ngày khủng khiếp của chiến tranh, nhưng họ đã có gia đình, có nghề nghiệp, có cái nền tảng để có ý chí muốn sinh tồn, rồi họ sẽ quên được chiến tranh; thế hệ sau họ, một thế hệ sẽ lớn lên cũng như họ từng lớn lên trước đây, nhưng thế hệ đó sẽ không bao giờ hiểu được họ và sẽ xa lánh họ. Họ trở thành người lạ trong xã hội, thành người lạ của chính mình. Một thế hệ  cay đắng bị đẩy vào lao thương rồi bị gạt ra ngoài rìa xã hội bởi chính tâm lý và bản thân họ. Còn nỗi đau nào đau đớn hơn nỗi đau không được thấu hiểu, và nỗi đau của những kẻ đã bỏ rơi chính mình?


Đau đớn hơn, họ thậm chí còn trở thành người lạ trong chính gia đình mình. Ngay cả tình thương gia đình cũng không tài nào níu giữ được cái tinh thần đã bị xói mòn đầu độc của họ nữa. Họ đã phải chứng kiến những điều mà những con người bình thường không thể tưởng tượng nổi, và bất cứ nỗi thương xót nào hay bất cứ sự thăm hỏi nào cũng đều trở nên cay đắng, bởi người ta có hiểu được cái tàn khốc của chiến tranh đâu? Họ nâng niu cái bình yên bé nhỏ của gia đình và của hoà bình đến mức họ không nỡ tạo ra dù chỉ một chút bóng tối trong tinh thần của những người ở lại; họ thà rằng gánh vác hết cái nỗi đau khổ bị giày xéo đó còn hơn. Cảnh nhân vật chính được nghỉ phép trở về nhà thật hết sức cảm động và đau thương: anh được trọng vọng săn đón không đúng mực và không được thấu hiểu, nhưng anh cũng không muốn kể lại cái địa ngục mà anh cùng đồng đội phải trải qua. Bên cạnh sự chán chường tuyệt vọng không muốn nhắc lại cái địa ngục đó, bên cạnh cái khao khát được gần gũi đôi chút với cái hoà bình dù khốn khổ và nghèo đói ở tiền phương, anh khao khát được là một trong những cái con người còn đầy ý nghĩ đa dạng và ngu xuẩn ở tiền phương kia, lại vừa khinh bỉ họ. Rốt cuộc, họ còn đầy thứ phải nghĩ, trong khi anh và đồng đội đã bị hạ xuống mức thấp nhất đó là giãy dụa để sống sót. Anh khao khát nhớ lại được sự rung cảm mối tình ruột thịt với chính gia đình anh, để khi trở lại tiền tuyến, anh biết rằng chiến tranh sẽ kết thúc, sẽ được xoá nhà và sẽ biến mất khi anh trở về nhà – như thể anh đang tuyệt vọng tìm kiếm một mối liên hệ với cộng đồng loài người để có ý chí sinh tồn và tiếp tục cuộc sống. Nhưng không, không có gì cả, vì ở cái tuổi dở ương của anh và đồng đội, mối liên kết với cuộc sống vẫn còn quá mỏng manh, nay còn bị chiến tranh cắt đứt phựt một cách vô tình. Họ đã thành lính. Họ là lính, không còn có thể là bất cứ cái gì khác.


Sự xót xa đắng cay của nỗi lạc lõng lên đến đỉnh điểm khi nhân vật chính quyết định không bao giờ nên về phép nữa khi phải đối diện với sự tuyệt vọng với bản than và sự im lặng thấu hiểu của người mẹ khốn khổ. Anh đã chấp nhận cái số phận tang thương và không còn chút mong muốn gì có được liên kết với xã hội nữa, và sợ hãi phải xuất hiện trước mặt đấng sinh thành nhạy cảm như một nỗi thống khổ thầm lặng. Đó chính là quyết định bỏ rơi chính mình. Vì họ quá hiểu rằng trở lại gia đình họ cũng không trở về được như cũ nữa, họ mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hi vọng nữa rồi.


Chỉ có qua ngòi bút của Remarque, người đọc mới cảm nhận được khát khao và vẫy vùng của người lính giữa những giãy dụa sống sót và những thứ khốn nạn của kiếp lính. Cái phận làm lính giữa địa ngục chiến tranh khiến họ không còn có thể nghĩ về bất cứ thứ gì ngoài những nhu cầu cơ bản nhất: ăn, uống, và ngủ. Ở sát nách cái chết, cái sống có một bộ mặt đơn giản hơn nhiều. “Nó giới hạn trong những nhu cầu tối thiểu, còn những cái khác thì bị vùi trong một giấc ngủ triền miên; đấy chính là chỗ thô sơ thiển cận của chúng tôi, mà cũng là điều cứu sống chúng tôi; nếu chúng tôi khác biệt hơn, thì chúng tôi đã phát điên từ lâu rồi, đã đào ngũ hoặc đã chết rồi.” Họ sống chẳng khác những con thú vật quần lộn mỗi ngày là bao. Khi ra trận, họ thành những con thú vật – vì đó là điều dy nhất giúp họ đứng vững được; và khi trở về nghỉ ngơi, họ thành những chú hề nhạt nhẽo và những kẻ thô bỉ nhác nhớn. Những thứ tốt đẹp ở thời bình không có chỗ ở chốn máu chảy đầu rơi chỉ trong cái chớp mắt. Thế mới thấy, những bài thơ về hi vọng niềm vui hay những thứ tương tự trong thơ ca kháng chiến Việt nam rốt cuộc chỉ là cái trữ tình ảo tưởng của những nghệ sĩ tay không đụng súng chân không chạm máu mà thôi. Hãy nghĩ lại mà xem, trước sự cay nghiệt của chiến tranh làm sao con người ta có thể giữ lại được cái ánh sáng của sự ổn định nữa, chỉ có mỗi cách biến mình thành những thứ cũng cặn bã chẳng kém và nghĩ bằng cái cách bất cần một cách nghiệt ngã mới giúp những số phận long đong đó có thể vững vàng được.


Nỗi thống khổ đến chết lặng lên đến đỉnh điểm ở thời điểm chiến tranh gần kết thúc. Những tin đồn về đình chiến, rằng chiến tranh sẽ kết thúc khiến mọi thứ đột nhiên mang theo một loại hi vọng ngấm ngầm. Họ vốn đã chẳng tin sẽ còn có hoà bình nữa rồi, mà có thì họ cũng sẽ “vứt mẹ nó mọi thứ” đi mà tôi. Không thể tưởng nổi rằng những sinh vật đã từ bỏ chính mình thế lại có thể một lần nữa nhận ra họ vẫn khao khát thái bình thịnh trị và sự an nhiên yên ổn đến độ nào. Họ đã tưởng chừng như chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc, vậy mà chỉ một lời đồn thổi mong manh thôi cũng khiến mọi tế bào đang chết dần của những kẻ khốn nạn đó bắt đầu nhóm lên ngọn lửa âm ỉ của hi vọng tương lai và mong ngóng hoà bình. Năm cuối cùng, năm cay đắng đó… Nếu họ được trở về sớm hơn, có lẽ những người đã tận mục sở thị và tự thân trải nghiệm cái địa ngục trần gian đó sẽ nổi dậy để làm sáng mắt những kẻ ngu xuẩn đẩy họ vào chiến tranh… nhưng đến thời điểm đó, họ đã chẳng còn có ích cho chính mình nữa. Rồi họ trở về, năm tháng qua, họ sẽ gục xuống. Họ sẽ hoàn toàn lạc lõng, sẽ chờ đợi thời gian qua trong nấm mồ là chính tâm thân mình. Chẳng còn gì quan trọng.


Vậy mà cũng chỉ trong chiến tranh, họ mới có thể nhìn thấy những cái mà không một hoàn cảnh nào khác có thể nhận ra được. Đó là cái bộ mặt tàn nhẫn của chiến tranh: “Tôi thấy các dân tộc bị xô đẩy vào cảnh chống đối nhau, chém giết nhau mà chẳng nói gì, chẳng hiểu gì. Hành động một cách điên cuồng, ngoan ngoãn, ngây thơ. Tôi thấy những bộ óc thông minh nhất của nhân loại đã phát minh ra những lý lẽ, những vũ khí để cho cái trò này diễn ra tinh vi hơn nữa, dai dẳng hơn nữa.” Chiến tranh huỷ diệt đại đa phần những sinh linh khốn khổ chỉ để thoả mãn dục vọng của một nhúm nhỏ những kẻ ngồi trên. Họ nhìn thấy bản thân họ chiến đấu không vì bất cứ điều gì cả, và chiến đấu để chống lại những người cũng khốn khổ y như họ mà thôi. Cái cảnh nhân vật Pôn lần đầu giết một con người thật thổn thức. Cái thời điểm cướp đi mạng sống của một kẻ thù, anh chợt nhận ra họ nhìn nhận ra sự việc muộn quá; “Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình. Bao giờ chúng ta cũng nhìn ra sự việc một cách quá muộn. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình,” Thật đau đớn và não nề làm sao. Đó là cái giây phút lương tâm lên án quá mạnh mẽ những cái bất công khốn kiếp đẩy họ và đồng loại của họ vào nước đường của sự huỷ diệt. Nhưng đặc sắc hơn cả là ngay sau đó, khi Pôn được cứu về và kể lại những ý nghĩ cay đắng và day dứt của anh khi giết người cho các bạn nghe, anh cảm thấy thật ngu xuẩn về những ý nghĩ sẽ giúp đỡ giấu mặt than nhân của người mình giết, sẽ bán linh hồn vì người chết,…Đó không phải là anh ta đã thanh thản vì hoàn cảnh bắt anh ta phải thế - hãy xem cho rõ, đó chính là lúc mà ngoại cảnh đã khiến chính cả lương tâm cũng thành một món trang sức thừa thãi và lố bịch, tại vì ở trong hoàn cảnh thế, làm gì có cái gì tốt đẹp để mà duy trì? Có lương tâm chỉ đồng nghĩa với cái chết mà thôi, mà họ thì vẫn còn khao khát sống sót lắm…


Cái nhận thức sự thật về kẻ thù còn được thể hiện rõ ràng và nghiệt ngã hơn nữa ở khúc nhân vật chính sống gần những tù nhân người Nga. “Tôi chỉ biết một điều về họ: họ là tù binh, và chính điều ấy làm tôi xúc động. Cuộc đời của họ không tên tuổi và không tội lỗi gì cả. Nếu tôi biết rõ số phận họ hơn nữa, nghĩa là họ tên gì, sinh sống ra sao, chờ đợi cái gì, cái gì làm cho họ khổ sở thì mối xúc động của tôi sẽ có một mục đích cụ thể và có thể trở nên tình thương. Nhưng lúc này, ở đây, tôi chỉ cảm thấy qua họ, nỗi đau khổ của con người, cảnh sầu thảm kinh khủng của cuộc đời, và sự thiếu lòng thương xót, đặc điểm của con người.” Họ thương cảm những số phận này như thương cảm số phận của mình, vì họ cũng thừa hiểu rằng những kẻ khốn khổ khốn nạn này cũng chỉ như họ cũng, cũng chỉ vì môt vài mệnh lệnh không đầu đũa, vài chữ kí trên các văn bản mà rơi vào vòng xoáy cuộc đời một cách tuyệt vọng. Họ chẳng còn đủ khả năng thương cảm nhiều cho những người khác nữa vì họ chẳng thương xót nổi chính mình nữa cơ mà. Nhưng sâu xa hơn đó là sự ngỡ ngàng trước sự tàn nhẫn của con người, và nhận thấy bất công và trói buộc ở khắp mọi nơi ngay cả ở thời bình.



Một điều tuyệt đẹp nữa đó chính là cái tình cảm quân nhân ngoài chiến trường. Đó là tình cảm khắng khít của những người đồng cảnh ngộ, thấy hiểu lẫn nhau một cách trọn vẹn. “Tôi không còn là một mảnh đời run rẩy, cô đơn trong bóng tối nữa; tôi gắn bó với họ và họ với tôi; chúng tôi đều có những cái sợ giống nhau và một cuộc sống giống nhau; chúng tôi kết hợp với nhau một cách vừa đơn giản vừa sâu sắc. Tôi muốn vục mặt vào trong những giọng nói ấy, vào trong mấy tiếng thì thầm ấy đã cứu giúp tôi và sẽ còn nâng đỡ tôi mãi.” Hãy xem thật rõ cái tình cảm đó ở cảnh đầu cuốn truyện, cái chết của một trong những người bạn của họ: hãy để ý nhân vật Muiller và những người khác thay vì đau xót tột cùng thì lại chú ý đến đôi giày của kẻ hấp hối. Đó là cái tình cảm mà người ta dễ đánh giá là hời hợt của những người luôn trong vị thế đối mặt với cái chết để níu giữ sự sống; nhưng hãy hiểu cho thực rằng tình cảm nâng đỡ tinh thần lẫn nhau của họ quá sâu sắc đến độ họ không còn cách nào khác ngoài phũ phàng và độc địa nữa rồi. Họ bấu xíu lấy nhau, yêu thương nhau, cứu vớt nhau, bảo vệ nhau; nhưng khi đến thời điểm cần thiết, họ biết buông tay nhau, rời bỏ nhau, vì họ hiểu rằng họ phải giữ tinh thần để sống sót, và chính những người rời đi hẳn cũng sẽ muốn họ đanh thép đến lạnh lùng như vậy để có thể tiếp tục chiến đấu với tử thần, để sống tiếp cái phần đời dở dang của họ….


Và một điều cuối cùng xuyên suốt tiểu thuyết của Remarque đó chính là tình yêu cuộc sống của tuổi trẻ thông qua tình yêu thiên nhiên. Hãy để ý những đoạn họ chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhặt của thiên nhiên: họ vui sướng khi được chạm vào đất, say mê những thay đổi dù chỉ là nhỏ nhặt nhất của mẹ thiên nhiên. Đối với họ, những chi tiết tinh tế bé nhỏ ở xung quanh mà thường không hề chú tâm đến ở những thời điểm bình thường khác là một điều quý giá và thiêng liêng, nâng đỡ tâm hồn rỉ máu; đó là một trong những điều hiếm hoi mà họ tinh tế thưởng thức và thả lỏng như để linh hồn hoà vào những thứ sơ khai nguyên thuỷ nhất, để bản năng chiếm hữu và để tình cảm lên ngôi. Bất cứ khúc nào chúng ta cũng có thể thấy được chút xíu sức sống của họ khi họ được chứng kiến chút gì đó từ thiên nhiên, và cũng chỉ lúc đó thôi có lẽ họ mới được là người.


Cảnh cuối cùng được cho là rúng động nhất nền văn học chiến tranh. Nhân vật chết yên bình đến nỗi thông báo đưa về bộ chỉ huy chỉ có một dòng: “Ở phía Tây không có gì lạ” – cũng chính là tên của cuốn tiểu thuyết. Sự lạnh lùng đó là một tuyên cáo đau đơn mà mạnh mẽ nhất lên án sự tàn khốc vô nhân đạo của chiến tranh và của những kẻ khởi xướng chiến tranh gây ra hi sinh mất mát cho bao số phận sinh nhầm thời. Chỉ một câu ngắn gọn cũng thít chặt vào trái tim bao nhiêu sinh linh khác. Không nghi ngờ gì nữa, “Phía Tây không có gì lạ” chắc chắn là cuốn tiểu thuyết hay nhất thế giới viết về chiến tranh thế giới thứ nhất, và người tạo nên kiệt tác rung động tâm hồn này – Enrich Maria Remarque – xứng đáng được đời đời vinh danh. Một tác phẩm quá vĩ đại, quá tuyệt vời đến mức ngay cả khi cố gắng viết xuống đến tận những dòng cảm xúc cuối cùng, tôi vẫn cảm thấy không đủ - bởi lẽ từng cảnh, từng câu trong tiểu thuyết quá ý nghĩa, quá say mê, quá cảm xúc đến mức tôi chỉ muốn giục người khác cùng đọc thì mới có thể cảm được cái dòng chảy cảm xúc xáo động này mà thôi. Theo một cách nào đó, tôi hận vì không thể chép toàn bộ cả quyển tiểu thuyết ra đây mà phân tích đến từng trang, từng dòng. Tuyệt đối không nên bỏ qua!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét