Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Suối Nguồn - Ayn Rand - Đừng bị đám đông đồng hoá đạo đức



Tôi thực ra chưa bao giờ có ý định đọc Suối Nguồn, và đáng lẽ là cũng sẽ không bao giờ đọc Suối Nguồn nếu các thể loại quảng cáo và những nhận xét từ giới trẻ về quyển sách này cứ tấp vào mặt những thứ như “xây dựng con người”, “khẳng định nhân cách” blablabla, bởi lẽ tôi khinh thường nhất là những loại sách kiểu như “Súp gà cho tâm hồn” hay “Hãy là chính bạn”,… Tuy nhiên, tôi khá là tò mò về cách giới trẻ suy nghĩ và tiếp cận vấn đề, thế nên tôi quyết định chọn đọc quyển nổi tiếng nhất – Suối Nguồn. Tôi phải nói rằng tôi tuyệt đối không hối hận khi đọc quyển sách kinh điển này, và trên thực tế, nếu như Suối Nguồn không bị quảng cáo chung với những loại sách “dạy làm người” tầm tầm thì có lẽ tôi đã tìm đến nó sớm hơn.


Khi đọc phần giới thiệu về chủ đề và nguyên tắc chính xây dựng lên tác phẩm: “nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cộng sản” tôi đã cảm thấy có một phần nào đấy cảm giác không trông đợi cho lắm, bởi lẽ mặc dù tôi là người tôn sùng chủ nghĩa vị kỉ, nhưng điều đó chỉ khiến tôi có ấn tượng rằng những tác phẩm vị kỉ chủ yếu đều chỉ là “nói quá” lên sự ích kỉ “có đạo đức” của con người mà thôi; rất ít các tác phẩm có thể vượt lên được khỏi loại “ích kỉ có kiểm soát của đạo đức” kiểu này, và thường không gây thoả mãn. Ngay cả những lời của bà về chủ nghĩa tôn vinh con người cũng làm tôi khó hiểu – và đã có lúc tôi tự hỏi rằng “tôn vinh con người” của bà là gì, khi mà có hằng sa số sách vở khác cũng cùng một giuộc tôn vinh con người mà thôi; tôi những tưởng đã muốn bỏ sách với lời thầm nhủ, “how people beauty themselves”; nhưng may mắn là tôi đã không làm thế. Tôi phục bà đã viết nên quyển sách này, và ngưỡng mộ sự cực đoan của bà; tôi biết bà thấu hiểu từng khía cạnh về chủ đề bà đã viết, và điều đáng ngưỡng mộ ở bà đó chính là bà dám chọn một khía cạnh duy nhất để diễn đạt nó đến tận cùng gốc rễ, đến thái cực cực đoan – đó chính là sự đối đầu giữa chủ nghĩa vị kỉ và chủ nghĩa vị nhân sinh; con người không thể chối bỏ chủ nghĩa vị nhân sinh, bản thân bà chắc chắn cũng biết điều đó, nhưng bà tỏ rõ lập trường trong một quyển sách lên đến đỉnh điểm của sự tỉ mỉ khiến người đọc phải hiểu rằng, trong một vấn đề, ngay cả khi biết đầy đủ mọi khía cạnh của một quan điểm thì cũng không được phép “ba phải”, “nước đôi”, mà phải tập trung cho một điểm duy nhất cho trọn vẹn cái đã, rồi có thể tự do mà theo đuổi mặt còn lại sau. Thật không lạ gì khi Suối Nguồn gây tranh cãi lớn lao trong xã hội, nhưng có vẻ đa số không hiểu được rằng một khi đã cầm bút thì một nhà văn không có quyền “đứng giữa đôi ngã rẽ” – họ buộc phải chọn một con đường, ít nhất là trong tác phẩm đó, và để dành công sức mô tả con đường còn lại trong một tác phẩm khác. Không thể đòi hỏi một nhà văn viết về một vấn đề một cách toàn diện; chỉ nên đòi khỏi tác giả viết về một khía cạnh của vấn đề một cách toàn diện là đã đủ; Ayn Rand đã làm được điều này – thậm chí còn đẩy sự toàn diện lên đến cực đoan.


Ayn Rand đã xác định cuốn tiểu thuyết của bà mang tính trường tồn đặc trưng của văn học lãng mạn – nghệ thuật hướng tới nhận thức, tập trung giải quyết những vấn đề thuộc về vĩnh hằng, cơ bản, nguồn cội nhất trong cuộc sống của con người, chứ không bị chìm vào phần văn học hiện thực đương thời chạy đua theo thời đại. Đối với bà, văn học lãng mạn phải “sáng tạo và định hướng”, chứ không phải ghi chép và mô phỏng lại hiện thực tạm thời. Cái mà văn học lãng mạn và bà hướng tới đó là “thế giới như nó có thể trở thành và nên trở thành”, chứ không phải một “thế-giới-đang-là”. Động cơ và mục đích của bà là tạo ra một nhân vật hoàn toàn lý tưởng đến tận bản chất nguyên thuỷ nhất. Thứ nhất, mặc dù đồng tình với hướng suy nghĩ mong muốn cải tạo thế giới kiểu này, nhưng tôi đã suy nghĩ đến vấn đề về một “con người lý tưởng” trong quan niệm của bà và tôi phải nói rằng quan niệm của bà khiến tôi thấy bối rối giữa “sống” và “tồn tại”. Thứ hai, bà cho rằng sự độc quyền của tôn giáo khiến việc những ý nghĩa và sắc thái tình cảm từ góc độ lý tính trở nên khó khan, bởi lẽ con người phải tham chiếu thế giới quan tình cảm trong mối tương quan với đạo đức lý tưởng nhất chứ không phải với một loại tôn-giáo-mơ–hồ khiến tôi cực kì tò mò với chủ nghĩa lý tưởng của bà, bởi lẽ sự “lý tưởng”, “chân nguyên” nhất của con người vẫn là câu hỏi chưa bao giờ được trả lời thoả đáng trong lịch sử triết học nhân loại; ngoài ra, sự “lý tưởng” này còn có thể bị xem là một cách phủ nhận tôn giáo và đức tin của con người – con người ai cũng cần nơi nâng đỡ tinh thần và đức tin, và khi nói rằng “bản thể nguyên thuỷ” lý tưởng của chính mỗi cá nhân chính là đền thờ tôn giáo của anh ta, Ayn Rand đã vô hình chung đẩy con người vào sự bối rối và hoang mang; không phải ai cũng thấu hiểu con người và bản chất của mình, hay nói thẳng ra chưa từng có ai dám nhận điều đó, bởi nguyên mẫu của con người là gì đã có ai xác định được đâu? Đối với bà, những tình cảm cảm này cần phải được cứu chuộc từ chủ nghĩa thần bí và tôn giáo để trao trả lại chủ nhân chân chính của chúng là con người – những sinh vật lại hoá ra chẳng có chút thấu hiểu nào về những điều đó nếu không “ăn bám” vào tôn giáo và đức tin. Tuy nhiên đây chỉ là tầng nghĩa thấp hơn, điều dễ gây ấn tượng với người đọc hơn cả nếu như không chú ý. Bản thân tôi nếu không đọc lại lần hai cũng dễ dàng bị sa vào hướng suy nghĩ này – coi tôn giáo là đức tin. Bà đã phải giải thích lại trong phần suy nghĩ cá nhân về Suối Nguồn rằng bà viết về tôn giáo như một nhánh tư duy trừu tượng, một hình thái thăng hoa cao nhất – tức là, tôn giáo ở trong Suối Nguồn cũng không ở vai trò chung chung, mà cũng ở trạng thái lý tưởng. Tôn giáo trong Suối Nguồn là tập hợp của những tình cảm và đạo đức lý tưởng nhất, đáng lẽ thuộc về con người, thì lại bị chính con người gắn mác linh thiêng và đẩy vào lĩnh vực tôn giáo.


Bà đặt khả năng tư duy của con người lên đến đỉnh cao của lý tưởng – vì bà cho rằng tất cả mọi thứ từ những quan niệm đơn giản nhất cho đến những lý tưởng cao cả nhất không thể giải nghĩa nổi của tôn giáo cũng đều là sản phẩm của tư duy. Tôi dám chắc rằng bà đã viết các nhân vật của bà theo chủ nghĩa lý trí; điều này phải thực sự rất cẩn thận vì có những bài viết tôi đã thấy người ta nhầm chủ nghĩa lý trí với chủ nghĩa lý tính – bà đặt hoàn toàn quyền năng vào con người, chứ không giống chủ nghĩa lý tính tức là có cả những “lí lẽ” vượt khỏi phạm vi kinh nghiệm.


Bà khẳng định rõ ràng sự tôn vinh con người qua triết học mà tôi tin là Mục Đích Luận – thuyết về mục đích tự thân. Theo như Aristotle, mọi vật trên thế gian được sinh ra đều có một mục đích mà nó nhằm đạt tới. Nhưng Ayn Rand đã đưa sự tôn vinh con người lên một tầm cao mới khi cho rằng không một triết thuyết nào trên đời này sinh ra có một mục-đích-tự-thân, và rằng chỉ có con người mới có cái mục-đích-tự-thân đó. Đây là điều tôi nghĩ rằng đáng xem xét để tranh cãi, bởi lẽ; thứ nhất, không một ai có thể dám khẳng định mục-đích-tự-thân của mình là gì hết, bởi không một con người nào từ trước đến nay có thể đạt được đến sự thấu hiểu bản thân toàn diện đủ để có thể nhận ra mục đích tự thân của anh ta là gì; anh ta buộc phải dựa vào những danh từ mà cuộc đời và xã hội sinh ra để xác định mục-đích-tạm-gọi-là-tự-thân cho mình: ước mơ, khao khát, hạnh phúc, tình yêu,….. Trong Suối Nguồn, Ayn Rand đã cho mục-đích-tự-thân của con người là Sự Sáng Tạo. Bất cứ ai sinh ra cũng để sáng tạo – quả là một quan điểm đẹp đẽ vỗ về lòng kiêu hãnh phù du của con người. Phương tiện để đạt được đến mục-đích-tự-thân này chính là sự vị kỷ và niềm tin tuỵệt đối vào những giá trị lý tưởng nhất – 2 điều được thể hiện rõ ràng và xuyên suốt qua nhân vật chính của truyện: Howard Roark.


Howard Roark chính là nhân vật lý tưởng nhất của Ayn Rand – anh là đại diện cho con-người-tự-thân trong lí tưởng về con người của Rand, và mục-đích-tự-thân mà Rand đặt cho anh chính là công việc sáng tạo trong kiến trúc. Roark được xây dựng là một người hoàn toàn thờ ơ, máy móc, đứng trên mọi sự kiện, trên mọi hiện tượng, mọi sinh vật khác. Roark không quan tâm đến cách người khác đánh giá anh cũng như những quan niệm của anh, bởi đối với anh, con người chỉ là một khối hợp thành lộn xộn của những quan niệm, những nguyên tắc cóp nhặt từ con người và hiện tượng xung quanh họ. Roark là sự tôn vinh tinh hoa chân nguyên cốt lõi nhất của con người. Con người phải tuân thủ những nguyên lý xuyên suốt của nó, và phải phục vụ mục đích của chính nó. Tuy nhiên, sự chính trực tối giản của Roark cũng như những nhân cách như Roark đó dường như lại trở thành ngăn trở trong việc thấu hiểu con người, hay nói đúng ra là từ chối thấu hiểu con người. Phần đầu truyện, cách dẫn truyện của tác giả có thể dễ dàng khiến người đọc cho rằng bà muốn mô tả nhân vật theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan – thông qua Howard Roark và Cameron. Cả hai đều có điểm chung là tôn vinh chân giá trị đơn thuần tối giản, nhưng cách thể hiện “phản nghịch” quá đỗi mạnh mẽ của Cameron dường như chênh vênh lệch sang chủ nghĩa tôn vinh anh hùng cô độc. Cả Roark và Cameron vì quá phụ thuộc vào bản chất cá nhân nên không được xã hội chấp nhận. Phiên toà cuối cùng xét xử Roark đã làm rõ toàn bộ quan điểm của Ayn Rand về chủ nghĩa vị kỉ tuyệt đối, về chủ nghĩa vị nhân sinh và về một nhân loại lý tưởng – một nhân loại mà với bà là nên-có và đáng-lẽ-là.


Những người vĩ đại nhất là những người đứng cao hơn sự đàm tiếu và nghi ngại của đám đông để làm những gì mà bản ngã họ tin tưởng, ngay cả khi họ đều phải trả những cái giá vô cùng đắt đỏ. Bản thân con người biết rằng vinh quang đều đến từ những cá nhân, và những cá nhân đó lao động để để đạt đến chân lý và mục đích tồn tại của chính mình, chứ không phải vì nhân loại. Sự sáng tạo của những cái tôi vị kỉ chính là tác nhân đem đến thành công cho nhân loại. Điều vĩ đại nhất mà con người có thể có được – chính là trí tuệ. Thông qua lời phát biểu của Roark, chủ nghĩa duy lý được đẩy lên cao nhất: con người tồn tại được là nhờ trí tuệ và chỉ trí tuệ mà thôi. Nhưng trí tuệ không thuộc về cộng đồng, mà thuộc về cá nhân. “Cái tôi là nguyên nhân đầu tiên, là nguồn năng lượng, là động lực sống, là cội rễ của tất cả. Người sáng tạo không phục vụ cái gì và không phục vụ bất cứ ai khác. Anh ta sống vì chính bản thân mình.” “Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi. Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta.”


“Người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối không bao giờ bắt người khác hy sinh cho mình. Anh ta sống vượt ra ngoài nhu cầu sử dụng những người khác, dù dưới bất cứ hình thức nào. Anh ta không hoạt động thông qua họ. Trong những lĩnh vực cốt lõi nhât - tức là trong mục đích, động cơ, tư duy, khát vọng, năng lực - anh ta không quan tâm tới người khác. Anh ta không sống vì bất cứ ai - và anh ta không yêu cầu ai phải sống vì anh ta. Đây là hình thức duy nhất để tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người có thể tồn tại.” Cái vị kỉ mà Rand nhắc đến hoàn toàn vượt khỏi định ghĩa vị kỉ, ích kỉ thông thường, mà tiến tới một trạng thái hoàn hảo hơn: vì chính bản thân mình cũng chính là vì nhân loại.


Chính do sự vị kỷ của những cái tôi sáng tạo mà con người có được những thành tựu lưu truyền thiên cổ. Nói cách khác, vị kỉ vì chân lý và để hoàn thành mục-đích-tự-thân của mỗi cá nhân chính là điều vĩ đại nhất mà một con người có thể làm được. Tôi rất đồng ý với quan điểm của Ayn Rand về sự thiêng liêng trong cái tôi cá nhân giữa nhân loại, bởi rõ ràng rằng những người phi lý lại mới thường là những người thành công, nhưng cách bà diễn tả một Roark vượt khỏi phạm vi của con người khiên tôi có những cảm xúc lạ về chủ nghĩa lý tưởng tuyệt đối của bà. Đúng thế, Roark là một người lý tưởng tuyệt đối, là cái chân nguyên ngoài hang Plato, nhưng cái mục-đích-tự-thân của anh liệu có phải là một công việc? Quan niệm tự-thân của Rand là gì? Là chính mình, sống đúng như cái bản ngã sâu thẳm của mình? Nhưng cách bà mô tả Roark, tôi phải tự hỏi rằng bà đang muốn mô tả một hiện tượng tự thân hay một nhân cách tự thân? Bởi trong trường hợp Howard Roark, dường như đó là một công việc tự thân thì đúng hơn – một công việc mang hình thái con người.


Điều này có thể gây bối rối cho người đọc sách, cái quan niệm tự thân của Rand. Với cá nhân tôi, tôi xin mạo phép trả lời quan niệm về tự-thân của Rand là Sự Sáng Tạo – tức là đối với Rand, mỗi cá-nhân-tự-thân chính là những cá-nhân-sáng-tạo, tức là mỗi con người đều là một sự sáng tạo tự thẳm sâu bản ngã, mục đích tồn tại của mỗi cá nhân đều là để sáng tạo. Thế nhưng bà có quá kiêu ngạo hay không, khi tìm cho con người một mục đích tự thân họ; cũng như tôi, có quá kiêu ngạo hay không khi phỏng đoán ý tứ của bà. Mục-đích-tự-thân luôn là một câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp, và Aristotle từng nói mục đích tự thân của mỗi người là truy cầu hạnh phúc. Theo một cách nào đó, Rand dường như cho rằng mục đích sáng tạo còn cao cả hơn cả - vì là chính mình chính là hạnh phúc?


Từ đó, Ayn Rand nhất mạnh cái quyền tự do tối cao của mỗi cá nhân và quyền sở hữu tuyệt đối với sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Có lẽ chính điều này đã khiến bà mang tiếng là người cổ suý cho chủ nghĩa tư bản, là người theo thuyết kẻ mạnh nhất, cá lớn nuốt cá bé. Nhưng phải nói rõ rằng bà hoàn toàn phản lại nhận thức luận ủng hộ những quan điểm về những điều thần bí, hạ thấp vai trò tư duy lý tính và thiên về duy ý chí (chỉ cần nhiệt huyết, quyết tâm là có thể làm được bất chấp mọi điều kiện khách quan), cảm giác, bản năng và điều kiện bẩm sinh của đối tượng. Tức là trong quan điểm của bà, hay ít ra là trong tiểu thuyết chỉ trình bày về một khía cạnh này của bà, Lý Tính là cao nhất, bất chấp mọi điều không thể diễn giải được bằng lí trí. Hãy phân biệt sự khác nhau giữa Lý Tính và Lý Trí – Lý Tính còn bao hàm cả những điều vượt khỏi cả phạm vi của kinh nghiệm – có lẽ đó là một lý do giải thích cho sự chắc chắn của bà về khả năng nhận thức được mục-đích-tự-thân của con người – bởi lẽ đó là một sự nhận thức vượt khỏi tầm kiểm soát, vượt khỏi tư duy thông thường của con người; một sự nhận thức lớn lao mà “con người” khó có thể đạt đến được.


“Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.” Đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa Lý Tính vị kỉ chính là chủ nghĩa Vị Nhân Sinh – một điều luôn luôn được con người tôn vinh. Ngẫm lại, quả thực trong suốt bao nhiêu năm học hành, học sinh luôn được dạy về chủ nghĩa vị nhân sinh (hi sinh vì nhân loại) là một thứ hết sức thiêng liêng, một thứ quên mình và yêu thương nhân loại. Một loại chủ nghĩa Cộng Sản. Một loại chủ nghĩa Xã Hội lý tưởng vô lý. Nếu nói rằng con người vốn bản chất là vị kỉ rồi, nhưng bị sự bóp méo của xã hội để đắp lên mình cách cao quý của vị nhân sinh, thì chẳng phải cái chủ nghĩa này chỉ càng khiến con người giả tạo và ngu xuẩn hơn hay sao? Nhu cầu cơ bản của một nhà sáng tạo vị kỉ là sự độc lập, trong khi đó nhu cầu cơ bản của những kẻ thứ sinh lại là ăn bám vào sự sáng tạo của những người vị kỉ đó trong khi chỉ tìm cách củng cố quan hệ trong xã hội để tồn tại. Chúng tuyên bố rằng con người tồn tại để phục vụ người khác. “Một người cố gắng sống vì người khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám trong động cơ của mình, và anh ta cũng biến những người mà anh ta phục vụ thành những kẻ ăn bám.”


“Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra….
Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh -

những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó.”


“Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là giữa hy sinh bản thân và hy sinh người khác. Sự lựa chọn phải là giữa sống độc lập và sống lệ thuộc. Giữa nguyên tắc sống của người sáng tạo với nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh. Đây chính là vấn đề cơ bản. Nó là lựa chọn giữa sống và chết. Nguyên tắc sống của người sáng
tạo được xây dựng trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và do đó giúp con người tồn tại được. Nguyên tắc sống của nhưng kẻ thứ sinh được xây dựng trên nhu cầu của một bộ óc không có khả năng tồn tại. Tất cả những gì bắt nguồn từ cái tôi độc lập của con người đều lành mạnh. Tất cả những gì bắt nguồn từ sự lệ thuộc của con người vào người khác đều là xấu xa.”


Nhưng chính từ sự phân biệt quá rạch ròi giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vị nhân sinh mà sản sinh ra một vấn đề: Ayn Rand rõ ràng là phê phán sự bầy đàn của con người, nhưng bà đã mạnh tay hơn trong việc cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ của một nhân cách lý tưởng với xã hội loài người, bởi lẽ trong quan niệm của bà, hay trong ý tưởng của cuốn tiểu thuyết, con người nên hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau và sống với những mối quan hệ bình đẳng đến triệt để. Như vậy, phải nói rằng mối quan hệ mà bà đặt ra là sự đồng thuận lý tưởng giữa mọi bên trong mối quan hệ, và như thế, mặc dù đạt được trạng thái ổn định và vững vàng, thì mối quan hệ đó cũng trở nên khô cứng và máy móc – khi con người hiểu rõ họ cần gì ở nhau và sẵn sàng rời bỏ nếu cảm thấy không thuận, mối lien kết giữa người với người mà theo tôi nghĩ sẽ phần nào trở thành rời rạc… Đôi lúc, không phải cứ sòng phẳng, công bình tuyệt đối mà mọi chuyện có thể tốt đẹp. Nhưng đây lại là chuyện khác, khía cạnh khác. Quan trọng là, khi ở một trạng thái lí tưởng rồi, thì con người ta dễ rơi vào tình trạng cần lẫn nhau để sử dụng lẫn nhau như phương tiện để đạt tới mục đích cuối cùng.


Vì vậy, hành động cuối cùng của Roark là phá huỷ toà nhà do chính anh sáng tạo khi nó bị “hội đồng bầy đàn” tàn phá trước khi ra toà vừa là sự tha thứ của anh đối với Kneating, vừa là hành động vượt lên hoàn cảnh ở trạng thái cao nhất – khác hẳn với toà đền thờ trước đó anh không có khả năng giữ nguyên hiện trạng của nó mà buộc phải để người ta xâu xé nó. Đó là câu trả lời của Roark với toàn xã hội “Hình dáng thực của nó đã bị bóp méo bởi hai kẻ sống thứ sinh dám tự cho
mình cái quyền được điều chỉnh những gì họ không làm ra và không có khả năng làm. Người ta cho phép họ làm việc đó bởi vì người ta nghiễm nhiên cho rằng mục đích nhân đạo của tòa nhà có thể thay thế tất cả những quyền khác. Họ nghiễm nhiên cho rằng tôi không có quyền chống lại điều đó.”

“Lý do duy nhất của nó là sự phù phiếm của một vài kẻ thứ sinh muốn có quyền với tài sản của người khác, cả tài sản vật chất lẫn tài sản tinh thần. Ai đã cho phép họ làm điều đó? Không cụ thể một ai trong số những người có thẩm quyền. Không ai thèm để ý đến việc cho phép hay ngăn cấm hành vi đó. Không ai chịu trách nhiệm. Không ai đứng ra chịu lỗi. Đó chính là bản chất của tất cả các hoạt động tập thể.”

“Rằng nhu cầu của họ cho phép họ có quyền quyết định cuộc đời của tôi. Rằng bổn phận của tôi là phải đóng góp bất cứ những gì người ta cần ở tôi. Đây chính là tín điều của kẻ thứ sinh. Tín điều này đang nuốt chửng cả thế giới này.”


Đẩy lên cao trào nhất là sự tuyên bố của Roark khi anh tuyên bố rằng anh chỉ có duy nhất nghĩa vụ đó là tôn trọng quyền tự do cá nhân.


Thực ra, ý tưởng của Rand thông qua Roark được viết rõ ràng và đầy đủ đến mức ngoài việc chép lại những ngôn từ của bà, tôi không còn cách nào khác để có thể mô tả rõ hơn chính bà những gì bà muốn nói. Tôi thích thú với việc mò mẫm những nhân vật xung quanh Roark hơn kia. Thực ra những nhân vật bên cạnh Roark mới là “người”, và như tôi nhìn nhận, thì họ mới là những nhân vật đáng phân tích, chứ không phải chính Roark. Roark là hiện thân của bài phát biểu của anh trong phiên toà. Nhưng những nhân vật khác chỉ có thể suy xét trong phiên toà của mỗi người đọc mà thôi.


Nhân vật đối lập hẳn lại Roark chính là Toohey Ellsworth. Thực ra người ra có thể nói rằng đáng lẽ Kneating mới đối lập với Toohey, bởi câu chuyện dường như xây dựng theo hướng đó. Nhưng thực ra như thiển ý cá nhân tôi thì Toohey mới chính là biểu tượng đối đầu của Roark, bởi nếu Roark là biểu tượng vị-kỉ-lý-tưởng thì Toohey là biểu tượng của vị-nhân-sinh-lí-tưởng; nhưng cái hay của Toohey ở chỗ, ông ta tuy là biểu tượng cao nhất của thế hệ những kẻ thứ sinh, thì ông ta lại hoàn toàn nhận thức được rõ rệt điều đó. Hãy nhìn cho rõ Toohey, ông ta không phải một kẻ vị nhân sinh, ông ta chỉ là biểu tượng của những kẻ vị nhân, kẻ đứng đầu bầy đàn vị nhân sinh mà thôi. Ông ta dường như là một kẻ theo đuổi chủ nghĩa cao thượng tuyệt đối, nhưng vấn đề ở chỗ ông ta đẩy người khác vào vị thế những kẻ cao thượng để khiến họ mang ơn ông ta, và khiến họ tưởng rằng chính bản thân ông là một người cao thượng. Không hề. Ông ta chỉ dùng quyền lực để khiến người khác tin vào cái tốt của con người và buộc bè lũ bầy đàn của ông phải mang vác sự cao thượng mà họ không thể mang nổi, khiến họ phụ thuộc vào ông ta. Cái thế “vị nhân sinh”, hi sinh bản thân vì thiên hạ này chính là thứ giam cầm con người nặng nề nhất, khiến họ nặng nề, lạc lõng, rồi dần dà đánh mất bản thân. Ellsworth trong thế giới phàm tục có thể là một vị thánh, nhưng lại là một vị thánh đáng khinh đến cùng cực, vì rằng ông ta tiếp nhận tất cả, nhưng cũng coi thường tất cả. Ông ta sống ăn bám vào kẻ khác, nhưng lại đứng cao hơn kẻ khác, coi họ như những con chuột bạch thí nghiệm cho lí tưởng đùa bỡn với nhân loại của ông ta, một loại mẫu vật lấp lửng đầy mâu thuẫn khiến ông ta cảm nhận được vị ngọt của quyền lực. Đối với ông ta, trên thế giới này chẳng có gì thực sự quan trọng hết.


Chính Ellsworth tuyên bố rằng cái ông ta theo đuổi là quyền lực. Nói đúng ra, ông ta là một kẻ thứ sinh điển hình nhưng lại mang cái vỏ vị nhân sinh – đại diện cho cả một tầng lớp đạo đức giả to lớn trong xã hội. Những kẻ ham mê quyền lực là những kẻ thứ sinh tồi tệ nhất, vì họ sống hoàn toàn phụ thuộc vào bầy đàn – bầy đàn quyết định họ, phán xét họ, tước mất nhân cách của họ. Họ giao mình cho bầy đàn. Nhưng hãy xem Toohey, ông ta hoàn toàn ngược lại – ông ta khéo léo trong việc điều khiển cái bầy đàn đó như một chú chó chăn cừu trông đàn cho chủ là khát khao quyền lực. Theo một cách nào đó, có thể nói Toohey là một kẻ vị kỉ thứ sinh, và để đạt được khát khao quyền lực nên ông ta đội lốt vị nhân sinh. Ông ta là một chúa tể khôn ngoan, một gian quân – ngược hẳn với Gail Waynd bạo quân. Phiên toà thể hiện rõ ràng hơn cả quan điểm của ông ta chính là phiên toà phán xét đền thờ Stoddard – đền thờ gây náo loạn lớn đầu tiên của Roark; đền thờ Stoddard mà Roark bị buộc phải từ bỏ sự sở hữu của mình và phải chấp nhận sự can thiệp đau đớn của bầy đàn loài người. Chính ở phiên toà này, Roark đã tuyên bố rằng “Con người phải sống bám vào nền đất thực tế và tôn vinh những thực thể cá nhân mạnh mẽ và trong sạch” , trong khi đối với Ellsworth, “Hành động cao thượng nhất của con người là nhận ra sự nhỏ mọn của mình và cầu xin tha thứ.”


Và nạn nhân điển hình nhất của Ellsworth chính là cô cháu gái Catherine của ông ta – từ một cô gái trẻ trong sáng, vị tha, yêu thương Kneating hết mực, cô dần dần bị cái lí lẽ thuyết phục của Ellsworth đẩy vào con đường lầm lạc của những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh. Hãy chú ý rằng khúc giữa truyện, đoạn giao tiếp giữa cô và Ellsworth, chúng ta có thể nhận thấy rằng chính bản thân cô cũng nhận ra điều gì đó không ổn với tâm lý của mình. Cô nhận ra rằng khi giúp đỡ, “làm ơn” cho người khác, cô ngày càng quan trọng hoá địa vị của bản thân, ngày càng cần người khác phụ thuộc vào cô, hay nói đúng ra cô ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu của người khác. Tự bản thân cô biết mình đang biến đổi, trở nên ích kỉ chỉ để thoả mãn bản thân chứ không thực sự để hàm ơn cho thiên hạ; cô hoàn toàn đánh mất mục đích tự thân của mình; và đến khúc cuối, một Catherine trong sáng đôn hậu đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một Catherine mờ nhạt trong một bầy đàn những kẻ thứ sinh.


Một nạn nhân khác của Ellsworth cũng như của cả xã hội những kẻ sống ăn bám vào những nhà sáng tạo, đó là Kneating. Kneating có thể nói là một nhân vật bất hạnh gần nhất truyện, khi anh ta hoàn toàn bị ngoại cảnh và con người xung quanh định nghĩa bản thân mình. Anh ta trở thành một tổ hợp thập cẩm những điều người khác mong đợi ở anh, sống mù mờ tăm tối trong cuộc theo đuổi một mục đích mà chính anh cũng không nắm rõ. Anh đã từng có ước mơ, nhưng lại bị che mờ bởi lòng tham của xã hội. Nhưng Kneating, cũng như một phần nhân loại, luôn hướng đến sự vĩ đại của những cá nhân sáng tạo. Trong tiềm thức, anh biết và ghen tị với Roark – anh biết rằng anh không nên sống theo kì vọng của xã hội và anh luôn ghen tị với Roark vì Roark không bao giờ sống theo nguyên tắc của người khác, mà chỉ sống theo nguyên tắc của bản thân về mục đích lý tưởng. Nhưng những quan niệm về danh vọng, địa vị, tiền tài cố hữu mà giống loài tự nhận là “con người” đã chi phối cuộc sống của anh mạnh mẽ đến mức, chỉ đến những phút cuối cùng, Kneating mới nhận ra được sự thất bại và trống rỗng của bản thân; và dù rằng anh đã cố sức đấu tranh để bảo vệ điều cuối cùng mà Roark trao cho anh – sự cứu rỗi – thì anh vẫn không vượt qua nổi xã hội.


Có hai cảnh đẹp nhất có thể mô tả được hoàn hảo con người Kneating khi chưa tỉnh ngộ và đã tỉnh ngộ. Cảnh thứ nhất, cảnh khi anh còn hết sức “con người”, với đầy đủ mọi “phẩm chất” của con người, khi anh chưa tỉnh ngộ, đó là cảnh Kneating đến với hội trí thức bạn của Ellswoth. Đó là một cảnh hết sức tuyệt vời thể hiện được đầy đủ tính chất của những kẻ thứ cấo – Peter đến đó để cảm nhận cái không khí của những người mà xã hội cho là cao thượng để có thể cảm thấy rằng chính mình cũng cao thượng – từ đó thể hiện khao khát muốn được thừa nhận của Kneating. Chính cảnh đó mà ta cũng hiểu được sự phụ thuộc của những kẻ thứ-cấp-cao-cấp: những kẻ cần sự ngưỡng mộ và sung bái của kẻ khác để có thể cảm thấy tốt đẹp và cao thượng về bản thân mình. Đó là tìm kiếm sự tự trọng cá nhân thông qua người khác. Cảnh thứ hai, sau khi Kneating thua hoàn toàn trong việc giữ nguyên bản thiết kế toà nhà Cortlandt của Roark trước sự tấn công của những kẻ thứ sinh – Kneating hoàn toàn suy sụp vì nhận ra cơ hội duy nhất để đấu tranh và cứu chuộc linh hồn mình đã mất. Và mặc dù khi Roark phá huỷ toà nhà đó để cứu toà nhà khỏi bàn tay con người, và đối với Kneating đó đáng lẽ phải là một hành động cứu chuộc anh, thì Kneating lúc này đã suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Anh đã phụ thuộc quá lâu để có thể gượng dậy.


Nhân vật tôi thích thú hơn cả có lẽ là nhân vật Gail Waynd. Đó là một nhân vật cực kì chính trực, là nhân vật đã khiến tôi có ý tưởng về tên tội phạm của mình: một kẻ giết chết những người chính trực để bảo vệ họ khỏi sự ô nhiễm của con người. Thật buồn cười khi tôi từng có ý nghĩ rằng Gail Waynd huỷ hoại những người chính trực để bảo vệ họ khỏi sự xấu xa của xã hội – ông huỷ hoại họ bằng những cách tồi tệ nhất có thể: bắt họ phải ủng hộ những gì họ hằng khinh bỉ nhất. Gail làm vậy giống như để chê cười, khinh bỉ xã hội và những cá nhân không chân chính của nó thì đúng hơn. Ông giống Roark lạ kì mà cũng đối lập với Roark lạ kì. Ông khốn kiếp một cách chính trực; người ta bảo ông sống thật với bản thân mình, nhưng không phải vậy, và không hề là vậy, dù tôi thừa nhận nhân vật này quả thực được mô tả như là sống một cách chân thực. Ông chính trực, đúng vậy; ông chân thực với bản thân, nhưng không phải là người sống thật với bản thân, vì nếu ông sống thật với bản thân, ông đã trở thành một roark khác rồi. Không, Gail Waynd, chính xác ra mà nói, là một trong những kẻ thứ cấp tồi tệ nhất – kẻ đam mê và đạt được quyền lực. Ông là người hoàn toàn dựa vào đám đông, sống do đám đông, chính ông đã trao cho đám đông cái quyền kiểm soát cuộc đời ông và tước đoạt đi con người chân chính của ông.


Những lời Gail Waynd thừa nhận với Roark trong thời gian ông đi nghỉ cùng Roark thật là tuyệt vời. Ông thừa nhận sự trống rỗng của bản thân mình một cách thành thực và đầy cay đắng: “Tôi đã xóa bỏ cái tôi của mình theo một cách mà không có một vị thánh nào làm được. Nhưng mọi người vẫn gọi tôi là đồ đê tiện. Tại sao vậy? Các vị thánh trong nhà thờ chỉ hy sinh những gì thuộc về vật
chất. Đấy là một cái giá quá rẻ để mua được vinh quang cho linh hồn của họ. Họ giữ khư khư linh hồn của mình và từ bỏ cả thế giới. Còn tôi - tôi giữ lại những cái ô-tô, những bộ pyjama bằng lụa, một ngôi nhà, và đổi lại tôi đã cho đi linh hồn của mình. Như vậy ai là người phải hy sinh nhiều hơn - nếu hy sinh là phép thử của đức hạnh? Ai mới đích thực là thánh?"

 Đúng thế, chính ông là đại diện mẫu mực cho lí tưởng của Toohey, những kẻ hoàn toàn phụ thuộc vào bầy đàn, không thể dứt ra nổi. Tất nhiên, ông không phải một kẻ vị nhân sinh; nhưng ông là một kẻ thứ cấp. Và ông biết mình là “đại diện” của Toohey bởi lẽ, hãy nhớ lại, vị nhân sinh chỉ là cái vỏ bọc của Toohey để Toohey thống trị kẻ khá mà thôi, chứ mục đích sau cùng của ông ta là biến cả xã hội thành những kẻ thứ cấp. Gaild đã bán linh hồn mình với giá hời, đó là quyền lực, hay ít ra ông nghĩ thế; để có quyền lực bảo vệ những người như Dominique, những người như Roark.


Nhưng Gail Waynd vẫn là một kẻ thứ cấp vĩ đại, vì thứ nhất, dù chỉ là kẻ ăn bám thôi nhưng ông hiểu thân phận mình và cũng hiểu xã hội. Ông khát khao và truy tìm những thứ mang hình bóng của cá nhân, mang hình bóng của sự sáng tạo, mang hình bóng của Roark. Cuộc chiến đấu cuối cùng của ông để bảo vệ Roark dưới bùa rìu dư luận sau khi Roark cho nổ toà nhà tình thương Cortlandt chính là cuộc thánh chiến của chính bản thân ông – ông chiến đấu để giành lấy sự thừa nhận của Roark cũng như để cứu chuộc chính mình. Có thể nói người đàn ông đó là tồn tại mâu thuẫn nhất trong truyện – ông sống hoàn toàn dựa và đám đông, và cuối cùng ông lại muốn dùng đám đông đó để thanh tẩy chính mình. Ông muốn cứu bản thân khỏi bầy đàn thứ cấp, để nếu không vớt vát được cái tôi thì ít ra cũng bảo vệ được một cái tôi khác mà ông ngưỡng mộ và khao khát. Cái con đỉa hút máu nhân dân đó rốt cuộc cũng chỉ là một tồn tại kí sinh trên nhân dân, và ngay cuộc thánh chiến cuối cùng để tách khỏi nhân dân.


(Ôi dài quá mà chẳng đâu đến đâu cả. Với một quyển sách đã viết đầy đủ gần hết rồi thì tóm lược lại quả là một điều không đơn giản….)


Nhưng Gail vẫn thua; con đỉa hút máu rốt cuộc vẫn thua vật chủ. Ông buộc phải đầu hàng trước dư luận. Sâu xa hơn, dường như tôi thấy Gail muốn buộc Roark thừa nhận một phần gì đó trong ông, buộc Roark thừa nhận ông, nhưng rốt cuộc Roark luôn dửng dung; còn ông, ông lại thua trong cuộc thánh chiến cứu chuộc chính bản thân mình. Sau khi tiêu tốn tiền bạc, địa vị, danh vọng,….ông vẫn bị đẩy vào tình thế cuối cùng, phải trở về là một con đỉa hút máu để duy trì quyền lực. Quyền lực vẫn chẳng làm được cho ông cái gì cả. Có lẽ hành động cuối cùng của Gail khi đóng cửa tờ Ngọn Cờ - biểu tượng của đám đông bầy đàn ngu xuẩn – chính là hành động táo bạo và chính xác nhất cuộc đời ông. Ông không thể trở về là chính mình, vậy thì ít ra ông cũng phá huỷ cái biểu tượng của bản thân là cái hỗn hợp hổ lốn của nhân loại. Ý tưởng xây đền thờ cho Gail cũng không còn nữa; nó không để tôn vinh ông nữa mà nó sẽ mang cái mà Roark thổi cho ông. Người đàn ông đó đầu hàng…sự đầu hàng của một kẻ thứ cấp trước những kẻ thứ cấp khác…


Nhân vật cuối cùng tôi muốn nhắc đến là Dominique. Đây là nhân vật gần Roark nhất – cô chưa đạt được sự lý tưởng như Roark, nhưng phần nào đó cũng là một nhân cách chân thực với bản thân mình. Nhưng cô chưa dửng dưng đứng trên đỉnh cao lý tưởng được như Roark, bởi trong cô có một thứ gì đó “người” hơn đôi chút – cô yêu thương con người. Nhưng phải nói cho rõ rằng những người như Dominique và Gail, họ yêu cái chân diện mục của con người chứ họ không yêu những kẻ thứ cấp gắn mác con người, còn những người ở đỉnh cao lý tưởng như Roark thì là yêu chính mình và “trao đổi” tình yêu với người khác. Tình yêu của Dominique cũng rất phức tạp; hồi đầu tiên khi đọc, tôi đã nghĩ rằng tình yêu của cô và thứ tình yêu khao khát đến mức muốn phá huỷ, rằng cô muốn huỷ hoại Roark là để bảo vệ anh không bị tổn thương trước con người. Cô đã không thể chịu nổi sự thương tổn mà nhân loại đẩy đến anh cũng như bản thể của anh – đền Stoddark – mà cô tự dằn vặt, giày vò và hành hạ mình: cô lấy Kneating, một trong những kẻ thứ cấp trung bình điển hình. Rồi sau đó, khi đến với Gail, tôi đã nghĩ cô muốn cứu chuộc Gail, làm chỗ dựa tinh thần cho Gail, để gail chống đỡ qua những ngày đấu tranh vì chân lý. Gai và Dominique đều là những người hiểu được sự thật nhưng lại không thể thoát ra nổi hoàn cảnh, bởi họ vẫn bị tổn thương bởi những điều người ta gây ra cho cái tôi chân chính, vì họ vẫn không thể tự bảo vệ mình, nên họ không có quyền tìm thấy sự cứu rỗi – dường như cả Dominique và Gail đều biết được sự bất lực của bản than trong việc bảo vệ điều thiêng liêng nhất của sự tồn tại nên họ chọn cách hành hạ bản thân, vì họ không cho phép mình hạnh phúc khi hạnh phúc đích thực vẫn đang bị chối bỏ. Có thể nói, Dominique là một người rất yêu con người, nên cô căm ghét và khinh bỉ con người, nhưng cô lại cũng chẳng thoát ra nổi con người. Cô là một Roark ở vị thế thấp hơn, gần gũi hơn, chân thực hơn.


Nói chung, khi đọc sách đa phần người ta sẽ nhận thấy hết cả những điều này, vì tác giả viết rất đơn giản và giải thích rất kĩ càng đầy đủ. Chẳng cần phải suy ngẫm nhiều mới hiểu được ý tác giả muốn nói gì. Viết ra, chẳng qua cũng chỉ là cách để nhớ, để nghiền ngẫm mà thôi. Chỉ là, khi đọc được quyển sách này, tôi có cảm giác mình phải tự cảnh báo mình, đừng có sa vào chủ nghĩa cá nhân triệt để như Ayn Rand, bởi lẽ tôi hẳn nhiên chưa đủ khả năng để kiểm soát tốt bản thân trước sự tự đề cao đến thế...chỉ một sai lầm nhỏ thôi cũng có thể đẩy con người ta vào thói kiêu ngạo ngu xuẩn của loài người, chứ không phải kiêu hãnh của "loài người" nữa.


1 nhận xét: