Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Ông hàng sách ở Kabul - Asne Seierstard



Tôi tìm thấy “Ông hàng sách ở Kaboul” một cách rất tình cờ thôi, thậm chí lúc tải về còn không hề có ý định đọc mà chỉ để… làm đầy bộ sưu tập trong lap. Nhưng tôi đoán khi đã có duyên thì không muốn đọc phải cũng không được.


“Ông hàng sách ở Kaboul” giống tài liệu ghi chép những quan sát của một phóng viên kiêm tác giả hơn là một tiểu thuyết đích thực – thông qua những mảnh chuyện đời của một gia đình Afghanistan rời xen lẫn những vài viết về bối cảnh xã hội, tình hình chính trị và quân sự ở Afghanistan, tác giả đã phần nào thể hiện được bối cảnh lịch sử đương thời cũng như phong tục tập quán của đất nước này. Nhưng tôi phải nói rằng, đọc truyện về những đất nước Hồi Giáo quả thực cảm giác rất muốn…lật bàn – đôi lúc tôi chẳng biết nên cảm thán rằng con người quá…ngu hay do những kẻ cầm đầu quá…thông minh trong việc ngu hoá con người. Nhưng nói chung, nếu đã xác định muốn đọc truyện về những đất nước theo đạo Hồi nói chung và Afghanistan nói riêng, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần bị ức chế một cách nực cười.


“Ông hàng sách ở Kaboul” chỉ miêu tả một giai đoạn lịch sử của Afghanistan trong thế kỉ 20, từ khoảng những năm 1970 đến khoảng những năm 2001/2002 (đại khái là quyển sách kết thúc khi cuộc chiến truy lùng Al Qaeda đang bắt đầu). Thời gian Afghanistan có được sự ổn định dài nhất là dưới sự trị vì của vua Zaher Shar (từ 1933 đến 1973) – ông là người nhiếp chính theo phái tự do, có ý tưởng hiện đại hoá tự do hoá đất nước. Tuy nhiên những ý tưởng hiện đại hoá của ông lại vấp phải sự phản đối của những người theo đạo – mà phần lớn Afghanistan lại theo đạo Hồi. Mặc dù không có tuyển cử tự do nhưng những đảng phái và các nhóm chính trị rất đa dạng và phát triển, từ chính tông đến cực tả. Sau một thời kì hạn hán dài và Zaher Shar phải sang Ý chữa bệnh, năm 1973, em họ Shar là Sardar Daoud Khan, tiếm ngôi – nền quân chủ chấm dứt kéo theo sự yên bình của đất nước.


Năm 1978, Đảng Dân Chủ Nhân Dân Afghanistan của những người Cộng Sản ám sát cả gia đình Daoud Khan và lên nắm quyền bính, từ đó mâu thuẫn giữa những người Cộng Sản và những phe phái theo đạo leo thang. Đặc biệt, đó là thời gian Chiến Tranh Lạnh đang diễn ra – tức là hai cực Liên Xô/Cộng Sản vẫn đang chạy đua vũ trang với Mỹ/Tư bản; chính sự áp đặt chính trị của những người Cộng Sản vô thần đã dấy lên những phong trào đấu tranh chống Cộng của những người theo đạo Hồi chống lại học huyết Marxist - những “chiến binh thánh chiến” mondjahidin với mục đích đấu tranh chống bọn ngoại đạo và Hồi Giáo hoá đất nước, được chính phủ Mỹ ngầm tài trợ thông qua cơ quan ISI đặt ở Pakistan. Để ủng hộ chính quyền Cộng Sản non trẻ của Afghanistan chống lại những lực lượng du kích được Mỹ ủng hộ, năm 1979, Liên Xô chính thức đem quân can thiệp vào nội bộ Afghanistan.


Chính quyền Cộng Sản ở Afghanistan và Kaboul muốn áp đặt sự thống trị lên Afghanistan nên đã cố gắng loại bỏ những nhóm Hồi Giáo – những lực lượng du kích chống Cộng, được phe Tư Bản hỗ trợ. Trong suốt mười năm ròng, chính quyền Cộng Sản cố gắng thay đổi xã hội Afghanistan – họ cố xoá bỏ chế độ bộ lạc để thay bằng chế độ cộng sản vui vẻ. Hai chính sách thể hiện khá rõ mục tiêu của Cộng Sản Liên Xô là: tiêu huỷ toàn bộ những tri thức liên quan đến những phe phái Đạo Hồi, và tập thể hoá nông nghiệp. Đây là hai sai lầm điển hình nhất của Cộng Sản khi muốn thống trị Afghanistan. Nếu hành động thứ nhất, tiêu huỷ tri thức (sách, báo, ghi chép,…) chỉ gây hoang mang trong cộng đồng trí giả Afghanistan và không thực sự có ảnh hưởng rất lớn, thì hành động thứ hai – tịch thu đất rồi phân chia cho nhân dân – chính là hành động quyết định sự thất bại của những người Cộng Sản. Họ không hề tìm hiểu rõ về đất nước đa phần theo đạo Hồi này, và theo đạo Hồi, gieo trồng trên đất đi cướp là trái với kinh Coran; nhân dân từ chối nhận đất được phân. Và điều này đã gây ra những khó khăn rất lớn cho Cộng Sản trong việc Cộng hoá đất nước Afghanistan. Sau mười năm chật vật, năm 1989, quân Cộng Sản chính thức rút khỏi Afghanistan.


Sự rút quân của Cộng Sản được coi là chiến thắng của ý thức hệ Tư Bản – mà đứng đầu chính là Hoa Kỳ đã tài trợ cho những nhóm du kích đạo Hồi mondjahidin nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của Liên Xô đến vùng vịnh dầu mỏ. Tuy nhiên, quân mondjahidin vẫn không chịu hạ vũ khí đình chiến, bởi lẽ chính phủ ở Kaboul vẫn do tổng thống thân Cộng và những người Cộng Sản nắm quyền. Lúc này, do Cộng Sản Liên Xô đã rút khỏi Afghanistan nên Hoa Kỳ không còn chú tâm vào Afghanistan và không có sự trợ giúp nào trong việc khôi phục đất nước. Tổng thống Afghanistan Najibullah thân Cộng biết rằng không thể trông mong vào Mỹ nên phải tiếp tục dựa vào những khoản đầu tư để kiến thiết đất nước của Liên Xô – điều này đã dẫn đến căng thẳng leo thang giữa chính phủ và những phe phái theo Hồi Giáo. Năm 1992, nội chiến chính thức bùng nổ. Cuộc nội chiến đã khiến hàng triệu người thiệt mạng, khiến tri thức khắp Afghanistan phải bỏ trốn sang Pakistan tị nạn.


Cuộc nội chiến đẫm máu khiến cả đất nước Afghanistan rơi vào tình cảnh loạn lạc khốn khó. Hoang mang và đau khổ lên đến cực điểm khi Taliban – phong trào Hồi Giáo cực đoan người Pashtun – xuất hiện. Năm 1996, tổng thống thân Cộng và em trai bị treo trước phủ tổng thống; quân Taliban chiến thắng oanh liệt. Chúng bắt đầu công cuộc thiết lập trật tự và công lý ở Afghanistan – thời kì đen tối u ám nhất của Afghanistan; thời kì gây nên ấn tượng mãnh liệt nhất cho thế giới về Afghanistan chính là thời kì Afghanistan bị Taliban kiểm soát: đối với Taliban, tranh luận là tà thuyết, hoài nghi là tội lỗi, chỉ được nghiên cứu kinh Coran, không chấp nhận những ý tưởng tiến bộ và những phát triển kinh tế, coi thường khoa học, phụ nữ bị tách biệt và bị tước đoạt nhân quyền đến triệt để, trẻ con và phụ nữ không được đi học, văn hoá tri thức bị đàn áp dã man,… về sau Taliban bị coi là tổ chức khủng bố chủ yếu do đã cung cấp chốn nương thân cho mạng lưới Al Qeada.


Năm 2001, Taliban sụp đổ. Sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Taliban trả thù Mỹ, Mỹ tung ra một chiến dịch dài hạn nhằm tiêu diệt mạng lưới khủng bố Al Qeada và chính phủ bảo hộ Al Qeade là Taliban. Họ liên minh với miền Bắc Afghanistan gồm những lãnh chúa những phe phái độc lập để truy tìm những phần tử khủng bố Al Qeada. Sau khi Hamid Karzai được các lãnh chúa bầu lên làm tổng thống lâm thời Afghanistan, những căng thẳng trong đất nước vẫn tiếp tục leo thang, do chính quyền phải đối phó với những tàn dư Taliban, mạng lưới khủng bố Al Qeade và những lãnh chúa độc lập miền Bắc từ chối nhận mệnh lệnh từ Kaboul. Sự bất ổn chính trị này một phần do chính người Mỹ gây ra – họ ráo riết truy tìm Al Qeada cũng như muốn ổn định sân sau của mình, thế nên người Mỹ đã tài trợ cho cả hai phía là chính phủ Afghanistan cũng như những lãnh chúa tách biệt miền Bắc.


Đó là phần lớn bối cảnh cơ bản của quyển tiểu thuyết “Ông hàng sách ở “Kaboul”. Xuyên suốt những sự kiện đẫm máu liên tục ở Afghanistan, Sultan Khan – chủ những tiệm sách ở Kaboul – hiện lên là một người tập hợp sự giao hoà của truyền thống Hồi giáo/Afghanistan với những tư tưởng tiến bộ. Những tư tưởng tiến bộ của ông cũng vô cùng xác đáng và đáng trân trọng – là một người yêu sách và hiểu về tri thức, ông luôn nỗ lực tìm kiếm và cứu vớt những mảnh văn hoá còn sót lại của Afghanistan đang ngày càng tàn lụi trong ngọn lửa chiến tranh. Trong suốt thời kì kiểm soát của Cộng Sản và của Taliban, ông cố gắng cất giấu những ấn phẩm sách quý giá, bảo tồn những kho tàng tri thức, và quan trọng nhất là để giữ vững lập trường về học thức tự do (thể hiện qua cách ông bán sách học thuyết của mọi bên). Ông yêu cái kho tàng tri thức phong phú của ông bằng cả tâm hồn của một người yêu văn hoá Afghanistan, và ông luôn đấu tranh thầm lặng để gìn giữ cái kho tàng văn hoá đó, với một hi vọng rằng một ngày nào đó khi Afghanistan đã có được một chính phủ đáng tin cậy, ông sẽ hiến toàn bộ số sách quý như mạng sống của ông vào thư viện quốc gia nghèo nàn, hoặc thậm chí ông sẽ tự mình mở một thư viện riêng và bản than ông sẽ đóng vai một thủ thư quả cảm.


Một hành động đáng chú ý khác của Sultan, đó chính là khi đất nước thoát khỏi ách thống trị của Taliban, ông đã lập nên kế hoạch in những bộ sách giáo khoa để phổ biến cho những người muốn đi học. Không một hành động nào cao cả bằng hành động ủng hộ giáo dục và quyền con người. Sự nhận thức đúng đắn của ông về kinh Coran, về đạo Hồi cũng như về những con chiên đồng đạo cũng là một điểm sáng trong nhân cách cứng rắn và rạch ròi của ông. Ông thất vọng về đồng bào Afghanistan theo đạo Hồi của mình: trong khi ông cật lực làm theo lời Coran dạy là phải làm lụng chăm chỉ, đổ mồ hôi xương máu, tự giải quyết các vấn đề của mình, với tiêu chí lao động là cao nhất , thì đồng hữu lười biếng của ông lại chỉ chăm chăm nghĩ đến việc đến việc hành hương đến Mecca (địa điểm hành hương quan trọng nhất trong đạo Hồi, bất cứ ai theo đạo Hồi đều phải hành hương đến Mecca ít nhất một lần trong đời), chỉ thích cầu xin mà không muốn lao động. “Tất cả những gì chúng ta biết là khấn vái, cầu kinh và đánh nhau. Nhưng những lời cầu nguyện chẳng có giá trị gì sất nếu người ta không chịu làm việc. Chúng ta không thể chờ đợi ân huệ của Thượng Đế!”. Đối với ông, hành hương đến Mecca phải là để cảm ơn, chứ không phải để cầu xin. Bản thân con người phải trở nên xứng đáng trước những ân huệ của thượng đế, chứ không được chăm chăm dựa dẫm vào những ân huệ đó.


Bên cạnh những tư tưởng tiến bộ của một nhà tiểu tư bản có tri thức, Sultan vẫn không tránh được những quan niệm hà khắc của đạo Hồi nói riêng và của văn hoá Afghanistan nói chung. Thứ nhất, ông là người đặc biệt trọng nam khinh nữ - điều này có thể biện hộ qua văn hoá lâu dài của Afghanistan là khinh rẻ phụ nữ, coi phụ nữ như một loại nô lệ ăn bám không có địa vị và phẩm cách. Ông coi rẻ mẹ, vợ, các em các chị, bởi lẽ ông là người làm ra tiền và nuôi sống họ; điều đó và những hủ tục văn hoá đặt ông lên vị trí tối cao trong gia đình và cho ông một loại quyền hành triệt để với mạng sống của những người thuộc dòng họ của ông. Thông qua lời tả của tác giả, chúng ta phải nhìn nhận công bằng rằng bản thân Sultan, mặc dù có những ý tưởng về xã hội là lớn lao, thì trong gia đình lại hà khắc, bạo ngược và có phần độc ác – bất chấp việc đó là do ảnh hưởng của những quan niệm lâu đời hay do bản chất của chính ông. Bên cạnh đó, cái chất đặc “tư bản” của ông có thể bị coi là tàn ngược và lạnh lùng – điều thể hiện rõ nhất qua câu chuyện về xung đột lợi ích giữa ông và một thợ mộc nghèo làm công cho ông. Ông thợ mộc quá nghèo, phải nuôi một bầy con đói khô, bà vợ khốn khổ, ba mẹ già và những bà chị chưa chồng, nên ông đã ăn cắp một số bưu thiếp ở cửa hàng của Sultan – một trong những nhánh làm ăn ra tiền nhất của Sultan. Sultan từ chối thông cảm cho sự dối trá và ăn cắp, đã đẩy người đàn ông nghèo khốn tuyệt vọng đó vào tù, để lại một gia đình vốn đã cùng bấn mất hẳn nguồn thu nhập duy nhất. Câu chuyện này có thể gây tranh cãi về đạo đức và luân lý, tuy nhiên về mặt lí trí chúng ta chắc chắn vẫn sẽ nghiêng về cái đói nghèo để mà phê phán hành động của Sultan. Ngoài ra, câu chuyện này cũng khiến người đọc giật mình trước đặc tính của chủ nghĩa tư bản bóc lột.


Có thể do tác giả là phụ nữ và chủ yếu mục kích những sự kiện gia đình, thế nên vấn đề về nhân quyền của người phụ nữ nổi bật hơn cả. Quyền lợi của người phụ nữ bị hạn chế đến mức triệt để, không hơn gì một người nô lệ. Người phụ nữ luôn phải mặc burkha (choàng kín từ đầu đến chân) khi ra đường, không được ra đường một mình, không được đi học, không được yêu người không phải do bố mẹ chọn lựa, không được gặp đàn ông một mình (hay gặp đàn ông nói chung), buộc phải phục tùng những người đàn ông trong nhà một cách vô điều kiện và nhục nhã như một con thú vật; ở Afghanistan, khát vọng yêu đường là một điều cấm kị, và người ta sẵn sàng giết chết con mình nếu cho rằng đứa con gái đó đã làm điều gì “ô nhục” gia đình, ví dụ như lên xa taxi do đàn ông lái một mình; trong trường hợp có sự gian díu, chịu tội luôn là người phụ nữ; những người đàn bà trước hết là vật phẩm để trao đổi buôn bán, và đàn ông có quyền lấy nhiều vợ trong khi phụ nữ buộc phải nghe theo sắp đặt của cha mẹ; “giá trị của một cô dâu là ở cái màng trinh của cô ta, giá trị của một người vợ là ở số con trai bà sinh ra đời.”;… tất cả những điều nhục nhã nhất, những nối khổ đau, những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất từng hoành hành một thời ở Afghanistan đều áp lên đầu những người phụ nữ vô quyền khốn khổ, mà điển hình là Leila, con gái út Bibi Gul, em gái của Sultan. Cô là nô lệ gia đình; một gia đình với nô lệ già, nô lệ trẻ. Sự khốn khổ và bị áp bức của những người phụ nữ nặng nề đến mức ngay cả khi bọn Taliban cút đi rồi, nối sợ đó vẫn hằn sâu trong đầu những người phụ nữ tội nghiệp đó. Giờ thì không phải chế độ mà cũng chính bản thân những người phụ nữ đó tự ngăn cản mình – tất nhiên ngoài điều này ra thì còn do quan niệm phổ biến của Afghanistan về người phụ nữ nữa. Đối với những người tự nhân là “văn mình” như phần còn lại của thế giới, chúng ta có thể cho rằng đó là sự xúc phạm nhân quyền, báng bổ con người,…nhưng với đất nước của họ, đó lại là thứ gì đó hiển nhiên đến mức ngay cả phụ nữ cũng chấp nhận số phận mình một cách gần như vô điều kiện. Đáng thương thay cho những số phận bị vùi dập chỉ vì quyền lợi của những kẻ tự nhận mình vượt trội.



Ngoài ra câu chuyện về con trai của Sultan về sự căm ghét là người Afghanistan cũng như cuộc hành hương vô dụng của cậu đến Mecca cũng phần nào mô tả cảm xúc của những người trẻ về thực trạng của đất nước cũng như về những cảm nhận đương thời về đạo Hồi. Dù cậu có hành hương đến Mecca và có được sự “thanh thản” tạm thời thì tất cả cũng nhanh chóng rơi vào dĩ vãng và tội lỗi, và cuộc hành hương đó rốt cuộc chẳng khác gì chuyến nghỉ hè ngẫu hứng khoác áo tôn giáo.



Điều tôi thấy thú vị nhất trong tiểu thuyết này đó là về đạo Hồi. Tôi không muốn nhận xét về đạo Hồi mà tôi chỉ thấy ngạc nhiên khi biết được tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người như thế nào, ngay cả khi với một người tự nhận là vô thần như tôi có ý thức rằng đa phần tôn giáo chẳng có gốc gác nền tảng nào sất. Đôi lúc tôi tò mò rằng, có thực là con người cần một đức tin gì đó để nâng đỡ họ trước những biến động của cuộc đời không, hay đơn thuần chỉ là con người là một đám mắc bệnh bầy đàn ngu xuẩn và chấp nhận để một số ít những kẻ vượt trội hơn dung những thứ hoang đường để điều khiển. Nhưng thôi, tôn giáo đã là một phần lịch sử nhân loại rồi, tranh cãi về nó là vô ích. Cứ cười khuẩy cho qua là hết chuyện.


Tỉ mỉ, khách quan, ngôn ngữ điều độ và những quan sát của người ngoài cuộc khiến “Ông hàng sách ở Kaboul” là một quyển sách xứng đáng dành thời gian. Tuy nhiên bên ngoài có rất nhiều tranh chấp về sự thực trong cuốn sách này, và tôi phải nhấn mạnh rằng những điều tôi viết đều thuộc phạm vi của sách chứ không nhắc đến những phần bên ngoài.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét