Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Hoả Ngục - Dan Brown


Có thể nói tôi là một người đại khái khá là cuồng Dan Brown. Trong số tất cả những tác giả tôi từng đọc, chỉ có Dan Brown là tôi đọc nhiều nhất, đầy đủ nhất, và đọc với tốc độ thần tốc liên tục nhất – từ Mật Mã Da Vinci, Thiên Thần và Ác Quỷ, Biểu Tượng Thất Truyền và giờ là Hoả Ngục. Chỉ đáng tiếc lúc đọc những tác phẩm trước của Dan Brown tôi chưa có blog riêng nên không viết lại được những tâm đắc về học thuật trong tác phẩm của ông, nhưng đến Hoả Ngục nay tôi không thể kiềm lòng được việc ghi lạ cảm nghĩ cá nhân cả về kiến thức lẫn cốt truyện của tiểu thuyết. Mỗi tiểu thuyết của Dan Brown đều có cách khiến tôi hài lòng riêng, và Hoả ngục cũng không phải ngoại lệ, mặc dù Hoả Ngục không thể nói là thực sự công phu như Mật mã Davinci hay Thiên Thần và Ác Quỷ. Bên cạnh chủ đề cấp thiết của nhân loại, Hoả Ngục còn mang những tri thức về đất nước tôi yêu mến hơn bất cứ đất nước nào trên thế giới này ngoại trừ quê hương – nước Ý. Tôi yêu Ý không chỉ vì tôi dành một phần tuổi trẻ của mình ở Ý, tôi yêu Ý vì tôi yêu tất cả những đặc tính vừa mây thuẫn vừa huyền bí trong lòng đất nước sản sinh ra những vĩ nhân tuyệt đại nhất của nhân loại này.


Và, tuyệt vời hơn cả, tiểu thuyết Hoả Ngục lấy nhân tố dẫn dắt chính yếu là tuyệt tác trường ca nhân loại Thần Khúc của Dante Alighieri để xây dựng lên một cấu trúc truyệt hồi hộp và thú vị. Đại khái đó là một cuộc truy đuổi một cơn đại dịch ảnh hưởng đến cả toàn cầu của giáo sư biểu tượng học Robert Langdon. Mặc dù là nhân vật chính, nhưng Robert Langdon trong tất cả các tác phẩm của Dan Brown đều chỉ đóng vai trò như người cung cấp tri thức và dẫn đường đến với những bí mật đích thực – nói cách khác, thông qua vai trò phổ quát bối cảnh học thuật của Langdon, Dan Brwon xây dựng nên những giáo hội bí mật, những mối nguy kinh điển, những bí mật ngàn năm ẩn giấu,…khéo léo đến độ đôi lúc người đọc khó có thể phân biệt được thật giả. Khi đọc Hoả Ngục của Dan Brown, tôi dường như được sống lại trong những ngày tôi từng tự thân đặt chân lên mảnh đất Firenze thuộc Toscana, nơi sinh ra và bảo trợ cả một nền nghệ thuật vĩ đại; chìm trở lại những bóng hình như mơ trên đất Venezia thơ mộng đang chết dần. Tuyệt hơn cả, tôi như hiểu được thêm chút gì đó về Thần Khúc của Dante – mặc dù từng học Thần Khúc ở trường đại học Napoli, nhưng học bằng tiếng nước ngoài cộng thêm độ phức tạp của một thiên trường ca đầy tính biểu tượng, tôi chỉ loáng thoáng nắm bắt chút phù du bên ngoài mà thôi. Chỉ chút ít kiến thức mỏng manh về đất Ý thôi cũng khiến tôi cảm thấy nao lòng.


Chủ đề chính của chuyện chính là về hiểm hoạ dân số toàn cầu tăng nhanh đang dần huỷ hoại đất mẹ. Zobrist, nhân vật có thể gọi là phản diện chính trong truyện, có một kế hoạch khổng lồ nhưng không-được-chính-thống để thực hiện ước vọng cứu vớt trái đất. Đây là nhân vật tôi thích nhất trong truyện, thích hơn bất cứ nhân vật nào khác ngay cả chính bản thân Langdon, và với tôi đây mới là nhân vật chính. Thứ nhất, Zobrist là một thiên tài, một thiên tài lập dị. Không có gì hấp dẫn con người hơn tri thức và không gì quyễn rũ đầy nguy hiểm hơn một kẻ thông minh mà lập dị. Cái lập dị có lẽ là một trong những điều gây hứng thú nhất của những thiên tài, và cũng chẳng có gì nhàm chán hơn một người thông minh mà lại quá tốt đẹp. Làm người tốt không xấu, rất tốt là đằng khác, nhưng làm người tốt thì thường là nhàm chán; cá nhân tôi thích tìm hiểu những nhân cách xấu xa, những nhân cách khác thường, bởi những nhân cách đó có những mâu thuẫn hết sức phong phú, cách suy nghĩ độc đáo vượt lề thói quy chuẩn, những hành động không phụ thuộc khuân khổ luật lệ khô cứng, và đặc biệt hơn cả, chỉ khi đọc về những nhân cách như vậy, con người ta mới có thể hiểu được chính mình.


Thứ hai, Zobrist có tham vọng, tham vọng tột đỉnh, một thứ tham vọng thực ra phải nói thẳng ra là hết sức tốt đẹp, đó là ông muốn cứu lấy trái đất, và ông nhìn ra được vấn đề đích thực mà đất mẹ đang gặp phải: con người. Con người chính là vấn đề, cong người đông đúc, tàn phá môi trường, huỷ hoại tự nhiên, độc ác một cách vị kỉ và ngu xuẩn. Con người chỉ muốn cứu vãn khi đang quá muộn. Và thậm chí ngay cả khi muốn sửa sai bởi những điều gây ra bởi sự ngu dốt của họ, họ vẫn luôn tránh nhìn thẳng vào vấn đề mà cứ chăm chăm lập ra những giải pháp đối phó tạm thời mà không chạm nổi vào cốt lõi vấn đề. Trong truyện Hoả Ngục, đó chính là việc những tổ chức như WHO vẫn cứ tìm cách kiểm soát dân số bằng phát không bao cao su bla bla bla gì đó, mà hoàn toàn không đối diện trực tiếp với nguy cơ 7 tỉ người đang từng chút một huỷ hoại trái đất. Thế nên mới sinh ra những hội người theo thuyết Siêu nhân học, muốn thúc đẩy tốc độ tiến hoá của con người bằng cách sang lọc những cá nhân xứng đáng để tiến hoá trong khi, nói thẳng ra, vứt bỏ những cá nhân không xứng đáng để giải phóng gánh nặng cho thế giới – chính là chủ nghĩa Zobrist theo đuổi. Nếu mới chỉ đến khúc này, ta sẽ có thể hết sức đồng tình với Zobrist, bởi chẳng một kẻ nào ngu xuẩn đến độ không nhận ra rằng xã hội nay đang nằm trong tình trạng con người tự huỷ hoại mình và huỷ hoại lẫn nhau.


Nhưng đọc thêm một chút nữa, thì vấn đề của thiên tài lập dị này là nằm ở cách thức cực đoan mà ông muốn thực hiện để cứu chuộc trái đất – tạo ra một bệnh dịch, cứ coi như để giết bớt một phần dân số đi. Đến bây giờ lại nảy ra câu hỏi về đạo đức và câu hỏi về thân phận. Câu hỏi về đạo đức là, giết một số đề cứu tương lai lâu dài, như vậy có đúng hay không? Liệu việc hi sinh một phần để tạo cơ hội cho phần còn lại có một tương lai tươi đẹp hơn, và con cháu sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn, có hay chăng? Có người sẽ bảo có, có người sẽ bảo không, khác nhau ở vị thế suy nghĩ. Chính ở điểm này câu hỏi thứ hai chen vào, “Ta/hắn có quyền gì mà nghĩ, mà làm như thế?”. Chúng ta có thể đồng ý cái rụp việc hi sinh một phần dân số vì tương lai, miễn là nếu nó không dính đến gia đình chúng ta, người thân chúng ta, bạn bè chúng ta, bởi lẽ mạng của những kẻ khác thì có liên quan cóc gì đến chúng ta cơ chứ? Tôi phải nói thẳng ra, những người mà trả lời “không” do những lí lẽ đạo đức, thì rốt cuộc họ cũng chỉ là những người sợ cái “tỉ lệ ngẫu nhiên” đó sẽ rơi vào mình hoặc thân nhân, bạn bè. Họ có cũng thể viện chứng bằng những điều tốt đẹp về quyền lợi, về nhân văn,…nhưng cá nhân tôi thì nói thẳng, con người là loài đáng sống nhất là cũng là loài đáng chết nhất. Cái xấu nhiều hơn cái tốt là cái chắc. Con người luôn xấu xa, và sẽ mái xấu xa như thế. Bản than tôi cũng chỉ là kẻ xấu xa ích kỉ với suy nghĩ tầm thường rằng thực ra nếu cứu được trái đất mà hi sinh những kẻ khác, miễn là không phải thân nhân bạn bè mình, thì chẳng có sao hết.


Thế nhưng cách suy nghĩ đó chẳng phải là quá đề cao bản thân rồi sao? Tôi chẳng phải Chúa, Zobrist hẳn nhiên cũng thế; ngài với tôi có tư cách gì mà đặt bản thân và thân nhân bạn bè mình lên trên những người khác; người khác cũng hoàn toàn có thể làm vậy với chúng tôi mà tôi. Đây quả là một điều hoang đường xuẩn ngốc, nhưng tôi vẫn không thể dừng bản thân suy nghĩ theo hướng đó được; để cứu trái đất, chẳng cách nào là xoá sổ một phần dân số trừ chúng tôi. Ha. Đây cũng chính là lí do Kinh Thánh nói rằng một kiêu ngạo là đại tội lớn nhất hay sao? Và đây chính là một điểm nữa mà tôi thích ở Zobrist. Ông kiêu ngạo đến nhường này, đặt mình ở vị trí cứu thế, nhưng vấn đề là ông thực sự bắt tay vào hành động cứu thế, thực sự lăn xả mình vào để tìm một giải pháp cho vấn đề lớn nhất toàn cầu hiện nay, ngay cả khi giải pháp đó có thể bị cho là cực đoan. Cực đoan thì sao? Kết quả cuối cùng mới quan trọng nhất. Zobrist, vị thiên tài lập dị đó, quả thực đến được đến kết quả cuối cùng đó, chế tạo được một đại dịch có tầm ảnh hưởng hơn cả Đại Dịch Đen từng cuốn phăng châu Âu trước kia. Và như ý kiến cá nhân tôi, nếu Đại Dịch Đen “là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra ở châu Âu” thì đại dịch của Zobrist chắc chắn phải là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra trên thế giới.


Đại dịch của Zobrist đó chính là một loại virus thâm nhập vào gen khiến một phần ba dân số thế giới bị vô sinh.


Về quan điểm cá nhân, tôi thấy đây lại là một điều hết sức tốt đẹp. Mặc dù thừa nhận rằng những người không có con cái có thể sẽ đau khổ, nhưng đó chỉ là loại đau khổ cá nhân và ích kỉ mà thôi; trong khi nếu nhìn rộng ra, hàng trăm triệu người chết đói, tram ngàn đứa trẻ mồ côi hoặc bị bóc lột; chiến tranh hiện đại và tranh chấp tôn giáo/lãnh thổ vẫn xảy ra hàng ngày, ngay cả hàng xóm còn cự nự nhau. Thẳng ram à nói, chúng ta không có quyền đánh giá hành động của Zobrist là đúng hay sai, bởi chúng ta chỉ nghĩ về bản thân trong khi Zobrist nghĩ cho cả nhân loại. Hơn hết, chúng ta có thể thấy Zobrist thực sự rất yêu con người, vì bên cạnh việc tạo ra loại đại dịch mà, với tôi chỉ những kẻ ngu xuẩn mới cho là sai lầm, thì ông còn là người theo thuyết vị lai, luôn tin tưởng rằng có thể thúc đẩy quá trình phát triển của con người để con người ngày càng thông minh hơn, đẹp đẽ hơn, khoẻ mạnh hơn, toàn diện hơn. Sự buộc ông phải tạo ra đại dịch đó hoàn toàn là do sự ngu dốt của con người khiến dân số thế giới bùng nổ, và nếu ông không làm gì đó thì trái đất và con người sẽ bị tiêu diệt trước khi đạt đến được ngưỡng ước vọng ông dành cho chính loài người. Hơn hết, ông không hề giết bớt người như chúng ta những tưởng. Ông chỉ buộc một phần ngẫu nhiên không thể sinh đẻ được cho đến khi dân số tự cân bằng dần mà thôi. Thế nên nếu nói rằng việc này là phi đạo đức, thì đáng lẽ quyền phá thai không bao giờ nên được phê chuẩn.


Tiếp đó, tôi ngưỡng mộ ông bởi ông đã tự sát trước khi kế hoạch hoàn thành với niềm tin chắc chắn rằng nó sẽ thành công, và nó đã thực sự thành công. Cái chết của ông đối với tôi như một biểu tượng của sự hi sinh dành cho nhân loại, một lời cảnh báo cấp thiết về tình trạng mục nát của cả đất mẹ lẫn loài người. Ông không tiếc mạng vì mục đích của mình, đó đã là một đức tính xưa nay hiếm có; nhưng cao cả hơn, đó là ông không tiếc mạng vì một mục đích vĩ đại, một mục đích vì nhân loại. Ông đã hành động, đã hi sinh chịu trách nhiệm về hành động của mình, trở thành một lời cảnh cáo và phê phán đanh thép, một biểu tượng trung thành với lý tưởng. Tôi nói điều này có thể sẽ bị ném đá không thương tiếc, nhưng Chúa khi xưa ôm tội lỗi của nhân loại nhưng chẳng đưa ra giải pháp gì khi bị đóng đinh câu rút, còn Zobrist thà nhận phỉ nhổ của cả thiên hạ còn hơn nhu nhược không hành động. Con người có thể tôn sùng Chúa nhưng vẫn sẽ ngựa quen đường cũ, vì con người vốn là loài thân lừa ưa nặng. Nhưng nếu Chúa hành động khác…. Thế nên, bạo quân vẫn còn hơn hôn quân.


Cuối cùng, khúc thơ thuộc phần Hoả Ngục trong Thần Khúc của Dante Aligieri, đồng thời là mục đích diễn đạt cao nhất của truyện:


“Những nơi tăm tối nhất của Địa Ngục
dành riêng cho những kẻ
giữ thái độ trung dung
trong những thời kì khủng hoảng đạo đức.”


Tôi thì tôi thấy từ “đạo đức” chẳng là cái đinh gì, vì con người thì làm gì có đạo đức, con người chỉ có lí lẽ mà thôi. Nhưng đúng vậy, bốn câu thơ hàm nghĩa rõ như pha lê kia sẽ là một lời cảnh tỉnh đáng phải chú tâm, không chỉ bây giờ, mà còn mãi về sau. Hay nói đúng ra, nó là chân lý.


Cốt truyện theo kiểu trinh thám/hành động Holywood rất thú vị và kích thích người đọc, nhiều tri thức thú vị về tác phẩm Thần Khúc nói riêng, về một phần của nước Ý và nghệ thuật Ý nói chung, cộng với cách xử lý chủ đề khôn khéo thông qua một nhân vật phản-diện-chính-nghĩa khiến Hoả Ngục xứng đáng có một chỗ đứng riêng trong tủ sách gia đình, bên cạnh những tác phẩm về tôn giáo không kém phần đặc sắc khác của Dan Brown.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét