Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Cửa hàng dành cho những người ngán sống - Jean Taulé



Đọc đến dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết ngắn “Cửa hàng dành cho những kẻ chán sống”, tôi đã thốt ra chính xác câu “Ôi vãi đái cái đéo gì vậy?!” (Xin lượng thứ cho sự thô tục này, nhưng dù sao tôi cũng chẳng dám tự nhận là người có văn hoá cao). Nhưng phải nói đúng là cái kết cuối cùng khiến tôi vô cùng ngạc nhiên đến độ đơ mất mây giây.


“Cửa hàng dành cho những kẻ chán sống” theo một cách nào đó thì có thể nói là có ý tưởng khá độc đáo – dù sao trên đời cũng không mấy người lựa chọn thẳng chủ đề tự sát để mà viết sách, dù tất nhiên chẳng thiếu những người viết ra những mảnh đời khốn khổ hoặc cô độc đến mức chẳng kém nước tự sát là bao nhiêu. Nhưng hẳn nhiên cách xử lí đem lại ánh sáng hi vọng trong mọi ngõ cụt vẫn thường được ưa chuộng hơn. Điều chính yếu đem lại sự độc đáo hơn cả cho chủ đề tự sát mà “Cửa hàng dành cho những kẻ chán sống” của Jean Teulé là sự hài hước: tác giả đưa sự hài-hước-nghiêm-túc vào một vấn đề nghiêm trọng – mặc dù văn phong và lí lẽ trong sách vô cùng chính tông thì người đọc vẫn phải bật cười trước những điều có lý đến mức gây cười trong truyện.


Bên cạnh đó, chủ đề về sự tự sát cũng gợi lên vô số những câu hỏi về số phận con người và về luân lý đạo đức. Câu hỏi mà tôi để tâm nhất là: giúp đỡ người khác tự sát thành công có đúng hay không? Đây hẳn không phải là một vấn đề có thể trả lời đúng sai, bởi lí lẽ nào cũng có cái đúng cái sai của riêng nó, nhưng bản thân tôi dù không thừa nhận việc giúp người khác tự giải thoát là đúng nhưng tôi cũng ngầm tán thành. Rốt cuộc, con người khi đã lâm vào đường cùng hiếm khi có thể thực sự tìm lại được ánh sáng hi vọng, và nếu họ đã quyết định lựa chọn kết thúc cuộc sống trần tục để tự giải thoát khỏi khổ đau, thì có lẽ là không gì nhân đạo bằng một cái chết tức thời và triệt để. Nếu nói công việc cứu những người tuyệt vọng để giúp họ tiếp tục sống sót là một công việc cao quý, thì tôi phải nói rằng công việc thoả mãn khao khát tự giải thoát của một người không thiết sống nữa cũng không phải là một công việc đáng khinh. Nhưng có lẽ đây nên là quan điểm cá nhân mà không nên đem ra bàn luận trong bất cứ trường hợp nào, trừ phi là trong hội nghị làm luật.


Câu chuyện kể về một gia tộc lâu đời làm nghề buôn những dụng cụ hỗ trợ tự sát cho những kẻ chán sống, lúc nào cũng sống theo phương châm sầu đời, luôn nhìn vào mặt tối của cuộc sống và luôn luôn gợi ý những cách tự sát phù hợp nhất với khách hàng. Nói tóm lại, một gia tộc làm giàu trên trên nỗi tuyệt vọng của người khác. Cho đến ngày họ gặp địch thủ lớn nhất đời họ: niềm vui sống.


Điều thú vị trớ trêu nhất là niềm vui sống đó lại nằm trên người đứa con trai út của chính họ. Giữa một gia đình lấy sầu thảm làm mục tiêu sống, tự nhiên lòi ra một thằng con giai tưng tửng và yêu đời hết mực do cố tình dùng… bao cao su rởm để thử nghiệm hiệu quả trước khi bán cho những người muốn chết vì nhiễm bệnh tình dục. Đứa trẻ đó đảo lộn tất cả mọi thứ trong cái gia đình nề nếp sầu đời đó: nó khiến thằng anh trai mắc bệnh chán ăn, đặc chất buồn đời tuyệt vọng kiểu Van Gogh tự nhiên thích thú ăn uống và thích….làm bánh tráng; nó đem lại sắc đẹp và sự tự tin, thậm chí cả tình yêu cho cô chị gái từ khi sinh ra đã bị bố mẹ nhồi cái tư tưởng vô dụng, xấu xí và ngu xuẩn; nó đem lại cả sắc màu cuộc sống và hi vọng cho người mẹ tưởng chừng lúc đầu là người từ chối hạnh phúc mãnh liệt nhất; và cuối cùng, ngay cả người cha cứng đầu nhất cũng phải đầu hàng trước thằng-con-rơi này.


Nhưng càng đọc về những trang cuối, người đọc sẽ càng hiểu được rằng đây không chỉ là một câu chuyện gây cười. Có một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều, một điều gì đó lay động đến những cảm xúc nội tâm của con người. Bất cứ ai, bất cứ ai cũng có một quá khứ tổn thương, hoặc phải sống trong một môi trường tổn thương đến mọi khía cạnh của một con người; bởi lẽ ngay từ lúc sinh ra, con người vốn là một tờ giấy trắng, thanh thuần tinh khiết, và dù các ông bà có phán “cha mẹ sinh con trời sinh tính” chuẩn đến đâu đi chăng nữa thì rõ ràng con người được sinh ra không phải để tự tay kết thúc cuộc sống của mình một cách vô căn cứ. Thế nên, sự tuyệt vọng không phải là lựa chọn của con người. Trước khi đánh giá bất cứ người đầy rẫy mâu thuẫn và vô lý nào, hãy nhìn vào quá khứ của họ. Họ có giống như nữ chủ nhân của cửa hàng dành cho những kẻ chán sống, suốt tuổi thơ phải khép kín bản thân để khỏi tổn thương trước những chờ đợi yêu thương không bao giờ thành hiện thực? Họ có giống người phụ nữ béo xấu xí bị bắt nạt không thương tiếc trong cả cuộc đời? Họ có phải đã mất đi những người quan trọng nhất, hoặc đã bị phản bội một cách ê chề?


Nhưng đó chỉ là những nhận xét đầu tiên. Đọc đến tận trang cuối cùng, ta mới có thể nhìn thấy những điều sâu xa hơn nhiều trong bản chất của con người. Con người luôn luôn, luôn luôn khao khát niềm vui và hi vọng, và thực ra chính những người sầu thảm tuyệt vọng nhất lại luôn khao khát chúng nhất. Và một khi đã có chút cơ hội bé nhỏ nắm lấy được những tia sáng ấy rồi thì họ sẽ không bao giờ có thể trở về với nỗi tối tăm như trước nữa. Chỉ một lần tìm được niềm vui và tình thương, con người sẽ như sống lại, bắt đầu lại một lần nữa, nhưng trên một nền tảng vững vàng hơn – bởi chỉ có những người trải qua những tổn thương mãnh liệt nhất mới biết cách nắm chặt những niềm vui ngay cả nhỏ bé nhất.


Thế nhưng cái kết cuối cùng, cái kết khiến người đọc ngỡ ngàng hơn cả, đó là khi cậu út Alan bị ngã ngửa ra cửa sổ và được cả nhà hợp lực cứu. Chính trong giây phút cả gia đình lao đến cứu đứa trẻ đó, họ đã hoàn toàn bừng tỉnh và quyết tâm tu chí đi theo con đường ánh sáng và hi vọng, thì đứa trẻ đem lại những điều đó cho họ lại cho rằng “sứ mệnh” của nó đã kết thúc, và nó buông tay. Oke, đến đoạn này phải nói thật là tôi khá băn khoăn, không biết nên nghĩ theo hướng nào. Hướng tôi nghĩ đến trước nhất đó là, rất có thể chính Alan mới là người tuyệt vọng nhất trong số những người tuyệt vọng, nên sự tuyệt vọng đó gây ra phản ứng ngược đó là khiến câu trở nên vui vẻ một cách thần kì. Chẳng phải người ta cũng hay có câu người nào vẻ ngoài càng vui vẻ bao nhiêu thì bên trong lại càng đau đớn bấy nhiên sao. Hoặc cũng có thể rằng cậu buông tay chính là vì câu hi vọng những người thân vừa thức tỉnh sẽ nhớ mãi cảm giác thức tỉnh đó, để họ sẽ thực sự tiếp tục sống vui vẻ. Sứ mệnh cứu rỗi của cậu đã hết và chính cậu không còn thấy mục đích cần sống nữa, nên cậu tự giải thoát cho mình…. Hành động gây bất ngờ và hoàn toàn không có lời giải thích cuối cùng của Alan gợi lên vô số tò mò, vô số giả thiết và không thể nắm bắt được, tạo nên một cái kết choáng ngợp.


Thú vị, hài hước, dễ chịu và đáng yêu, một câu chuyện đọc giải trí dành cho những người muốn lắng đọng chút thời gian rảnh rỗi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét