Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Cha, con và những thước phim - David Gilmore



Tôi tìm đến Cha, con và những thước phim với hi vọng học được them một cái gì đó về điện ảnh, chứ không thực sự chú tâm lắm đến cốt truyện về mối quan hệ giữa một người đàn ông đứng tuổi với đứa con trai đang tuổi dậy thì của ông. Quả thực “tâm lý tuổi mới lớn” chẳng có gì thú vị cho lắm với những vấn đề khủng hoảng rất thường thấy trong mọi xã hội trên thế giới này, sự khác biệt có chăng chỉ là cách giải quyết của cha mẹ. Cách giải quyết của tác giả truyện cũng có thể gọi là khá độc đáo: ông đồng ý cho phép con trai bỏ học với điều kiện là cậu phải xem ít nhất ba bộ phim mỗi tuần với ông.


Tôi khá thích cách tác giả, cũng là nhân vật bố trong truyện chọn cách này để tiếp cận con trai cũng như giáo dục con trai mà không đẩy cậu vào trong vòng điên cuồng chán nản của học hành. Bản thân tôi vốn không hợp trường lớp và luôn đội sổ cũng hiểu rõ ràng rằng học là không thể ép buộc, và rằng càng ép thì chỉ càng nhạt nhẽo, không bằng gây hứng thú bằng một cái gì đó thật khác biệt. Nếu trên đời này có cái gì có thể gây được niềm hứng khởi học hành, thì đứng từ phía nhận thức cá nhân tôi phải nói rằng đó là hội hoạ, điện ảnh và văn học. Màu sắc và sự phong phú của hội hoạ đem đến cả một nền lịch sử lẫn triết học chứ không chỉ đơn thuần là sự diễn tả dưới dạng hình ảnh; nội dung và tân tiến của điện ảnh (bao gồm cả âm nhạc) kiến tạo nên cả một thế giới từ tri thức đến tinh thần, từng chút bồi đắp con người thậm chí có thể nói là hiệu quả hơn bất kì hình thức truyền tải tổng hợp ngắn gọn nào; và cuối cùng, văn học (hay những gì được diễn tả bằng ngôn ngữ nói chung) chính là những gì tinh tuý nhất, tuyệt hảo nhất , vĩ đại nhất trong nhân thế! Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi phải thừa nhận rằng mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường không hiệu quả bằng một năm tự đọc sách.


Và tác giả, hay nhân vật người cha trong “Cha, con và những thước phim” đã chọn điện ảnh làm một nhân tố thúc đẩy sự tự thấu cảm bản thân của đứa con trai tuổi dậy thì đang dành toàn bộ tâm trí trong hỗn loạn, mơ hồ, yêu đương và lạc lõng. Thực ra trong tuổi dậy thì, những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường, bởi lẽ ở độ tuổi con người ta chưa đủ lớn để tự chịu trách nhiệm về bản thân nhưng không còn bé bỏng để sống dựa dẫm một cách vô tư nữa, người ta sẽ bắt đầu hoang mang, lạc lối với những câu hỏi về bản thân, về tương lai, về ước mơ, về sự nghiệp. Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng quan trọng chẳng kém, đó là tình yêu. Chà, bên cạnh chủ đề lớn là sự nỗ lực của ông bố trong việc tìm hiểu cảm xúc của con trai tuổi dậy thì, thì có lẽ tình yêu là chủ đề lớn thứ hai, xuyên suốt mạch truyện, song hành với những tài liệu phức cảm của một cậu trai tuổi mới lớn.


Tuy vậy phải nói rằng cá nhân tôi cảm thấy mình không cần phải hiểu tác phẩm theo kiểu “thấm” cho lắm, vì cá nhân tôi đã vượt qua thời gian nổi loạn, hút thuốc chơi cần trốn học rồi, bên cạnh đó tôi lại không hứng thú với những mối quan hệ tình ái nói riêng hay tình yêu “bình thường” nói chung, có lẽ vì đây là những vấn đề mà đối với tôi không gợi dậy được cảm thức tò mò và kì dị. Tôi thực ra thích thú hơn cả với phần “những thước phim”, về những bộ phim tuyệt vời, những diễn viên huyền thoại, những kiến thức về điện ảnh được nhắc đến trong truyện. Bản năng gốc, Điệu tango cuối cùng, Bữa sáng ở Tiffany,… bao nhiêu những tác phẩm điện ảnh cổ điển tuyệt đẹp đi vào lịch sử như những mốc son sáng tạo của những nghệ sĩ bậc thầy trong lĩnh vực của họ khiến tôi vừa khao khát vừa thích thú. Dù sao cũng chẳng có thì thú vị hơn đọc về những điều mình chưa biết.


Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mặc dù có kha khá những thông tin thú vị về làng điện ảnh, về những cảnh quay nghệ thuật thì tiểu thuyết vẫn chưa thực sự làm tôi hài lòng, bởi lẽ biết vài cảnh đặc sắc, vài bộ phim thú vị là một chuyện, nhưng cảm thấy được hiệu ứng của chúng hay không lại là chuyện khác: trên thực tế, điện ảnh trong này chỉ đóng vai trò là sự giao tiếp giữa hai cha con, chứ chưa đạt được đến mức sâu sắc như một cầu nối tình cảm hay một cầu nối tương thông tâm lý. Những bộ phim giúp họ dành thời gian bên cạnh nhau, nhưng không đóng phần giúp họ hiểu nhau, vì thứ giúp họ hiểu nhau là những cuộc trò chuyện khi họ không xem phim. Bên cạnh đó cách tự sự của tác giả không làm nổi bật được tầm quan trọng của những thước phim trong truyện: người đọc khó lòng cảm nhận được rằng đứa con trai đã cảm thụ được những điều sâu sắc trong những bộ phim xem cùng bố, mà cậu chỉ chăm chăm hơn cả vào yêu đương gái gú…. Ngay cả khi đoạn gần kết phim ảnh xuất hiện dưới vai trò một niềm cảm hứng, một nguồn tri thức lĩnh vực chuyên nghiệp của cậu con trai, thì dường như kết quả đó vẫn không quá nổi bật – người ta có thể biết được nhiều điều ngay cả khi không thực sự hứng thú, và trong truyện tôi dường như thấy rằng cậu bé biêt nhiều về điện ảnh chỉ đơn thuần và cậu biết, chứ không tôi không cảm nhận được lòng nhiệt huyết cậu dành cho điện ảnh. Thôi đành vậy, suốt cuốn truyện cậu đều dùng cái tâm trí non nớt và lung lay của mình để lao đầu vào yêu đương và sai lầm trong tình cảm… Theo một cách nào đó, những vị phụ huynh của cậu hẳn cũng đóng vai trò trong hàng loạt sai lầm trong tình cảm của cậu – họ không giúp cậu có được nền tảng vững vàng trước khi tự dìm mình vào vô số rắc rối trong loại yêu đương học trò không nền tảng.



Đọc giải trí tạm được, chắc hợp với những người thích chủ đề sự cách biệt giữa các thế hệ. Tôi thì tôi thích những phần nói về phim ảnh hơn nên rốt cuộc bài viết này cũng chẳng có nhiều điều muốn nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét