Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Thất lạc cõi người và cái độc đáo trong tiểu thuyết Nhật

Thất lạc cõi người và cái độc đáo trong tiểu thuyết Nhật



Tôi không thực sự thích truyện “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu cho lắm. Người ta bảo “Thất lạc cõi người” là tự thuật của tác giả thì tôi còn càng...không thích hơn. Không phải vì thủ pháp có vấn đề, không phải vì nội dung không hay,…vì nếu thế tôi đã không đọc đến hết tự thuật thứ 3; tôi không thích “Thất lạc cõi người” theo cách một lí trí tỉnh táo của một người trẻ vẫn mong muốn yêu thương cuộc sống không thích một tác phẩm mang hơi hướm bi kịch “hiển nhiên” – chỉ cần bị cuốn vào dòng chảy của truyện người đọc rất dễ dàng cảm nhận thấy được cái kiểu cảm xúc hết sức tiêu cực hiển nhiên đến độ cảm thấy chúng không có gì là méo mó, là độc hại cả. Không phải thế; không những truyện vô cùng “có vấn đề”, mà tôi còn có dự cảm không lành về loại truyện có thể sẽ vô tình cổ suý cho cho thói “lạc lõng, cô đơn, bi kịch, tự kỉ” và một vàn thứ “sâu sắc” khác của thời đại giới trẻ đang thèm khát tách khỏi xã hội như một “cá nhân” độc đáo này. Dù rằng hẳn nhiên không phải ai đọc “Thất lạc cõi người” cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thứ cảm xúc kì quặc của truyện; nhưng như bản thân tôi trong quá trình đọc cũng bị lung lay không kém, và chỉ đến những phút cuối cùng đọc đến hết phần tự thuật thứ ba tôi mới giật mình rằng mình đã suýt đồng tình với nhân vật tự sự. Chúng ta có thể thương hại nhân vật trong truyện; nhưng nhân vật đó lại không đáng được đồng tình. Ấy thế nhưng phải xem cho rõ lại, nhận vật tự thuật cũng chằng thiết đến sự thương hại hay đồng tình của thế gian, bởi lẽ những thương hại những đồng tình đó cũng chỉ càng đẩy nhân vật tự sự vào hố sâu cô độc mà thôi.


Ngay từ đầu truyện nhân vật tự sự Yochan đã khẳng định mình là một người lạc lõng và không thể hiểu nổi con người – suy nghĩ cứ liên tục liên tục lớn dần trong toàn bộ quãng đời đồi bại ngắn ngủi của anh ngay cả khi mỗi ngày anh lại nhận thức thêm được một chi tiết gì đó về phẩm giá của thế gian. Ngay từ nhỏ cái bi kịch “không thể hiểu được người khác” và trong vị thế “không được phép tự do lựa chọn”, nên Yochan tự đẩy mình vào vòng sợ hãi luẩn quẩn đến độ quyết định đóng vai một người khác chứ không phải bản thân anh để cố mà hoà nhập, từ đó tự bảo vệ mình và thoát khỏi tình thế “được tôn kính”. Ở phần một khi nhân vật tự sự còn nhỏ, tôi thừa nhận rằng những suy nghĩ tiêu cực (không hiểu là do trời sinh hay do hoàn cảnh tác động hay do bản chất của nhân vật nó thế) có phần rất hợp lý và đáng thương; quan trọng nhất là lúc này nhân vật chưa được phép làm chủ đời mình nên việc “đóng giả vai hề” là một tư tưởng có thể được thương hại. Ở thời điểm chưa chính chắn này, chúng ta có thể viện vào lí do “con người chẳng tự hiểu nổi bản thân nữa là hiểu được người khác” để biện hộ cho sự hèn nhát, trốn tránh của một đứa trẻ chưa thể tự lập. Thậm chí phải nói rằng, nhiều tư tưởng của nhân vật tự sự hồi trẻ còn thuyết phục đến độ cho dù đó chỉ là một mớ bi kịch đen tối thì chúng vẫn đủ khả năng khiến độc giả rùng mình mà suy nghĩ lại nhân tình thế thái. Hơn hết, ở thời điểm này, nhân vật tự sự vẫn cố gắng kiếm tìm một sợi dây kết nối mong manh giữa bản thân với thế giới: “Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người. Vì vậy tôi gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi vì thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thử ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không”.



Nhưng từ phần thứ hai trở đi, tức là phần khi nhân vật tự sự đã bắt đầu có những chính kiến riêng, xét đoán riêng, nhận thức riêng về thế gian, thì mọi  thứ không còn dễ dàng được dung thứ đến như thế nữa. Tôi thừa nhận rằng việc nhân vật tự sự đau khổ vì không thể hiểu nổi nhân gian và chính bản thân nhân vật cũng biết rõ rằng anh không thể hiểu nổi nhân gian là một nỗi bi kịch lớn lao dễ dàng phá huỷ cả một cuộc đời. Thời đại này sinh ra bao môn tâm lý học từ có khoa học logic nhờ khảo sát cho đến những phân tích tâm lý có nền tảng mơ hồ kiểu Phân Tâm Học, nhưng con người chưa bao giờ thực sự hiểu về con người nói chung và bản thân nói riêng, huống chi một con người ngay từ bé đã cho rằng anh không thể hiểu nổi con người và cũng không làm bất cứ điều gì để hiểu con người ngoài việc trốn chạy và đóng kịch (chúng ta không bàn đến những trường hợp được cho là “ngộ đạo”, “thăng thiên”,… những thứ không thể giải thích được và cần nghiên cứu lâu dài); thế nên đã sinh ra bao nhiêu thế hệ hoặc những con người đặc biệt tự nhận mình hoàn toàn lập dị, lạc lõng và “đứng ngoài thiên hạ”. Cách giải quyết cũng rất khác nhau, và nhân vật tự sự chọn cách giải quyết là: không cố gắng thấu hiểu, chỉ biết, và rồi tự buông thả mình cho rơi vào đủ loại nghịch cảnh cùng quẫn. Mà rốt cuộc, nói thẳng ra, cũng là do anh ta tự chuốc vào mình, và dường như cái lí do “không thể hiểu nổi” đã dần trở thành một các cớ để nhân vật tự sự ngừng cố gắng, ngừng sống. Anh ta chỉ tồn tại với những suy ngẫm tiêu cực về chính bản thân và về con người mà không hề nghĩ đến việc có bất cứ hành động gì thay đổi bản thân. Thôi được, tôi thừa nhận rằng việc “thay đổi bản thân” hay gì gì đó chỉ là một loại lý thuyết suông khó có thể tác động đến những người đã hiểu như đinh đóng cột rằng họ đã “lạc lõng, thất cách” rồi, nhưng từ góc nhìn phiến diện của một người có lẽ là chưa trải đời đủ để đưa ra những điều bi kịch cùng cực về bản chất nhân loại, thì nhân vật tự sự chỉ là một kẻ hèn nhát không hơn không kém. Hoặc ít ra anh ta không lừa dối chính bản thân mình – đây âu cũng là điểm sáng duy nhất của tác phẩm? Rốt cuộc, chìm nghỉm trong những nỗi cô độc của chính anh, thì cái chối bỏ anh không phải thế gian, mà chính anh đã chối bỏ mình.


Từ việc chối bỏ ý nghĩa tồn tại của bản thân trên thế gian, Yo-chan đã sống một cuộc đời đầy tội lỗi: gái gú, rượu chè, nghiện ngập. Dường như theo dòng chảy và cách nhân vật tự cảm thấy cùng quẫn và tội lỗi và “không thể hiểu nổi” chính sự khốn kiếp của bản thân khiến nhân vật mà người đời nhìn là “cặn bã” lại có thể trở nên hết sức…nhân văn. Kì quái thay lại là như vậy. Liệu người ta có thể biến một thứ khốn kiếp thành một thứ nhân văn chỉ vì loại khốn kiếp đó hiểu rõ rằng mình là loại chó đẻ khốn kiếp? Ấy thế mà anh ta vẫn cứ làm, vẫn cứ làm, không ngừng được…


Giai đoạn truyện tôi thích nhất có lẽ là giai đoạn Yozo bắt đầu sa đoạ khi quen Horiki và biết đến hội hoạt động Cộng Sản. Đó là một giai đoạn khiến tôi cảm thấy dường như Yozo đứng trên được những kẻ khác, ít nhất là về mặt tâm thần. Chỉ duy nhất đoạn thời gian này thôi, với những tư tưởng mỉa mai, đâm chọc, bất cần và khó hiểu trước loại “nghiêm túc” của “hội ái hữu Cách mạng” khiến Yozo có vẻ gì đó thoát khỏi được những định kiến tầm thường của con người. Nhưng chính sự thờ ơ và không thực sự để tâm đến những thứ tầm thường trong cuộc sống của con người như vậy mà Yozo cũng đã phạm phải một trong những sai lầm tệ hại nhất trong cuộc sống của anh: đó là càng coi thường và càng cho những hoạt động kiểu đó là thứ mua vui, dễ dãi, ngớ ngẩn đến đâu, anh lại càng lún sâu bấy nhiêu. Tội nghiệp thay đứa trẻ nhu nhược lạc lõng, tự đẩy mình vào đường cùng của cặn bã xã hội mà vẫn không thể hiểu nổi tại sao bản thân lại là một kẻ như thế… Đến khúc này tôi đã rất băn khoăn tự hỏi, anh ta hiểu mình là một kẻ cặn bã vì anh ta không thể du nhập được với xã hội, hay anh ta chỉ biết rằng mình là một kẻ đốn mạt mà không hiểu được vì sao bản chất lại đốn mạt như thế? Liệu chúng ta có thể đặt câu hỏi cho gia cảnh gia đình chỉ xuất hiện khá chớp nhoáng trong truyện hay không?


Cảnh tượng để lại cho tôi cảm xúc sâu sắc nhất không phải là lúc toàn bộ thế giới của Yozo sụp đổ để lầm lạc sang con đường nghiện ngập, mà là một cảnh Yozo uống rượu trong quán bar của một người đàn bà mang hơi hướm giống người phụ nữ đầu tiên anh tự tự cùng nhưng anh thì sống còn người đàn bà khốn khổ đó thì lại được chết. Cảnh này tạo ảnh hưởng tâm lý đặc biệt sâu với tôi – quán bar tối tăm mục nát đó trở thành “nhà thờ” của Yozo. Đó là nơi anh nhận ra cái thế gian mà anh sợ đó chính là các cá nhân. Đó là khoảng thời gian Yozo bắt đầu con đường kí sinh trên phụ nữ, và lúc Yozo ngồi uống rượu và tâm sự rền rĩ những tội lỗi của mình trong “nhà thờ” với bà “linh mục” trông quầy rượu chính là lúc anh bị dằn vặt bởi chính sự đốn mạt của mình khi ăn bám và lợi dụng triệt để một người phụ nữ nguyện hi sinh vì yêu anh. Một người phụ nữ hết lòng lo cho anh, cưu mang anh, đứa con của cô cũng yêu quý anh. Anh đã những thèm khát cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó, từng nghĩ đó là chốn dừng chân tuy vẫn nhấn chìm bản thân trong rượu bia thuốc lá. Người đọc có thể tự hỏi tại sao anh ta không thay đổi, hay thậm chí chưa từng có ý nghĩ thay đổi để tốt đẹp hơn, mà cứ tiếp tục dùng chính những thứ anh ta chẳng tốn công vẫn đạt được để nuông chiều cái bản thân ‘không hiểu nhân tình thế thái’ trong đốn mạt? Có lẽ là do lương tri… người ta có thể nghĩ những kẻ khốn nạn không có lương tri, nhưng biết đâu vì càng đốn mạt thì lương tri càng hành hạ hơn, họ lại càng cần cái gì đó để tìm quên, đâm ra lại càng đốn mạt… Cái vòng luẩn quẩn đó không chỉ giết chết họ, mà còn giết chết những người họ bám víu…. Thế nên chính giây phút trước khi nhận ra được chân lý rằng anh “không tin vào tình yêu thiêng liêng nhưng tin vào sự trừng phạt thiêng liêng”, anh đã quyết định buông tay khỏi điều có thể cứu rỗi mình để người phụ nữ đáng thương và con gái của cô được giải thoát khỏi anh. Thực ra giai đoạn này anh vẫn còn muốn bám víu vào ánh sáng, nhưng 2 tiểu sự kiện đã đẩy anh hoàn toàn chệch đường, đó là câu nói ngây thơ của bé Shiori con gái người phụ nữ anh ăn bám rằng cô bé mong ước có người ba thực sự, và thứ hai là những lời lên mặt dạy đời của thằng bạn đốn mạt cũ Horiki đã khiến lương tâm anh hi sinh khao khát của chính mình để cứu những người ban ân anh khỏi bàn tay của chính anh.


Anh rời khỏi hai con người đó. Đây có lẽ là việc làm đúng đắn nhất cuộc đời anh, cứu chuộc hai con người đó khỏi anh. Thật đáng cay đắng làm sao, điều ước đầu tiên trong cuộc đời anh là anh hi vọng hai tồn tại khác được một chút hạnh phúc. Anh ước điều đó trong tình trạng say khướt ở “nhà thờ” của anh, với âm hưởng câu nói cuối cùng của nàng rằng “anh uống rượu vì anh là người tốt”. Anh không biết mình tốt hay xấu, nhưng anh chỉ có thể tổn thương người khác và tổn thương chính bản thân anh. Liệu sự tồn tại của anh có phải là tội lỗi? “Đó chính là tôi. Không phải chuyện thế gian tha thứ hay không, chối bỏ hay không, mà vấn đề tôi là một sinh vật hèn kém hơn cả chó mèo. Một con cóc.” 


Anh trốn chạy và lại kí sinh ở tầng hầm “nhà thờ” của anh, kí sinh trên người Má duy nhất hiểu được anh. Đây là nhân vật tôi thích nhất trong truyện, một nhân vật đặc biệt có sự xoa dịu đáng ngạc nhiên, như một nốt lặng chính chắn giữa những nốt thăng trầm khác. Bà là một thực thể cô độc tao cảm giác vững vàng và trưởng thành hơn tất cả những thực thể cô độc xác bao gồm Yozo và xung quanh Yozo. Phải nói rõ rằng, không chỉ Yozo “thất cách” (mất quyền được làm người), mà dường như mọi nhân vật trong tiểu thuyết cũng đều có một chút “thất cách” như thế - lạc lõng, cô độc, tổn thương, nghi kị, thống khổ. Nhưng bà khác hẳn, bà cưu mang và luôn biết Yozo là một “thiên thần” cho đến tận những giây phút cuối cùng. Vì không phải bà không biết Yozo đốn mạt, mà vì bà hiểu được rằng rốt cuộc Yozo cũng chỉ là kẻ hèn khốn khổ không thể hiểu được bản thân cũng như không biết tự tha thứ cho bản thân. Cuộc đời của đứa trẻ không lớn được đó chỉ xoay quanh túng quẫn, đặc biệt là sau khi bị đuổi khỏi trường thì càng túng quẫn cả tinh thần lẫn tiền bạc. Trong suốt một năm Yozo ăn bám ở “nhà thờ” đó, có lẽ đó là khoảng thời gian Yozo yên bình nhất; tuyệt vọng nhưng yên bình nhất – mặc dù chỉ là tồn tại với vòng quay uống-hút-ngủ-làm việc mà thôi, nhưng ít ra nếu có thể tiếp tục tồn tại vật vờ trong những lời dối gạt của chính bản than thì biết đâu Yozo lại vẫn có thể tiếp tục sinh tồn.


Nhưng tình yêu đến, đẩy anh vào mức độ tuyệt vọng cuối cùng. Ánh sáng trinh bạch ngây thơ đến đem lại hạnh phúc, sự cứu chuộc, niềm khát vọng. Tia sáng cuối đường hầm. Người con gái chân thật, cả tin, tinh khiết bán thuốc lá đem lại cho Yozo một nguồn sáng mới, dường như thậm chí có thể giúp anh thay đổi toàn bộ con người mình. Một tình yêu diệu kì, bất chợt và đầy say đắm đem đến ánh sáng quá hạnh phúc đến mức Yozo quên đi cả cái bóng tối luôn lẩn khuất bên cạnh ánh sáng. Thời gian ở bên cạnh Yoshiko có lẽ là thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời Yozo, mà cũng chính vì thế mà khi bóng tối đến anh hoàn toàn đổ vỡ và tuyệt vọng cùng cực. Người con gái trinh bạch cứu rỗi cuộc đời anh bị biên tập viên của anh làm nhục ngay trước mặt anh, mà tất cả những gì anh làm là trơ mắt ra nhìn và lập tức chìm vào bể bùn của tuyệt vọng với nhân cách con người. Con người đáng sợ nhất. Con người là toàn bộ vấn đề. Mọi chuyện đổ vỡ một lần nữa với chất bi kịch cực đoan hơn nhiều lần.

Nàng Yoshiko tinh khiết ngây thơ và hoàn toàn khác hẳn những con người trong thiên hạ khiến Yozo sợ hãi đã thay đổi. Nàng nhút nhát, lén lút, nghĩ nàng có tội, điếm nhục và chịu đựng. Ánh sáng vụt tắt. Yozo hoàn toàn trở nên điên cuồng khi biết vợ bị làm nhục. Nhưng không phải anh thống khổ khi thân thể Yoshiko không còn sạch sẽ hay gì cả, mà anh đau đớn cho một niềm tin đổ vỡ. “Không phải là chuyện tha thứ hay không. Yoshiko là một thiên tài trong việc tin tưởng người khác. Nàng không biết nghi ngờ con người là gì; chính vì thế mới bi thảm. Hỏi thần linh xem sao? Phải chăng tin tưởng người là một tội lỗi? Không phải việc thân xác Yoshiko bị điếm nhục mà việc niềm tin của Yoshiko bị băng hoại với tôi là một nỗi đau khổ lớn đến mức từ đó về sau tôi cảm thấy mình hầu như không sống nổi nữa.”


Đây là một khúc diễn tả cảm xúc và tâm tư hết sức tinh tế mà tôi chưa từng tìm thấy trong một tác phẩm nào trước đây. Như thiển nghĩ cá nhân tôi đoán rằng, Yozo chưa bao giờ tin tưởng con người, thế nên ánh sáng tin tưởng của Yoshiko vào con người không chỉ xoa dịu anh mà còn đem lại cho anh nguồn hi vọng sống. Rằng một kẻ đốn mạt như anh phải bấu víu vào một thứ niềm tin trong sáng của một người khác để níu kéo tính mạng nơi trần thế. Anh không muốn một thiên thần như thế rơi vào tình trạng của mình. Với thiên hạ khốn nạn anh chẳng thiết, nhưng nhìn thấy một người trong sạch trong niềm tin lại vỡ nát niềm tin khiến anh đau khổ hơn chính bản thân mình. Cái đau đớn là khi thấy một người ta yêu thương rơi vào hoàn cảnh như ta; trong trường hợp của Yozo còn là một lẽ sống rơi vào bóng tối như anh. Niềm tin chính là tội lỗi chăng? Không ai trả lời được. Con người không đáng tin chăng? Phải.


 Tuyệt cảnh.


Yozo bắt đầu nghiện ngập. Mọi thứ hỏng bét. Khi biết Yoshiko từng định tư tử bằng thuốc ngủ, anh còn chủ động uống hết số đó mong được chết. Anh không chết. Anh xin “Chúa” trong “nhà thờ tầng hầm của anh” được chia tay với Yoshiko để giải thoát cho anh cũng như cho nàng. Rồi anh tình cờ gặp một người phụ nữ khốn khổ bán hàng thuốc trong một đêm tuyết rơi, khi anh ho đến mức nhổ ra những búng máu tanh tưởi. Anh ăn nằm lang chạ với một người phụ nữ liệt một chân đáng thương đó để đổi lấy những ống morphine. Anh từ kẻ vô dụng, biến thành một kẻ nghiện, phá huỷ mọi thứ, huỷ hoại bản thân, và từng chút huỷ hoại của Yoshiko. Tất cả mọi thứ đều đốt vào thuốc. Từ một tội nhân từng cổ suý tự tử, anh thành một phế nhân. Vô dụng. Một khi đã nghiện thì không còn gì, không còn gì cứu vãn được nữa.


Horiki và ông cá bơn đến. Họ dụ anh vào viện. Đó là trại tâm thần. Từ một tội nhân, anh thành cuồng nhân, phế nhân. Anh đã mất hẳn tư cách làm người rồi. Yozo vốn đã không cho mình xứng đáng làm người, giờ thì ngay cả danh nghĩa là con người anh cũng đã mất nốt. Trong chính bàn tay của anh thôi.


Cái chết của cha Yochan chính là ngưỡng cuối cùng phá huỷ cuộc đời anh. Cái gánh nặng từng biến anh thành con rối của chính mình bao năm rốt cuộc cũng mất. Nhưng rồi sao?


Anh bị anh trai đưa đến dưỡng bệnh ở một suối nước nóng nhỏ, với một người đàn bà xấu xí chăm sóc anh, lúc thì cưỡng hiếp anh, lúc thì cãi nhau như vợ chồng. Anh chẳng bất hạnh, chẳng hạnh phúc.


Kết thúc tự thuật chỉ bằng một câu, dù tôi mới 25 tuổi, nhưng trông tôi như hơn bốn mươi.


Kết thúc truyện, madam nói về người con trai khốn khổ đó “Yochan mà chúng ta từng biết cực kỳ ngoan hiền và nhạy cảm, ngay cả rượu cũng không biết uống nữa. Không mà dù cho có uống rượu đi nữa thì anh ta vẫn là một người tốt, một thiên thần”.



“Không, tôi chỉ nghĩ rằng đời mà đến thế thì thôi, còn làm gì được nữa”.


Vậy đấy;


Tôi có đọc một bài viết nói rằng đây là một tác phẩm tiêu biểu trong chủ nghĩa Hiện Sinh (tính độc nhất vô vị của sự tồn tại vô nghĩa của con người; những phi lý của nhân sinh; những ngộ nhân hay những bất khả tri trong cuộc sống). Coi sự tồn tại của con người là vô nghĩa, là trống rỗng. Cũng có lý thôi khi diễn tiến của câu chuyện liên tục theo chiều hướng, thất vọng, tự sát không thành, lún sâu tội ác đồi truỵ, rồi lại tự sát,…. Càng phản kháng thì nỗi tuyệt vọng về nhân gian càng sâu đậm, kết cục là dẫn đến “thất cách”. Tôi chẳng có suy nghĩ gì về ý kiến này. Con người sinh ra cô đơn chết cũng cô đơn. Có lẽ chủ nghĩa Hiện Sinh chỉ đẩy chân lý này lên đến mức cực đoan mà thôi. Mọi thứ đều là vô nghĩa.


Vượt khỏi giới hạn một tiểu thuyết trào lộng miêu tả những nhân phẩm méo mó, sa đoạ, Osamu hướng đến hành trình bi kịch trong cuộc đời của một con người tự vấn về sự tồn tại cá nhân giữa xã hội. Sự lạc lõng được đẩy lên đến tận cùng giữa ngay cả người thân bạn bè. Khi Oba Yozo nhận lấy vai diễn của mình, phải gánh chịu nỗi buồn đau cô độc giữa đời sống. Đó là nỗi đau của sự tự ý thức về kiếp người nhỏ bé và tồn tại hữu hạn của bản thân. Họ đã có những băn khoăn, trăn trở về thân phận của mình. Trong tâm hồn Oba Yozo ý thức rằng mình không có khả năng sống như những con người bình thường, làm những gì một con người bình thường có thể làm, họ không hiểu được người khác và cũng cảm nhận rằng chẳng có ai đến được tới đáy sâu tâm hồn của họ. Đó là sự bất lực khi biết chắc không còn có thể thay đổi được nữa. Từ lạc lõng anh đâm ra tự huỷ diệt chính mình, và kết thục hiển nhiên không thể cứu vãn được nữa.


Cho đến tận khi đọc Thất lạc cõi người của Danzai, tôi mới phát hiện ra rằng những tác phẩm khó chiều nhất tôi từng đọc đa phần đều là của Nhật. Từ trước cả khi đến với Murakami “tâm thần”, Hoa Diên Vĩ “bệnh hoạn” giờ lại đến với Danzai “bi kịch” tôi đã tiếp xúc với manga Nhật với những ý tưởng từ bình thường đến quái dị. Và chưa bao giờ tôi phải thất vọng với những “ý tưởng kiểu Nhật” cả; đa phần đều vượt quá mong đợi về sự độc đáo của tôi, và tác phẩm Thất lạc cõi người cũng không phải một ngoại lệ. Truyện của Nhật có một thứ gì đó quá đặc biệt và ấn tượng đến độ một khi đã bị cuốn vào thì không thể dễ dàng thoát khỏi nữa. Như tác phẩm chữ đầu tiên của tôi tiếp cận là Rừng Na Uy, từ đó tôi đã biết mình bị cuốn vào một vòng xoáy gì đó mơ hồ và liên kết với rất nhiều những mảnh ghép "tình cờ" khác mà tôi không thể lí giải nổi. Nhưng không hiểu sao những tác phẩm của tác giả Nhật tôi đọc cho đến nay đều thuộc trường phái "vô vọng" - không cứu chuộc, không hi vọng, không "ánh sáng cuối đường hầm". Ngược, ngược, ngược và ngược! Cái độc đáo hơn cả trong tiểu thuyết Nhật có lẽ là, đa phần đều đi tìm những phần đen tối trong con người nhiều hơn là tươi sáng....


Điều khiến tôi bị cuốn hút bởi Thất lạc cõi người có lẽ là do tính chất đen tối cuồng loạn đến mức ngăn cản người đọc hiểu được đến tận cùng ngọn nguồn mọi bi kịch và vấn đề trong truyện vậy. Nhưng dù sao phải thừa nhận rằng, càng đen tối càng bi kịch thì càng quyến rũ khó dứt.



1 nhận xét:

  1. Mới chia sẻ bàn viết của bạn trên facebook rồi nhé. https://www.facebook.com/hoang.long.1238. Chúc bạn vui (Hoàng Long)

    Trả lờiXóa