Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Mùi Hương: Câu chuyện một kẻ giết người - Patrick Suskind



Tôi có thể đọc sách, nhưng tuyệt không bao giờ dám nhận mình thích sách. Cách tôi đọc sách có lẽ phản chiếu đúng tính cách của tôi: ngẫu hứng và cả thèm chóng chán. Tôi có thể đọc liên tục một lèo mấy quyển, nhưng cũng có lúc mãi không gặm được một quyển mỏng te cho ra hồn. Mãi đến bây giờ tôi phát hiện ra rằng, tôi chỉ có thể đọc sách khi có những tác phẩm đặc biệt gây động lực để đọc những quyển khác, dù những độc lực đó cũng chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn cho đến khi tôi tìm được “động lực” tiếp theo. Nhẩm tính lại, “động lực” của tôi cũng không nhiều lắm: “Ông trăm tuổi bốc hơi qua cửa sổ” của Jonas, “Quân Vương” của Machiavelli, “Chàng Dorian Gray” của Oscar Wilde, “Nhân gian thất cách” của Osamu Danzai,… và đến bài viết này tôi có thêm một động lực khác nữa: “Mùi hương” của Patrick Suskind.


“Mùi hương” của Suskind là một phát hiện tình cờ. Tôi vô tình đọc được một bài viết về phong cách nghệ thuật Pre Raphaelite, và trong bài viết đó có hình minh hoạ là bức tranh “My Sweet Rose” của hoạ sĩ Waterhouse, ngay bên cạnh chính là một cảnh của Laura trong phim “Mùi hương: Câu chuyện của một kẻ giết người”. Tôi xem phim trước nên phải nói rằng tôi bị ảnh hưởng không ít từ phim. Phim làm vô cùng nghệ thuật, vô cùng tinh tế, diễn đạt được gần như mọi ngõ ngách trong truyện, thế nên khi đọc đến truyện lại càng có cảm giác sâu xa, quyến rũ hơn. Cá nhân tôi khi đọc sách, tôi đặc biệt có cảm tình ưu ái với những loại sách mà tôi cảm thấy bản thân có thể gạt đi những luân lý, đạo đức cũng như chuẩn mực xã hội để tìm kiếm một thứ gì đó kì lạ, khó giải thích và mơ hồ. “Mùi hương” đã phần nào thoả mãn được thói kén chọn khó chiều đó.


Có lẽ chúng ta nên đi ngược lại lịch sử đôi chút để hiểu tổng quát bối cảnh sinh ra một “nhân cách” như Grenouille. Thế kỉ 18 tại Pháp, tôi đoán là thời vua Louis XV  triều đại Bourbons vẫn đang trị vì – vị vua áp chót trong lịch sử Pháp, chú của Louis XVI – chồng của vị nữ hoàng cuối cùng và tai tiếng nhất Pháp Marie Antoinette. Louis XV đại khái chính là vị vua đẩy nước Pháp vào chiến tranh bảy năm với Anh Quốc và thua trận nặng nề khiến Pháp rơi vào bần cùng. Chế độ quân chủ phong kiến triệt để, hệ thống quan chức quan liêu, thuế khoá nặng nề, quốc nợ khổng lồ từ cuộc chiến tranh với Anh, công thương nghiệp bị chèn ép, tôn giáo biến thành công cụ kiếm tiền, phân chia giai cấp sâu sắc, sự bóc lột trắng trợn,…tất cả những điều trên đẩy Pháp vào một tình thế khốn khổ trong nghèo đói, thảm hại, bần cùng; nhưng bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời kì chói lọi nhất trong lịch sử triết học và khoa học Pháp: Thời Kỳ Khai Sáng – thời kì đã sinh ra bao nhà triết học và cách mạng vĩ đại như Voltaire, Robespierre, Montesquieu, Jean Rousseu,…. Thời kì Khai Sáng đem đến những thay đổi lớn chưa từng có, hay đúng hơn là tạo một cuộc cách mạng trong triết học Tây phương với chủ nghĩa lí tính, khoa học, chú trọng tri thức, logic. Bắt đầu từ việc xây dựng đường xá nối liền các địa danh, con người không chỉ nối với nhau trong giới hạn quốc gia mà bắt đầu lên đường khám phá những vùng đất mới bằng những cách thức mới; văn học và luận văn lí trí đầy tính biện luận ra đời liên tục; triết học thay đổi, không còn dựa trên thần thánh, mê tín dị đoan hay tôn giáo nữa mà đi vào bằng khoa học phân tích; đến ngay cả tôn giáo cũng bị đem ra hoài nghi, phê phán và xét đoán,… Chính những nền tảng này đã tạo tiền đề cho Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Pháp. Nhưng thôi, ta hãy trở về tiểu thuyết của chúng ta, thời kì giữa giữa khi sự bần cùng chưa đủ sức thổi bùng làn sóng cách mạng, khi Thế Kỷ Ánh Sáng mới manh nha, và khi chiến tranh bảy năm giữa Anh và Pháp-Áo chưa diễn ra.


Đứa trẻ xấu số Jean-Baptiste Grenouille sinh ra dưới gầm bàn bán cá cùng với đống đầu ruột cá bẩn thỉu hôi thối mà mẹ hắn vừa đánh xong ở nơi hôi hám bẩn thỉu nhất Paris. Hắn có thể đã bị ném bỏ trôi sông cùng đám ruột cá xương cá bẩn thỉu như bốn người anh em khác của hắn, nhưng hắn đã chọn cách khác. Tiếng khóc ré đầu tiên của đời hắn đã đưa mẹ hắn lên thẳng giá treo cổ với tội giết người, và sau đó đưa đẩy hắn trôi nổi giữa những bà vú và những trại nuôi trẻ bị bỏ rơi. Khi hắn bắt đầu nhận thức được, hắn biết rằng hắn có một khứu giác thiên phú vượt qua tất cả mọi người, có thể đánh hơi và phân biệt mọi loại mùi ở khắp Paris. Hắn đầu tiên là bị bán cho một gã làm da thuộc, rồi sau một thời gian bị bóc lột ở xưởng da độc hại, hắn bắt gặp một mùi hương tuyệt mỹ của một cô bé tóc đỏ trên đường phố Paris, và từ đó hắn đã nhận ra mục đích cao cả nhất của hắn: chính là săn tìm và bảo quản những mùi hương tuyệt nhất thế gian. Thế nên ngay khi có cơ hội đưa hàng da thuộc đến nàh Baldini – một nghệ nhân làm nước hoa đã lỗi thời – hắn ngay lập tức khiến ông lão ấn tượng và buộc ông lão không cách nào khác phải mua lại hắn từ gã chủ xưởng da. Cuộc sống của hắn hoàn toàn thay đổi từ đấy. Mặc dù Baldini tham lam và cố gắng lợi dụng triệt để thiên tài sáng tạo nước hoa của Grenouille để làm giàu, nhưng ông cũng dạy cho hắn những kiến thức nền tảng đầu tiên trong ngành làm nước hoa. Chính từ sự đổi đời này là Grenouille nhận ra khả năng tuyệt đối của mình và quyết tâm theo đuổi cái mỹ học tuyệt đối thuần khiết hoàn toàn không nhiễm một chút vẩn đục nào từ xã hội.


Patrick đã hết sức tài tình khi xây dựng một nhân vật nằm ngoài mọi lề lối luật lệ xã hội, sống theo bản năng nguyên thuỷ nhất và gần như không lí trí mà hoàn toàn bị chi phối bởi giác quan – cụ thể là khứu giác. Điều đặc biệt hơn cả là ông đã xây dựng nhân vật đó trong một xã hội đang chuyển mình, thời đại lý trí và khoa học lên ngôi, con người hoài nghi và nghiên cứu mọi thứ; điều đó khiến sự tồn tại của Grenouille càng trở nên đặc biệt và hoàn toàn lạc lõng, hoàn toàn cô độc. Thế nhưng điều đó vẫn không biến Grenouille thành một kẻ bệnh hoạn – hay nói đúng hơn vì Grenouille là một kẻ sinh ra đã như vậy, bản chất thuần tuý theo đuổi duy độc một thứ cao nhất như vậy, nên mọi sự bệnh hoạn ám ảnh của hắn lại trở nên hết sức hợp lý. Tôi không thể nói rằng Grenouille bệnh hoạn, kinh tởm hay bất cứ điều gì như vậy, một phần phải nói rằng mọi thứ xảy ra đến với nhân cách của Grenouille là do chính cái xã hội thôi nát ruồng rẫy hắn tạo thành, mà một phần nữa là trời đã sinh hắn với niềm đam mê cái đẹp vượt mọi nguyên lý bất chấp quy tắc như vậy – và đó có lẽ là thứ mỹ học duy nhất neo giữ hắn tiếp tục tồn tại và tiếp tục tìm kiếm. Cái Grenouille tìm kiếm là cái “tinh chất”, cái cô đọng nhất của một sự vật, cái “mùi hương”, cái “bản chất sâu xa nhất” có thể dùng mũi mà ngửi. Với hắn, “những thứ khác không cần thiết. Đó là vỏ ngoài vô giá trị, chỉ đáng vất đi”. Đây đã là cuộc hành trình đi tìm bản thể của thế giới xung quanh dưới vỏ bọc đi tìm cái đẹp tuyệt đối rồi. Trong vô thức và vô lý trí, Grenouille thực hiện một trong những cuộc hành trình vĩ đại nhất của loài người bằng cách thức méo mó nhất và tâm trí trống rỗng nhất. Hắn đã kết luận rằng cái tinh hoa chính là “mùi hương”.


Khi chỉ kho hàng hương liệu ở kho của Baldini và những kiến thức của ông ta về chưng cất những tinh tuý không còn đủ để giúp Grenouille đạt được những ngưỡng vọng của hắn nữa, hắn kiên quyết ra đi. Hắn phải đến Grasse, nơi tạo ra những tinh tuý tuyệt vời nhất để hoàn thiện các kĩ năng và chiếm hữu được thứ hắn khao khát. Nhưng chính con đường đến Grasse đã đưa hắn lên hẳn một tầm cao mới trong nhận thức về bản thể con người. Hành trình đó không chỉ để tìm kiếm bản thể của thế giới bên ngoài nữa, mà là tìm kiếm bản thể thế giới nội tại. Trong suốt thời gian dài bảy năm chiến tranh với Anh Quốc, hắn tách biệt hoàn toàn với con người, sống trên một đỉnh núi lạc lõng với thiên nhiên để hưởng thụ cái cô độc hoàn hảo của bản thân hắn. Ở đó hắn tìm thấy một thứ mùi hương “của đất trần trụi, là cái thế giới duy nhất mà gã chấp nhận vì giống với cái thế giới của tâm hồn gã” – thứ mùi hương tinh khiết gần với nguyên bản ban sơ nhất, gần giống như cái “Vô” trong hắn. “Gã rút về đây chỉ do một thích thú riêng đó là được gần với chính gã. Gã ngụp lặn trong sự tồn tại không gì làm phân tâm được của gã và thấy tuyệt vời.” Câu hỏi nhân sinh lớn nhất ở khúc này “Ta là ai?”.


Ở đây tôi đoán rằng, bằng một phương thức nào đó hắn nhìn thấy bản chất xấu xa nhất trong con người mình và chấp nhận nó ngay lập tức. Tất cả những sự thù ghét thế giới dành cho hắn và hắn dành cho thế giới được bộc phát triệt để. Từ đó, hắn đưa thân phận mình lên đến đỉnh cao của thế giới, hắn cho mình ngồi trên tất thảy, đến ngang cả Chúa Trời. Nhưng cũng chính tại đây, hắn phát hiện ra cả thế gian vạn vật vạn thể đều có “mùi” – dù phần lớn thiên hạ không biết đến cái “mùi” bản thể của bản than mà sống giả tạo với những lớp vỏ bọc, thì chỉ riêng hắn không có “mùi” gì cả. Hắn không “mùi”. Hắn nắm được tinh hoa vạn vật nhưng không nắm lấy nổi tinh hoa của bản thân. Hắn nắm được bản thể tinh tuý của vạn vật nhưng bản thân hắn – “thứ” đứng cao nhất trong những tinh tuý đó thì lại hoàn toàn không có cái bản thể tinh tuý đó. Hắn vô hình trong thế giới tuyệt mỹ thuần tuý của chính hắn. “Nỗi sợ mà gã cảm thấy lúc này là không rõ về chính mình. Nó ngược hẳn với nỗi sợ kia. Gã không chạy thoát nổi nó, mà phải đương đầu. Gã phải biết thật chắc chắn gã có mùi hay không cho dù sự thật kinh hoàng đến đâu đi nữa.”


Liệu có phải bang bổ không khi tôi chợt nghĩ rằng Grenouille thật sự mang một hình ảnh gì đó của Chúa – của Vô. Các tín ngưỡng, các tôn giáo luôn khởi điểm với một Chúa Trời bất diệt, không hình không dạng không thể gọi tên không can thiệp bất cứ điều gì. Hay nói cách khác, đối với tôn giáo, thậm chí có thể là cả khoa học, triết học, Chúa chỉ là một “VÔ”. Không thực sự “tồn tại”. Không bản thể. Không “tinh tuý”. Không là gì cả. Là ngẫu nhiên hay cố ý mà tác giả xây dựng một hình tượng hoàn toàn không nhiễm chút vẩn đục trần thế và sống một cách chân nguyên nhất? Vậy thì Grenouille chỉ là một sáng tạo thuần khiết nhất mang bóng hình của CHÚA hay chính Grenouille là hình ảnh CHÚA trong quan niệm của tác giả?...Mọi hành động dù độc ác của hắn cũng mang chất nguyên thuỷ chứ không phải loại tạp niệm tham sân si tầm thường của loài người. Dục vọng thuần tuý của hắn thậm chí còn phải nói là tinh tuý của dục vọng.


Thời gian suốt bảy năm ở trên ngọn núi cô độc và cả trong hành trình đi tìm những mùi hương từ những trinh nữ trẻ để làm chất nền cho một mùi hương trác tuyệt nhất của Laura cũng chính là hành trình đi tìm bản chất của chính hắn. Hắn không tìm được bản chất nên hắn nhất định phải đi tìm một mùi hương tinh tuý vĩ đại hơn cả để cả loài người vốn trước nay chưa bao giờ nhận ra được sự tồn tại của hắn “họ sẽ phải yêu gã khi bị mùi thơm ấy thôi miên chứ không phải chỉ chấp nhận gã như cùng đồng loại, yêu tới mức điên cuồng, đến độ dâng hiến, họ phải run lên vì thích thú, gào lên, khóc vì đê mê mà không hiểu tại sao, chỉ cần họ được ngửi gã là họ sẽ quỳ xuống như được ngửi khói trầm lạnh lẽo dâng lên Chúa!”. Hắn đã thử đi tìm mình giữa trần thế, nhưng vì hắn không thực sự “tồn tại” giữa những tồn tại xung quanh, nên hắn mới phải đi tìm thứ vượt khỏi thế tục. Câu hỏi nhân sinh ở đây đã thay đổi. “Ta là ai trong thế giới này?”.


Nhưng ngay cả sau khi đã đứng trên đỉnh cao, khi có được thứ tinh tuý tuyệt mỹ hoàn hảo nhất, khi hắn đã chiếm giữ được mọi thứ cảm xúc, chi phối được mọi đắm say của con người, thì bi kịch khao khát được yêu và được thừa nhận của Grenouille lại trở thành bi kịch của sự phủ nhận và sự cô độc. Vì khi hắn đã khoác chiếc vỏ tinh tuý tuyệt mỹ nhất thế gian lên người, thì ngay cả khi được cả thiên hạ tôn sùng yêu mến thì đó vẫn không phải là hắn. Thậm chí hắn còn hiểu ra cái bản chất duy nhất của hắn là sự độc ác và thù ghét cũng không được chấp nhận nốt.  “Gã chợt hiểu rằng gã không bao giờ tìm thấy thoả mãn trong tình yêu, mà chỉ có thể trong thù ghét, ghét người và bị người ghét. Nhưng sự thù ghét gã dành cho con người không được con người đáp lại. Lúc này gã càng ghét họ thì họ lại càng tôn sùng gã bởi vì họ không cảm nhận được gì từ gã ngoài cái tinh hoa vay mượn, cái mặt nạ mùi của gã, cái nước hoa ăn cướp của gã.” Đứng ở đoạn đầu đài, đứng trên tất thảy, hắn thậm chí sẵn sàng đánh đổi bản thân chỉ để có một người thừa nhận sự tồn tại của hắn khi là chính hắn chứ không phải hắn dưới lớp tinh tuý. Ngay cả Richis – cha của Laura, “mùi hương” đỉnh cao nhất trong những mùi hương tinh tuý trộn trong lọ nước hoa hắn tạo ra – niềm hi vọng cuối cùng của Grenouille cũng phủ phục dưới chân hắn với tình yêu vô hạn.


Gã đã có tất cả quyền lực trên thế gian nhưng lại không thể tìm ra chính mình. “Đó là cái quyền lực vô địch tác động lên tình yêu của con người. Chỉ có một thứ mà quyền lực này không làm được: nó không thể làm cho gã tự ngửi ra mình. Thế thì dù cho gã có xuất hiện như là Chúa trước toàn thế giới, mà gã lại không thể tự ngửi ra gã và vì thế chẳng ma nào biết được gã là ai thì gã cóc cần Chúa, cóc cần thế giới, cóc cần ngay cả gã, cóc cần cái nước hoa của gã nữa. Bàn tay nắm lọ nước hoa thơm rất nhẹ và khi đưa lên mũi hít như thể đánh hơi gã thấy buồn, quên không đi tiếp mà dừng lại ngửi. Không ai biết cái nước hoa này thật sự tốt thế nào, gã thầm nghĩ. Không ai biết nó nó được chế công phu đến mức nào. người ta chỉ bị tác dụng của nó chế ngự, đúng vậy, nhưng không biết nổi rằng đó là nước hoa để tác động vào họ làm cho họ mê đắm. Kẻ duy nhất từng được biết vẻ đẹp thật sự của nó là ta, bởi vì chính ta đã tạo ra nó. Đồng thời ta cũng là kẻ duy nhất không bị nó làm cho mê đắm. Duy nhất với ta nó vô nghĩa hoàn toàn.”


Hắn trở về nơi hắn được sinh ra, cái góc hôi hám nhất Paris, đổ nước hoa lên người khi đứng trước những con người nghèo hèn ở cái góc bẩn thỉu đó. Họ yêu hắn ngay lập tức. Họ yêu hắn đến độ ăn thịt hắn. Sạch sẽ. Hắn trở về với hư không khi thất bại trong việc tìm kiếm bản thể của chính hắn. Sống hay chết thì quan trọng gì khi hắn chẳng là gì ở thế giới vật chất lẫn thế giới tinh thần? Chẳng ai nhận ra hắn, bản thân hắn cũng chẳng nhận ra hắn nữa.


Grenouille biến mất khỏi cõi đời như thể chưa từng tồn tại. Đúng hơn là hắn chưa từng tồn tại. Chỉ để lại một di sản duy nhất cho một nhóm nhỏ những người từng ăn thịt hắn – tình yêu. Một thứ tình yêu chân thực, man dại tuyệt đối nhất đến mức muốn “du nhập” toàn bộ thứ đó vào cơ thể.


Điên cuồng, say đắm, huyền ảo, diệu kì, nhục cảm, tình yêu, thù hằn, cay đắng,…mọi thứ trên thế gian tổng hoà vào một giọt tinh tuý bé nhỏ duy nhất; chỉ mấy giọt tinh dầu sóng sánh bé nhỏ nọ mà vẽ ra cả một thế giới quan khổng lồ cả đẹp đẽ tinh khôi đến hạ lưu dơ bẩn. Thủ pháp đơn giản trần thuật nhưng lại tạo ra sức hút không thể cưỡng nổi của Patrick khiến người đọc như lạc vào một thế giới quan điên khùng và nguyên bản. Nếu sách đã là một tuyệt tác, thì phim cũng xứng danh không kém. Mặc dù trong phim, cái tính chất huyền ảo và sự sùng kính hơi lấn át những tội ác của kẻ tội đồ, nhưng nó lại mang đậm chất nghệ thuật trong cả bối cảnh lẫn âm nhạc. Trong phim, một thiên tài độc ác ở thế giới phù du của mùi hương trở nên lãng mạn, say sưa và “phù du” hơn. Tuyệt đối không nên bỏ lỡ!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét