Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Hồi ức một kẻ sát nhân - Amelie Nothomb



Tôi chọn tải “Hồi ức một kẻ sát nhân” vì bìa ebook trên mạng là bức “Ophelia” của John Everett Millais vẽ theo phong cách Pre-Raphaelite. Bức tranh thực ra cũng chẳng đẹp lắm vì gam xanh gắt quá nổi và hình ảnh nhân vật nữ cũng không có vẻ yêu kiều như Ophelia được tả trong Hamlet, nhưng ấn tượng của nó lại mạnh đến mức tôi quyết định đọc sách mà không lựa “mác” như trước. Nhưng nói chung có lẽ “Hồi ức một kẻ sát nhân” sẽ không khiến tôi lưu luyến nhiều cho lắm.


Trước khi bước vào phần cảm nghĩ, tôi phải có cảm thán đôi chút với văn học xu hướng mới. Không biết tôi có lầm không, hoặc giả đó chỉ cảm xúc mơ hồ của một người mới chỉ tập tành đọc sách mà chưa đủ khả năng thấu hiểu hay nghiên cứu rõ ràng một tác phẩm cũng như một tác giả, nhưng dường như dòng sách càng gần với thời hiện đại bao nhiêu thì càng có phần đen tối và cá nhân bấy nhiêu. Tôi không giải thích được rõ lắm cảm xúc này. Nếu có thể mô tả đại khái thì tôi nghĩ rằng những tác phẩm cổ điển thường hay viết về những nhân cách đại diện cho một tầng lớp nào đó trong trong xã hội, và thông qua những nhân vật đó để giải quyết, phê phán, lên án,…nói chung là khắc hoạ những quan hệ trong xã hội hoặc những câu hỏi to lớn trong xã hội mà chưa có lời giải thích thoả đáng. Đôi lúc những tác phẩm kinh điển cũng giải thích những triết lý cá nhân của tác giả, nhưng thường ở phạm vi khá rộng, có tầm ảnh hưởng sâu sắc, bối cảnh rộng lớn, và ngoại trừ bối cảnh xã hội và nhân cách con người thì sự có mặt của đạo đức, quy chuẩn, luật lệ và định kiến là những điều không thể thiếu (dù nhân vật có đứng ngoài đạo đức, phá vỡ quy chuẩn, vượt khỏi định kiến đi chăng nữa). Nói chung, ngoài việc giải quyết những cá nhân, các tác giả cổ điển còn có xu hướng muốn khắc hoạ cả một xã hội.


Thế nhưng càng đến gần thời điểm hiện tại, văn học càng ngày càng đi theo chủ nghĩa cá nhân hơn. Tất nhiên, những nhân vật của họ vẫn đại diện cho một lớp người nào đó, nhưng thường đó là thiểu số, độc đáo (dù thiên tài hay bệnh hoạn), khó nắm bắt với tâm lý phức tạp và khó có thể phán đoán bằng lý trí hay học thức thông thường. Sau một vài tác phẩm gần đây như “Nhân gian thất cách”, “Mùi hương” hay “Con người hoang lạc”, tôi ngày càng có cảm xúc rằng dường như càng đến thời hiện đại, khi tri thức ngày càng phong phú, đa chiều và được giao hoà, thì ranh giới giữa mọi mặt trong cuộc sống ngày càng trở nên mờ nhạt hơn. Chẳng hạn, ví dụ như “Chiến tranh và Hoà Bình” hay “Hội chợ phù hoa”, chúng ta có thể phân tuyến nhân vật rõ ràng về mặt đạo đức, giai tầng xã hội, trí tuệ và nhân cách,…nhưng đến “Nhân gian thất cách” hay “Mùi hương” thì chúng ta khó có thể dùng lẽ xét đoàn tầm thường để bình phẩm những hình tượng nhân vật trong này. Nếu truyện kinh điển trước phác hoạ xấu-tốt trong một khung cảnh xã hội nhất định, thì truyện ngày nay xấu chưa chắc là xấu triệt để mà tốt cũng chưa chắc tốt hoàn toàn. Truyện ngày trước khắc hoạ xã hội và kêu gọi thay đổi, thì truyện ngày nay phác hoạ một cá nhân và đặt ra những bình xét về bản chất con người nhiều hơn. Tôi không nói văn học kinh điển không tạo nên những nhân cách độc đáo, mâu thuẫn, phong phú và không đi tìm bản ngã cá nhân. Tôi chỉ lờ mờ cảm thấy rằng dường như đến thời nay, cái “bản ngã” của con người xuất hiện trong văn học trở nên cực kì khó phán đoán, mơ hồ và ảo diệu. Có vẻ như trong khi nền văn học cổ điển luôn tin vào những điều tốt đẹp trong con người, thì văn học hiện đại gần đây lại chuộng những mặt tối trong bản ngã nhiều hơn cả. Những nhận xét tích cực và sự tiêu thụ rộng lớn của những tác phẩm đậm chất “cá nhân, tách biệt, khác lạ, mặt tối trong nhân cách,…” hiện nay liệu có phải đang phản ánh những thế hệ con người mới khao khát được chứng tỏ bản thân hơn bao giờ hết? Bạn tôi đã nói đùa một câu, giờ đứa nào cũng khác biệt hết, nên tao bình thường thì hoá lại bất thường à? Âu cũng có lý.


Quay trở lại với “Hồi ức một kẻ sát nhân”. Quyển tiểu thuyết cũng chẳng dày cho lắm và có những lời bình phẩm hết sức tích cực từ cộng đồng người đọc, tôi mạn phép cho là vậy. Cá nhân tôi thì cũng khá ưng tầm một phần ba đầu quyển sách, trước khi nhân vật nhà văn sắp “xuống lỗ” Pretextat Tach gặp nữ chính là Nina. Chính xác hơn, tôi chỉ cảm thấy hứng thú với chủ đề (tôi tạm tự đặt tên) là sự rác rưởi của con người và chủ đề cách đọc giữa Tach và những phóng viên.


Chủ đề đầu tiên, sự rác rưởi của con người. Tôi đã tìm đọc những bài vết nhận xét về quyển này, nhưng dường như vì mặt đạo đức, chuẩn mực hay gì gì đó, mà thường chủ đề này (xuyên suốt và liên tục trong tác phẩm) hay được né tránh không nhắc đến hoặc được nhắc đến bằng một giọng điệu hết sức khiêm nhường và kín đáo theo kiểu “thừa nhận nhưng không chấp nhận”. Có lẽ con người thì không thích nhìn thấy mặt tối của mình, nên ngay cả khi họ bị vạch trần thì họ vẫn sẽ lựa chọn chấp nhận nhưng luôn thêm vào các loại lí lẽ tốt đẹp về đạo đức hay gì gì gì đó. Kiểu như, “cái đó đúng, nhưng chúng ta nên nghĩ theo cách khác,…”; hay “ông ta nói đúng, nhưng như vậy quá tiêu cực,…”. Một ví dụ dễ hiểu nhất được nhắc đến trong sách là dã tâm của con người, thể hiện qua cách nghĩ của Tach về phận đàn bà: “Phụ nữ là những nạn nhân đặc biệt nguy hại bởi họ trước hết là những nạn nhân của chính bản thân họ, của những người phụ nữ khác. Nếu cậu muốn biết cặn bã của những tình cảm con người, hãy để ý đến tình cảm mà những phụ nữ này ấp ủ đối với những phụ nữ khác: cậu sẽ rùng mình ghê sợ trước chừng ấy đạo đức giả, ghen tuông, độc ác, đê tiện.”


 Tôi thì thấy tất cả những gì tiêu cực nhất luôn đúng với con người, nhưng điều này không có nghĩa tôi biến thành mẫu người tiêu cực đến phi lý kiểu Yochan hay Tach, mà chỉ đơn thuần là tôi chấp nhận sự thật theo nghĩa khiêm nhường hết mức có thể. Ngay cả khi muốn thì tôi vẫn chưa đứng ở vị thế có thể phản bác; thậm chí giờ tôi chỉ được phép tiếp thu mà chưa đủ khả năng tinh lọc nữa kìa.


Tach xoáy sâu vào dã tâm đen tối của con người bằng những ngôn từ cay nghiệt nhất và bằng những cách lật ngược toàn bộ mọi hệ quy chiếu thông thường nhất. Trong mắt Tach, tất tật đều giả tạo, ngu xuẩn, tự lừa dối chính mình, bịp bợm, đầy dã tâm, xấu xa và bỉ ổi. Chính vì thế mà cái quan niệm mà người đọc cho là “vớ vẩn, tâm thần của một kẻ sát nhân bệnh hoạn” khi biết rằng ông ta giết chết mối tình loạn luân của mình chỉ vì cô ấy dậy thì đã xuất hiện. Tôi nhớ rằng có một bài viết ở trên mạng đã viết rằng Amelie (tác giả) đã viết ra một tác phẩm “lạ”, hủ bại và hoàn toàn không có nền tảng, và rằng cái bệnh hoạn của kẻ sát nhân này không phải là thứ mà một độc giả bình thường cần phải biết. Để xem, lạ thì chắc chắn không phải, vì xét về độ lạ, độ tuyệt mỹ, thì “Mùi hương” còn lạ, còn tuyệt mỹ hơn gấp nhiều lần. Hủ bại? Không hề hủ bại, nếu xét theo mặt tâm lý, vì nói cho đúng ra, tất cả mọi thứ đều chỉ là định kiến và quan niệm phù du của con người, và những cái không được số đông chấp nhận thì sẽ bị phán xét, nên thay vì nói nhân vật này hủ bại, chúng ta nên nói nhân vật này “không thuộc chúng ta”. Suy cho cùng, với người thường, một kẻ loạn luân và giết người vì một thứ lí do không thuộc lẽ thường là không thể chấp nhận được, thì với kẻ đó, sự giả tạo và ngu xuẩn của con người cũng không đáng được chấp nhận. Không có nền tảng, có thể. Truyện của Amelie không vững chắc, chỉ gọi là có đôi chút mới mẻ trong cách thức châm biếm dồn dập. Nhưng suy cho cùng, tôi không mong đợi quá nhiều ở một tác giả được quảng cáo là “mỗi năm một tiểu thuyết”.


Có một thứ ẩn tàng sâu xa trong động cơ giết người của Tach mà tôi chỉ mạn phép đoán mò (do ảnh hưởng của “Mùi hương” chăng…), đó là bên cạnh lí do muốn giết Leopoldine (tình nhân cũng như em họ của Tach) vì muốn giữ cho mọi thứ “tinh khiết” và “bất diệt” ra, tôi tự suy diễn rằng Tach còn muốn ám chỉ đến tinh thần theo đuổi cái đẹp tuyệt đối nhất của lão (không biết tác giả có ý muốn nói điều này không nhỉ?). Lão không muốn dây vào một nhân gian trong vũng bùn nhơ nhuốc, mà muốn nắm giữ và duy trì những nguyên mẫu tinh phẩm nhất, sống vì thứ mỹ học hoàn hảo nhất, đến mức nó biến thành nỗi ám ảnh tâm thần và biến chính lão thành một kẻ tâm thần. Chính vì tư tưởng tâm thần đó mà lão sinh ra ý tưởng giết chết mối tình loạn luân của lão để Leopoldine vĩnh viễn là nàng thơ bất tử trong tâm trí lão chứ không dần nhuốm màu phàm tục.


Chủ đề thứ hai là chủ đề về “cách đọc” của con người, nói sâu xa hơn là bản tính thấu hiểu của con người. Con người không bao giờ thực sự hiểu người khác, thậm chí có thể nói rằng đôi lúc không thực sự thấu hiểu chính bản thân mình. Văn minh đọc mọi thời đại đều thật nghèo nàn và nông cạn đến độ họ chỉ “đọc chữ” chứ không thực sự “đọc” một tác phẩm, “cảm” một tác phẩm. “Thực ra, con người không đọc; hoặc giả nếu có đọc thì họ cũng không hiểu; hay có hiểu thì sau đó lại quên hết.”


Viết đến đoạn này tôi lại run tay, vì chính bản thân tôi cũng chẳng biết mình đã “đọc cảm” hay chỉ là “đọc chữ”. Dù vậy, tôi vẫn để cái tôi ngạo mạn lấn lướt, và vẫn tiếp tục những phán xét rất ra vẻ này đây.


Bên cạnh hai mục trên khiến tôi thích thú nhất, người ta có thể nói đến những khía cạnh khác hẳn cũng chẳng kém phần thú vị về quyển tiếu thuyết, chẳng hạn như đạo đức nghiệp báo, luân lý nghiệp văn, văn hoá đồi bại, đọc giả giấu dốt,… nhưng những mục đó với tôi khá dài dòng và chẳng mấy cuốn hút. Phần sau của quyển truyện nhạt dần, nhân vật nữ chính Nina có vẻ độc đáo lúc mới xuất hiện nhưng về sau ngày càng lung lay. Cho đến cái kết gượng gạo cuối cùng, khi Nina giết lão tác giả kinh tởm và lại trở thành một kẻ sát nhân kế thừa tư tưởng của lão ta, Nina trở nên hoàn toàn tầm thường ngay cả khi cô hiện ra là một người có vẻ “thấu hiểu” lão Tach. Bút pháp chủ yếu là đối thoại làm tôi có phần thấy xấu hổ khi ngày trước lỡ miệng châm biếm một “cây bút trẻ” trong văn đàn “thanh niên” nước nhà rằng “đối thoại chin chit như thách thức thể văn chính thống”. Dịch hơi lủng củng nên có phần đọc hơi buồn ngủ nữa chứ….


Thì, nếu phải tóm lại thì….đọc “Mùi hương” hay hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét