Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Thuyết phục - Jane Austen



Tôi bị thuyết phục bởi văn phong của Jane Austen trong Kiêu Hãnh và Định Kiến, và hẳn cũng chẳng có gì lạ nếu để tâm đến những tác phẩm khác cùng tên bà. Tôi chọn Thuyết Phục vì lời quảng cáo rằng “mặc dù Kiêu hãnh và Định kiến là tác phẩm nổi tiếng nhất của Jane Austen, nhiều người cho biết họ thích Thuyết Phục hơn”. Hẳn nhiên họ có lý do thích Thuyết Phục hơn; tuy nhiên cá nhân tôi thì thích Thuyết Phục trong vị thế so sánh với Kiêu Hãnh và Định Kiến hơn – hai tác phẩm này hoàn toàn trái ngược nhau về mặt phẩm cách nhân vật – đọc tác phẩm này mà thấy tác phẩm kia càng tinh tế, càng thú vị hơn. Thế nên, nếu có thể đề nghị số tác phẩm nên đọc của Jane Austen, tôi sẽ chỉ đề nghị hai và chỉ hai thôi:  Kiêu Hãnh và Định Kiến cùng với Thuyết Phục. Tuy nhiên phải nói thêm rằng mặc dù cảm giác nội dung các tác phẩm của Jane là khác biệt thì văn phong và nghệ thuật lại gần như không thay đổi trong hầu hết các tác phẩm của bà; nói nặng nề hơn, tức là văn phong chỉ cần đọc một là biết kiểu viết số còn lại.


Jane Austen vốn luôn chỉ sử dụng một bối cảnh xã hội cho hầu hết các tác phẩm của bà, tôi đồ rằng không chỉ vì bà hiểu rõ thời đại của mình dưới tư cách một nhà văn đương thời muốn viết lên sự thực xã hội trong những câu chuyện lãng mạn lí tưởng, mà còn vì bà thấu hiểu xã hội đó dưới vai trò một người phụ nữ. Cũng không hề ngạc nhiên khi đa số nhân vật chính được chú trọng mô tả cảm xúc nhất trong các tác phẩm của bà đều là phụ nữ. Đầu thế kỉ 19, cuộc Cách Mạng Tư Sản biến Anh Quốc thành đất nước đi theo chủ nghĩa tư bản, nổi lên những tầng lớp quý tộc mới với địa vị dựa trên gia sản (khác hẳn với những quý tộc phong kiến cũ ăn bổng lộc triều đình), những gia đình trung lưu và tầng lớp nông dân. Không cần phải nghiên cứu kĩ cũng biết được sự phân chia giai cấp tạo ra những mâu thuẫn không chỉ về mặt kinh tế và còn về mặt danh dự và phẩm giá giữa các giai cấp với nhau. Đó là thời kì danh dự gia đình và danh giá xã hội đứng trên tất cả mọi thứ - trên cả hạnh phúc, tình yêu và những điều tương tự như vậy. Mọi thứ bị gói buộc vào cái khung chỉ để trưng cho thiên hạ soi mói. Thuyết Phục không châm biếm mạnh mẽ những định kiến phù phiếm của giới quý tộc đầy kiêu hãnh đến mức ngạo nghễ như trong “Kiêu Hãnh và Định Kiến”, mà khéo léo khai thác sâu hơn về tầng lớp quý tộc ăn bổng lộc cũ đã hết thời. Đại diện của biểu tượng này chính là ông Elliot, cha của nữ nhân vật chính Anne Elliot – một quý tộc ngu xuẩn, trác táng, tiêu pha đến mức táng gia bại sản và buộc phải cho thuê dinh thự lâu đời đi liền với mác giá quý tộc để đến sống ở vùng quê Bath nhằm tiết kiệm chi tiêu. Điều thú vị mà lột tả thực tế nhất trong chi tiết này chính là, mặc dù là một tay ngu xuẩn suốt ngày chỉ chi tiêu vào những thứ phù phiếm nhằm bảo toàn và khoa trương danh dự, nhưng đến khi rỗng túi và rơi vào nợ nần thì việc giữ những cuộc tiếp tân quan hệ vẫn còn quan trọng hơn cả việc tiết kiệm để trả dần nợ nần. “Có vẻ như cả hai cha con đều trông mong phải làm cách nào đấy hầu giúp gia đình đỡ mất thể diện và giảm chi tiêu mà không phải hy sinh mức độ hưởng thụ hoặc niềm kiêu hãnh”.Rốt cuộc, đến đường cùng buộc phải rời đi để cho thuê dinh thự, “quý ông” Elliot vẫn còn bày đặt điều kiện danh giá với người thuê nhà mới và cho rằng phẩm giá của họ cũng phải biết ơn vì đã được ông gia ân cho thuê dinh thự. Cách suy nghĩ “hiển nhiên” một cách nực cười của quý ông đại diện cho những kẻ xuẩn ngốc phù phiếm xã hội đó khiến người đọc chẳng biết nên thương hại hay chế giễu nữa. Thế nhưng thói kiêu hãnh suông không nền tảng của quý ông đây một lần nữa trở thành trò cười chua xót cho người đọc khi Jane Austen mạnh tay viết những phê phán thói nịnh bợ và xun xoe của ông và với đứa con gái Elizabeth của ông với những “thân thích” xa tít mù tắp có địa vị qua cách nhìn chính chắn và sự khinh bỉ của Anne.


Danh dự và chủ nghĩa đề cao lợi ích cá nhân một cách mù quáng nhưng lại được chấp nhận bằng những lí lẽ cao sang và hết sức “hạp tình hạp lí” còn được thể hiện qua hai nhân vật khác trong tác phẩm: em gái Anne là Mary – được gả vào một gia đình tuy sung túc nhưng lại  mang phẩm hiệu kém hơn phẩm hiệu tòng nam tước, và anh họ Anne là anh Elliot – người vốn hiển nhiên được thừa kế tài sản và gia hiệu dòng họ khi quý ông Elliot từ trần. Chẳng phải nói nhiều ta cũng thấy được hình ảnh những người phụ nữ xuẩn ngốc, ngỗ ngược, không biết điều, hay nói thẳng ra là “não tuy tàn nhưng phận vẫn cao” của Mary và Elizabeth. Hai loại phụ nữ phù phiếm, chỉ quan tâm đến mình và quyền lợi của mình, không biết làm bất cứ thứ gì mà vẫn nghĩ mình cao sang rồi tự cho mình quyền phán xét và đối xử thiếu công bằng với những cá nhân bị gán mác “không cùng đẳng cấp”. Đây là loại phụ nữ chiếm đa số trong giới quý tộc phù phiếm, dù cao sang giai phẩm nhưng lại hèn kém về phẩm cách. Người còn lại, anh Elliot, giá trị của anh trở nên suy đồi khi mục đích cá nhân của anh dần xuất hiện ở những trang cuối cùng của cuốn sách: anh tiếp cận Anne và có ý muốn cưới Anne chỉ để có quyền hợp pháp ngăn chặn ngài Walter Elliot trong trường hợp “quý ngài” đó muốn tái giá với bà goá bụa Clay đầy toan tính – trong trường hợp đó anh sẽ mất số gia sản thừa kế. Nói chung người đọc cũng phải cảm thong cho những nhân cách méo mó; trong trường hợp của Mary, đó là nhân cách méo mó bị nhào nặn bởi các định kiến xã hội, còn trong trường hợp của anh Elliot, đó không chỉ do xã hội mà còn là bản chất con người nữa.


Giờ chúng ta đến với nhân vật chính nhất trong tiểu thuyết: Anne Elliot. Sở dĩ khi tôi nói rằng tác phẩm này đối lập với “Kiêu hãnh và Định kiến” đó chính là vì hai nhân vật chính, cặp đôi chính trong truyện. Chúng ta phải thừa nhận rằng Lizzy trong Kiêu Hãnh và Định Kiến là một nhân cách đặc biệt, một người phụ nữ được cho là “thú vị nhất trong lịch sử văn học Anh quốc”. Điều đó không hề tâng bốc điêu ngoa. Không chỉ có vẻ ngoài, nàng thông minh do nàng ham học hỏi, nàng đầy lí lẽ do nàng đọc sách, nàng nhiệt thành, chủ động nắm giữ vận mệnh mình, và ngay cả trong tình yêu khi xác nhận được tình cảm của mình, nàng cũng không ngần ngại chấp nhận tình cảm ấy bằng tất cả sự bốc đồng và nồng nhiệt của tuổi trẻ. Nàng kiêu hãnh mặc dù không có gia thế, nàng độc lập và đứng ngoài thời cuộc. Nàng là nhân cách độc đáo đứng ngoài lề xã hội, nổi dậy khỏi xã hội để đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Nhưng trên hết, điều khiến nàng thật sự thông minh, dí dỏm, độc đáo là, ngay cả khi nàng không bị lề thói xã hội áp đặt thì nàng vẫn phần nào bị kiềm giữ trong niềm kiêu hãnh cá nhân và định kiến của xã hội. Tức là, nàng vẫn bị xã hội đó kiềm giữ. Nàng khinh ghét định kiến nhưng bản thân nàng cũng có định kiến. Chính chi tiết này khiến cuộc tình giữa Lizzy và Darcy độc đáo khi cuộc tình đó không chỉ tiến đến hạnh phúc mà còn phá vỡ định kiến của nàng về kiêu hãnh cá nhân và định kiến về xã hội của nàng. Xã hội có định kiến về nàng, nàng cũng có định kiến về xã hội. Về cơ bản, mối tình giữa nàng và Darcy phá huỷ và vượt qua mọi điều đó.


Nhưng Anne hoàn toàn ngược lại. Chúng ta có thể nói nàng Anne là một người phụ nữ thông minh, chính chắn, nhạy cảm, có đức hi sinh và vô số những tính từ đẹp đẽ chỉ phẩm giá khác, nhưng nàng không độc đáo. Nàng có thể khác biệt những người phụ nữ điêu ngoa, lợi ích đầy định kiến xung quanh nàng, nhưng không thể nói nàng là một người phụ nữ nổi bật, mà cùng lắm chỉ có thể nói nàng là người phụ nữ trong số ít có đức hạnh, biết điều và không bị xã hội khiến cho méo mó. Những điều này xuất hiện ngay từ đầu khi nàng nghĩ lại về việc nàng bị quý bà Russel thuyết phục rằng nàng và người nàng yêu tha thiết cũng như yêu nàng tha thiết là không phù hợp, người nàng yêu là một người không xứng đáng với nàng và mối tình giữa hai người không đủ phẩm cách. Rốt cuộc, nàng chia tay với người đàn ông nàng yêu chỉ để tránh rủi ro cho chính mình, và dành liền 8 năm sau đó trong sự cô đơn và không được bố hay em gái tôn trọng. Nói thẳng ra, nàng là một người đàn bà hiền dịu nhưng hèn nhát, âu cái hèn nhát cũng không hẳn là lỗi của nàng. Trong cuộc đời không được đánh giá cao, việc nàng thu liễm và dồn tâm sức vào việc chăm sóc mọi người, đôi lúc còn quên cả chính mình là tình huống rất dễ xảy ra. Nàng không vượt khỏi được định kiến xã hội, nàng lựa chọn xuôi chèo mát mái theo nó trong khi vẫn cố gắng giữ gìn phẩm giá và danh dự bằng trí tuệ có chừng mực và thái độ làm người hoà ái. Chính chắn, nhưng nhu nhược. Nếu Lizzy là ngọn lửa nồng nhiệt, thì nàng là dòng nước mềm dẻo thánh thiện. Nàng thấu hiểu những vấn đề xã hội, nhưng không chủ tâm đánh giá phê phán, mà chỉ hướng theo hướng suy nghĩ thuần giản hơn, ví dụ như thay vì thẳng thắn châm chọc định kiến quý tộc một cách bốc đồng như Lizzy, nàng thiên về hành động bày tỏ sự trân trọng với những người có tri thức hoặc những nghĩa tình không vụ lợi. Tôi thừa nhận nàng biết điều và tốt đẹp, nhưng rốt cuộc nàng cũng chỉ là một người đàn bà bị động, nhẫn nhục do cả bản chất tự nhiên lẫn bản chất nhân tạo mà thôi. Suốt cả câu chuyện, những suy tư phức tạp rất đàn bà của nàng không hề thúc đẩy nàng hành động để dò xét tình cảm nơi người yêu cũ hay để cố gắng chiếm lại tình yêu và hạnh phúc cá nhân. Nàng chỉ bị động chờ đợi với những băn khoăn về tình cảm sâu kín, những suy nghĩ tự thuyết phục rằng nàng không thực sự có giá trong mắt bất kì ai. Chỉ đúng phút cuối cùng khi Wentworth lấy hết can đảm chủ động cầu xin nối lại tình cũ của nàng, tất cả những gì nàng làm chỉ là “bật đèn xanh” chứ cũng không hẳn là chủ động kết nối. Tính cách “hiền lương” kiểu hi sinh của nàng có thể tóm lược vào hết hành động “tình nguyện phục vụ và ủng hộ tình địch trong thầm lặng” – nàng đã yêu quý, giúp đỡ và hi vọng cho Louisa (em gái của Charles chồng Mary em gái nàng) trong mối quan hệ được tán dương của Louisa và Đại tá Wentworth. Để nói thẳng ra, ngay cả việc đến với Wentworth sau này của nàng cũng không phải có gì là khó khăn hay cản trở, bởi lẽ giờ Federick Wentworth sau chiến tranh trở về đã có tiếng tăm, danh dự và gia sản. Rốt cuộc, những năm tháng cô đơn dằn vặt của nàng cũng là do bản thân nàng tạo nên và một phần của xã hội.


Nhân vật nam chính là Federick Wentworth, người yêu cũ của Anne từng không danh tiếng không gia sản. Sau khi Anne đơn phương kết thúc cuộc tình không xứng đáng vì bị thuyết phục bởi mẹ đỡ đầu Russel, anh nhảy lên tàu chiến tham gia chiến tranh. 8 năm sau, đại tá Federick Wentworth, có phẩm cách danh giá, tiếng tăm vững vàng và khối bổng lộc khả dĩ từ chiến tranh đến Uppercross thăm viếng chị dâu, tình cờ gặp gỡ quan hệ với gia đình Musgrove – gia đình trung lưu hồn hậu nhà chồng của Mary, nơi Anne đang thăm chơi để chăm sóc em gái và những đứa cháu gái. Chính đây anh đã gặp lại Anne và bắt đầu sự day dứt giữa tình yêu và mối thù hận với người phụ nữ từng phản bội mình nhiều năm về trước. Anh luôn tỏ thái độ hờ hững, bình thản với cô trong khi dường như tỏ ra muốn chinh phục một trong hai chị em nhà Musgrove. Không có quá nhiều điểm độc đáo ở người đàn ông này khi những chi tiết về anh chủ yếu là do Anne quan sát – vẫn là tri thức, phẩm chất danh giá, tự chủ, độc lập, đẹp trai,… đại khái là mẫu đàn ông xứng đáng trong mọi loại đàn ông. Nói đúng ra, anh cũng chẳng đặc sắc như một Darcy mãnh liệt, thẳng thừng và cao ngạo trong Kiêu hãnh và Định Kiến. Điểm nổi bật nhất của Wentworth hoạ chăng chính là địa vị của anh – đại diện của giới quân đội được trọng vọng và tung hô khi trở về từ chiến tranh phục vụ tổ quốc.


Ngoại trừ bối cảnh xã hội và cung cách thời đại mà tôi xem là điều có giá trị nhất trong các tác phẩm của Jane Austen, sự tinh tế trong suy nghĩ đặc chất “đàn bà” được diễn tả rất thực trong truyện cũng như mối tình lãng mạn đã tạo nên được một tiểu thuyết đáng đọc để giải trí. Tuy nhiên, văn phong dịch lại không được chau chuốt và xúc tích – hay nói trắng ra là nhiều đoạn được dịch rất lủng củng, hoặc có những đoạn theo phong cách “word by word”. Nhưng nếu đã đọc Kiêu Hãnh và Định Kiến, thì nên vui vẻ đọc nốt luôn Thuyết Phục cho tròn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét