Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Plato và thú mỏ vịt bước vào quán bar - Tomas Wilson Cathcart và Daniel Martin Klein



Nếu có ai đó hỏi tôi thích dùng quyển sách nào để gối đầu giường, chắc chắn tôi sẽ không do dự trả lời rằng “Quân Vương và Plato và thú mỏ vịt bước vào quán bar”. Trong khi Quân Vương của Niccolo Machiavelli không chỉ độc đáo với lý thuyết chính trị mới mẻ đối đầu với tất cả mọi loại học thuyết trị dân dành cho một hiền quân trước đó (mà nói đơn giản ra là hãy theo đuổi quyền lực một cách nhẫn tâm nhưng tỏ ra là liêm chính), nó còn là một một tài liệu tuyệt vời lột tả bản chất đen tối của con người. Chính ra mà nói, nếu không chỉ tập trung vào văn hoá phương Tây mà còn yêu quý cả văn hoá phương Đông nói chung – văn hoá Trung Quốc nói riêng, thì lí thuyết này của Machiavelli không hẳn là mới mẻ gì cho lắm: những hoàng đế vĩ đại của Trung Quốc đều nổi danh nói nhẹ là thâm thuý nói thẳng ra thì thâm trầm quỷ quyệt. Mà thực ra những vị vua của phương Tây cũng như vậy, chỉ có điều trước thời trung cổ phương Tây, chủ nghĩa “hiệp sĩ đạo” và “danh dự” quá mạnh mẽ đến độ chi phối toàn bộ mọi mặt trong cuộc sống mà thôi. Nói chính xác ra thì, Niccolo Machiavelli là vị vĩ nhân đầu tiên dám công khai dạy vua những điều “trái đạo lý” mà vô cùng thuyết phục đến như thế mà thôi.


Quyển sách thú vị thứ hai chính là “Plato và thú mỏ vịt bước vào quán bar”. Tác phẩm này là một tác phẩm xuất sắc và về mặt ý tưởng và thực hiện: hẳn nhiên người ta không thể chờ đợi những ý kiến sắc sảo tuyệt đối như những luận án nghiên cứu triết học tỉ mỉ và rộng lớn, nhưng quyển sách hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng lòng thoả mãn của những người yêu mến triết học theo cách thức muốn sở hữu tri thức chứ không phải muốn để tri thức điều khiển mình. Thông minh, hài hước, bắt trúng trọng tâm những điểm nổi bật trong những tư tưởng triết học của các nhà triết học nổi danh, tác phẩm khiến tôi phải run lên vì cười và vì thán phục. Những khái niệm vô cùng cơ bản của những trường phái triết học hết sức nổi tiếng như tiên nghiệm, hậu nghiệm, bản chất luận, bản thể, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa kinh nghiệm, vân vân và mây mây, đều được khắc hoạ hết sức hài hước và lấy ví dụ nhờ truyện cười. Cá nhân tôi tôi thích nhất mục về ding-an-sing – vật tự thân – bởi nó hết sức độc đáo và thâm thuý trong cả cách lấy ví dụ truyện cười và tự-thân khái niệm đó nữa.



Không nói nhiều về tác phẩm này được vì có…quá nhiều điều để nói. Có lẽ tốt hơn cả là sắm một quyển về gối đầu giường và thỉnh thoảng lại lôi ra đọc, vừa thấm vừa giải trí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét