Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Don Quixote nhà quý tộc tài ba xứ Mancha - Miguel de Cervantes



Phải nói là Don Quixote…dài dã man, vừa đọc vừa thở. Mặc dù hài hước và “gay cấn” đậm chất tửng thật, nhưng dài quá thì đâm ra cũng hơi buồn ngủ. Thôi được, nhiều đoạn đối thoại tôi còn vừa đọc vừa lướt chứ không ngâm được cho hết, bất chấp việc ngôn ngữ dù hoa mỹ nhưng không kém phần đơn giản. Mặc dù vậy, tôi phải thừa nhận rằng quyển sách độc đáo này quả thật là một kho tàng giải trí xứng đáng, bởi lẽ nếu quá dài dòng về ý nghĩa của sách có thể sẽ khiến tính hài hước trở nên khô cứng.


Vậy nên trước khi nói về những ý nghĩa người đọc dễ nhận thấy trong sách, hoàn cảnh lịch sử và cũng như đôi phần về tiểu sử của tác giả, tôi sẽ thể hiện sự thích thú với tính hài hước trong câu chuyện trước tiên. Phải nói rằng dù tôi ưng ý hài hước kiểu Anh như “Ba chàng cùng thuyền và một con chó hơn”, song sự hài hước đầy châm biếm của Cervantes cũng khiến tôi hết sức thư giãn và vui vẻ. Chẳng phải kể gì nhiều về quyển sách này vì nó quá nổi tiếng rồi, đến mức người ta còn sinh ra những cụm từ ám chỉ sự hoang tưởng kiểu Đông Ki Sốt, nhưng không thể không nói đến những khía cạnh hài hước của nó. Điểm độc đáo nhất trong tính hài hước của Don Quixote đó là Cervantes đã đẩy sự hoang tưởng, trí tưởng tượng giàu có và lí lẽ hết mực logic lên đến đỉnh điểm, khiến nhân vật Don Quixote mặc dù có thể hiện ra hết sức ngu xuẩn và điên khung nhưng đó lại là sự ngu xuẩn điên khùng hết sức hiển nhiên, đến mức nếu ông ta mà không ngu xuẩn điên khùng thì người ta không thể tưởng tượng được con người bình thường của ông ta như thế nào nữa. Trong thế giới của Don Quixote, ông ta là một hiệp sĩ tồn tại hết sức tự nhiên và tất cả mọi thứ quay quanh ông ta cũng tự nhiên và phù hợp đến không thể nào bàn cãi hơn, khiến mọi sự tình cờ có-chủ-ý sắp xếp của tác giả vừa gây được ngạc nhiên thích thú vừa không gây bất ngờ cho lắm vì, nhờ vào hình ảnh dở dại triệt để của Ngài Quixote, dù ngạc nhiên không đi theo hướng này cũng sẽ đi theo hướng khác.


Ngoài ra, chúng ta không thể nói rằng Don Quixote ngu dốt được, mà chủ có thể nói ông ta điên khùng đến độ ngông cuồng mà thôi. Lí lẽ của ông ta ngay cả khi hoang tưởng cũng hết sức chặt chẽ thuyết phục và đồ như rằng rất có căn cứ. Thế nên nếu không phải ở thế giới thực tại thì Don Quixote phải là một thiên tài trong thế giới của ông; mà cũng có thể nói ông là một thiên tài lập dị điên khùng trong thế giới thực tại cũng nên. Chính nhờ sự điên khùng đó đã tọ ra cuộc phiêu lưu kì thú, tiếp xúc với bao mảnh đời bất ngờ, bao câu chuyện nhân duyên độc đáo. Từ những câu chuyện về những sự tình cờ và những cuộc phiêu lưu của chính Don Quixote mà còn của những kiếp người xung quanh Don Quixote mà chúng ta có thể nhận thấy không chỉ tính châm biếm của Cervantes với thời đại mà tôi sẽ nhắc tới dưới đây cùng hoàn cảnh lịch sử, mà còn cả những phong tục văn hoá của châu Âu xưa đã làm nên giá trị quý giá cho pho sách này: đó là những phong tục hiệp sĩ đạo, những quan niệm của xã hội về giới hiệp sĩ, của chính giới hiệp sĩ về bản thân về những phẩm chất một hiệp sĩ phải có, như lòng dũng cảm, sự cao thượng, cho đến độ si tình và những nàng tình nương,….


Thế nhưng nếu nhìn sâu vào sự châm biếm hài hước trong truyện Don Quixote dưới hoàn cảnh lịch sử sinh ra nó, chúng ta phải thừa nhận rằng ngoài ý nghĩa hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy được là không đủ. Mặt nổi, tác giả muốn châm biếm chủ nghĩa ảo tưởng và chủ nghĩa giáo điều khiến cuộc sống con người trở nên khô khan – thế nên Cervantes đã tạo ra một tấm gương bóp méo sự thật nhưng đầy những lí tưởng không thể thực hiện nổi để chế giễu chủ nghĩa giáo điều phá huỷ nghệ thuật cá nhân. Ngoài việc khéo léo phê phán sự tương phản của lí tưởng và thực tế, Cervantes còn châm chọc chế độ hiệp sĩ/chế độ xã hội nói chung đã trở nên lỗi thời, ngớ ngẩn và lố bịch. Tôi thì không cho rằng Cervantes muốn mô tả Don Quixote với cuộc phiêu lưu của ông ta là “hình ảnh tượng trưng cho cuộc đấu tranh giữa thế giới thực tại và thế giới tương lai mà chúng ta vươn tới. Cuộc sống phải trút bỏ cái vỏ bề ngoài của nó, trút bỏ sự giả dối, ích kỷ, bất công, và phải mang trong nó những ước mơ và làm cho những ước mơ đó trở thành hiện thực” như lời giới thiệu trong sách, bởi lẽ chỉ cần đọc thôi người ta cũng hiểu được sự châm biếm của Cervantes với những lý tưởng hết sức viển vông của thời đại. Có lẽ nói rằng Cervantes tiếc cho những lý tưởng không thực đã đến lúc phải bị đưa vào sử sách bằng cách xây dựng lại nó dưới dạng nghệ thuật thì đúng hơn – và phải nói thêm rằng rõ là ông không có ý muốn kêu gọi người ta duy trỳ những lý tưởng đó.


Thời đại ra đời Don Quixote là một thời đại suy tàn. Sau những cuộc chiến tranh nước ngoài tốn kém, đế quốc Tây ban Nha hùng mạnh đã phải rút khỏi vị thế lãnh đạo thế giới cuối thế kỉ 16; bên cạnh đó cuộc Cải cách Tin Lành khiến Cơ Đốc Tây Ban Nha trở nên yếu ớt; quý tộc kiểu mới tạo ra cuộc giải phóng nô lệ huy hoàng để tạo ra một chế độ thống trị mới: phong kiến tập quyền – chúng tuyên truyền những anh hung mị dân, những công cuộc vĩ đại, những chiến công hiển hách để giảm sức kháng chiến dân tộc, khiến dân chúng chìm trong lòng tự hào viển vông cho dễ cai trị và bóc lột. Những cuốn tiểu thuyết nghĩa hiệp chẳng qua chỉ là sự kế thừa và phát triển di sản sử thi huyền thoại nhưng được dụng sai mục đích khiến đa phần dân chúng nghèo khó chỉ còn biết đến lòng tự tôn không nền tảng hữu hiện. Miguel de Cervantes là một người dân cùng giai cấp nên hiểu rõ rằng giai cấp của mình đã trở thành lỗi thời trong một xã hội mà một số ít kẻ quyền thế trở nên giàu có hơn, còn đa số dân chúng nghèo khó đi vì thuế má và nạn lạm phát. Tác giả Cervantes đã nhận thấy các quy luật của thời hiệp sĩ không còn giá trị nữa và Don Quixote đã giết chết thời hiệp sĩ bằng các lời hài hước. Trong khi niềm tin mù quáng vào tôn giáo, tình yêu lãng mạn và danh dự của chàng hiệp sĩ vẫn còn là các điều hấp dẫn của người dân Tây Ban Nha thì đất nước này không thể sống còn bởi vì đa số dân chúng ưa thích sinh sống nhàn nhã, mơ mộng tới niềm vinh quang của các bá tước và các mệnh phụ.


Hài hước, độc đáo và đầy tính giải trí , Don Quixote có thể không nằm trong danh sách “phải đọc” nhưng chắc chắn được danh sách “nên đọc” chào đón.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét