Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

1Q84 - Haruki Murakami



Đại khái là, mặc dù mồm miệng luôn nói rằng không thích Murakami, nhưng tôi vẫn đọc Murakami, vì có thể nhiều người nói rằng truyện của Murakami thật khó hiểu và mơ hồ, nhưng với tôi lại khá dễ tiêu hoá. Có thể chỉ đơn giản rằng truyện của Murakami trôi tuồn tuột, cao trào không quá dữ dội và….thích phán xét phân tích kiểu nào thì phán xét và phân tích kiểu đó, bất chấp logic và tha hồ suy diễn. Rốt cuộc thì ai có thể xét đoán chính xác những thứ không có thực? Thế nên, sau vài quyển sách gọi là “đệm”, tôi lại đọc 1Q84 của Murakami một lần nữa để tự khảm nghiệm mình xem có thể suy diễn được mấy phần ý tứ của tác giả trong bộ trường thiên tiểu thuyết dày hơn cả “Chiến tranh và hoà bình” này? Nhưng có lẽ đây sẽ là lần cuối tôi đọc Murakami thôi. Nản rồi.


Thì phải nói rằng motif của Murakami…quen thuộc quá rồi, gần như chẳng mấy thay đổi, mà tôi còn có cảm giác về sau càng ngày càng rõ ràng mà đánh mất cái đặc trưng siêu thực đầy thách thức như hồi trước nữa cơ. Tỉ như Kafka bên bờ biển 1 quyển ngăn ngắn mà còn suy diễn được dăm chục hướng loè thiên hạ, chứ đến 1Q84 thì chỉ được cái….dài, thậm chí có nhiều đoạn lặp dã man. Ngoài ra, cái vốn độc đáo của Murakami là chuyên miêu tả những việc hết sức thường nhật của những con người “có vẻ” hết sức bình thường nhưng lại hoàn toàn không bình thường. Tả những việc đó có thể gợi nên cảm giác, những người khác biệt vẫn luôn có những hành động bình thường, và mỗi người cá biệt đều đang ẩn nấp trong xã hội chúng ta, và mỗi người đều đang phải đấu tranh với những vấn đề của riêng họ bằng cách của riêng họ. Nhưng tả nhiều quá cũng hơi…nhạt. Tác phẩm này tôi đọc còn nhanh hơn cả Biên niên ký chim vặn dây cót vốn ngắn hơn nữa, vì những đoạn tả thế lặp nhiều đến độ đọc một rồi lướt mười.


Ngoài ra, những điểm nhấn khiến tôi thích thú trong 1Q84 cũng ít hơn, mà cái dễ nhận thấy nhất chắc là sự cô đơn của mỗi cá nhân trong xã hội. Sự cô đơn của mỗi nhân vật luôn hiển hiện, nhưng họ vẫn buộc phải có những mối liên kết mỏng manh với xã hội, vì rốt cuộc không ai sống hoàn toàn tách biệt. Nhưng nhân vật của Murakami khá điển hình với người thời hiện đại, cái gì cũng tầm tầm, trải qua cuộc sống tầm tầm bình lặng, mẫu người cô đơn, ích kỉ, bàng quan muôn thuở, sống bằng những cảnh tưởng xuất hiện trong tâm trí có ý nghĩa với họ. Không hiểu về chính mình cũng không có chủ đích tìm hiểu chính mình. Nước chảy bèo trôi. Cứ vậy thôi. Nhưng những nhân vật trong 1Q84 được cái họ vẫn cố gắng sống, cố gắng chống đỡ theo cách của riêng mình. Rốt cuộc họ vẫn tồn tại và tìm kiếm một thứ gì đó không có chủ đích. Trong tác phẩm này, tôi đặc biệt thích Tamaru hơn hẳn những nhân vật khác. Mặc dù phải nói thẳng ra anh không phải là người đóng vai trò lớn trong truyện, anh giống như một khoảng lặng trầm tĩnh có trí tuệ và nâng đỡ những chi tiết nhỏ trong truyện hơn là một nhân cách ảnh hưởng đến mạch truyện chính, nhưng sự xuất hiện của Tamaru có cái gì đó hết sức hiển nhiên, chân thực và vững chãi. Trong khi tất cả các nhân vật đều bí hiểm và mơ hồ, thì Tamaru như một chiếc cột chống, không nổi bật nhưng gánh vác những hành động sơ hở trong truyện.


Nhân vật Lãnh Tụ cũng khá huyền bí và thú vị, tuy nhiên chỉ trong vai trò khơi gợi sự tò mò bằng những lời giải đáp mập mờ không triệt để mà thôi. Nếu được lựa chọn chi tiết tôi thích nhất trong truyện, thì tôi sẽ lựa chọn chương “Bản thân sự cân bằng đã là thiện” ở quyển 2 bộ trường thiên. Đó là một chương sâu sắc độc đáo. Thông qua đối thoại của Aomame và Lãnh Tụ, một chân lý đơn giản xuất hiện và bào chữa cho mọi định nghĩa Thiện Ác ở trong truyện, khiến Thiện Ác trở nên vô nghĩa và giáo điều. Chính sự cân bằng đã là thiện. Mọi thứ sinh ra đều có 2 chiều, và chừng nào 2 điều còn kiềm chế lẫn nhau, thì chúng vẫn luôn là thiện, là đúng đắn. Thế nên, khi nhớ lại mọi chi tiết khác ở trong sách, như cuộc sống tình dục phóng túng của Aomame và Ayumi, của Tengo, những tội ác của Lãnh tụ, vv, đều trở nên hư ảo và có phần vô nghĩa.


Một chi tiết khác tôi cho rằng cũng khá độc đáo trong 1Q84, đó chính là, nếu trước đây các tác phẩm của Murakami tạo ra một thế giới khác ở trong mơ, thì đến tác phẩm này ông tạo hẳn ra một thế giới khác, và những nhân vật trong truyện có một số cá nhân nhận ra được điều đó, như cặp đôi Tengo và Aomame. Họ bị đưa đến thế giới 1Q84 và tham gia vào những chuyện không thể lí giải nổi. Một thế giới song song đáng lẽ không có đường về, mà thực ra cuối truyện họ vẫn trở về được, tìm thấy nhau. Tôi thì suy diễn đại khái rằng đó là thế giới tâm linh, rồi họ phải trải qua những biến cố tâm linh này nọ để mới nhận ra được tình yêu dành cho nhau này nọ, nhưng nói chung nó cũng dài dòng, mà nói thẳng ra ở các tác phẩm khác cũng thừa hơi nhận ra được mấy chi tiết thế giới song song này rồi, đâm ra tôi cũng không hứng thú nói lại cho tỉ mỉ nữa. Nhưng chốt lại là họ trở về trong tình yêu đối với nhau. Rốt cuộc mục đích cuối cùng trong đời người là không để mình cô độc mãi mãi. Dù cuộc sống có phức tạp đến đâu đi chăng nữa thì những chân lý nền tảng xây dựng nên cuộc sống vẫn hết sức đơn giản. Một trong số đó là tình yêu.



Tôn giáo, khủng bố, chính trị, tình yêu, bi kịch tuổi thơ, bi kịch xã hội, triết lí,…mỗi thứ mấp mé một chút, không cái gì thực sự nổi bật mà cũng không cái gì thực sự quá chìm đã tạo nên một 1Q84 cũng đặc biệt nhưng không hẳn “phải đọc”. Tôi cho rằng, tác phẩm hay nhất của Murakami vẫn là “Kafka bên bờ biển”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét