Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Tình yêu thời thổ tả - Gabriel Garcia Marquez



Tôi thực ra chẳng thích tình yêu trong Tình yêu thời thổ tả lắm, và nghĩ nó cũng chẳng đến mức được ca ngợi như những gì người ta tung hô về nó. Ý tôi là, cá nhân tôi thì thấy tình yêu trong Tình yêu thời thổ tả của Marquez không có gì vĩ đại lắm – với tôi nó giống một thứ ám ảnh về một hình tượng được dựng lên do thói mơ mộng ảo tưởng của tuổi trẻ về tình yêu hơn là tình yêu bất diệt “chỉ đứng sau Romeo và Giuliet”. Hoặc cũng do tôi không hiểu nhiều về tình yêu nên mới thấy thứ tình yêu của Florentino quá cố chấp và mù quáng. Dù biết về lý thuyết rằng tình yêu là vô lý trí, nhưng tôi vẫn tôn sùng thứ tình yêu có lý trí và suy xét một cách thông minh và thách thức như trong Kiêu hãnh và Định kiến hơn. Quả thật rất khập khiễng khi so sánh hai tác phẩm hoàn toàn khác về phong cách, chủ đề lẫn chủ nghĩa yêu đương, nhưng tình yêu trong Tình yêu thời thổ tả vẫn không để lại cho tôi một mối lưu luyến sâu sắc như tôi dành cho những tác phẩm về tình yêu nói chung khác.


Lí do tôi mở miệng chê tình yêu trong Tình yêu thời thổ tả là qua những chi tiết thật nhỏ nhặt trong truyện thôi. Tôi có thể chấp nhận tình yêu ám ảnh đến ngu dốt của Florentino, nhưng tôi lại rất cảm thông mấy với những biến chuyển trong tình cảm của Fermina. Tôi thích nàng theo cách thích một người đàn bà biết xoay chuyển theo thời thế. Ở nàng có cái gì đó lý trí, lạnh lùng và thực dụng của một người đàn bà sinh ra và lớn lên ở một xã hội khô cứng đặt trọng tiền tài và địa vị. Nói xã hội hủ lậu bóp chết tình yêu trong sáng thì cũng đúng, nhưng hơn cả là cái cách người con gái Fermina nó trưởng thành và thoát khỏi thứ tình yêu mộng mơ không tiền đồ với một chàng trai nghèo chỉ biết ảo tưởng mà không chịu dành thời gian mà cố gắng cũng rất hợp lý. Họ không bỏ trốn theo nhau, hoặc ít ra Fermina lùi lại một bước và không bỏ trốn theo Florentino, không chỉ vì cái thiếu kinh nghiệm sống hay nghị lực vượt qua hoàn cảnh định kiến đơn thuần, mà như tôi sở đoán, nàng còn chính là hiện thân của cái định kiến đó. Thức thời và hi sinh. Vì mình trước dù phải hi sinh tình yêu lãng mạn. Âu cũng không sai.


Fermina lấy Urbino, một bác sĩ trẻ tuổi có tương lai sáng lạn và trọng vọng. Nàng trải qua một cuộc sống đầy đủ cả hạnh phúc lẫn buồn đau trong cuộc sống của nàng, nhưng không có bất cứ biến cố gì thực sự xảy ra đến với cuộc sống cặp đôi êm đẹp đó trừ dăm lần xúc động khi gặp lại Florentino. Ngoài ra chẳng có gì cả. Người ta có thể nói nàng phải đau khổ mà chấp nhận cuộc sống làm người hầu, làm bà vợ kiểng, làm một thứ trang sức trong thế giới thượng lưu. Nhưng không hẳn như vậy. Trong những dòng cảm xúc Marquez viết về người đàn bà chấp nhận hi sinh tình yêu nông nuổi tuổi trẻ để đổi lấy một cuộc sống sung túc và ổn định, người ta có thể thấy được rõ ràng phần nào đó tình yêu nàng dành cho người đàn ông nàng chọn làm phu quân của đời nàng. Ngay cả khi người đàn ông đứng đắn đó mắc bệnh trăng gió mèo mỡ ở ngoài như những kẻ thượng lưu nhàn hạ khác, nàng vẫn tìm lại được tình yêu với chồng sau những ngày rời nhà đi “nghỉ dưỡng” ở nhà chị họ. Có thể có ngàn lời bào chữa rằng nàng không muốn phá vỡ cuộc sống gia đình ổn thoả, nàng đã có những đứa con,….nhưng người đọc vẫn phải thừa nhận rằng nàng đã thực sự yêu chồng của nàng, yêu gia đình của nàng. Có thể trong suốt cuộc đời dài năm thập kỉ của người đàn bà lý trí đó, thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn thời xuân trẻ vẫn lẩn khuất đâu đó trong thẳm sâu tận cùng trái tim và kí ức. Nhưng hẳn là cũng chỉ như cái dằm nhỏ mà thôi.


Còn Florentino, tình yêu mãnh liệt của anh quả thực kéo dài và ám ảnh thật, cứ như một thứ bệnh căn không thể dứt. Nói chung lúc đọc truyện, tôi vẫn không hiểu vì sao người ta có thể nhận xét rằng anh có một thứ tình yêu vĩ đại và trong sáng dành cho Fermina trong khi ngủ với cả trăm người đàn bà già trẻ lớn bé trong suốt những tháng năm sống xa Fermina và cầu nguyện đợi đến ngày Urbino chết. Nếu nói tình yêu anh vĩ đại vì anh thà đợi chờ chứ không thực sự làm hại đến gia đình quý tộc hạnh phúc của Fermina thì quả thực hơi nực cười; như vậy giống lòng lương thiện của một kẻ thư sinh từng đắm chìm trong thơ ca yêu đương hơn. Nếu nói vĩ đại vì lòng anh luôn một mực hướng về Fermina thì cũng miễn cưỡng đi, nhưng cũng chẳng thể nào xoá bỏ được sự thật anh cũng từng yêu bao người đàn bà khác bằng tình yêu, dù không sâu sắc như với Fermina, nhưng cũng rất chân thành và không có mấy phần lợi dụng. Chẳng lẽ tình yêu vĩ đại cũng có thể bị pha tạp bởi nhiều đối tượng sao?


Sau đó tôi nhận ra, tình yêu vĩ đại không phải vì nó dành cho một người. Nghe thì có vẻ độc ác và ngu xuẩn, nhưng tình yêu vĩ đại là thứ tình yêu không bao giờ ngừng, không thể bị dập tắt, và dành cho bao nhiêu người cũng không bị xói mòn. Florentino chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào tình yêu. Anh yêu và chiều đủ mọi loại đàn bà và dành cho họ toàn bộ sự chú tâm cung phục và chân thành của anh trong khi quan hệ với họ. Hoặc trong nhiều trường hợp, ban ơn cho họ. Tình yêu của anh tinh khiết, không vụ lợi, thuộc về nhục cảm đơn thuần và mang một thức gì đó bản năng. Đàn bà yêu anh vì anh cô độc. Đến ngay cả khi già đàn bà vẫn yêu anh, vì anh cô đơn. Đành rằng người ta có thể nói đến cái phần nông của thứ tình yêu vĩ đại đó là giúp anh có nghị lực trở thành một nhà tư bản giàu có, xứng đáng với Fermina. Nhưng không phải thế. Cái vĩ đại của anh là quăng mình vào yêu đương như thiêu thân lao vào đèn, đắm say si tình, ngu ngốc nhưng cũng đầy êm dịu trong cuồng loạn. Anh yêu đàn bà nói chung. Anh yêu giống cái nói chung. Anh yêu những gì nguyên bản chân thực nhất của cái “tính nữ” của đàn bà chứ không đặc biệt yêu một người đàn bà duy nhất, ngay cả Fermina. Fermina có lẽ là cái “tính nữ” thiêng liêng ám ảnh anh suốt thời trẻ đến già, nhưng trong cả đời Florentino, cái tình yêu to lớn nhất của anh là dành cho “đàn bà”.


Hiếm người chấp nhận luận lý này. Đến tôi còn thấy hoang đường. Nhưng vì tôi thích thú với cách nghĩ này hơn cả mà thôi. Tôi cũng hay đọc về tình yêu, bởi lẽ tình yêu là chủ đề muôn thuở. Nhưng điểm sáng duy nhất trong tình yêu của Tình yêu thời thổ tả mà tôi ưng ý chính là thứ tình yêu “chung chung” này – thứ tình yêu của một kẻ hiến thân cho phụ nữ của Florentino.


Đi sâu hơn tình yêu một thời điểm, Marquez cũng rất tinh tế trong việc miêu tả tình yêu từng thời kì trong cuộc đời của một con người, từ thời trẻ ngây ngô, thời trưởng thành vững vàng tính toán, đến thời già lưu luyến dây dưa,… Mỗi thời kì lại có cái độc đáo, cay đắng hoà ngọt ngào riêng biệt. Kết truyện, Florentino cuối cùng cũng đợi được đến ngày Urbino vì muốn bắt con vẹt mà ngã từ ngọn cây cao xuống mà chết. Không biết có phải số phận cho Florentino một cơ hội cuối cùng để nối tình với ái nhân cũ không, nhưng ông già Florentino với thứ tình yêu luôn vĩ đại nhiệt huyết trong máu tuỷ đó đã làm như vậy, và ông cũng đã thực sự thắng lại được trái tim của Fermina. Nhưng trước ánh xét nhìn của thiên hạ và xã hội, 2 người cắm cờ bệnh tả lên thuyền và sống với nhau trên con thuyền cứ đi đi về về đó, mãi mãi.


Tính ra thì cái kết cũng ngọt ngào, cũng cảm động.


Tài năng đặc sắc hơn cả của Marquez trong tiểu thuyết này không phải là xây dựng lên một tình yêu “bất diệt, vĩ đại” hay những gì tương tự thế, mà theo tôi, đó là bút pháp tuyệt vời. Cách hành văn của ông êm ả, thơ mộng, dịu dàng, vừa văn hoa vừa sầu muộn, vừa ảo ảnh lại nhuốm phần châm biến ngọt ngào. Bút pháp uyển chuyển như thơ ca viết bằng văn xuôi. Lại nhờ người dịch mới tài tình làm sao, đọc một quyển tiểu thuyết và như trẫm mình vào dòng thơ chảy hiền hoà, thấm vào da thịt loang vào tâm trí. Kể cả xét về giá trị lịch sử không mấy xuất sắc, người ta vẫn nên đọc Tình yêu thời thổ tả như nếm thử một loại chất độc tê liệt nhẹ trong vài giây phút thả lỏng khỏi xô bồ của cuộc sống.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét