Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Quán trọ hoa diên vĩ - Yoko Ogawa


Tôi chẳng phải thiện nam tín nữ gì, thậm chí trước khi bắt đầu đọc sách giấy “hàn lâm” hay được thiên hạ tung hô, tôi từng là một con otaku cấp độ nhẹ, sau đó còn thăng lên hang “hủ nữ” một nửa, thế nên phải nói thẳng ra mấy tác phẩm về tình dục nhẹ đô như Quán trọ hoa diên vĩ không mấy làm tôi ấn tượng lắm. Nếu có gì đó đặc sắc hơn chút đỉnh thì chắc là cái “bạo dâm” mà người ta hay nhắc đến – nhưng tôi đọc chẳng thiếu hentai, xem cũng chẳng thiếu porn bdsm, và thậm chí từng có thời kì thường xuyên tám nhảm với cậu bạn đáng yêu của tôi về chủ đề bạo dâm, nên cường độ bạo dâm và diễn biến tâm lý trong Quán trọ hoa diên vĩ không mảy may làm tôi lúng túng hay mới mẻ gì cho lắm. Hay nói rõ ra, quyển sách mỏng này, để nói là tiểu thuyết bạo dâm thì còn lâu mới tới, mà tiểu thuyết tâm lý về chủ đề bạo dâm thì còn cách một quãng xa tít mù. Thế nên tôi cũng chẳng biết viết gì nhiều về quyển sách này lắm, nhưng nghĩ lại, dù sao cũng là lần đầu tiên đọc một tác phẩm “chính thống” về một chủ đề “không được chính thống cho lắm” (mà hình như dạo gần đây mấy chủ đề sex kiểu này đang lên ngôi thì phải, như kiểu 50 sắc thái nghe đồn cũng theo trường phái bạo dâm và tâm lý này nọ, đang hot lắm), nên thôi đành phải dựa trên những bài viết khác để thử viết một bài của mình vậy.


Nếu là trước khi tìm hiểu về chủ đề bạo dâm, chắc tôi sẽ ngây thơ nghĩ rằng quyển sách này viết về hai tâm hồn cô đơn đến mức méo mó, biến dạng. Bây giờ, đỡ ngây thơ một tí, thì tôi bỏ vế sau đi, chỉ nghĩ nó viết về hai tâm hồn cô độc kiếm tìm bằng chứng tồn tại của cơ thể thông qua nỗi đau xác thịt tìm đến được với nhau thôi. Con người hay cho rằng bạo dâm là một cái gì đó điên khùng, xa lạ, một loại bệnh hoạn gì đó đã ăn vào tâm lý; hoặc người cởi mở hơn thì sẽ coi đó là sở thích kì lạ; người nào mà chú tâm suy nghĩ sâu xa thì chắc cũng nói được những lời bao dung hơn, đại khái là do tâm lý bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, bởi tổn thương quá khứ hay gì đó. Thường thì tôi cũng sẽ cho rằng bạo dâm là kết cục của ý tưởng cuối cùng, tức là một dạng ám ảnh, tự trừng phạt hay gì đó. Nhưng càng về sau, tôi lại chỉ càng thấy nó….hiển nhiên hơn thôi. Tâm lý con người có thể rất phức tạp hoặc rất đơn giản. Trong trường hợp của Mari, trẻ tuổi, chưa trải nghiệm nhiều và quanh năm suốt tháng bị giam trong bốn bức tường nhà trọ Hoa Diên Vĩ, thì tôi đồ rằng tâm lý của nàng rất đơn giản. Nàng chỉ là một người thích ngược tiềm ẩn, và khi gặp ông dịch giả già, người gợi lên những phức cảm bạo lực thầm kín trong nàng, khi ấy nàng mới nhận ra một phần bản chất của nàng. Nói chung chẳng có gì kì lạ khi nhu cầu sinh lí của con người khác nhau cả. Cũng chẳng phải tự nhiên người ta nhận ra rằng tình dục và bạo lực thường rất hợp nhau.


Kể ra thích ngược đãi bạo dâm không có nghĩa tâm thần một người không bình thường, cũng chẳng phải do họ thích đau đớn. Chỉ đơn giản rằng tâm lý phục tùng của họ mạnh hơn người thường – hoặc tâm lý chinh phục mạnh hơn người thường – và thay rằng nói đó là bạo dâm, phải nói đó là một hình thức kích thích tính dục triệt để thì đúng hơn. Mà nói đúng ra nó khiến tình dục đi theo một hướng tuyệt hơn khá nhiều so với tình dục bình thường là đằng khác. Có bài nhận xét nói rằng “thực tế [bạo dâm] ấy góp phần nói lên những sai lầm trong giáo dục, những sai lầm có thể đẩy con người ta đến bờ vực hiểm nguy của sự đánh mất bản thân”. Thực ra thì…sai toét. Giáo dục chỉ là một công cụ áp đặt chuẩn mực lên con người, một cái van kiềm chế không chắc chắn mà thôi. Còn tình dục nó là bản chất, là nhu cầu nguyên thuỷ ăn từ máu thịt rồi. Còn cái việc “đánh mất bản thân” thì, xin lỗi, đứa nào cũng có thể đánh mất bản thân trong tình dục thôi, khác nhau ở chỗ cái đầu nó có hoạt động không.


Trong trường hợp của Mari, một cô gái trẻ, thì quả thật có thể đang đứng trước nguy cơ đánh mất mình vì tình dục, nếu dịch giả không chết đột ngột. Nhưng nói rõ là không phải do bạo dâm, mà vì do khoái cảm nguyên thuỷ, nên quy hết trách nhiệm lên bạo dâm là không đúng. Hình như còn có 1 bài viết nói Mari phục tùng lão dịch giả một cách vô điều kiện là do tham luyến cái dịu dàng khiến nàng gợi về người bố đã mất của nàng khi lão ta không bạo ngược nàng. Nhưng cũng sai lầm. Đọc sách là biết, nàng không những không để ý lắm những giây phút dịu dàng đó, thậm chí nàng còn thầm khao khát được bạo ngược trong tâm khảm ngay cả khi họ trải qua những thời khắc ngọt ngào như yêu đương. Nhưng một bài viết khác viết rằng nàng hoàn toàn không yêu dịch giả thì đúng. Nàng yêu cái bạo lực trong tình dục của dịch giả khuấy động cuộc đời nàng, yêu những chi tiết nhỏ nhặt tác động được đến cảm xúc của nàng, chứ không yêu lão dịch giả đích thực. Nói là cuộc phiêu lưu trải nghiệm vào thế giới người lớn thì càng không đúng, vì nếu chỉ đơn thuần là tò mò, Mari phải biết đường sợ hãi chứ. Nhưng cái sợ của Mari là cái sợ khoái cảm đơn thuần mà thôi.


Thế nên Mari chẳng có mảy may cảm giác gì khi dịch giả chết. Càng phải nói thêm là “cuộc phiêu lưu” của nàng trong thế giới “bạo dâm nửa vời” cùng với lão dịch giả cũng không hẳn để lại vết sẹo hay ám ảnh gì cho cuộc sống của nàng. Đó chỉ là cá nhân tôi nghĩ rằng, cái dấu ấn của dịch giả để lại cho nàng chính là sự khám phá những mặt đen tối thẳm sâu trong tâm hồn trầm lặng của nàng. Còn việc cho rằng bà mẹ đã sai lầm khi ép buộc và giam cầm con gái trong cái hộp Diên Vĩ bức bối cũng có phần đúng, đó cũng có thể là tác nhân gây ra tâm lý muốn nổi loạn bên trong Mari. Chắc thế :))


Tôi thích nhân vật dịch giả hơn nhân vật Mari, bởi sự lung lay trong tâm thần nhân vật này tạo ảo ảnh ngược lại với hình tượng mềm mại của Mari, dễ gây cho người đọc cảm giác rằng ông ta dẫn Mari đi sai đường, lôi kéo Mari vào con đường lầm lạc. Nhưng từ phía tôi, tôi thấy đó chỉ là một lão già đáng thương, cô độc, nhưng đã mất cảm giác cô độc, chỉ còn cảm giác sợ hãi bị lãng quên. Tôi cho rằng tính cách bạo dâm và thích ngược đãi người khác chỉ là một cách lão già cố gắng để lại những dấu ấn khắc nghiệt của hình bóng lão để lão không hoàn toàn bị lãng quên mà thôi. Điểm chung lớn nhất giữa lão dịch giả và Mari chính là một nỗi buồn lẳng lặng, một nỗi buồn của những người sống như chỉ để đợi đến ngày được chết. Nỗi buồn của những người đã quên mất cả sự cô độc của bản thân. Liệu có khi nào cái khoái cảm đến từ nỗi đau xác thịt là bằng chứng còn tồn tại của họ?


Viết nhiều vậy thôi, chứ để nói sách sẽ để lại cái gì đó vấn vương thì không. Tôi từng đọc một truyện còn đặc sắc hơn, tâm lý mãnh liệt hơn, tổn thương rõ ràng hơn và nhân vật cũng mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu chưa bao giờ tiếp cận dòng tâm lý kiểu này thì đọc cũng được, nhưng cũng không cần thiết cho lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét