Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Memnon - Voltaire




Chẳng ai không muốn tìm thấy sự sáng khôn cả. Thế nhưng định nghĩa sáng khôn là gì? Có phải là như những nhà hiền triết bụng đầy kinh thư, những nhà ẩn dật tu luyện thiền định, những nhà giả kim một đời kiếm tìm chân lý? Sáng khôn có phải là những đức hạnh được ca tụng bởi bao bậc hiền nhân? Sáng khôn liệu có phải tài cao học rộng? Sáng khôn là gì?


Chàng Memnon của Voltaire định nghĩa sáng khôn là không có dục vọng, sống bình thản không đụng ta không đụng người, nên một ngày, chàng muốn trở nên sáng khôn, và quyết định sẽ không yêu đương, sống điều độ, không tham sân si tranh chấp quyền lợi. Nói trắng là, là cuộc sống bình thản của kẻ sĩ không cần nhiều tham vọng. Nhưng thực nực cười làm sao, chàng cố tránh điều gì lại càng gặp rắc rối với điều đó: chàng gặp một người phụ nữ lừa đảo lừa cả gia sản, buồn rầu đi ăn uống với bạn bè bị bạn bè dụ đánh bạc mà thua trắng, lại còn bị chọc mù một mắt; hôm sau tỉnh dậy chàng định đi lấy bạc ở nhà quan tổng giám thì hắn ta đã giả vỡ nợ và chạy trốn, và khi chàng ức quá nộp đơn kiện vua thì bị quan lại chặn lại vì kẻ giả vỡ nợ được hắn bảo hộ. Cuối cùng, chàng Memnon muốn trở nên sáng khôn, chỉ trong một ngày thôi đã phải ra đường ngủ trên đống rơm. Đêm đó, chàng gặp một thiên thần tự xưng là phúc thần của chàng.


Chàng kể lại mọi chuyện cho thiên thần và xin thiên thần trả lại mọi thứ cho chàng. Thiên thần nói rằng chẳng bao giờ có những chuyện đó xảy ra ở thế giới của thiên thần, vì làm gì có đàn mà mà yêu đương, làm gì có đồ ăn mà điều độ, làm gì có của cải mà lại có kẻ vỡ nợ, chẳng có kẻ thương tật vì thân thể hoàn toàn khác. Nhưng thôi, Memnon sẽ sống tốt thôi, miễn là “đừng bao giờ có ý định dại dột là muốn rất mực sáng khôn”. Vì đơn giản, điều đó là không thể đạt được.

  • -       Thế nhưng, - Memnông nói, - có một số thi sĩ, triết gia nói rằng tất cả đều tốt chẳng hoá ra rất sai sao?
  • -       Họ nói đúng lắm vì họ căn cứ vào sự sắp xếp của toàn thể vũ trụ, - vị triết học nhà giời nói.
  • -       Chao ôi! Chàng Memnông đáng thương hại trả lời, - chỉ khi nào tôi không chột nữa thì tôi mới tin như thế.


(trích Memnon – Voltaire)

Một câu chuyện hết sức đơn giản nhưng lại chứa đựng bao điều cần lí giải. Tôi chẳng dám nói mình có thể nói được hết ý niệm của tác giả, có chăng chỉ là phần nổi? Trên đời này chẳng thiếu người giống Memnon, muốn trở nên rất mực sáng khôn với những đức hạnh và những chân lý rất mực tốt đẹp. Nhưng đáng nói ở chỗ, nếu có được cái “sáng khôn” đó thì chẳng còn là con người – “Không thể được, cũng như là không thể rất mực khéo léo, rất mực khoẻ mạnh, rất mực sung sướng, - người kia đáp. - Ngay bọn ta cũng còn xa mới được như vậy. Chỉ có một tinh cầu có đủ tất cả thứ đó thôi, còn trong một trăm nghìn triệu tinh cầu khác ở tản mát trong không gian thì tất cả đều tiếp diễn ở mức độ trình tự. Ở tinh cầu thứ nhất người ta có ít trí khôn ngoan và lạc thú hơn là ở tinh cầu thứ hai, ở tinh cầu thứ hai lại ít hơn tinh cầu thứ ba và cứ như thế từ tinh cầu thứ ba cho đến tinh cầu cuối cùng, ở trong tinh cầu cuối cùng này, mọi người đều hoàn toàn điên rồ.” *trích Memnon-Voltaire* Không bao giờ có bất cứ điều gì là tuyệt đối, chúng chỉ tồn tại dưới dạng những chân lý không có thực được kiến thiết bởi trí tuệ không hoàn chỉnh của con người mà thôi. Thế nên mới có câu “càng biết nhiều tức càng biết ít”, càng muốn trở nên sáng khôn hoá ra lại càng ngu dại mà thôi. Nhất là con người là một loài sinh vật được sinh ra với đầy đủ những thể thức phức tạp và khó đoán, với tất cả những nhu cầu từ nguyên thuỷ đến luyện rèn, nên việc đạt được đến “sáng khôn, thức tỉnh” là những điều không thể đạt được.


Này liệu có phải câu chuyện nhắc nhở con người nói chung và những nhà hiền triết nói riêng đừng quá ảo tưởng đào sâu vào những chân lý mơ hồ mà nên biết tập trung vào cuộc sống? Vốn con người chẳng sống thiếu được ăn uống yêu đương và nhiều nhiều thứ khác rồi, và chẳng phải chính những điều đó đã giúp con người phát triển hay sao? Có lẽ tốt nhất là đừng vội vàng muốn “rất mực sáng khôn” làm gì.


Tôi không đủ chữ nghĩa để nói rõ bằng đủ cảm nhận về chuyện ngụ ngôn ngắn này của Voltaire, chi bằng nhấn nha qua chút tìm kiếm về tác giả vĩ đại này. Voltaire là một trong những tác gia, triết học có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào triết học Khai Sáng thế kỉ 18 của phương Tây, bao gồm cả Thời đại Lý tính. Nói đơn giản, phong trào triết học này nhấn mạnh vào trí tuệ, lí lẽ và duy lý, ủng hộ lý tính là nền tảng của quyền lực, đấu tranh trực tiếp với phong trào triết học thời kì đen tối dựa chủ yếu vào mê tín dị đoan và thần thánh, tiến đến sự cải cách khoa học, hợp lý, logic, tạo tiền đề cho Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp,… tác phẩm này của Voltaire tôi đồ rằng muốn châm biếm những tác phẩm triết học thời kì lý tính với hệ thống triết học dựa trên các tiên đề hiển nhiên đến mức đỉnh cao (chân lý) trước đó. Mặc dù phần nổi người đọc có thể dễ dàng nhận thấy chủ đề của tác phẩm là nhằm vào những đức hạnh trong chân lý và dùng nền móng bản chất tự nhiên để phản đối những tiên đề được cho là hiển nhiên như thế, nhưng ta cũng có thể nhận thấy ông châm biếm thói tự tin thái quá của con người về khả năng trí tuệ cá nhân, và nếu xét về cả thời đại và chủ trương của ông, hẳn là còn xa gần bóng gió với giai cấp tư sản thượng lưu học đòi sâu sắc và triết lý?



Nếu có tác giả nào khiến tôi tò mò hơn Friedrich Wilhelm Nietzsche, hẳn phải là Voltaire.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét