Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Cuộc săn cừu hoang và những giấc mơ đặc chất Murakami Haruki - Murakami Haruki



Tôi viết bài này vừa để lưu lại cảm nhận về Cuộc săn cừu hoang của Murakami, cũng vừa là để tranh thủ viết nốt phần cảm tưởng về những giấc mơ đặc chất phân tâm học trong truyện của Murakami trong những tác phẩm trước của ông mà tôi đã chưa động đến – giấc mơ trong phân tâm học nói chung và trong truyện của Murakami nói riêng là một phần đặc biệt quan trọng, và tôi vẫn thường né không viết về nó vì chúng vừa không thực, vừa dài, nhất là khi những ý nghĩa về những chi tiết khác cũng dài không kém. Nhưng nhân tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang không dài lắm, tôi tranh thủ viết nốt những suy ngẫm về giấc mơ trong truyện Murakami để đỡ quên.


Cuộc săn cừu hoang, như thiển ý cá nhân, hẳn là một quyển sách có thể suy đoán được lớp nghĩa dễ dàng nhất trong số những tiểu thuyết siêu thực kiểu Murakami. Ở Cuộc săn cừu hoang, tính chất huyền ảo, tình dục, cái chết, giấc mơ chưa nặng nề và cũng không chiếm quá nhiều không gian truyện như những tác phẩm khác. Chủ đề chính yếu của Cuộc săn cừu hoang cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chủ yếu nói về sự tầm thường và duy nghiệm đám đông. Thật ít tài liệu trên mạng để tôi có thể khẳng định được ngẫu đoán của mình, nhưng theo giác quan riêng, tôi cho rằng hình ảnh cừu mà Murakami dùng chính là để chỉ con người trong xã hội đặc chất “cừu”: máy móc, hiền hoà, đám đông, phụ thuộc. Tất cả sống với nhau bằng một sự rất “cừu”, rất trật tự, trống rỗng, vô nghĩa, trong một cuộc sống tầm thường đến mức bế tắc. Cái tầm thường len lỏi, xâm nhập vào cuộc sống một cách tự nhiên đến mức ai cũng nghĩ là mình đang sống, để quên đi sự tầm thường của chính mình lẫn chính xã hội. Cái tầm thường biến “sống” thành “tồn tại”.


Đó là cuộc đời của những người bị kẹt trong chính mình, hoặc trong một xã hội tầm thường không mục đích cũng chẳng động lực.


Có một cái gì đó rất không ổn, nhưng cũng không tài nào thoát ra được.


Ngay cả khi nhân vật chính trong tiểu thuyết, một người đàn ông sống trong một xã hội tầm thường đến mức cũng trở nên tầm thường theo, quyết định thử sức tham gia cuộc săn cừu hoang – săn một con cừu độc nhất vô nhị, một con cừu tư tưởng từng nhập vào một Ông Chủ quyền thế dẫn dắt điều khiển cả xã hội loài cừu, rồi lại đến nhập vào người bạn Chuột của nhân vật – thì cũng chẳng thể lay động nổi cái tầm thường thâm căn cố rễ trong cả một xã hội cừu như thế. Phải chăng chỉ việc một số ít những người lờ mờ nhận ra được cái tầm thường trống rỗng đó cũng đã là cả một sự thay đổi lớn lao rồi? Và cuộc đi săn một thứ không tầm thường nào đó, một con cừu không tầm thường, độc đáo, là một cuộc chiến đối đầu với sự tầm thường đông đặc nặng nề đó. Nhưng rốt cuộc, mặc dù nhận ra được hẳn là có một thứ gì đó không tầm thường, thì vấn đề vẫn nằm ở chỗ thứ đó không tồn tại, không dấu vết và hết sức vô vọng.


Có cái gì đó rất không ổn đang luẩn khuất khắp nơi, nhưng không thể xác định được cái gì không ổn. Vậy thì làm sao mà thoát khỏi nó được?


Ông Chủ bị con cừu không tồn tại nhập vào nên tạo ra cả một đế chế hùng mạnh, Giáo sư Cừu bị con cừu rời đi đã đánh mất toàn bộ lẽ sống, còn Chuột chọn tự sát trong một căn nhà tách biệt để giết chết con cừu trong tinh thần anh trước khi nó kịp chạy thoát. Thực sự mà nói tôi vẫn rất mơ hồ với hình tượng con cừu hoang trong từng nhân vật này: nó là một con cừu đặc biệt khiến người ta nhận ra sự tầm thường và trở nên không tầm thường, như Ông Chủ thành một vị Chúa ngầm, như Giáo sư Cừu nhận ra mình bị cừu hoang bỏ rơi tức là lại rơi vào sự tầm thường, hay nó là một cừu tầm thường nhập vào Chuột khiến anh phải chọn cách tự sát để thoát khỏi sự tầm thường đó? Nhưng có vẻ giả thiết thứ 2 không được thuyết phục lắm. Rốt cuộc, mỗi cá nhân tách biệt vẫn sẽ luôn luôn cô độc trong một xã hội tầm thường, và phải tự đi mà đấu tranh với cái tầm thường trong chính mình lẫn bên ngoài xã hội. Con người cô độc, sinh ra một thân, chết đi cũng một mình mà thôi.


Bên cạnh chủ đề đấu tranh với sự tầm thường được khắc hoạ khá rõ ràng và được bình xét bởi đa số, tôi lờ mờ cảm nhận được một chủ đề khác mờ nhạt hơn trong truyện của Murakami. Chủ đề này ở Cuộc săn cừu hoang chưa được phát triển rõ ràng, nhưng tôi đoán là ở các tác phẩm sau bạn đọc đều có thể nhận ra nó dễ dàng hơn: đó là câu hỏi về bản chất của con người, hay nói theo cách có vẻ “hàn lâm” hơn là câu hỏi về cái tôi, cái đó hay cái siêu tôi trong phân tâm học. Nói chung, trong Cuộc săn cừu hoang, câu hỏi này không rõ ràng và chỉ dừng lại trong sự cảm nhận một thứ bất thường trong bản chất: các nhân vật trong truyện dường như bị bối rối trước chính cả bản thân mình, không nhận ra được chính mình, thậm chí Chuột còn đánh mất cả chính mình, hay như cô bạn gái của nhân vật chính chỉ được thừa nhận nhờ đôi tai đẹp. Con người chỉ nhìn thấy cái bóng chiếu trên thành hang động Platon của vạn vật mà thôi – họ phác hoạ và nhận thức sự vật, sự việc, ngay cả bản thân lẫn những người xung quanh bằng những định kiến quan điểm do cái tôi hời hợt dựng lên, chứ không thật sự nhìn vào cái bản chất chân nguyên nhất. Rốt cuộc những gì chúng ta thấy ở vạn vật đều chỉ là thấy một phần của nó, giống như cô gái chỉ đẹp nhờ mỗi cái tai.


Ngoài ra, câu hỏi về nhận thức sự tồn tại cũng được khéo léo đề cập đến trong những chương cuối truyện khi nhân vật chính nhận ra được sự thật của cuộc săn và nhận ra được Chuột đã chết – một cái chết tinh thần chăng? Đó là đoạn anh chàng nhìn vào gương và tự hỏi trong gương là cái bóng của mình hay mình chỉ là cái bóng của gương. Có vẻ tôi thích khúc này nhất, vì nó không chỉ chỉ ra được nỗi bối rối trước sự tồn tại của con người, mà nó còn mang một thứ mơ mộng tầm thường nào đó không thể giải mã được. Trang Chu mộng điệp hay điệp mộng Trang Chu? Có những thứ tồn tại hiển nhiên không thể giải thích được, nhưng vẫn khiến con người ta tò mò khao khát biết bao.


Kết thúc truyện, nhân vật chính trở về từ cuộc săn với một trận khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Đó là cái bất lực trước sự tầm thường, dù có cố gắng thế nào cũng không tài nào thoát ra khỏi được những cái hết sức không ổn đó. Để rồi con người ta lại phải trở về một cuộc sống như ảo ảnh. Con người vẫn cô độc, và Murakami vẫn không để lại một lối thoát, một hi vọng nào cho những linh hồn cô đơn ấy.


Bây giờ tôi sẽ nhảy cóc sang những vấn đề chẳng chút liên quan, đó là hình tượng những giấc mơ trong những tác phẩm sau này của Murakami. Trong phân tâm học, mơ mộng nói chung phản ánh những phần sau kín nhất trong tâm thần, trong linh hồn con người – nó là những ảo ảnh chân thực nhất phản chiếu lại những dục vọng bị cái tôi hiện thực kiềm nén trong thế giới xã hội thực tế. Bên cạnh tình dục được Freud cho là yếu tố nguồn cội của mọi thúc đẩy, là nguyên nhân gây nên mọi bệnh tâm thần, giấc mơ được cho là những bí ẩn bản chất chân thực nhất. Mặc dù đa phần các tác phẩm của Murakami đều đề cập đến giấc mơ, nhưng tôi không nghĩ rằng những bài phân tích coi những giấc mơ đó là cách để các nhân vật chính bám víu và trốn tránh thực tại là đúng, và tôi càng không tin vào lí luận rằng nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót đã lựa chọn cuộc chiến Thiện Ác gì đó là chủ ý của Murakami. Chẳng bao giờ có thứ Thiện Ác nào trong truyện của Murakami cả - ý định của ông mà theo tôi nghĩ là sâu hơn cái Thiện Ác tầm thường nhiều, phải là một thứ phức tạp hơn chính nghĩa thông thường, một thứ hoà quyện của đủ mặt phức tạp trong một con người mà không thể đem ra mổ xẻ như những loại tiểu thuyết chính-tà thường thấy. Giấc mơ càng không đơn thuần chỉ là thứ vô thức hay huyền hoặc gì đó mà nó thường được gọi, mà giấc mơ là sự đối diện với những dục vọng, những bản chất chân nguyên sâu kín tăm tối nhất bên trong một con người. Những giấc mơ chứa đầy tình dục và giết chóc trong Biên kiên ký chim vặn dây cót chính là những khát vọng bị đè nén của nhân vật chính.


Chỉ trong mơ con người mới đối diện với dục vọng thầm kín và những mặt đen tối của mình mà thôi. Người vợ của Toru trong Biên niên ký đã nhìn thấy và chấp nhận bóng tối bên trong mình, còn Toru thì lại tìm cách đấu tranh với những thứ tiềm ẩn của chính mình đó. Những giấc mơ không xây dựng lên những thế giới huyền ảo khác, những giấc mơ xây dựng lên những nhân cách không thể bị phán xét bởi con người tầm thường. Cũng như dòng Tarot cuối, đấu tranh với chính mình cũng chính là cuộc đấu tranh tìm ra bản chất và hợp làm một với chính bản ngã và thấu hiểu thế giới xung quanh.



Cũng không có gì dài, chỉ tám nhảm vài câu chữ vậy thôi. Cuộc săn cừu hoang cũng không quá đặc sắc không thể quên. Có chăng thì tiêu thời gian khá tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét