Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chuyện dài bất tận - Michael Ende



Đúng mười phút cuối cùng trước khi kết thúc “Chuyện dài bất tận”, tôi đã khóc. Lâu lắm lắm lắm rồi mới có cái cảm giác cảm động đến mức khóc trong vô thức sau khi đọc một quyển sách hay, mặc dù trong lúc đọc phải nói thật tôi hoàn toàn không chú tâm. Thực ra, những điều “Chuyện dài bất tận” muốn gửi gắm không khó để lãnh hội, để thấu cảm, mà thực ra ai cũng biết. Tôi chỉ dám nói rằng tôi biết đến chúng, nhưng tôi không chắc mình đã thấu hiểu chúng. Cảm thụ mạnh mẽ nhất sau khi đọc “Chuyện dài bất tận” của tôi, là từ ngày tiếp cận với những thứ nghe rất “kêu”, tưởng chừng rất phức tạp, tôi đã tự cho mình rằng đã phần nào nắm được tâm lý con người, đến mức tôi đâm ra…coi thường những điều rất đơn giản trong cuộc sống, thậm chí đôi lúc còn giễu cợt những điều đó một cách châm biếm. “Những thứ ‘sâu sắc’ lý thuyết đầy rẫy trên mạng đó,…”, tôi hay nói thế. Nhưng thực ra, chỉ sau khi đọc “Chuyện dài bất tận”, tôi phát hiện mình thầm yêu mến những điều nhỏ nhoi, sến súa, những điều nhỏ nhặt cơ bản, nền tảng nhất của cuộc sống đó đến mức nào. Đã bao lâu rồi tôi không còn muốn nói chuyện nghiêm túc với bất cứ ai? Giờ thì càng không thể nữa, giờ thì tôi chỉ có thể xem xét lại mình.


“Chuyện dài bất tận” là một câu chuyện ngụ ngôn bất tận và đầy sáng tạo. Định mệnh của cậu bé Bastian mập ú, nhát gan, hay bị trêu chọc bắt nạt chính là nhặt được quyển sách “Chuyện dài bất tận” để tham gia vào cuộc hành trình có thể nói là vĩ đại nhất trong cuộc đời của cậu bé: cậu tìm được con đường để đến thế giới Tưởng Tượng, một thế giới đang dần bị con người quên lãng, một thế giới chỉ tồn tại trong tâm trí trẻ thơ và dần biến mất khi con người ta trưởng thành. Nhưng không ai có thể thực sự sống thiếu tưởng tượng, vì thiếu chúng, con người ta chẳng khác gì một thứ máy móc tồn tại cho qua ngày; ngược lại, những người giữ được trí tưởng tượng hay tìm lại được chúng ngay cả khi đã trưởng thành, ngay cả khi trải bao đau khổ, bão tố, thì họ sẽ có thể “nhìn thế giới của họ và đồng loại với con mắt khác. Nếu trước kia họ chỉ thấy những chuyện thường nhật thì giờ đây họ đột nhiên khám phá ra những điều kì diệu bí ẩn”. Không một người vĩ đại nào sống thiếu trí tưởng tượng cả. Và cũng không một ai không vĩ đại, chỉ là họ có thể tìm thấy được sự tưởng tượng bị họ và xã hội kiềm chế hay không mà thôi.


Thế nhưng, thế giới Tưởng Tượng đang bị chết dần chết mòn, bị Hư Không nuốt lấy, bị con người lãng quên. Và những sinh linh của thế giới Tưởng Tượng khi bị hút vào Hư Không, chúng biến thành những lời dối trá cay độc xấu xí trong thế giới loài người. Và vị nữ hoàng của thế giới Tưởng Tượng cần một người cứu bà, cứu thế giới Tưởng Tượng, bằng cách đặt cho bà một cái tên mới. Người đó chính Bastian, cậu bé ăn cắp cuốn truyện trong cửa hàng sách của một lão già cục cằn và bị cuốn vào chuyến phiêu lưu đi tìm giải pháp của nhân vật Atréju trong truyện. Đúng vào giây phút vị nữ hoàng buộc phải tác động vào người viết lại lịch sử cho cuốn truyện “Chuyện dài bất tận” khiến lịch sử của thế giới Tưởng Tượng bị rơi vào vòng tuần hoàn không lối thoát, điều đó cũng có nghĩa là Bastian buộc phải lựa chọn giữa việc đến thế giới Tưởng Tượng để giúp đỡ, hoặc là hoàn toàn làm ngơ. Đây chính là giây phút cậu bé nhận ra rằng: “Người ta có thể cứ yên trí ước mơ điều gì đó – trong nhiều năm dài cũng được – khi còn chưa đạt được. Nhưng tới khi mơ có khả năng thành hiện thực thì người ta lại chỉ mơ ước một điều thôi: chưa từng ước mơ”. Những sự tự tin sâu trong gốc rễ, thói e ngại trước những chướng ngại khó khăn, trước những giấc mơ có vẻ quá vĩ đại, con người ta đâm ra lại hoảng sợ và chùn bước, thậm chí là muốn chạy trốn. 


Nhưng điều làm cho một đứa trẻ vĩ đại – không, phải là điều khiến một con người trở nên vĩ đại, chính là quyết định tiếp tục đối đầu và theo đuổi giấc mơ, bất chấp việc đó đẩy họ vào những cuộc hành trình mới nguy hiểm và hoàn toàn lạ lẫm, giống như Bastian bị đẩy thẳng vào một thế giới Tưởng Tượng nguyên thuỷ. Bastian đặt cái tên Nguyệt Nhi cho nữ hoàng, và được nhận những nguồn sức mạnh nhiệt huyết mới mẻ để hành tẩu trên con đường mơ ước. Nhưng khi đạt được mơ ước rồi, con người dễ rơi vào trạng thái thoả mãn, mịt mù, “ngủ quên trên vinh quang chiến thắng”, và phải lựa chọn giữa việc dừng lại hay tiếp tục ước mơ. “Thật lạ khi ta không thể ước mơ dễ dàng như ý muốn. Ước mơ từ đâu đến với ta? Mà ước mơ là gì mới được chứ?” Và điều tuyệt vời nhất của ước mơ, cũng như điều đáng sợ nhất, là không có điểm dừng. Một khi đã mơ ước và đã đạt được mơ ước, người ta buộc phải tiếp tục, tiếp tục mơ ước mãi, đặt ra những mục tiêu mới mãi, vận động không ngừng. Khi có được năng lực để tiếp tục hành trình khám phá những giấc mơ mới, những chân trời mới, con người dễ dàng lạc vào sương mù của những lựa chọn khả thi, đôi lúc còn không phân biệt được điều gì là điều họ chân chính mong ước trong thẳm sâu tâm khảm. Rốt cuộc, cách duy nhất là đi qua Ngàn cửa lựa chọn, thử lấy cả ngàn cơ hội, theo đuổi hết giấc mơ này đến giấc mơ khác cho đến giấc mơ đích thực ở tận cùng hành trình. Đó là con đường khó khăn hơn hết thảy, con đường đi tìm cái đích thực.


Nhưng trên con đường đi tìm cái đích thực đó, những chướng ngại bên trong còn khủng khiếp hơn những chướng ngại bên ngoài. Con người là loài sinh vật dễ dàng bị mờ mắt trước rất nhiều thứ phù phiếm nhưng cũng tối quan trọng: danh vọng, quyền lực, địa vị,… Sức mạnh của danh vọng, của kinh nghiệm, của trải nghiệm và của quyền lực của những người can đảm dám liều mình theo đuổi ước mơ chính là kim chỉ nam cho ước mơ, nhưng đồng thời cũng lấy mất đi cái đích – cái đích chân chính nhất, cái đích cuối cùng ẩn sau những ước mơ ngưỡng vọng. Hoặc tồi tệ hơn, khi đã đạt được đến một ngưỡng nào đó, con người ta sẽ quên mất hành trình của mình, quên mất các ước mơ của mình, không còn mong muốn gì nữa, và tự kiềm chế mình trước cái đích cuối cùng.


Và sự thoả mãn tạm thời đó đem lại những cái gì? Ngoài những thứ phù phiếm nhất, nó cũng đem lại bao điều tồi tệ: sự nghi kị, nỗi sợ hãi mất mát, lòng tham lam quyền lực, nỗi ngờ vực mọi điều tốt lẫn xấu, sự tự tin mù quáng, thậm chí dẫn đến việc đánh mất chính bản thân mình. Có trong tay quyền lực, con người có thể tiếp tục mơ ước và tham lam, nhưng chính quyền lực cũng khiến con người lạc đường mù quáng, và rồi họ sẽ dần dần quên đi những điều đáng lẽ hết sức bình thường mà trân quý: nguồn cội của mình, nền tảng của mình, sự xét đoán và lòng tin tưởng, sự nhiệt huyết và những ước mơ, những tình cảm khi cố gắng và sự tự do. Càng đạt được nhiều con người càng tham lam, mà càng tham lam lại càng dễ đánh mất bản thân mình. Đáng tiếc thay, không phải ai cũng biết mình thay đổi. Bastian không biết. Cậu bé có bạn mình nhắc nhở điều đó, và đáng tiếc thay cậu bé không chấp nhận. Cậu bé mải mê với sự hoàn hảo được những kẻ bợ đỡ lợi dụng tung hô, từng chút từng chút dùng sức mạnh của quyền lực để có thêm quyền lực, bất chấp rằng cái giá phải trả chính là kí ức và quá khứ - những điều tạo nên chính bản thân cậu bé.


Có một câu nói của mụ Xayíde trong truyện ở khúc Bastian đang trầm mê quyền lực và nghi kị người bạn chân thực của mình mà tôi không biết phải xếp vào mạch viết thế nào mới phải, nhưng tôi lại đặc biệt thích câu nói đó, bất kể câu nói này thờ ơ ra sao: “Sáng suốt là khi nào ta đứng trên mọi sự vật, không ghét ai, không thương ai.” Vừa đọc truyện này lại đọc Memnon, làm tôi bất thần không biết mạch đọc sách của mình có phải định mệnh không *cười*. Nhưng chính Memnon muốn thành người “rất mực sáng khôn” cũng cho rằng muốn sáng khôn phải đứng trên mọi thứ, ngoài rìa mọi thứ, không thể bị vướng bụi trần. Nhưng đó là điều bất khả, và nếu xét đoán trong xã hội, thứ “rất mực sáng khôn” này chỉ là một loại bàng quan với cả xã hội lẫn chính bản thân mình mà thôi. Tuy nhiên tôi vẫn rất thích câu nói đó, bởi ý thức hệ này có thể dẫn đến hai trường hợp, một là kẻ tuyệt đối nắm được mọi thứ mà trở nên thờ ơ, hoặc của một nhà hiền triết đã thức tỉnh nên trở nên thờ ơ. Nhưng đỉnh cao nhất của sự thức tỉnh lại không phải thờ ơ mà biết nên đối mặt với mọi sự với lòng nhiệt huyết thế nào, đâm ra câu nói này lại dường như trở thành một bước đêm để tìm đến sự hoàn chỉnh của tinh thần. Rốt cuộc, bất cứ ai muốn tiến đến một trạng thái hoàn toàn chấp nhận bản thân, thì họ cũng phải nhất thiết đi qua giai đoạn không biết, không quan tâm, không nể trọng bất cứ điều gì, vì đây là giai đoạn mà như theo tôi nghĩ, “tách khỏi xã hội để tìm kiếm chính mình trước khi chấp nhận chính mình trong xã hội”.


Quay lại mạch truyện. Có thể con người sinh ra vốn đơn độc, nhưng không phải trong đời họ cũng luôn cô độc, chỉ là họ có nhận ra những sự tồn tại hết mình vì họ luôn âm thầm ở cạnh họ không. Trong trường hợp của Bastian đang mất phương hướng, Atréju chính là cái sự tồn tại đó. Cậu muốn cứu người bạn của cậu, chính vì lẽ đó mà cậu phải đánh bại người bạn này. Đôi lúc, sự thật phũ phàng đau đớn nhất mới có thể đưa con người ta tỉnh ngộ và trở về đúng vị trí của mình. Nhưng khi đang ở một vị thế rất rất cao mà buộc phải tỉnh ngộ thì thật không có gì đau đớn bằng. Mất thăng bằng, mất niềm tin, mất phương hướng, mất tự tin, mất ước mơ…đa phần sẽ cho rằng họ đã mất tất cả mọi thứ. Bắt đầu lại ước mơ cũng chẳng dễ dàng – con người ta chỉ có thể vực lại mọi thứ khi nhớ rằng mình là ai, nguồn cội là gì. Nhưng thật đáng tiếc, đa phần đều phung phí hết nền tảng bản chất cho những ước mơ sai đường rồi. Và rồi, họ dừng lại, thẫn thờ, chênh vênh, sống chỉ như tồn tại, vì không cái gì có khả năng vực họ lại nữa, mà ngay bản thân họ cũng đâu muốn vực dậy đâu.


Nhưng với những người chưa hoàn toàn đánh mất bản thân, dù chỉ còn một chút gì đó tẹo teo còn sót lại trong tâm khảm thôi, thì rất có thể họ sẽ có đủ dũng khí đấu tranh vì ước mơ thêm một lần nữa, và lần vực dậy này sẽ là lúc đi tìm ước mơ thật sự. Lúc này đây, những ước mơ đó là chân thực nhất, bởi “chúng là những ý định trỗi lên từ thâm tâm của ta, dù tốt hay xấu. Và chúng xuất hiện mà ta không ngờ tới.”


Thoát khỏi vùng đất của những người hoàn toàn đánh mất mình, Bastian mong muốn được xã hội chấp nhận một lần nữa, và đã tìm được một nơi chốn mà cậu cho rằng có lẽ cậu sẽ thuộc về. Thoát khỏi thế giới cậu là chủ đạo, cậu là riêng một cá nhân, cậu nắm giữ quyền lực và có tất cả mọi thứ, Bastian trải nghiệm một thế giới cộng đồng “hòa đồng những cách suy nghĩ vốn dĩ hoàn toàn khác nhau, mà vì họ giống hệt nhau, thành ra họ không cần cố gắng mà vẫn cảm thấy tính tập thể. Ngược lại, họ hoàn toàn không có cơ hội để tranh cãi hay bất đồng, vì không ai trong bọn họ thấy mình là một cá nhân. Họ không phải vượt qua mâu thuẫn nào đó để có hòa đồng.”  Tưởng chừng tìm thấy bến đỗ bình yên, Bastian ngược lại hiểu rằng cái cậu mong muốn không phải thứ chung chung tầm thường nhạt nhẽo này, mà phải là cái gì đó của riêng cậu, bản thân cậu, một cái “tôi” cá biệt không nhất thiết phải quá bá đạo nhưng phải có lập trường trong xã hội. Nhưng cũng chính nhờ xã hội đó mà Bastian hiểu ra được khao khát tiềm ẩn của cậu: “Nó khao khát được yêu thương như nó là, dù nó tốt hay không tốt, đẹp hay xấu, khôn ngoan hay đần độn, yêu thương mọi khuyết điểm của nó, thậm chí chính vì những khuyết điểm ấy.”


Nhưng cậu là như thế nào? Chắc chắn không phải là một Bastian vĩ đại ở thế giới Tưởng Tượng đã khiến cậu đánh mất chính mình. Đã đến lúc phải rời đi, tiếp tục hành trình đi tìm cái tôi cá nhân rồi. Bastian rời đảo, vượt sông, tìm đến phu nhân Aiuóla. 


Đây là khúc chân thực nhất cả truyện, hay ít ra như tôi thích thú thì đây là khúc trấn an tinh thần con người nhất.


“Chủ nhân vĩ đại ơi, hãy bé nhỏ trở lại đi!
Hãy là một đứa trẻ, rồi vào trong này!”


Khi buộc phải trưởng thành, buộc phải đối đầu quá nhiều, thì cách tốt nhất chính là để tinh thần, tâm hồn trẻ thơ lại, bé nhỏ lại, bởi chỉ có trẻ thơ mới có nghị lực yêu thương, sự bất ngờ, tình yêu cuộc sống, luôn ngạc nhiên trước mọi sự, luôn tràn đầy sức sống, luôn bình an không dằn vặt mà thôi. Một con người biết mình vượt khỏi được những quy chuẩn trong xã hội là một người nhận ra được cái bé thơ bị đè nén trong tâm hồn mình, để sống lại đúng như bản chất khởi nguyên, hồi sinh lại những chân sinh xưa bé. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của loài người trước khi đi đến được cái đích đến đích thực, vì đây là giai đoạn suy nghiệm lại toàn bộ cuộc đời, trải nghiệm, hành trình. Đây là giai đoạn nghỉ chân để thấu hiểu những ước muốn trong quá khứ để tìm đến ước muốn chân thực cuối cùng.


Nhưng đây cũng là một giai đoạn hết sức nguy hiểm, liệu có vượt được qua hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Như Bastian, “bây giờ cậu đã phung phí gần sạch trơn ký ức rồi, mà không có ký ức thì người ta không thể ước mơ được nữa. Giờ đây cậu không còn giống con người bao nhiêu nữa, mà gần trở thành người vương quốc Tưởng Tượng rồi. Mà điều ước mơ đích thực thì cậu vẫn chưa biết. Có nguy cơ cậu sẽ mất nốt chút ký ức sót lại cuối cùng, mà vẫn không biết chút gì hết về điều ước mơ đích thực. Như thế có nghĩa là cậu sẽ không bao giờ trở lại thế giới của mình được nữa. Cuối cùng con đường đưa cậu tới Ngôi-nhà-đổi-dạng này. Cậu sẽ ở đây cho đến khi tìm ra ước mơ đích thực; ngôi nhà này không chỉ mang cái tên ấy vì nó đổi dạng, mà vì nó còn thay đổi cả những người sống trong đó. Điều này cực kỳ quan trọng đối với cậu bé, vì cho đến nay cậu tuy cứ muốn là một kẻ nào khác, nhưng lại không chịu đổi thay.”


Chính ở ngôi nhà đổi thay này với những khoảng lặng của cuộc sống và hướng về tuổi thơ mà tinh thần Bastian được trầm lặng lại sau những giông bão, những biến động dữ dội trong cuộc hành trình trước đó. Chính tại ở đây, cậu bé nhận ra rằng tất cả mọi thứ đều có số mệnh của riêng nó, cũng như cậu cũng có số mệnh của mình, có con đường riêng của mình mà không thể tránh được. Đây có thể là một biến thể của thuyết Định Mệnh, nhưng không nặng nề như thuyết Định Mệnh rằng mọi cuộc đời đều đã được định sẵn, mà ở đây nói đến “con đường”, tức là nói rằng mỗi người có một trách nhiệm riêng, một “nghiệp” riêng, nhưng không có nghĩa là bị số mệnh chi phối hoàn toàn. Ngoài ra, để đạt được bất cứ điều gì trên thế gian cũng yêu cầu một sự đánh đổi xứng đáng. “Mọi thứ đều chuyển hoá, chứ không có gì mất hết cả”. Cái giá cho sự vĩ đại của Bastian chính là nguồn cội, là quá khứ. Quan trọng hơn cả, đó là tình yêu. Không có nguồn gốc, lấy đâu ra tình yêu.


Thật may mắn làm sao, Bastian chưa hoàn toàn đánh mất mọi thứ, cậu đã có một người bạn chân thành giúp cậu giữ lại những điều tâm niệm bé nhỏ nhất. Và cậu nhận ra rằng, được yêu thương rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn tất thảy chính là có thể yêu thương. Chỉ khi uống nước Trường Sinh Bastian mới có thể tìm lại được cảm giác yêu thương, và nhờ đó mới có thể trở về nhà. Đã đến lúc lên đường, rời khỏi vùng bình yên để bước vào hành trình tâm linh quan trọng nhất của con người.


Bastian đến nơi ở của người thợ mỏ, người khai thác những giấc mơ thuỷ tinh bị lãng quên của con người. Những ước mơ, giấc mơ của con người chính là nền tảng của thế giới Tưởng Tượng. Chính ở đây cậu phải tìm thấy một bóng hình bị lãng quên, một cái gì đó gợi được đến tình yêu thương của cậu – vì người ta đâu thể yêu thương chung chung cho được, nên cậu phải đi tìm lại một giấc mơ mà Bastian đã lỡ quên mất để đánh đổi với danh vọng. Đi tìm lại nguồn gốc yêu thương là đi tìm lại sự bình yên trong bản năng.


Một ngày kia, Bastian đã tìm thấy ý nghĩa đích thực trong tình yêu của mình. Đó là bố cậu, người bố đáng thương mất vợ đang đau khổ từ trong tận thâm tâm nhưng không biết cách nào có thể tự giải thoát được. Chỉ mình Bastian, chỉ có Bastian làm được điều đó. Chỉ Bastian mới có thể vực lại người đàn ông tuyệt vọng đó và đem lại lẽ sống cho ông. Lẽ sống của ông chính là Bastian, chỉ có điều ông quá đau khổ để nhận ra điều đó.


Không gì quan trọng bằng tình yêu thương, và tình yêu thương gia đình là tình yêu thương cao hơn tất thảy.


Bastian đã tìm lại được tình thương, chỉ cần bước qua cánh cổng phán xét để trở về nhà. Cậu bé dùng mảnh kí ức cuối cùng chính là tên cậu để đến được cánh cổng, nhưng không còn kí ức nữa thì không thể vượt cổng thoát đi. Nhưng, cậu không đơn độc, vì dù cậu không còn kí ức, thì Atréju bạn cậu là người nắm giữ kí ức của cậu. Không ai hoàn toàn đơn độc, sẽ có ai đó luôn biết bạn là ai, nắm giữ bản thân bạn dùm bạn, giúp bạn tìm lại chính mình.  Và Atréju chính là sự tồn tại đó với Bastian.


Bastian trở về thế giới của mình với bài học vĩ đại nhất của loài người. “Trên thế giới có hàng nghìn, hàng vạn niềm vui, song về cơ bản tất cả chỉ là một, đó là vui vì có thể thương yêu. Cả hai niềm vui: vui vì được sông, vui vì lại được là chính nó và vui vì có thể được thương yêu, thật ra cũng chỉ là một thôi.” 


Cậu bé trở về, đi tìm bố, cùng bài học, và những điều ở thế giới Tưởng Tượng đã dạy cậu: lòng dũng cảm, sự kiên định, và là chính mình. Cậu cứu thoát bố và đồng thời cũng giải thoát chính bản thân cậu.


Câu chuyện đến đây có thể kết thúc rồi. Thêm một đoạn cuối là đoạn Bastian đi xin lỗi vì đã lỡ trộm cuốn sách từ cửa hang sách ông lão cáu bẳn và phát hiện ra hình như ông ta có biết điều gì đó.


Nhưng có 2 chi tiết theo tôi là tinh tuý nhất trong truyện – một chi tiết là tinh tuý của trí tưởng tượng, và một là tinh tuý của nhân sinh. Chi tiết tinh tuý của trí tưởng tượng chính là khúc tả lại cuộc gặp mặt của nữ hoàng và ông lão Di Sơn viết lịch sử thế giới Tưởng Tượng, vì chi tiết đó đặc biệt độc đáo, truyện trong truyện, truyện nối truyện, luân hồi vĩnh cửu. Đối với tôi đây là một trong những chi tiết truyện viễn tưởng độc đáo nhất xứng đáng được ghi nhớ. Chi tiết tinh tuý thứ hai, chi tiết tinh tuý nhân sinh, xuất hiện trong câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt của Bastian đáp lại lời của ông chủ hàng sách về việc có cả tỉ cách để đến thế giới Tưởng Tượng, vấn đề có ai nhận ra hay không: “Thế là mỗi người hiểu Câu chuyện bất tận một khác hay sao?”. Kể cả nếu nó không thực sự có ý nghĩa, hay kể cả ngay sau đó tác giả đã viết cho lão chủ hàng sách trả lời rằng lão không cho là thế, nhưng tôi nghĩ rằng câu hỏi này hoàn toàn không tình cờ. Đây dường như là lời gợi ra rằng, đúng là mỗi người sẽ có những hành trình khác nhau trong thế giới Tưởng Tượng để đi tìm những điều khác nhau. Trong trường hợp của Bastian, cậu vốn tự ti, thiếu thốn tình thương của cha kể từ khi mẹ mất, nên hành trình của cậu đem về cho cậu lòng can đảm, sự tự yêu mình và yêu thương những người xung quanh. Nhưng nếu là một người khác, thì hẳn “chiến lợi phẩm” về có khác?


Dễ thương, hồi hộp, đầy triết vị nhân sinh một cách uyển chuyển và khéo léo, nếu Chuyện dài bất tận không xứng đáng được nằm trong tủ sách kinh điển không chỉ dành cho trẻ con mà dành cho người lớn thì hẳn nhân loại sẽ thiếu mất một mảnh ghép quan trọng trong nền văn học.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét