Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Chúa Ruồi - William Golding



Chúa ruồi được xếp loại vào danh sách một trong những quyển sách đáng đọc nhất và cần phải đọc nhất mọi thời đại, không chỉ do tính đa chiều của nó, mà còn nhờ sự phức tạp trong các hình tượng và một luận đề mới mẻ. Thế thì tôi cũng đu đọc theo, nhưng tôi chẳng thích lắm. Tôi không thích trẻ con và nếu nói rằng vì lí do đó mà tôi không thích Chúa Ruồi thì nghe hơi dấm dở. Nhưng thôi, không thích lắm thì không thích lắm, không có nghĩa tôi từ chối giá trị của Chúa Ruồi.


Bối cảnh truyện cũng rất đơn giản thôi. Một đám trẻ con bé tẹo bị rớt máy bay xuống đảo hoang và phải tìm cách sống sót và báo tín hiệu cho đến khi được cứu thoát. So với những câu chuyện phiêu lưu giật gân gay cấn khác, cuộc sống của đám nhỏ khá đơn giản, chủ yếu xoay chuyển giữa các sự lựa chọn mà thôi. Thực ra, cái độc đáo phá cách nhất của Chúa Ruồi là đánh vào mặt tối trong bản tính của con người: trong khi đa phần các tác phẩm hướng về mặt nhân văn chủ nghĩa, đi tìm bản chất tốt đẹp trong mỗi con người và đặt ra những ánh sáng hi vọng, thì Chúa Ruồi lại một phát phán thẳng rằng cái ác có sẵn trong bản chất con người. Tuy nhiên, cái ác trong con người thường không được phát hiện ngay, mà thậm chí cả đời cũng chẳng được phát hiện, đó là khi con người đó ở trong một điều kiện xã hội tốt đẹp và phần tốt đẹp được nuôi dưỡng. Nhưng phần Ác không bao giờ biến mất, nó hoặc chỉ bị kiềm nén hoặc chưa có điều kiện phát tác mà thôi. Và việc tác giả xây dựng bối cảnh hoang dã vô luật lệ chính là để tạo điều kiện cho cái Ác đó bộc lộ rõ ràng.


Cái Ác luôn là một phần hết sức gần gũi: “Tụi bay cứ tưởng ác thú là cái gì tụi bay có thể săn và giết được. Mày biết phải không nào, ta là một phần của bọn mày. Một phần rất gần gũi, rất gần gũi, gần gũi lắm”. 


Nói cuộc chiến giữa hai phe Thiện Ác thì cũng không đúng lắm, vì ngay khi đọc người đọc cũng có thể có dự cảm được rằng cái Ác sẽ thắng, hay phần bản năng trước hoang dã sẽ thắng. Nói chung, về cá nhân tôi thì tôi luôn cho rằng tính xấu của con người luôn là những phần thuộc cái “Con”, cái hoang dã, mà con người ngay cả khi có những hành động tốt đẹp nhất cũng có tính toán, nên nói thẳng ra, hiển nhiên con người hay “xấu” hơn “tốt” (nhưng về cơ bản những cái xấu lại thúc đẩy thế giới phát triển nhanh hơn, còn ai mà cũng tốt thì cứ sống nhàng nhàng rồi về chầu ông bà là hết chuyện). Nhưng trước chuẩn mực đạo đức blab la bla thì ít ra người ta còn xấu xa giả nai tốt đẹp, chứ ngoài đảo hoang, nhất là mấy đứa trẻ - hình tượng chưa bị vặn méo gọt xéo của xã hội – cần gì phải giả đò cho ai xem. Mà đúng hơn cũng đã học cách giả đò che mắt thiên hạ đâu. Thế nên cái Ác được lột tả triệt để. Cái hoang dã được lột tả triệt để để tạo ra đối lập sâu sắc giữa một phần lý trí cái Thiện. Con người sinh ra có sẵn cả Thiện cả Ác, chỉ có cái sống theo đường nào mà thôi.


Tôi nghĩ, đấu tranh với cái Ác cũng chính là đấu tranh với mặt tối bên trong tâm hồn, mặt tối bên trong bản chất con người. Và việc chấp nhận được mặt tối đó hay chiến thắng nó hay không thì lại là chuyện khác. Trong truyện, có vẻ như Raph và Piggy tránh được việc bị bóng tối trong bản chất cuốn vào con đường bản năng hoang dại, nhưng chúng cũng không thể chiến thắng được nó mà chỉ trơ mắt và chửi rủa nó trong bất lực. Cuối truyện, chúng bất ngờ và sợ hãi trước những thay đổi của những đứa trẻ cùng lứa, cũng đồng nghĩa với cái Thiện run sợ trước cái Ác, cái đạo đức đầu hàng cái bản năng. Mọi thứ đều có hai mặt tồn tại song song, khoảng cách giữa hai mặt chỉ bằng một sợi chỉ. Chỉ một giây buông thả mọi thứ sẽ nhanh chóng biến động không dừng được.


Phần hình tượng của các nhân vật cũng được xây dựng khá độc đáo và có đặc tính nổi bật. Raph là biểu tượng của tinh thần dân chủ, cái gì cũng trưng cầu ý kiến nhưng vì thế mà việc mãi không xong, cố gắng tập trung vào vấn đề lớn nhất mà để nhẹ những vấn đề cơ bản nhất như thực phẩm sinh tồn; Jack tượng trưng cho độc tài chuyên chế, nhưng lại xây dựng được “xã hội thu nhỏ” ổn định, đoàn kết (dù theo hướng bị chèn ép), lo được những phần bản năng con người; Piggy là đại biểu của trí tuệ, nhưng những trí tuệ sách vở lại bị coi thường ở nơi “hồng hoang” bất chấp văn minh, chỉ còn vấn đề sống còn là cấp thiết; Roger nổi loạn và trả giá nặng nề; cái chết của Simon là biểu tượng của cái Ác đã vượt khỏi sợi chí ranh giới cân bằng hai chất trong con người; những chiếc mặt nạ hoang dã là biểu tượng của sự buông thả hoàn toàn nhân cách, phần “con” chi phối phần “người”; đặc biệt hơn cả, hình ảnh chủ đề của tác phẩm, Chúa Ruồi – cái Ác bản năng tồn tại trong mỗi con người.


Kết truyện, Piggy chết rất thương tâm, Raph bị săn đuổi trong cơn say máu. Mặc dù cuối cùng nhân vật người sĩ quan xuất hiện nhờ đám cháy rằng để cứu đám trẻ, nhưng cũng không thể cứu vãn được bất cứ điều gì nữa. Bọn trẻ rời hòn đảo hồng hoang, đem theo Chúa Ruồi suốt cuộc đời. “Khóc than cho sự ngây thơ đã chết và lòng dạ đen tối của con người”. Cái kết không thể nói là hậu, vì lũ trẻ nhìn thấy mặt tối của bản chất con người sớm quá, và sẽ phải sống cả cuộc đời còn lại sợ hãi chính mình thay vì được yêu thương chiều chuộng và được chuẩn bị cho đến ngày đủ tri thức tiếp nhận được những điều xấu xa trong bản thân mình và những người xung quanh.


Mà với tôi thì, cứ nhớ rằng “Cả thế giới tốt đẹp chỉ mình ta là kẻ xấu”, vậy là đủ rồi.


Cá nhân tôi thì không bị sốc lắm trước nội dung truyện, và dù rằng thừa nhận sự độc đáo và đa hình ảnh của truyện rất ấn tượng, nhưng tôi cũng không có ý định đi sâu thêm nữa vào tác phẩm này. Nói lười cũng đúng, vì quyển sách mỏng tôi đọc xong từ lâu mà chây lười mãi không viết review. Giọng văn của tác giả lại không gây được thích thú với đứa đem chủ nghĩa phù hoa lên đầu bảng như tôi nữa, nên ngoài ý tưởng chính tôi không định đào sâu chăm chút.



2 nhận xét:

  1. Bài Review rất hay, lột tả hết được giá trị truyện. Đang định mua cuốn này, cám ơn bạn đã review nhé!

    Trả lờiXóa