Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Của chuột và người - john Steinbeck




Sau khi đọc “Của chuột và người”, tôi có tình cờ đọc được một bài phân tích “Của chuột và người” rất chi tiết, rất hàn lâm về bản năng và cái tôi của hai nhân vật chính trong truyện. Tôi cũng khá ưng hướng nhìn của người phân tích, tuy vậy chủ ý cá nhân thì tôi vẫn thích cách phân tích theo hướng nhân học và văn vẻ hơn đôi chút.


Đa số đánh giá đều nói nếu đã đọc Chùm Nho Phẫn Nộ thì cũng phải đọc thêm cả Của Chuột và Người của John Steinbeck để phần nào nắm được bối cảnh Mỹ trong thập niên 1930-1940 và hiểu được nghệ thuật tiểu thuyết Mỹ cùng thời kì đó. Tôi thấy người đọc thường hay so sánh giữa hai tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ và Của Chuột và Người bởi lẽ, như thường đánh giá, cả hai đều muốn nói lên ý nghĩa tự do của con người, đề cập đến tiềm năng của tinh thần và mối liên kết giữa cá nhân với tập thể. Nhưng đối với riêng tôi, mặc dù tán thành đã đọc một trong hai thì nên đọc nốt quyển còn lại, nhưng không phải để “nắm được toàn cảnh” như người ta thường nói – bởi lẽ nếu chỉ để “nắm được toàn cảnh” thì một tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ là đã đủ rồi – mà để đối chiếu sự đối lập giữa hai tác phẩm. Nếu chú ý, ta có thể thấy Chùm Nho Phẫn Nộ về mặt khái quát là đại diện cho cả một thời kì và số phận của những con người trong thời kì đó đấy, nhưng mang nặng chất hiện thực nặng nề thì Chùm Nho Phẫn Nộ vẫn mang nỗi thương cảm, sự gắn bó và niềm hi vọng luôn được duy trì trong tình trạng leo lét giữa tình người và gia đình. Của Chuột và Người khác hẳn. Cũng như cái tên và theo thiển ý của tôi là mang nghĩa: con người cũng chỉ như loài chuột, “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”, tác phẩm này cay nghiệt hơn, vô vọng hơn, vì không chỉ chủ yếu hướng về một cá nhân, sự “cô độc”, và sự buông trôi phó mặc thời vận. Bên cạnh đó, cấu trúc kết thúc lặp lại mở đầu tạo nên cảm tưởng thời gian xoay vòng và vô vọng không lối thoát, kết hợp với giọng văn khách quan tường thuật khiến Của Chuột và Người mang một thứ xúc cảm buông thả thờ ơ. Chính với tôi, đó là những điểm nổi bật hơn cả của Của Chuột và Người.


Nội dung câu chuyện thì rất đơn giản thôi. Nó kể lại vỏn vẹn ba ngày trong cuộc đời của hai công nhân lao động thuê George Milton và Lennie Small ở một trang trại hẻo lánh vùng Salinas, California. Geogre nhỏ người tinh ranh, Lennie bự con nhưng đần độn, chỉ thích mân mê những vật mềm mại dễ thương, nhưng vì sức mạnh quá khủng khiếp và sống hoàn toàn bằng bản năng thú vật, Lennie thường xuyên vô tình phá hỏng hoặc giết chết những con vật bé nhỏ hay những món đồ xinh đẹp. Trước khi đến trang trại ở Salinas, Lennie từng làm việc cùng Geogre ở một trang trại khác, nhưng vì Lennie quá thích vạt áo mềm mại của một cô gái, anh ta bám ghì lấy nó khiến cô gái hoảng hồn và gây nên một sự hiểu lầm lớn, khiến cả 2 phải bỏ chạy ngay trong đêm. Ở trang trại mới, họ quen với những công nhân mới: lão Candy làm thuê lụm khụm, tay nài ngựa đen tàn phế Crooks, một người làm thuê tên Slim, con trai chủ trại Curly,… Curly gây sự với Lennie thì Lennie bự con hơn hắn ta, nhưng khi Geogre ra lệnh cho Lennie đánh trả thì Lennie đã vô tình làm gãy tay Curly, và khiến vợ Curly thích thú. Hôm sau khi Geogre đi uống rượu với Slim, Lennie đã lỡ bóp chết con chó được cho và trốn đi, nhưng vợ của Curly lân la tán tỉnh và để Lennie sờ mái tóc mượt mà của ả. Lennie quá thích thú mân mê mái tóc đến mức hành động có chút thô bạo khiến cô ta sợ hãi phản kháng, và vì quá hốt hoảng Lennie cũng lỡ bay bẻ cổ giết luôn ả ta. Quá hoảng sợ, Lennie chạy trốn như Geogre dặn. Khi mọi người trở về phát hiện ra và bắt đầu săn lùng Lennie, Geogre đã đến chỗ Lennie, nhắc lại giấc mơ, bắn chết Lennie thật nhẹ nhàng và sau đó cùng Slim đi uống rượu…


Tôi đồng tình với cách các nhà phân tích cho rằng Geogre và Lennie là hai biểu tượng ý thức và vô thức trong con người - ở đây hiển nhiên Geoger là ý thức và Lennie là vô thức. Lennie sống, nói đúng hơn là tồn tại một cách hoàn toàn bản năng và thú vật, chỉ có thoả mãn hoặc không thoả mãn, và hoàn toàn không thể thấu hiểu được bất cứ điều xấu xa hay tốt đẹp nào do mình gây ra hay chứng kiến xung quanh. Lennie gần như hoàn toàn bị điều khiển bởi Geogre. Hướng phân tích rằng thực ra chính Geogre mới là người cần Lennie, cũng như ý thức cần vô thức, và tình bạn không vụ lợi giữa Geogre và Lennie là hình thức ý thức bảo vệ vô thức cũng khá là thuyết phục, nhưng cá nhân tôi lại nhìn nhận ở khía cạnh nông cạn hơn: Lennie là ước mơ hão huyền thuộc về bản năng của Geogre – cả 2 đều mơ về một mảnh vườn, một ngôi nhà, vật nuôi thực phẩm tự cung và quyền tự do không ai bắt bẻ được. Và việc Lennie liên tục bắt Geogre tả lại giấc mơ đó cũng như việc Geogre luôn kể tỉ mỉ lại ước mơ chính là hình ảnh ẩn dụ của việc Geogre lang thang cầu bơ cầu bất nhưng tận thẳm thâm tâm từ trong vô thức, anh luôn muốn có một chỗ được an ổn, và luôn nhắc nhở chính mình, luôn bảo vệ cái “vô thức Lennie” đó như bảo vệ thứ ảo tưởng ý nghĩa duy nhất trong đời anh. Nhưng cũng không ít lần Geogre phát khùng với Lennie vì Lennie chỉ tối ngày làm hỏng chuyện, chỉ hão huyền và mù quáng, và nếu không có Lennie, không có cái ước mơ trong vô thức, thì anh đã có thể dễ dàng đi uống rượu kiếm gái mà sống một cuộc sống buông thả đi cho rồi. Theo phân tích tôi đọc được thì người ta viết rằng cuộc sống tự do cho riêng mình, có bạn gái, không có Lennie, mới là ao ước thực của Geogre. Nhưng tôi không cho là như vậy. Có vẻ tôi có cái cảm giác rằng thực ra Geogre muốn tự làm chủ vận mệnh của mình, chứ không muốn tiếp tục bị bản năng khống chế nữa. Lennie chính là ao ước thực của Geogre, cũng như ruộng vườn và cuộc sống tự làm chủ mình chính là ao ước thực sự của Geogre, nhưng trước bối cảnh xã hội, Geogre hiểu được ao ước nguyên thuỷ của mình chỉ là ảo tưởng hão huyền mà thôi, và nếu không có cái ảo tưởng hão huyền đó, anh ta có thể có cuộc sống tự do thuộc về mặt lý trí. Nói cách khác, tôi cho rằng Geogre muốn bỏ đi gông xiềng của ảo tưởng để sống tự do. (Tức là anh ta đổi ao ước thực của mình để có tự do về mặt lý trí. Càng viết càng rối….)


Thế nên, hành động giết Lennie cuối cùng không chỉ là đơn thuần là việc giải thoát cho Lennie khỏi cuộc sống không phù hợp với Lennie – nếu Lennie tiếp tục sống thì chỉ gây ra tai hoạ chứ không thể làm việc gì cho nên hồn cả; đó còn là hành động kết liễu giấc mơ trước hiện thực, chọn lựa cuộc sống trôi nổi bằng lý trí của Geogre. Đó là hành động giải thoát mình khỏi ảo tưởng không bao giờ thành hiện thực để tập trung sống chỉ vì bản thân giữa thời kì khổ ải. Nhưng đây cũng chẳng phải cuộc đấu tranh thiện ác, bởi Geogre cũng đâu có thiện và Lennie cũng đâu có ác. Khi phân tích một con người, không thể dùng tâm lý học nói chung và những lý thuyết đơn thuần theo motif phân loại để đánh giá kiểu này được. Phải dựa trên hoàn cảnh và con người được nói đến. Thiển ý cá nhân tôi là, đây là cuộc đấu giữa hiện thực-ảo tưởng, lí trí-vô thức; bởi ra có thể thấy rõ ràng Geogre nghĩ cho mình nên chẳng thể được coi là cái thiện, cũng như Lennie làm điều xấu nhưng hoàn toàn không ý thức được điều xấu thì làm sao có thể đánh giá là cái ác? Cuộc đấu đó chỉ đơn thuần là sự lựa chọn mà thôi. Thế nên cái cuộc chiến chính John Steinbeck nói đến, “cuộc đấu tranh vĩnh cửu của con người”, “trong cuộc chiến bất phân thắng bại” chỉ là cuộc đấu tranh với chính những mâu thuẫn của mình mà thôi.


Ngoài những điều lan man nghe có vẻ tâm linh và bác học ở trên ra, những ý nghĩa đơn giản hơn của tác phẩm Của chuột và người được thể hiện khá rõ ràng. Trong suốt thời kì Đại Khủng Hoảng, khi con người sống không bằng con chuột trên đất Mỹ, số phận lang bạt của những kẻ làm thuê buộc họ trở nên cay nghiệt, cô độc, bất chấp mọi điều để sống cuộc sống tha hoá. Không giống như sự đồng tâm hiệp lực, sự đùm bọc lẫn nhau và tình người khổ đau dưới vực thẳm của Chùm nho phẫn nộ, những nhân vật trong Của chuột và người đều hoàn toàn cô độc, bất cần, nhưng thẳm sâu đều mang những vết thương của thời đại: Candy sợ bị bỏ rơi khi trở nên vô dụng, Crooks bị coi khinh vì là người da đen tàn tật,… Những kiếp người trôi nổi không hi vọng, giống như Geogre “bắn chết” giấc mơ của mình.


Có thể tác phẩm mang nhiều ý nghĩa như vậy mà cũng có thể nó chẳng mang nhiều ý nghĩa đến như thế. Rốt cuộc chỉ có trí liên tưởng của độc giả mới có thể định nghĩa cho nó được mà thôi. Thế nhưng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của bộ đôi tiểu thuyết Của Chuột và Người cùng với Chùm Nho Phẫn Nộ của John Steinbeck, không chỉ nó chúng đại diện cho trường phái tiểu thuyết kiểu Mỹ, chúng còn là những tài liệu lịch sử tường thuật quan trọng về thời kì Đại Khủng Hoảng ở đất nước vốn mang đầy “giấc mơ”.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét