Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Cánh buồm đỏ thắm - Alexander Green




Thật ra tôi chẳng có chú ý gì khi đọc Cánh Buồm Đỏ Thắm cả. Có thể nói Cánh Buồm Đỏ Thắm chỉ là một khắc thả lỏng dịu dàng vụt qua trong cuộc sống, một khoảng lặng bay bổng mang âm hưởng ảo tưởng chạm đến bề mặt tĩnh mịch của tinh thần tôi trong thời gian tôi rút khỏi xã hội mà thôi. Nhưng dù không mang lại những ảnh hưởng sâu sắc như yêu cầu chọn sách của tôi, Cánh Buồm Đỏ Thắm vẫn theo cách nào đó đọng lại một vài tư tâm thầm lặng.


Tôi không có mấy ý tưởng về ý nghĩa của Cánh Buồm Đỏ Thắm. Tôi đoán hẳn ai cũng có thể dễ dàng đoán ra được những điều Aleksandr Grin muốn truyền tải qua cuốn sách nhỏ: “Chân lý đó là cần phải tạo ra những điều kì diệu bằng chính bàn tay của mình. Nếu đối với một người nào đó, kiếm được tiền là quý nhất, thì có thể dễ dàng cho anh ta đồng tiền. Nhưng nếu khi tâm hồn con người ấp ủ hạt giống của một cái cây nồng thắm là sự diệu kì, thì hãy tạo cho anh ta điều đó, nếu ta có thể làm được. Khi đó, cả anh ta và cả ta cũng sẽ có một tâm hồn mới.” Khá đơn giản, trực tiếp và dễ hiểu. Người đọc thật dễ dàng chủ tâm chú ý vào sự mơ mộng thần tiên theo motif cổ tích của truyện để phê bình nó bằng cái nhìn của người yêu sách đơn thuần, hay phân tích theo lối học giả về những con người sống mà không bị nhiễm bùn đen cuộc sống mà vẫn giữ được mơ mộng, trẻ thơ, say mê, đắm đuối, cuồng nhiệt, hi vọng và tin tưởng. Thậm chí, có khi tinh tế hơn, người ta có thể phân tích đến cả cái chất “hiện thực” trong truyện qua lời thở dài của người bố cho đứa con gái ngây thơ: bây giờ cánh buồm tuổi thơ màu đỏ, sau này nó chỉ còn là cánh buồm rách nát.


Nói chung, để phân tích thì cũng có nhiều điều tỉ mỉ muốn phân tích lắm, không chỉ là cái nhiệt huyết mộng mơ và niềm tin của tuổi trẻ, rồi cuộc gặp mặt định mệnh và cánh buồm đỏ thắm của giấc mơ thành sự thực; cái tên con tàu là “Bí Mật” như một cách nói rẳng những điều kì diệu thường là những “bí mật”, nhưng thực ra những “bí mật” đó hết sức rực rỡ, chỉ có điều người ta có tin vào đó và nắm lấy nó mà không thôi. Rồi khi nhớ đến những điều kì diệu, tôi còn chợt nhớ đến cả Alice ở Thế Giới Diệu Kì phiên bản phim có câu nói nổi tiếng, mỗi ngày tin vào 6 điều bất thường. Tôi đâm bối rối trước những dòng chảy văn ca trong truyện và sự trong sáng của nó đến mức có vẻ chẳng viết được mấy điều mới mẻ và hay ho nữa rồi.


Điều tôi chú ý hơn cả trong Cánh Buồm Đỏ Thắm lại là cách hành văn kì diệu của Green kia. Cách hành văn của tác giả mang một thứ chất thơ hư hư thực thực, câu chữ chảy trôi như dòng suối dịu dàng mát rượi chảy qua sương mù mờ mịt trong rừng mờ của tâm thức. Cái cách hành văn như tiếng hát an ủi, như tiếng ngâm mời gọi, như tiếng thì thầm ngọt ngào chảy vào trí tưởng tượng người đọc; nó mang cái chất bay bổng không thể nắm bắt được, gợi đến những giấc mơ không thực tan biến ngay khoảnh khắc thức tỉnh, khiến người vừa muốn đọc vừa muốn buông.


Nhân vật tôi ưng hơn cả chắc là ông già đưa ra tiên đoán số mệnh của Assol rằng cô bé sẽ gặp được hoàng tử của đời mình đến đón cô trên chiếc thuyền với những cánh buồm màu đỏ. Nhân vật đó xuất hiện rất mờ nhạt với hình ảnh phong trần gió sương nhưng thong dong tự tại, một linh hồn nhiệt huyết trẻ trung và “táo bạo” bên dưới vẻ ngoài như kẻ lang bạt. Ông già đi tìm kiếm những câu chuyện dân gian cổ tích. Ông đã già mà vẫn đi tìm những điều không thực, những thứ trẻ thơ như thể muốn tìm một hi vọng thật xa xưa? “Chính là vẻ đợi chờ rất tự nhiên một cái gì đẹp đẽ tốt lành, một số phận may mắn”. Ông là người “gieo những hạt giống của một niềm mơ ước lớn trên một mảnh đất còn hoang sơ”. Ông kể một câu chuyện cổ tích về hoàng tử cạnh cánh buồm đỏ đã đem lại sức sống mong chờ cho một tâm hồn non nớt phải sống trong cảnh nghèo khó và khinh ghét của người đời. Ông thực sự là một ông tiên, ai mà biết được? Nhưng quả thực, một thuyền trưởng đã đến đón Assol trên thuyền trắng buồm đỏ, âm nhạc reo vui và rượu nho lai láng. Còn ông già tiên đoán cái tương lai hạnh phúc đó, xuất hiện độc 1 lần và biến vào lãng quên.


Cuối truyện, anh nhạc công nhẹ nhàng kéo mã vĩ làm ngâm lên điệu nhạc diệu kỳ như không phải ở cõi trần này, và anh nghĩ về hạnh phúc…..


Từ truyện mà quay ngược lại tác giả. Người ta thường nói nghệ thuật phản ánh khao khát của người nghệ sĩ, và tôi tin chắc với Alexander Green cũng không ngoại lệ. Cuộc đời bất bênh của con người đó phải chăng đã thành nguồn cảm hứng cho những ước mơ thần tiên không thể thành hiện thực? Văn sĩ người Nga đó lang bạt qua đủ mọi thứ nghề, từng là thành viên Đảng Xã Hội chống lại Sa Hoàng và phải chịu tù đày vì tội tuyên truyền cách mạng; ông từng bị lưu đày, làm việc cho Hồng quân Liên Xô, rồi cuối cùng mất vì ốm đói. Người ta nói rằng Grin vẫn giữ trọn long tin ở tương lai, khát vọng về cuộc sống hạnh phúc của con ngừi, nên ông tạo ra trong sách thế giới của những con người vui vẻ và dũng cảm….tạo ra những sự kiện đáng kinh ngạc khiến tâm trí ngất ngây như vừa nhấp rượu nồng. Và rằng thiên truyện tuyệt vời “Cánh buồm đỏ thắm” chan hoà ánh sang mặt trời thấm đượm tình người được viết khi Grin vượt qua được một chặng đường hiểm nghèo của cuộc đời ông… Thế nhưng với tôi, thế chưa đủ thuyết phục. Ngoài tưởng tượng những cảnh du lịch phiêu lưu ông không đủ khả năng thực hiện, tôi nghĩ ông còn bấu víu vào mộng tưởng tươi đẹp để trốn chạy hiện thực khốc liệt ngoài đời. Phải nói rằng ông đã trải qua những sự kiện to lớn của nước Nga nói riêng và thế giới nói chung, gồm cả chiến tranh thế giới thứ nhất và Cách Mạng Tháng Mười Nga – xung quanh ông cảnh tượng tan nát, chiến tranh, bần cùng, ông hoặc chọn lấy hướng văn học cổ động hoặc văn học lãng mạn xa rời thực tế… Và có vẻ như ông đã chọn cách chạy trốn trong thế giới của mình, tìm cách cổ vũ bản than và độc giả bằng thứ tưởng tượng hoang đường ngọt ngào giữa thời thế loạn lạc. Đáng tiếc thay, chủ nghĩa lãng mạn không phù hợp khi chủ nghĩa hiện thực xã hội lên ngôi, và nhà văn khốn khổ này bị từ chối đến tận khi mất vì đói nghèo bệnh tật và những ảo tưởng không thành. Phải chăng đó là lí do dù những tác phẩm của ông mang đặc tính cổ tích vẫn không tránh nổi lớp sương mờ u sầu hư thực?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét