Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Những lá thư không gửi - Susie Morgenstern



Thực tình mà nói “Những lá thư không gửi” chỉ là một câu chuyện đáng yêu, dễ thương dành cho trẻ con đọc để thư giãn đầu óc và cảm những thứ bé nhỏ hay bị lãng quên trong cuộc sống hơn là mang một điều gì đó to lớn và vĩ đại. Nếu được gợi ý tôi sẽ gợi ý quyển sách “Người truyền kí ức” nhiều hơn là “Những lá thư không gửi”, có lẽ bởi bản thân tôi cũng thích những thứ độc đáo hơn. Nhưng không thể phủ nhận, “Những lá thư không gửi” là một bản nhạc pop nhẹ nhàng chậm rãi, dễ nghe dễ ngẫm, nhưng đáng tiếc thay, cũng dễ dàng trở thành một mảnh kí ức nhạt nhoà.


Người đọc “Những lá thư không gửi” chắc chắn sẽ chú ý đến cậu bé Ernest sống bao ngày tháng tẻ nhạt đột nhiên được cô bé Victorie soi sáng và bắt đầu có những chuyển biến trong cuộc sống, cùng với người bà mốc meo và những thứ lạnh nhạt. Nhưng tôi, tôi lại chú ý hơn đến người cha đằng sau những lá thư không bao giờ gửi, con người yêu con trai mình nhưng lại không bao giờ có đủ dũng khí đến gặp đứa trẻ đó. Tôi tin vào tình yêu bền chắc, nhưng cũng không tin vào chính tình yêu. Nghe thì mâu thuẫn vì tôi cũng đã yêu đâu, và cũng chẳng hiểu thế nào là tình yêu đôi lứa, nhưng về cơ bản tôi lại hiểu được tình yêu của người đàn ông đó dành cho người vợ của mình (tất nhiên là về mặt lí thuyết) sâu sắc đến mức không thể chấp nhận nổi việc sống và nuôi đứa con chung của hai người và bỏ đến một chân trời mới để xây dựng một cuộc sống mới, với người vợ mới, những đứa con mới, chỉ để lại một khoảng trống tâm hồn, những lá thư mốc meo không bao giờ được gửi và những ánh nhìn vụng trộm không thể bị phát giác. Nghe thì thật đáng chê trách, đáng nhẽ càng yêu vợ thì càng phải nỗ lực hết mình yêu thương đứa con trai và chăm sóc nó nên người chứ? Nhưng có những thứ tình yêu cay nghiệt và giằng xé đến mức khi đã mất đi rồi thì đối mặt với bất cứ điều gì gợi nhớ đến tình yêu đó cũng trở thành một loại tra tấn đầy thống khổ. Tôi nghĩ đó hẳn là tình yêu mà cha Ernest đã dành cho mẹ của cậu bé, và ông lựa chọn rời đi, đem cả tình yêu đã chết lẫn nỗi giày vò khổ tâm về đứa con trai để sống vật vờ.


Nhưng tại sao khi những vết thương đang lành lại, khi ông tìm thấy một người vợ mới, một mái ấm mới có thể xoa dịu được linh hồn tổn thương của ông, ông vẫn chỉ lặng lẽ viết những lá thư không gửi cho đứa con trai mỗi ngày sống tẻ nhạt, mãi cho đến khi Victorie đến khuấy động cuộc sống của con trai ông và khiến cậu chủ động tiếp cận đến ông? Đó hẳn là một câu nói xuất hiện trong truyện đi: “Người nào chịu đựng một mình là người chịu đựng nhiều nhất.” Trong trường hợp cha của Ernest, tôi thấy đó vừa là một nỗi hổ thẹn với chính bản thân mình và với bổn phận không tròn với người con trai yêu thương, là sự hèn nhát không dám đối mặt với một phần trong quá khứ, và rất có thể là sự tự trừng phạt mình khi đã để lại Ernest đơn côi với người mẹ già nua chỉ còn chút hơi tàn bám vào những kỉ niệm quý giá. Nhưng ít nhất, khi con trai ông bước một bước đầu tiên, ông đã tìm cách bước nốt số còn lại để bộc lộ tấm long và tình yêu thương. Âu cũng là cái tình phụ tử.


Vậy đấy, ngoài tình cảm có phần phức tạp của người cha Ernest ra, quyển sách chỉ là một câu chuyện dịu dàng, từ tốn và tạo vài cơn sóng nhỏ trong xúc cảm chứ cũng không thực sự độc đáo gì. Lời nhắn nhủ quen thuộc về sự trân trọng cuộc sống chứ đừng chỉ tồn tại thể hiện khá rõ ràng qua những thay đổi của Ernest và bà của cậu bé từ ngày cô bé rạng rỡ như ánh dương quang Victorie xuất hiện. Kết thúc câu chuyện bằng những niềm hi vọng hạnh phúc mới.



Dễ thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét