Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Khoảng trời mênh mông - Kirby Larson



Nếu có gì để nói về “Khoảng trời mênh mông”, tôi sẽ nói cô bé Hattie là ngông cuồng, kiêu hãnh, kiên trì, ngốc nghếch và tham vọng. Nhưng tất cả những tính từ trên đều được nói theo hướng tích cực với một nụ cười cảm phục châm biếm nhẹ nhàng dành cho một cô bé bất hạnh quá lâu đang muốn vùng dậy dù chỉ có một hi vọng mỏng manh đầy ảo vọng. Nhưng dù sao cũng phải nói rằng, đó là một cuốn tự thuật thật dễ thương, tươi sang, đầy nghị lực là sự khao khát kiếm tìm tự do hạnh phúc.


Truyện chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn sau khi Hattie đột ngột nhận được thư báo rằng nàng được một người cậu để lại cho hơn ba trăm mẫu đất, một con bò và một con ngựa ở Montana nổi danh “năm sau” – cái mảnh đất chỉ luôn có thể chờ đợi vào “năm sau”. Thất vọng và mệt mỏi vì thân phận mồ côi lien tục bị thuyên chuyển ăn nhờ ở đậu ở khắp họ hàng làng xóm, bị kích thích bởi lời cổ vũ của người cậu khi nhắc về dòng máu chảy trong huyết quản, Hattie rút tất cả tiền tiết kiệm, bắt tàu và lên đường đến cái vùng đất hoặc là cho nàng tất cả hoặc cũng bòn rút tất cả từ nàng. Cái can đảm thứ nhất đó là đã quyết tâm lên đường khi không biết chút xíu gì về nghề nông, mảnh đất, và thậm chí cả về người cậu đã mất kia.


Chào đón nàng là cặp vợ chồng chân quê niềm nở tận tuỵ và mảnh đất bạt ngàn ở miền khô cằn khắc nghiệt, cái miền đất khi lạnh thì thấu xương cương đất mà khi nóng thì chảy mỡ hun hơi; cái mảnh đất đủ gần như không được mẹ thiên nhiên đoái hoài đó dù đất có bạt ngàn đi chăng nữa thì người nông dân vẫn lam lũ bán lưng cho đất bán mặt cho trời để đem về những mùa vụ nghèo nàn và niềm hi vọng mòn rút về “năm sau”. Nhưng Hattie không bị cái khởi đầu đó doạ sợ. Nàng quyết tâm muốn trở thành một chủ đất, để có một thứ gì đó của riêng nàng, do nàng gầy dựng nên, do nàng kiết thiết yêu thương, để nó trở thành nơi trú chân dừng bước của nàng.


Những cố gắng cứ dần tiếp diễn qua lời kể của một cô bé chỉ mới chập chững bước vào đời với những suy tư chớm nở, những lá thư đến người bạn tiền tuyến phương xa và những bài báo sinh nhai về cuộc sống làm đồng. Bên cạnh những câu chuyện về cuộc sống vất vả ở xứ bụi, cuộc sống của người dân thời chiến tranh năm 1918 (chiến tranh thế giới thứ nhất) được khắc hoạ một cách rõ ràng: những người đàn bà chanh chua cuồng tín ngu dốt, những kẻ coi thường những con người khác dân tộc, những cuộc ép buộc đóng góp cho chiến tranh nặng nề, thuế má gông xiềng đi đôi với nạn hạn hán, mưa đá hay côn trùng phá huỷ mùa màng, nợ nần chồng chất và thói phân biệt chủng tộc, ….những điều đó đè nặng lên đôi vai gầy yếu của một cô bé mồ côi mới chỉ mười bảy tuổi hơn. Những khó khăn đó hẳn nhiên sẽ làm nhụt chí của nàng – nàng vẫn còn đang trong tuổi mơ mộng, mới chập chững vào đời, lẽ ra được dạo phố hẹn hò và tham dự vũ hội thì bất hạnh (hay may mắn thay) lại có trong mình ý chí kiên cường và tham vọng mạnh mẽ để trở thành một người tự nắm giữ vận mệnh của mình. Cứ băn khoăn bỏ cuộc rồi lại tiếp tục tiến lên, tiến lên mãi.


Chính cuộc sống ngắn ngủi ở miền Montana đã dạy cho Hattie cách yêu thương trân trọng những công sức của mình và cái thứ tình giữa người với người lẫn nhau. Đáng tiếc thay chỉ những người cùng khổ với nhau ở thời kì khốn quẫn với nhau lại chính là những người hào phóng đưa tay giúp đỡ lẫn nhau nhiều nhất. Sống giữa một cộng đồng cùng chung hoạn nạn, Hattie đau buồn vì cái khắc nghiệt mà lại ấm áp giữa cái “tình” bạn bè.



Nhưng như đề sách, đây là một câu chuyện có thật, và nó cũng chẳng thể lý tưởng hường phấn với cái kết đẹp như mơ là cô bé lọ lem tứ cố vô thân cứ cố gắng là trở thành một bà chủ đất đường hoàng. Không còn cách nào khác, cuối cùng Hattie buộc phải bán mảnh đất nàng dồn bao ước mơ, mồ hôi nước mắt, công sức và hi vọng lấy số tiền chỉ đủ trả thuế và nuôi thân, bởi vụ mùa quá thất bát và những khoản nợ nặng nề không tài nào trả nổi. Đứng trước bệnh dịch cướp đi những con người đáng mến, ngay cả đứa con gái của chị hang xóm Perilee thân thiết như gia đình; những luật pháp có lý thiếu tình; những mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần;…. Kết thúc câu chuyện, chúng ta chỉ có thể thoả mãn trong tiếng thở dài vừa hài lòng vừa xót xa và tự an ủi mình rằng: quá trình nghị lực mới là cái đích quan trọng nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét