Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Kafka bên bờ biển - Haruki Murakami


Tôi nhớ cách đây không lâu, chắc tầm một hai năm gì đó, Mạc Ngôn và Murakami được đưa lên bàn cân so sánh để tranh giải Nobel văn học, và cuối cùng người đạt được giải là Mạc Ngôn chứ không phải là Murakami Haruki. Thực chất về mặt cá nhân tôi chẳng mấy quan tâm đến những điều này, nhưng sau khi đọc sách của cả hai tác giả lớn và vài câu trao đổi với một người chị quen trên mạng đang học tại Pháp, tôi chợt nghĩ rằng, lí do Murakami không đạt được giải Nobel khá là hiển nhiên. Người ta nói văn học là nhân học, và văn học nên soi sáng con người – sách của Mạc Ngôn dù có dữ dội, cay đắng, khốc liệt đến tận cùng đường như Phong nhũ phì đồn đi chăng nữa thì cái kết ông luôn để lại một lối thoát, một tia hi vọng mập mờ, nói chung là một thứ gì đó gợi đến một tương lai; trong khi đó, đa số các tác phẩm của Murakami theo trường phái tâm linh học siêu thực kiểu Freud hay Jung thì thường không nhận ra được cái “tia sáng cuối đường hầm” đó, hay thậm chí đôi lúc là không có, mà đơn thuần thường là cái suy tưởng tâm linh chìm đắm không có câu trả lời xác đáng. Bên cạnh đó, phải nói rằng phong cách viết của Murakami chỉ hợp với một số bộ phận nhất định thôi, chứ phong cách viết của Mạc Ngôn lại dễ phang vào đầu hơn nhiều.


Đọc qua vài tác phẩm của Murakami, tôi phải tự cho mình là hợm đời khi nói rằng cách viết của ông cuốn nào cũng đều đều như nhau cả, không cái gì thực sự nổi bật hẳn mà cũng chẳng có tác phẩm nào cũng quá chìm: những hình ảnh quen thuộc như con mèo – loài vật thiêng trong tín ngưỡng Nhật Bản; cái giếng – độ sâu ý tức; những cái “tôi” phát triển tiến hoá qua các thời kì hoặc những cái “tôi” phân thân tách ra để tự quan sát mình quan sát đời, cái chết thực và cái chết tinh thần, tình dục bản năng duy trì sự tồn tại… nói chung, quen thuộc. Nhưng nếu có một người tìm đến Murakami, thì cuốn sách tôi gợi ý không phải là “Rừng Na-uy” được quảng cáo “cứ 7 người Nhật lại có 1 người đọc Rừng Nauy”, mà là “Kafka bên bờ biển”. Tôi dám chắc fan của Murakami có thể kể vanh vách những triết lý cao siêu trong những tác phẩm chẳng kém phần xuất sắc khác của ông, nhưng với cá nhân tôi, “Kafka bên bờ biển” khác với tất cả các tác phẩm còn lại – vì trong khi các tác phẩm còn lại của Murakami đều để lại một đoạn kết mập mờ hụt hẫng không có câu giải đáp triệt để, thì ít ra “Kafka bên bờ biển” với bối cảnh thoáng đãng hơn lại có một cái kết kêu gọi sự sống thông qua lời cầu khẩn thiết của Miss Saeki với Kafka: hãy nhớ đến bà và các kỉ niệm về bà. Đó là một cách nói hãy tiếp tục sống với cả những quá khứ trên vai chứ không chỉ đơn thuần là tồn tại một cách trống rỗng.


Với những người là fan của Murakami thì chắc chẳng cần phải đọc hết các tác phẩm của ông cũng có thể biết được motif chính của ông là đi theo trường phái tâm lý phân tâm học siêu thực kiểu Sigmund Freud (cách Murakami viết về các trạng thái thiến hoá của nhân vật về các phần của con người: cái ấy, cái tôi và cái “siêu tôi”. Các tác phẩm của Murakami thì giống nhau lắm và đa phần đều có đủ những lí thuyết này ấy mà) hoặc Carl Jung (nói chung như cá nhân tôi thấy thì Murakami nhặt mỗi bên một ít, nhưng về cơ bản thì có vẻ Murakami thiên về Carl Jung nhiều hơn với cách viết đặc tính tâm lý về Nguyên Mẫu, Vô Thức Tập Thể, Vô thức – Ý thức, Ngẫu nhiên có ý nghĩa (hiệu ứng Butterfly)). Hơn nữa truyện thuộc thể loại siêu tưởng siêu thực, nên tôi sẽ cứ bắt được ý nào viết ý đó, hình ảnh nào viết hình ảnh đó thôi chứ không theo trình tự nhất định nào nữa.


Hình ảnh đầu tiên, hẳn nhiên đập thẳng vào người đọc, vẫn là băn khoăn về sự sống và cái chết (cả cái chết hiện thực và cái chết tinh thần)– cái chết trong sự sống và sự sống trong cái chết. Hình ảnh cái chết này phải nói là quen thuộc đến mức ai cũng vanh vách nói được thôi. Trong truyện của Murakami, cái chết là một phần của sự sống và nuôi dưỡng sự sống. Cái chết tinh thần trong truyện của ông thường là sau khi một nhân vật trải qua một trải nghiệm vô cùng đau đớn và khó khăn, cụ thể trong truyện là Miss Saeki, và cuối cùng chỉ còn tồn tại trong vỏ bọc thực thể, còn linh hồn thì đã chết, kẹt lại trong một khoảng thời gian nhất định, sống một cuộc sống trống rỗng. Cái chết trong chuyện của Murakami làm tôi nhớ đến lá “Death” trong Tarot – một cái chết tinh thần hết sức dữ dội, đau đớn, và con người buộc phải lựa chọn giữa hoàn toàn suy sụp, thả trôi cho cuộc sống, hoặc là vượt qua cái chết đó để tiến tới một trạng thái hoàn hảo hơn, một cái “tôi” cao cấp và thấu hiểu bản than mình hơn. Nhưng cái chết cũng có thể là một sự giải thoát, một câu trả lời cho câu hỏi đi tìm chính mình, một kết thúc đẹp cho những người tồn tại một cách trống rỗng, ví như lão Nakata ngu dốt biết nói chuyện với mèo chẳng hạn. Nói chung, chuyện về cái chết trong truyện càng nói càng dài mà chẳng mấy khi thay đổi cả.


Một hình ảnh nữa quen thuộc cũng chẳng kém, đó là tình dục. Người ta hay tung hô cái trần trụi thực thế trong truyện của Murakami là vì cái tình dục này, còn tôi thì chẳng thế hiểu nổi vì sao lại có thể đánh giá tình dục trong truyện của Murakami là trần trụi được cơ chứ? Thậm chí ngay cả những đoạn miêu tả tình dục rõ nét như truyện gợi tình của Murakami, tôi vẫn thấy tình dục tượng trưng cho một cái gì đó thuộc về sự sống, rằng cái ông muốn nói đến là một thứ trạng thái kết hợp nguyên thuỷ, và rồi lại tự làm mình khó chịu khi cách ông dùng ngôn ngữ thô tục khi miêu tả những đoạn tình dục như vậy. “Con cu, hòn dái” hay blab la bla gì đó á? Cứ như là hạt sạn cố tình nhồi nhét vào để gây kích thích cho người đọc, cố để tạo cái “trần tục” cho thiên hạ có chữ mà nhận xét vậy. Như cá nhân tôi, cái tình dục trong truyện của ông là một thứ bám víu, một thứ khoái cảm giày vò theo bản năng để con người nhận ra rằng dù tinh thần họ chết thì thân thể họ vẫn còn sống, và sợi dây liên kết sự sống với đời thực của họ chính là những cảm xúc cao trào nguyên thuỷ vô thức của tình dục. Tôi nhớ có đọc một bài viết nói rằng tình dục trong truyện của Murakami là sự giải thoát – là một bài viết nhận xét về Rừng Nauy thì phải. Nhưng như tôi thấy, đó là sự trốn tránh, tự ngược đãi vô thức thì đúng hơn ấy. Hoặc ít nhất tình dục là thứ duy nhất là thực trong truyện Murakami, trong truyện Kafka, trong khi tất cả những hình ảnh khác đều siêu thực. Khi một con người đang lạc trong tư tưởng thì tình dục là một thứ thực tại, một biểu tượng cho bản năng nguyên thuỷ của sự tồn tại thực, là một thứ khoái cảm đau đớn để con người biết rằng mình vẫn còn trong cái vỏ bọc xiềng xích bên ngoài trong quá trình đi tìm những thứ bên trong.


Trong “Kafka bên bờ biển”, có hai bối cảnh tôi rất ưng ý, thứ nhất là Thư viện và Khu rừng. Trong nhận thức hạn hẹp của mình, tôi tiếp nhận hình ảnh Thư Viện là Mê cung trí tuệ hiện thực và Khu rừng là mê cung tâm linh siêu thực. Khi Kafka sống trong thư viện, cái anh đi tìm là trí tuệ của hiện thực, nhưng điều thú vị ở chỗ là anh dùng những trí tuệ hiện thực trong thế giới vật chất để khám phá mê cung tâm linh bên trong. Trình tự sắp xếp của Murakami cho Kafka cũng đáng để xem xét: Kafka được đưa đến khi rừng trước nhưng chưa dám đi sâu vào nó, rồi đến làm việc trong thư viện, và cuối cùng quay trở lại rừng và dám thâm nhập vào đó. Như vậy, cách sắp xếp này đi theo hướng: Kafka mới chạm vào phần nổi, phần tốt đẹp, phần sảng khoái vô cùng nhỏ bé trong tâm linh, nhưng lại chưa có đủ can đảm để khám phá tất cả những gì trong đó, và trong tay cũng không có đủ tri thức cần thiết để lĩnh hội, thế nên cậu đến thư viện để tìm hiểu tri thức hiện thực, để hiểu những điều như tình dục tình yêu (những thứ thuộc về hiện thực vật chất) trước để tạo nền tảng lĩnh hội cho mình, rồi được đưa trở lại khu rừng mê cung của tâm linh. Lần cuối trở về khu rừng, cậu đã dám thâm nhập vào bản thân khu rừng đó, chấp nhận để mình hoà vào nó, hoà vào cả cái tốt đẹp cũng như cái tăm tối trong khu rừng – lúc này cậu đã có thể chấp nhận được ngay cả những chỗ khuất tối tăm trong tâm tưởng của bản thân, cậu bỏ lại tất cả những dục vọng tư tưởng để đón nhận tất cả từ xấu đến tốt. Tiến vào rừng k phòng bị, không sợ hãi là hành động tiến vào mê cung tâm thức bằng lý trí hoàn toàn rộng mở để sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì nguy hiểm đến từ tâm thức.


Bước vào mê cung bên ngoài cũng có nghĩa là tiến vào mê cung bên trong. Khi nhận thấy những phức tạp mâu thuẫn ở thế giới vật chất cũng có nghĩa là tinh thần và trí tuệ bắt đầu đòn nhận những đấu tranh phức tạp. Cái này có thể nói đơn giản rằng càng hiểu cuộc sống càng nghĩ nhiều, các suy nghĩ càng đa dạng hơn, và cả 2 đều là những mê cung không lối thoát. Không ai đi nhầm đường cũng chẳng ai đi đúng hướng, và hẳn nhiên không một ai có quyền phán xét hướng đi và lựa chọn của người khác.


Nhưng nếu để ý, bạn đọc sẽ nhận thấy Kafka hoàn toàn gần như bị động. Ngoài việc quyết định trốn nhà thì các giai đoạn tìm kiếm tâm thức của Kafka gần như hoàn toàn là bị động. Ngay cả việc tiếp nhận những thay đổi trong trạng thái tâm linh của Kafka cũng gần như hoàn toàn bị động từ bên ngoài. Tôi đôi lúc rất băn khoăn không biết Murakami có phải người đi theo chủ nghĩa Định Mệnh không, và kể cả nếu ông không theo đuổi thuyết Định Mệnh thật thì hẳn ông cũng tin vào số phận: truyện của ông đa phần rất chú ý đến những sự ngẫu nhiên không tình cờ theo kiểu Carl Jung, khéo léo và trực tiếp ám chỉ rằng tất cả mọi việc xảy ra đều có nghĩa của nó, tất cả đều đã được sắp xếp đâu vào đó và chỉ cần đúng thời điểm nó sẽ xảy ra, con người chỉ là một phần mắt xích có nhiệm vụ trong những chuỗi sự kiện đó, và rằng nhân nào quả đó, chuyện này diễn đến tất chuyện tiếp sẽ xảy ra. Con người là nhỏ bé và gần như không có ý chí tự do, ý chí tự do chỉ là thứ vỏ bọc mĩ miều cho những sắp đặt của số phận mà thôi. “Nếu có một cây sung trong truyện thì nó nhất định phải được bắn ra”. Mọi thứ xuất hiện đều có nghĩa của nó, không trốn vào đâu được!


Một hình ảnh nữa thường trực trong mọi tác phẩm của Murakami đó là những suy tưởng mông lung về bản chất con người. Các nhân vật và bối cảnh của Murakami thường là đi tìm cái bản ngã nguyên thuỷ, cái bản ngã chân thật nhất, cái “tôi” nguyên mẫu nhất chứ không phải cái “tôi” đơn thuần nguỵ tạo mà thường là con người nhầm nó với cái “tôi” nguyên thuỷ. Cái “tôi” nguyên thuỷ là thứ ảo ảnh không thể nắm bắt nổi, là trái tim trong khu rừng mê cung tâm thức, là vũ trụ bên trong con người. Tôi có nhớ một quyển sách nào đó viết rằng con người chứa cả vũ trụ bên trong mình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và như nghĩa bóng thì tôi hiểu theo hướng tâm trí con người là cả một vũ trụ vô tận, mỗi linh hồn là một mắt xích đến một linh hồn cao cả rộng lớn hơn. Diễn giải thì chẳng diễn giải được, hiểu rằng bao giờ Murakami cũng đặt ra cái câu hỏi đi tìm bản ngã này nhưng chẳng bao giờ trả lời được là được. Đi song song với cuộc tìm kiếm cái vô thức một cách có ý thức này, những hình ảnh siêu thực về sự vô thức liên tục xuất hiện, vặn xoắn, không thể bị kiểm soát, khó chiều và tưởng như vô nghĩa liên tục xuất hiện.


Còn một điều khác biệt ở “Kafka bên bờ biển” nữa mà tôi cảm thấy ông như muốn giải thích về “cái ấy” (tâm lý Carl Jung). Phải nói rằng cái cuộc tìm kiếm bản ngã con người trong tác phẩm nào của Murakami cũng xuất hiện theo cái hướng nhân vật tách một phần trong bản ngã của mình ra để quan sát chính mình. Trong truyện này là thằng Quạ, cũng chính là cái tên Kafka (Kafka có nghĩa là Quạ). Kafka tự tách một phần của mình ra để nhận thức, đánh giá mọi thứ xung quanh cũng như xem xét chính mình. Hiểu cái này cũng chẳng phải quá phức tạp nếu tóm gọn lại một cách đơn giản. Như trong tâm lý học Carl Jung, con người có “cái ấy”, “cái tôi” và “cái siêu tôi”, và cái “ấy” chính là một phần của cái “siêu tôi super ego” được tách ra. Muốn đỡ lằng nhằng, tìm đến “Thức tỉnh” của Antony người đọc sẽ hiểu liền ấy mà. Về cơ bản, đây là một cách thức tỉnh của con người – con người phải thức tỉnh và có một phần riêng biệt không bị hoà vào cái tôi cá nhân hiện tại mới đánh giá được mọi thứ một cách công bằng nhất. Nhưng thức tỉnh thì, tẻ nhạt lắm, già hãy thức tỉnh. Kể ra mà nói dù có loáng thoáng hiểu các tác phẩm của Kafka, và thiển cận nghĩ rằng ông đang kêu gọi sự thức tỉnh, đi tìm bản ngã bên trong tâm khảm, thì tôi vẫn nói rằng biết thì nên biết vậy thôi, chứ về già hãy thức tỉnh. Cái cuộc đời cái tuổi trẻ phải được tham sân si hỉ lạc ái ố, phải biết ích kỉ phải biết tham lam thì mới là một cuộc đời chân chính, thức tỉnh sớm quá thì chỉ trở thành một kẻ đứng ngoài quan sát xã hội và mọi thứ mà thôi. Khi tiến đến cái chân thực nhất trong bản ngã, mọi thứ đều trở thành trống rỗng, vô nghĩa, hư vô, chỉ có nỗi đau khi cá nhân trải qua quá trình biến đổi mới có thể chứng minh đc sự tồn tại của thân thể vật chất. Tuy nhiên sự bình thản, sự thức tỉnh hoàn toàn trong tinh thần và tâm hồn, sự nhận thức được tâm tưởng thẳm sâu lại khiến con người trở nên hoàn toàn tĩnh tại, sống thản nhiên và dần quên mọi thứ. 


Nhân vật tôi thấy thú vị nhất lại là nhân vật Oshima. Có lẽ cả đời tôi chỉ thích nhân vật phụ mất thôi. Đó là một nhân vật đặc biệt, không ra nam không ra nữ, đứng giữa mọi lằn ranh không có xác định và có định mệnh ở Oshima. Tôi nghĩ tôi thích Oshima không phải vì cái đặc biệt của anh, mà tiềm thức của tôi nhận thấy trong cả câu chuyện, thứ nhất anh không thay đổi nhiều, thứ hai đó là anh có định mệnh ở trong cái thư viện khép kín đó, cũng có nghĩa rằng anh đi tìm con người và sự bình yên tĩnh tại giữa những tri thức có thật, chứ không bị chìm đắm không trọng lượng trong cái khu rừng vô thức mênh mang mà Kafka tiến vào, và cũng không chết tâm chết tinh thần như Miss Saeki. Sự tồn tại của anh là một thứ gì đó rất “người” nhưng cũng không hẳn “người” cho lắm. Một sự tồn tại thông minh, am hiểu, có thực và hiện hữu. Một tuổi trẻ. Một nhân cách. Một con người. Không quá giãy dụa quẫy đạp và cũng không hoàn toàn lạc vào những câu hỏi vô tận. Thế nhưng cũng không bị hiện thực hoàn toàn kiểm soát (điều này thể hiện qua việc không bị giới tính và tình dục định nghĩa). Trớ trêu thay nhân vật tôi thích nhất tôi lại chẳng thích nói nhiều cho lắm. Hãy cứ để Oshima tồn tại trong tôi một cách lặng lẽ như một góc kí ức đi thôi.


Ngoài ra, tuyến nhân vật và cuộc phiêu lưu song song tưởng chừng chẳng chút lien quan gì đến Kafka của nhân vật Nakata dễ gây cho người đọc cảm giác tò mò thích thú. Người ta thì hay bảo Nakata không điên, chỉ kì lạ, thế này thế nọ vân vân mây mây. Như tôi, tôi thấy Nakata là một cái xác không hồn, một mắt xích của định mệnh có nhiệm vụ ở phút chót rồi ra đi thanh thản mà thôi. Bên cạnh những sự tồn tại hiển nhiên, Nakata chỉ là một sự tồn tại bên ngoài lề bản của xã hội, một sự tồn tại tuy có thực nhưng bị lãng quên. Nakata là một loại sứ giả hoàn toàn trống rỗng, vô thức, chẳng hấp thụ cái gì cũng chẳng thải ra cái gì nốt. Nakata của hư vô, hi vọng, trống rỗng và không phán xét. Đó là một phiên bản khác của sự thức tỉnh sau cái chết tinh thần mà thôi. Có người sau cái chết tinh thần thì mở ra một tầng hành trình trạng thái mới cho tâm linh, có người trải qua cái chết tinh thần xong thì trở thành một Nakata vô dụng. Có người để thời gian của mình ở lại thời điểm “chết” rồi chỉ còn tồn tại như Miss Saeki.


Nếu ở “Rừng Nauy” có những nhận xét cho rằng Murakami chọn tình dục là hướng giải thoát, thì ở tác phẩm này có khi Murakami lại chọn cái chết là sự giải thoát chăng? Cái chết của Koichi Tamura như một cái chết chạy trốn khỏi bàn tay điều khiển của số phận và định mệnh.


“Nghe này, Kafka. Những gì em đang trải qua đều mà môtíp của nhiều bi kịch Hy Lạp. Con người ta không chọn số phận, mà số phận chọn con người. Đó là thế giới quan cơ bản của Hy Lạp. Và chất bi kịch, theo Aristotle- mỉa mai thay, lại không bắt nguồn từ những nhược điểm của các nhân vật chính, mà từ những phẩm chất tốt của họ. Em có hiểu anh muốn nói gì không? Người ta bị kéo sâu vào bi kịch không phải bởi những khuyết diểm mà bởi những đức tính của mình. Vở “Oedipus làm vua” của Oedipus ngụp vào bi kịch không phải vì chàng lười biếng hay ngu ngốc, mà chính vì lòng dũng cảm và trung thực của chàng. Từ đó, nảy ra một chất mỉa mai tất yếu.”


Điều làm cho “Kafka bên bờ biển” khác biệt nhất chính là hi vọng ở cuối truyện. Như tôi đã nói ở trên, Murakami không đạt được Nobel chắc hẳn do chẳng mấy khi chừa lại hi vọng về tương lai thực tại ở cuối truyện, nhưng riêng “Kafka bên bờ biển” lại có. Đó chính là lời trăn trối của Miss Saeki dành cho Kafka – bà chỉ có một mong muốn được cậu nhớ về bà mà thôi. Đó là hi vọng của một người phụ nữ dù đã chết tinh thần nhưng vẫn muốn được tồn tại và đã thực sự sống, không muốn bị lãng quên. Và Kafka, sau khi rời khỏi cái sự trống rỗng, hư vô của khu rừng tâm thức thẳm sâu, quyết định trở lại cuộc sống nhờ lời kêu gọi của Miss Saeki. Lời kêu gọi của bà saeki là lời kêu gọi của sự sống, của cuộc đời, còn khu rừng là sự thức tỉnh bên trong đồng thời cũng là sự két thúc: nhận ra mọi chuyện đều là hư vô thì cuộc sống trở nên vô nghĩa.


Kết thúc sự mênh mang về thân phận là trở về cuộc sống nghiệt ngã, là "lưỡi lê vặn xoắn trong ruột gan", nhưng cuộc sống đó lại là cuộc sống thực sự, còn sự thức tỉnh trong tâm thức lại là một cái chết tinh thần.





3 nhận xét:

  1. Đọc bài viết này thấy thú vị hơn tác phẩm rất nhiều. Chắc vì mình không đủ tinh tế để cảm được tác phẩm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn,

      Cảm ơn bạn đã ghé qua. Như mình thấy thì không phải một người đọc không đủ tinh tế để cảm nhận tác phẩm, sách chọn người chứ không phải người chọn sách, bạn không cảm được chỉ e duyên chưa tới nơi. Mình chắc rằng có nhiều đầu sách hay khác đang chờ đón bạn.

      Thân.

      Xóa
  2. Bài viết của bạn hay quá. Mình rất thích cuốn Kafka và rất ấn tượng các câu thoại hay để làm quote. Có một ý là 'hãy để cái bên ngoài trở thành cái bên trong của bạn', theo mình hiểu là không nên quá muốn rạch ròi đâu là bề ngoài đâu là bản ngã, hình như do Oshima nói. Từ đó mình thấy nhẹ nhàng hơn với việc thể hiện bản thân vì đã khôg còn đấu tranh với việc kiểu như 'mình cười vậy mà có thực sự vui hay ko?'. Kafka hay một cách ám ảnh nhưng mình sẽ chỉ dùng để hiểu thêm về thực tại chứ không để bị lẩn quẩn quẩn không lối ra như các nhân vật. Chúc bạn luôn vui nhé. :)

    Trả lờiXóa