Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Biên niên ký chim vặn dây cót - Murakami Haruki




Tôi đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót” không hề có chủ ý, vì hôm đó trời bắt đầu lạnh, vì lần đầu tiên trong suốt cả trăm năm qua Napoli mới có tuyết rơi, vì buổi đêm thật tĩnh lặng, thật nhiều cái “vì” khác mà tôi không dám chắc nữa. Nhưng tôi sợ tác phẩm này hơn cả sợ một tác phẩm kinh dị. Có thể nói đây là quyển sách đầu tiên mà tôi cảm thấy lúng túng khi viết cảm nhận, quyển sách đầu tiên tôi không có cảm xúc với nhân vật một cách rõ ràng, quyển sách đầu tiên khiến tôi nhận ra có một thứ gì đó trong cuộc sống của mình, một thứ gì đó khiến mọi thứ liên kết với nhau chỉ là tình cờ. Ví như, đột nhiên một ngày đẹp trời tôi học Tarot mà không hề nghĩ đến việc nó lại trở thành một phần nền tảng để tôi tiếp cận “Biên niên ký chim văn dây cót”; tôi đã “tình cờ” đọc “Thức tỉnh” với những lí luận liên quan không hề ít đến “Biên niên ký”; tôi đã đọc về những loại tuyệt vọng trần tục nhất để rồi tiếp tục đến tác phẩm này. Lúc viết cảm nhận, tôi đã tự hỏi bản thân không biết mình đọc sách (ít nhất là về việc đọc sách) có bị chi phối bởi điều gì không, bởi trình tự đọc của tôi khiến tôi có huyễn tưởng rằng quyển trước làm bước đệm để hiểu quyển sau vậy… Thật kì lạ…


Điều tôi nghĩ đến đầu tiên chính là cụm từ “tiềm thức” chứ không phải “cái chết” như đa số đánh giá. Đúng thật là các tác phẩm tôi đọc của Murakami như “Rừng Nauy” hay “Biên niên ký chim vặn dây cót”, tác giả đều trăn trở với câu hỏi về sự sống và cái chết, nhưng cá nhân tôi nghĩ không phải ông chỉ muốn nói về điều hiển nhiên của cái chết, rằng cái chết là một phần của cuộc sống, mà ông còn muốn nói về ý nghĩa sự sống và cái chết trong tiềm thức sâu thẳm của con người. Không phải là cái con người đang suy nghĩ, mà là cái “tôi” chân chính bên trong, cái “tôi” thực sự, cái “tôi” không ai có thể khẳng định được. Đối với tôi, Murakami đang muốn nói đến các giai đoạn thức tỉnh của con người trong thế giới vật chất, và tất cả những điều xung quanh như sự sống, cái chết,…đều chỉ là một phần của một thứ to lớn hơn, một thứ vận mệnh đã sắp đặt tất cả, và một phần của con người. Cái “tôi” chân chính bên trong con người chính là cái vũ trụ vĩnh hằng, chân nguyên, một thứ vô hình đáng sợ không thể đo đạc nổi, một thứ siêu nhiên không thể diễn đạt bằng lời và cũng chỉ có một bộ phận bé nhỏ trong xã hội là có ý thức về “điều đó”. Tất cả mọi thứ đều được liên kết chặt chẽ với nhau qua một thứ gì đó, trong cái cấp bậc “siêu nhiên” của cuộc sống, trong cái “dòng chảy” của định mệnh, trong cái vô thức vô nhiên. Chiếc giếng cạn là biểu tượng của điều này chăng? Là biểu tượng của sự nhìn vào bên trong mình, hoà vào làm một với tâm thức, đi tìm tâm thức, đấu tranh vì tâm thức bên trong như đấu tranh và tìm tòi một thứ không có thật, không hiện hữu và không hề có cơ sở khoa học chứng minh cho sự tồn tại của nó. Những hình ảnh giếng cạn khô không nước là hình ảnh của những linh hồn cô độc khô cằn nhận ra mình hoàn toàn lạc lõng, mình không là một điều gì cả, rằng dòng chảy định mệnh đang dừng lại để buộc một “cá nhân” nhìn vào bên trong mình để đi tìm cái “tôi” đích thực. Quá trình giãy dụa mất phương hướng trong cái giếng “tâm thức” cạn kiệt “sinh lực”, không có “dòng chảy phương hướng”, không có “nguồn nước trí tuệ”, trong một bóng tối nguyên thuỷ là một quá trình hết sức đau đớn, cô độc và tàn nhẫn đối với con người. Nói sơ sơ qua, đó là quá trình trưởng thành đau đớn hơn tất cả mọi loại trưởng thành, bởi vì đây là sự trưởng thành vượt khỏi những ranh giới vật chất trong cuộc sống, để tìm đến với sự phát triển tinh thần và nhìn vào thực thể tồn tại, thoát khỏi những thực thể mô phỏng. (Cái này, nếu đọc đôi chút về nguyên lý “cái hang của Platon” chắc hiểu được).


“Cái chết” trong truyện Murakami không chỉ là “cái chết” vật thể, “cái chết một phần của cuộc sống”, “cái chết thể xác” đơn thuần, mà như thiển ý của tôi là “cái chết tinh thần” và từ “cái chết” đó mà “cái tôi tâm thức” được tái sinh, được thức tỉnh. Cái chết tinh thần đau đớn hơn nhiều so với cái chết thể xác, bởi lẽ cái chết thể xác hiển nhiên là một phần của sự sống, và sau khi “chết” con người ta trở thành cát bụi. Nhưng cái chết tinh thần thì khác. Có rất nhiều cái kết cho một cái chết tinh thần. Sau cái chết tinh thần, con người ta có thể trở thành hoàn toàn trống rỗng, không màng sự đời, không màng đến bất cứ thứ gì, sống mà như đã chết; lúc đó mọi thứ không còn gì quan trọng cả, chỉ còn lại sự cô động rỗng tuếch, còn lại một thân xác thịt trần tục, sống chỉ để đợi những ngày sẽ chết, như trung uý Mamiya về những năm cuối đời hay như Kano Creta trong thời gian làm điếm trước khi được kéo về thực tại, như chính Okada Toru sau khi tìm đến cái giếng để tìm kiếm “tâm thức” rồi lại ngày ngày ngồi một chỗ nhìn thiên hạ. Cái chết tinh thần đó có thể là cái chết tinh thần tuyệt đối như Mamiya, nhưng cũng có thể chỉ là một cái chết lạc lõng tạm thời, là bước đệm trước khi lý trí con người đạt được đến một mức độ cao hơn trong tiềm thức. Nhưng từ cái chết tinh thần đó, một sự tái sinh có thể xuất hiện một cách kì diệu, khiến mọi thứ xung quanh một con người hoàn toàn đổi thay, hoàn toàn rõ ràng trinh bạch, hoặc ít ra thì sự tái sinh đau đớn từ đống tro tàn của cái “tôi” cũ khiến một cái “tôi” mới thấu hiểu bản thân mình hơn, thấu hiểu cái “tôi” chân chính trong VÔ sâu thẳm bên trong con người. Đó là khi Kano Creta thức tỉnh khỏi hư vô trống rỗng và trở thành một “con điếm tinh thần”, là Quế sau khi đã chôn trái tim mình và cái “tôi” cũ vào quá khứ, và Okada đã quyết tâm bước vào căn phòng 208 trong khách sạn siêu tưởng không thực để chiến đấu với một kẻ vô danh tính, để cứu người đàn bà mà anh tin là người vợ trẻ Kumiko của mình. Có người gượng dậy được sau cái chết tinh thần, có người không, nhưng cuộc sống vẫn sẽ cứ tiếp diễn, định mệnh vẫn sẽ dẫn đường, chỉ khác là người vượt qua sẽ tìm thấy dòng chảy trí tuệ và xác định được phương hướng, còn kẻ lạc lối trong bóng tối tâm thức thì chỉ sống bằng thể xác thối ruỗng mà thôi.


Không phải ai cũng có thể đến được đến giai đoạn chuyển dời này, tiếp cận “cái chết tâm thức” này để khám phá ra bản thể trong tâm thức mình, cái tôi chân thực, một giai đoạn mới trong cuộc sống. Đa phần con người dừng lại ở những câu hỏi râu ria xung quanh nó và hài lòng với cuộc sống vật chất, những định kiến họ tạo ra về các khía cạnh như hạnh phúc, tình yêu, quyền lực, giàu sang,… biết đâu đó lại là một sự lựa chọn tốt để có một cuộc sống đầy đủ, bởi cứ ngày ngày chạy theo một “cái chết” và một sự “tái sinh” không rõ ràng thì sẽ chìm vào trong hư vô và sự mâu thuẫn cao độ. Đôi lúc không phải con người ta chọn đi theo con đường đó, mà là buộc phải trải qua một nỗi đau khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần khiến con người kiệt quệ, rồi buộc phải rơi vào cuộc hành trình tìm kiếm bên trong. Cái đau trong truyện là cái đau được đẩy lên cao độ, căng thẳng và day dứt, hoặc là cái đau thể xác đến mức cùng cực, hoặc là cái đau tinh thần huỷ hoại cả thể xác. Đó là cái đau của hững con người vật lộn với cuộc sống, cái đau thể chất thực sự hiện hữu, cái đau đớn của cô độc, hoang vu, cái đau đồng cảm với đồng loại, đơn thuần chính là “cái đau”. Càng bị tổn thương bao nhiêu, gặp phải “cái đau” nhiều bao nhiêu, tốc độ vươn đến “cái chết tinh thần” càng mau lẹ, và quá trình tái sinh càng khủng khiếp!


Sự thức tỉnh ở trong bóng tối của “cái chết tinh thần” chính là ánh sáng của chân lý. Ánh sáng thì chiếu rọi bóng tối, nhưng buồn cười thay chỉ khi ở trong bóng tối người ta mới hiểu được bản chất của ánh sáng. Trải qua tang thương mới hiểu những chân lý tích cực; trải qua sự sụp đổ thì mới nhìn thấy bản chất mọi sự; trải qua cái chết mới nắm được tầm quan trọng của sự sống. Có người nhận ra được thứ “ánh sang cứu rỗi” đó trong lòng giếng, có người lại không thể với được đến nó và rơi trở về thực tại cùng cực, mê mang và bế tắc. Nắm được ánh sáng chân lý là bước thêm một bước tìm đến nguyên chân bản thể mọi sự. Nhưng đáng tiếc thay, ngay cả khi sống một cuộc sống bình thường con người ta đã thường trực có cảm giác cô đơn, thì khi bắt hụt ánh sáng hoặc tiếp nhận được ánh sáng, con người ta sẽ càng cô đơn, càng lạc lõng mà thôi. Vì khi ấy con người nhận ra rằng tất cả mọi chuyện xảy ra, mọi thứ liên kết với nhau chỉ là một phần của một vòng quay định mệnh khổng lồ (hoặc có cảm giác như vậy), và rằng con người chỉ là một hạt cát tí tẹo không đáng kể bị cuốn theo dòng đời khắc nghiệt. Hơn nữa, đó là sự đau đớn khi liên tục hoài nghi chính mình: không biết đến những thứ như thế này thì sẽ sống bằng lý trí và tình cảm, nhưng biết đến rồi thì thậm chí còn nghi ngờ chính là ý chí tự do của mình. Rốt cuộc con người có thứ gọi là ý chí tự do không? Hay tất cả chỉ là một phần của định mệnh lớn lao cao cả không ai có thể với tay đến và nắm giữ được? Càng đi vào hành trình tìm chân lý, con người chỉ càng hoài nghi chính sự tồn tại của mình mà thôi. Một thế lực siêu nhiên nào đó chi phối tất thảy… Thế giới của con người thế này đây, nhưng thế giới “thực”, con người “thực” thì lại sâu thẳm, tăm tối hơn hết thảy, không thể giải nghĩa được, và chỉ có cách “thức tỉnh” mới có thể hi vọng mơn trướn được chút vụn vặt ẩn giấu.


Con người có thực sự tồn tại không? Thế giới có thực sự tồn tại không? Con người có thứ gọi là lý trí tự do? “Thảng hoặc, sau phút chốc hài long rằng mình đã quyết định điều gì đó bằng ý chí tự do, anh mới nhận ra rằng mọi việc đã được định đoạt từ trước bằng một thế lực ngoại tại nguỵ trang một cách khôn ngoan thành ý chí tự do”. Thế còn thuyết Định Mệnh là cái của nợ gì? Biết đâu cái tôi này, cái ngã này, đều từ một nơi khác đến, và cái xác thịt nhục thể này chỉ là cái đường thông để cái bản thể “tôi” chân chính trú ngụ.


Quá trình trên xuất hiện khá rõ ràng ở Kano Creta thông qua cuộc đời của cô: “Đây là cái tôi thứ ba của tôi. Cái tôi đầu tiên là cái tôi đã từng bị đày đoạ bởi cái đau vô cùng tận. Cái tôi thứ hail à cái tôi từng sống trong tình trạng vô cảm hoàn toàn không biết đến cái đau. Cái tôi đầu tiên là tôi ở trạng thái nguyên thuỷ, không sao dứt được khỏi cổ cái ách nặng trình trịch của cái đau. Và khi tôi thử dứt bỏ nó – nghĩa là khi tôi thử tự sát mà không được – tôi đã trở thành một cái tôi thứ hai: một cái tôi trung gian…Và khi tôi đã kinh qua chặng quá độ kì lạ đó thì sinh ra một cái tôi hoàn toàn mới…” Và những người đi tìm cái “tôi” thứ ba đó biết đến thế nào là tách tinh thần khỏi thể xác. Hoặc như cách tôi hiểu là, tách tinh thần chân nguyên khỏi những xáo động trần tục.


Đó chính là lí do mà những câu nói: “con người chẳng hiểu được chính mình nữa là hiểu người khác”, bởi tất cả những gì con người thường hiểu là cái vỏ tối thiểu cần thiết bên ngoài cái “tôi bản ngã đích thực” mà thôi. Nhưng đi tìm nó là đi tìm một thứ “không có hướng, không chiều sâu, không trọng lượng, không thể nắm bắt. Không chỉ là bóng tối mà là Hư Vô.” “Tôi hoài nghi nên tôi tồn tại.” Và rồi, đôi lúc sẽ phải bình thản mà thừa nhận rằng, “ta, với tư cách cá nhân, đang sống dưới sự kiểm soát của một thế lực ở ngoài ta.”


Ý nghĩa sự tồn tại của con người là gì?


Hình ảnh con chim vặn dây cót? Tôi chưa thực sự hiểu, tôi chỉ đoán rằng đó là tiếng kêu của cuộc sống, tiếng kêu của sự tồn tại, khô cứng, siêu linh, mà những người nghe thấy nó chính là những người đang dần nhận thức được tính trống rỗng của một đời sống thực. Con mèo? Là sự tình cờ? Như tôi đọc được ở một bài viết thì con mèo là một trong mấy loại động vật thiêng của Nhật biểu hiện hạnh phúc ổn định, và khi con mèo ra đi là khi mọi chuyện diễn ra với Okada Toru trở nên xáo trộn lạ lùng. Hình ảnh của Wataya? Một nhân vật xuất hiện liên tục như một cái vỏ bọc méo mó, một cái gì đó rất con người, rất hạn hẹp nhưng cũng rất vĩ đại, là một thực thể như bao thực thể khác dẫn lối đưa đường cho những người không phải trải qua “cái chết tinh thần”. Kasahara May? Một cái gì đó dị dạng, một tuổi trẻ dị dạng biến chất nhưng là một cái tương lai quẫy đạp giãy dụa trong xã hội Nhật Bản cô độc, căng thẳng và nặng nề…. nhiều, nhiều lắm.


Ngoại trừ những trăn trở hết sức “triết học” về cuộc sống (những câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời), Murakami gợi lại nỗi đau dai dẳng từ cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 bằng những sự kiện lịch sử đau đớn. Đó là những cách tra tấn tàn bạo như lột da sống, những con người mất mạng trong chiến tranh, khu mỏ tàn khốc và sự trung thành ngu muội. Những sự kiến chiến tranh để lại những nỗi đau đớn khốn cùng cho cả một thế hệ đã đi vào dĩ vãng, và nỗi hoài nghi khủng hoảng cho thế hệ sau này.


Không chuẩn mực, không luân lý, không có những hình mẫu lý tưởng hay những nhân cách đặc trưng, cái siêu hình siêu tưởng kì ảo trong “Biên niên ký chim vặn dây cót” là một thứ gì đó ám ảnh, đáng sợ, một loại bóng đêm vô hình méo mó và giãy dụa, một mê cung không lối thoát, một lời câu gọi độc ác khiến con người hoài nghi chính mình, nhưng cũng là một lời cảnh tỉnh đến sự tồn tại. Tôi chẳng rõ những điều lộn xộn trên đây có phần nào chạm được đến cái mục đích của tác giả hay cái sâu xa thâm thuý của tác phẩm, nhưng giờ thì tôi nghĩ tôi sẽ chẳng dám đọc truyện của Murakami trong một thời gian dài nữa. Tôi vẫn chưa muốn được thức tỉnh – tôi khao khát nó nhưng tôi cũng sợ khi mình thức tỉnh rồi, tôi sẽ đánh mất cái tham sân si của cuộc sống con người… suy cho cùng, tôi yêu quý cái thói kiêu ngạo, ích kỉ và nông cạn của mình lắm.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét