Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Người truyền ký ức (The Giver) - Lois Lowry



Tôi thích truyện “Người truyền ký ức”, vì nó thật dịu dàng và đơn giản. Thông điệp tác giả muốn truyền đạt đi được biểu hiện rõ ràng trong câu chuyện ngắn không có cao trào thực sự này. Có thể là do nó được viết cho trẻ con chăng? Nhưng dù sao tiết tấu và thế giới trong câu chuyện vẫn khiến tôi cảm động và chua xót.


Thực ra câu chuyện cũng đơn giản thôi, bắt đầu bằng hình ảnh cuộc sống thường nhật của Cộng Đồng. Nhưng điểm khác biệt đó là Cộng Đồng đó là một cộng đồng hoàn hảo, không có bất cứ lỗi nào, không bệnh tật, không ốm đau, không phân biệt, không chiến tranh, không có bất cứ điều gì khiến con người ta có thể thay đổi cảm xúc. Họ sống giống hệt nhau, không suy nghĩ, không đau khổ, không buồn phiền, không gì cả; trong một xã hội có hệ thống luật lệ tuyệt đối chính xác và được xây dựng một cách hoàn hảo để ai cũng cảm thấy như ai, và không ai có thể mảy may suy nghĩ bất cứ điều gì bất thường khi sinh hoạt trong luật lệ đó. Mọi thứ đều hoàn hảo.


Ở đó, họ kiểm soát tất cả, kiểm soát số lượng người, số lượng thức ăn, họ phân việc nào bạn làm việc đó, phân lấy ai thì lấy người đó, phân đứa trẻ nào thì nuôi đứa trẻ đó. Mỗi năm chỉ có 50 đứa trẻ được sinh ra. Đến đúng năm mười hai tuổi những đứa trẻ sẽ nhận Nhiệm Vụ, tức là đi làm. Già hoặc không hoàn hảo sẽ bị Phóng Thích. Cuộc sống quay vòng không màu sắc, yên bình tuyệt đối. Nhưng mọi trường hợp, mọi xã hội đều có một ngoại lệ. Ngoại lệ của Cộng Đồng là Người Truyền Ký ức – người nắm giữ mọi tri thức, sự thông thái và quá khứ, rồi cứ tiếp tục tiếp tục truyền cho các thế hệ sau mãi. Một người Truyền Ký Ức đứng bên lề cuộc sống của Cộng Đồng.


Mọi thứ bắt đầu thay đổi mạnh mẽ khi cậu bé Jonas mười hai tuổi đột ngột được nhận nhiệm vụ làm người Truyền Ký Ức. Điều đó đã thay đổi tất thảy cách nhìn nhận không chỉ của riêng cậu bé mà còn có thể gọi là, mở mắt cho người đọc nhìn vào sự thật. Lần đầu tiên trong đời, khi được tiếp nhận những Ký Ức từ “The Giver”, cậu bé biết thế nào là màu sắc. Đỏ của quả táo, của mái tóc cô bạn Fiona dịu hiền đáng yêu. Xanh của thảm cỏ. Vàng của mặt trời. Rồi cậu hiểu ra từ những điều bé nhỏ mà với chúng ta là hiển nhiên nhất: cái nóng của lửa, cái lạnh của tuyết, cái ấm áp của ánh sáng, cái tuyệt mỹ tráng lệ của thiên nhiên, ở Nơi Khác; cho đến những cái vĩ đại nhất – tình yêu thương, tình bạn, tình gia đình, sự đoàn kết, cái đau đớn của thương tật, của đói nghèo, cái khốc liệt đáng sợ của chiến tranh. Từng chút một từng chút một, “quá khứ” đem lại cho những người Truyền Ký Ức sự thông thái. Người ta chợt nhận ra rằng Người Truyền Ký Ức thông thái vì họ có cảm xúc, hoặc ít ra hiểu được cảm xúc là như thế nào. Họ hiểu được quá khứ, và họ có quá khứ, chứ không chỉ sống trống rỗng trong một Cộng Đồng chính xác đến từng câu ăn tiếng nói. Họ thông thái vì họ thực sự “sống”, chứ không chỉ “tồn tại” trong một Cộng Đồng. Họ hiểu được cái tôi, cái ta, cái to lớn và cái nhỏ bé. Tất cả những điều tưởng chừng đơn giản mà không một “người” nào trong Cộng Đồng có thể hiểu được, vì ngay cả đến nhu cầu sinh lý tình dục cơ bản và nguyên thuỷ nhất của mọi sinh vật sống cũng đã bị Hệ Thống và các Bô Lão cướp đi.


Sự thông thái đi kèm với nỗi sợ hãi khi Jonas chợt hiểu ra mọi thứ đều chỉ là cái giả dối và mọi người đều là những cái xác không hồn. Cậu kinh khủng khi bạn bè chơi đánh trận giả vì cậu hiểu chiến tranh là như thế nào. Cậu hốt hoảng khi nhận ra con người trong Cộng Đồng đều chỉ là những con rối không suy nghĩ. Và cậu kinh hoàng khi nhận ra bố mình, chính bố mình đã giết một đứa trẻ dưới danh nghĩa Phóng Thích, vì trong hai đứa trẻ sinh đôi nó là đứa nhẹ cân hơn, và rằng Phóng Thích chính là cái chết, và hoá ra Cộng Đồng giết mọi người già và cả trẻ nhỏ! Ngay cả con gái của Người truyền ký ức thế hệ cũ, cô bé Rosemary, khi được chọn làm Người Truyền Ký Ức, đã lựa chọn được Phóng Thích vì không thể chịu nổi một cuộc sống dối trá, bị kiểm soát, không có bất cứ thứ gì thuộc về mình.


Jonas lựa chọn chạy trốn, trốn khỏi Cộng Đồng để buộc họ phải tự mình nhận lại Ký Ức! Cách cậu bé đó lựa chọn không chỉ để buộc con người thức tỉnh, mà còn là cách cậu bé tuyên bố rằng cậu muốn có một “sự lựa chọn” của riêng mình, và cậu lựa chọn được sống. Kết lại câu chuyện, câu bé đi tìm Nơi Khác. Nơi không phải trong Cộng Đồng.


Đưa quyển sách này cho một đứa trẻ, tức là đã cho đứa bé lựa chọn việc đẩy cánh cửa đi đến tự do, khát vọng, và sự thực. Nó không chỉ gợi nên những cảm xúc tinh tế về những điều mà con người ngày nay thường vô tình hay cố ý quên mất, gợi nên những điều tưởng chừng thật nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng cũng thật quý giá biết bao. Một câu chuyện mà như một nhát búa đập vào sự thờ ơ của con người đối với những điều vốn tinh tế nhỏ bé và bị xem như những thứ hiển nhiên nhưng lại mang ý nghĩa vĩ đại nhất. “Y chất vấn mọi giá trị đã nghiễm nhiên chấp nhận và xem xét lại mọi tín điều vững chắc nhất của mình.” Nó dành cho mọi người, mọi tương lai, mọi đứa trẻ, mọi khát khao, mọi ước mơ, mọi điều dũng cảm. Nó dành cho mọi trái tim.



Tôi còn nhiều điều muốn liên tưởng đến cuốn sách này, nhưng nghĩ lại dường như bản thân đã tham lam gán cho nó quá nhiều lý tưởng, nên đành mượn lời của sách để nói thay lí lẽ cá nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét