Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Bay trên tổ chim cúc cu - Kenneth Elton Kesey



Lâu lắm rồi tôi mới đọc một thứ xấu xí nhưng lại chân thật và đẹp đẽ như thế này. Câu mở đầu trên mới thật là điên rồ! Ai lại có thể nói một thứ xấu xí lại đẹp đẽ được cơ chứ? Nhưng với tôi, những thứ xấu xí tôi cảm nhận thấy lại mang một vẻ đẹp của hiện thực và rất “con người”. Chúng chẳng mâu thuẫn với nhau lắm đâu. Có thể tôi là kẻ điên khùng khi cứng đầu tuyên bố rằng những thứ mà xã hội tìm cách loại bỏ như sự ích kỉ, sự tham lam, sự xảo quyệt và chỉ nghĩ cho bản thân mình,… lại là những thứ tốt đẹp. Thế nhưng, không phải chỉ có mình tôi cảm thấy như vậy. Liệu có quá kiêu ngạo và bất kính khi tự nhận bản thân có chút thấu hiểu tư tưởng của một nhà văn đã viết nên một trong những tác phẩm được đánh giá là vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Mỹ? Và liệu có quá ngông cuồng khi châm biếm những bài viết đánh giá về cái cao cả, cái tình yêu cái tự do, rồi cái tính thiện-ác, bản ngã-lí tính, và ti tỉ thứ cao đẹp khác mà những người viết nhận xét gắn cho tác phẩm đẹp một cách méo mó này?


Tôi đang nói về tác phẩm “Bay trên tổ chim cúc cu” của tác giả người Mỹ Ken Kesey – Kenneth Elton Kesey. Ông tự nhận mình là cầu nối giữa hai thế hệ Beat Generation những năm 50 và thế hệ Hippie những năm 60. Tôi đoán sẽ khá nhiều người nhận thấy thời điểm này – thời điểm được đề cập trong “The Catcher in the Rye” – những năm 50 sau khi những giá trị văn hoá, luật lệ và hệ thống của Mỹ được thiết lập một cách chuẩn mực và ổn định, thì lại bắt đầu xuất hiện những thế hệ “lập dị” phản kháng lại những quy tắc chung, thách thức tôn ti trật tự và gây ra những cú sốc về mặt văn hoá. Thế hệ này nhấn mạnh vào tính tự phát và tâm linh, thích dùng trực giác hơn lý trí, và theo đuổi những thuyết thần bí phương Đông để đi tìm chân lý bên trong con người hơn là tôn giáo kinh viện phương Tây. Tôi không dám khẳng định rằng “Bay trên tổ chim cúc cu” của Kesey có chút gì đó dính dáng đến tình hình của thời đại, bởi lẽ chính ông đã khẳng định ông viết nên tác phẩm này sau khi tình nguyện tại một trại thương điên và ông thấy được những điều họ thấy. Nhưng tôi cảm thấy như vậy. Ông không chỉ viết nên một câu chuyện ảo tưởng trong nhà thương điên, ông đang viết về cả một sự xoay chuyển trong xã hội.


Câu chuyện được thuật lại bằng lời kể của một kẻ điên Kinh niên da đỏ tên là Bromden, hay còn được gọi là Thủ Lĩnh. Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh một người da đỏ cao lớn nhưng lại giả câm giả điếc và làm việc phục tùng kẻ khác như một con chó ngu dốt, một khung cảnh mờ ảo, lướt qua chậm rãi, nhịp nhàng, kỉ cương và trắng loá. Công việc nhục nhã thường nhật, bà Y tá trưởng lạnh lùng, cứng nhắc, khô khan như một cỗ máy cai quản một bệnh viện tâm thần bằng kỉ cương, nền nếp và luật lệ. Những y tá và những hộ lý da đen đầy lòng căm thù không chủ đích. Những bác sĩ vô năng chỉ có lý thuyết suông. Những con bệnh Kinh niên sống trường kì trong viện, những bệnh nhân Thực vật đã mất mọi tri giác chỉ sống bằng sự thương hại, và những con bệnh Cấp tính đang trong thời gian chữa trị. Đó là một thế giới không thực, tuần hoàn như vòng xoáy vô tận của thời gian khiến con người ta chỉ có thể cảm nhận mọi thứ bằng sự thờ ơ và bất lực.


Nhưng một thủ lĩnh mới, mà người đọc hay gọi là một người dẫn dắt, đoàn kết tinh thần hay blablabla gì đó, Murphy xuất hiện. Với tôi, là một kẻ điên theo bản năng, một kẻ sống chân thực bằng phần “con” của mình, xuất hiện. Đó không phải kẻ tử tế, chẳng phải một thánh tử vì đạo, cũng có thể hắn có cái tốt đẹp người ta có thể thấy qua cách hắn gắn kết và cứu giúp những con bệnh trong nhà thương điên này, nhưng hắn gần như là một kẻ sống phi lý tính, một kẻ bất chấp mọi lề thói xã hội. Tôi chẳng biêt có tên gọi Murphy ngổ ngáo là hình mẫu cho sự nổi loạn để chứng minh và cứu giúp xã hội hay không, nhưng chắc chắn hắn ta không được xếp vào hàng ngũ “sống và phá bỏ luật lệ để tạo ra sự khác biệt” như các bạn trẻ ngày nay hay tự tin. Không hề có ý xúc phạm đâu, hắn có tạo ra sự khác biệt và hắn có đúng là chính mình đấy, nhưng hắn và những kẻ đáng thương chết dần chết mòn trong cái nhà thương điên đó cũng vẫn chỉ là những tấm gương méo mà thôi. Hắn là một kẻ với hồ sơ đầy rẫy những tội danh và được thuyên chuyển đến nhằm mục đích chữa bệnh, nhưng ngay khi vừa đến Murphy đã ngửi ra được cái gồng kiềm hãm mài mòn con người ở nơi này.


Có thể dễ dàng đưa ra được nhận xét ban đầu rằng viện thương điên đó là một nơi thật kinh khủng, thay vì chữa bệnh cho những người điên lại gồng họ vào những thứ khôn phép giả dối và những phương thức chữa bệnh trên lý thuyết khiến họ ngày càng mất mất đi cái chất “bình thường” mà họ muốn có được sau khi tham gia chữa trị tại nơi này. Rằng mụ Y tá trưởng và đám hộ lý là những kẻ đại diện cho cái Ác, những kẻ đàn áp cái Thiện, những thế lực đen tối điều khiển ngầm những con người đáng thương hèn hạ đó. Tất cả đều bất bình trước sự cai trị của Y tá trưởng và lũ hộ sĩ, vì chúng không chỉ huỷ hoại những kẻ điên bằng những liệu pháp dã man mà vì chúng còn khơi dậy được cái hèn dạ trong bản chất của bệnh nhân trong những buổi thảo luận. Họ công kích lẫn nhau, bêu riếu, soi mói và chống lại nhau dưới danh nghĩa trị liệu tích cực. Lúc đầu Murphy đinh ninh rằng hắn đã nắm bắt được cái luật lệ ở chốn đó, rằng mụ y tá trưởng chỉ là một con đàn bà khốn khiếp mà hắn sẽ lấy làm thích thú lắm khi thách thức và nổi loạn chống đối mụ. Không không, hắn ta chưa biết hết. Hắn ta chỉ là một kẻ bồng bột ưa cá độ đã đem việc hắn có thể chống lại và khiến mụ Y tá trưởng nổi khùng ra để cá cược với các bệnh nhân khác, để chứng minh họ là những kẻ nhu nhược sống lặng lẽ trong cái kiếp chó mèo.


Những trò chống đối dường như đã có tác dụng gì đó, khiến họ tự nhiên có sức sống hơn. Trước khi Murphy đến, họ đã phải sống trong cái quan niệm:


“Thế giới….thuộc về kẻ mạnh, anh bạn ạ. Quy luật tồn tại của chúng ta là kẻ mạnh càng mạnh thêm, ăn tươi nuốt sống kẻ yếu. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Nó phải như vậy, không cần bàn cãi gì nữa. Chúng ta phải học lấy cách tiếp nhận nó như một quy luật tự nhiên. Con thỏ phải nhận vai của mình và phải thừa nhân con sói mạnh hơn.”


Phải nói thẳng ra, họ rốt cuộc cũng chỉ là những kẻ nhu nhược không biết tin vào bản thân mình và tự cho mình là kẻ yếu khi phần đông trong xã hội nói thế và họ biết địa vị “thỏ” của họ là như thế. Họ chạy trốn khỏi thực tại, không dám đối mặt với nó và thành một lũ điên. Thế nên họ bất lực trước những đối xử của kẻ khác dành cho họ và trở nên hèn hạ chỉ cầu được yên thân. Họ “chịu đựng, và sống theo cách đó. Nó biết địa vị của mình. Không bao giờ đánh nhau với chó sói, chẳng lẽ như thế không khôn ngoan?”. Thực ra mà nói, sẽ có nhiều người chê trách tôi hèn nhát khi tôi nói rằng quả thực sống như thế cũng là một cách khôn ngoan. Chẳng có gì sai khi muốn được sống yên ổn, được cảm thấy an toàn trước những biến đổi của xã hội và những điều những con người sống ở thế giới Bên Ngoài gán cho một phần tử lạc lõng. Ừ thì cái giá phải trả cho cuộc sống thế cũng lớn đấy, bị cầm tù, bị thiết quản. Nhưng đối với những kẻ tự dìm mình đi như vậy, những kẻ “chúng tôi ở đây không phải là thỏ, ở đâu chúng tôi cũng là thôi – chúng tôi ở đây vì chúng tôi không thể thích ứng với địa vị thỏ của mình. Chúng tôi cần một con sói mạnh được việc kiểu như mụ y tá này để học lấy vị trí.”


Câu nói này của một kẻ điên đã nói huỵch toạc ra cái bản chất xã hội và bản chất đớn hèn ăn sẵn trong máu con người. Ai cũng là thỏ thôi, nhưng ai học được vai trò của cộng đồng thì sẽ sống tốt đẹp và có thể trở thành kẻ mạnh một ngày nào đó, những kẻ không thích ứng được gì cuộc sống thế kia cũng là hợp lý. Có nhiều lí do đẩy họ vào cuộc sống thế và không thể phán xét được đúng hay sai, nên tôi không nói họ đáng phải sống cuộc sống thế, nhưng con người sinh ra là đã không công bằng – điều này ai cũng biết chỉ là không muốn thừa nhân – và nếu đã tự nghĩ về mình như thế thì nhà thương điên là địa điểm tới phù hợp. Rốt cuộc có một vài người “cần mụ ta để tôi hạnh phúc với vị trí của mình.”


Thế đấy, bản chất dìm lẫn nhau, hi sinh kẻ khác, có thể là độc ác, những “khôn ngoan – hèn nhát, nhưng khôn ngoan”. Mà quả đúng vậy mà, thừa nhận đi, ai chẳng phải nghĩ về lợi ích của mình đầu tiên. Chỉ là có dám mở miệng ra mà thừa nhận hay không thôi. Như về tôi, nhân cách đó chẳng xấu. Tốt là đằng khác. (Tự nhiên cảm thấy ở bài về quyển sách này mình lảm nhảm nhiều hẳn = w =).


Mới đầu, Thủ Lĩnh Bromden chỉ cảm thấy Murphy là một kẻ náo động phiền phức. Anh và những con bệnh trong trại thương điên còn đang mải mê trong những làn khói, làn sương mù mụ mị tuần hoàn của nhà thương điên. Những kẻ điên đó – những kẻ bị xã hội kết án điên và những kẻ tự kết án mình điên, đều tự nhủ “ta chỉ có hai lựa chọn ấy: hoặc căng mắt nhìn những gì hiện ra từ sương mù, bất chấp đau đớn, hoặc thả mình trôi đi vào lãng quên.” Không kẻ điên nào trong bệnh viện có thể thoát khỏi cái lớp sương mù che lấp thực tại đó, hay nói đúng ra là họ không hề có ý định làm vậy. Họ sợ đối mặt với thực tại khốc liệt sẽ tổn thương họ, sợ tự họ sẽ tổn thương chính mình. Lúc đầu họ có thể sẽ giãy dụa trong màn sương, trong sự hoảng loạn khi biết mình lạc lõng, biết mình hoàn toàn cô độc, để tìm kiếm một chỗ bấu víu trong thực tại dù nó có đớn đau đến đâu đi chăng nữa. Nhưng sau dần họ mệt mỏi với thực tại, nhận ra rằng sự lạc lối mất phương hướng và cô đơn cũng đau đớn như sự tự huỷ hoại, nên họ chọn cách thả mình trôi đi vào quên lãng, trong lớp sương mù bịt mắt của trại thương điên. Có những kẻ điên cũng đã cố gắng, cố gắng mãi, chỉ để không bị bỏ rơi. Trong liền 40 năm một kẻ điên Kinh Niên Pete đã sống, nếu không ở ngay trong lòng của cộng đồng loài ngừoi thì ít ra cũng ở bên lề của nó. Nhưng lão mệt, mệt lắm rồi, lão bị đào thải, chọn cách tự đào thải chính mình, và chết trong trại thương điên. Không ai có thể giúp người khác khi chưa giúp được chính mình. Tự bỏ cuộc với bản than là tất cả đã kết thúc.


Murphy không chịu được lối suy nghĩ cam chịu của những con bệnh nơi đây nên càng gắng sức phá hoại mụ Y tá trưởng cũng như thách thức những luật lê gò bó trong bệnh viện. Hắn cố kéo các con bệnh ra khỏi cái tư tưởng kiểu đó bằng những vụ biểu quyết, dân chủ, thể thao,… “Hắn cố lôi mọi người ra khỏi sương mù!”


Mọi chuyện bắt đầu có những thay đổi. Murphy nổi loạn bằng thứ cung cách bình tĩnh trêu ngươi bà Y tá trưởng và lũ hộ lý, bằng cách làm những việc hết sức ngớ ngẩn nhằm xáo loạn cái nhật biểu cứng nhắc toàn hoàn được sắp xếp như chiếc gông xiềng tinh thần đeo lên cổ bệnh nhân. Họ cũng bắt đầu phản ứng lại, hùa theo Murphy, cho rằng Murphy là ánh sáng đến, là một người cứu rỗi họ, hay là một thứ gì đó? Những ảnh hưởng của Murphy lên trại thương điên bắt đầu có những tác dụng đáng kinh ngạc, điển hình là lên Thủ Lĩnh Bromden – một con bệnh Kinh Niên, người kể chuyện, con trai của một thủ lĩnh da đỏ bị cướp đất, một kẻ đã giả câm giả điếc sống hèn mọn theo gói trợ cấp trong bệnh viện bao năm qua. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng Bromden đã đánh mất bản thân mình vào quá khứ, chỉ có thân xác tồn tại ở hiện tại, vô cảm, lãnh đạm và trống rỗng. Nhưng giờ anh bắt đầu tự hỏi, làm sao (Murphy) có thể là chính mình? Sao Murphy có thể sống đúng với bản chất của hắn thế kia, trong khi đa số mọi người đều đeo lên lớp mặt nạ giả dối để tồn tại?


Bromden bắt đầu thoát khỏi quá khứ, và lần đầu tiên sau nhiều năm anh nhìn nhiều sự việc theo cách khác. “Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi được thấy những con người không bị viền đen bao bọc và một lần trong đêm, thậm chí tôi còn nhìn được cảnh vật bên ngoài cửa sổ.” Bromden nhận ra mình đã luôn chạy trốn hèn nhát, tự giảm cầm bản thân trong thân xác chính mình, và khao khát muốn được mở mắt ra, để cảm nhận, để sống.


Nhưng chính lúc đó, Murphy nhận ra điều gì đó và dừng lại. Hắn bắt đầu biết rằng những kẻ điên trong bệnh viện không chỉ là những người lạc lối, mà còn là những kẻ cùng đường, tuyệt vọng và phó mặc số phận cho một hệ thống khô cứng muốn tốt cho họ nhưng không hiểu họ. Nhưng đáng nói hơn, hắn nhận ra mình chỉ là quân cờ trong tay những kẻ điên đó. Họ lợi dụng hắn để chống lại cường quyền, chống lại mụ Y Tá Trưởng, để có cái cớ nổi dậy. Nhận ra sự thật rằng không phải những kẻ nào trong trại thương điên cũng là điên mà chỉ là hèn nhát trốn chạy không dám đối diện với chính bản thân cũng như đối diện với xã hội, nên chọn cách sống trong một khuôn khổ giả tạo và ngồi nhiếc móc nó, và than thở. Họ đã xác định sẽ ở trong đó về lâu về dài, và sự thật là đa số đều là những bệnh nhân tự nguyện đấy chứ, chẳng có mấy kẻ được gửi vào như bản thân Murphy. Hắn nhìn thấy cái bản chất tối tăm trong con nhưng, như hình như trong suốt cuộc đời ai cũng làm mỗi một việc là dìm kẻ khác xuống thấp”. Chết thì chết chùm. Murphy khôn ngoan hơn và tự biết điều kiềm chế mình vào khuôn khổ, vì hạn thả bệnh nhân nằm trong tay quyền lực kẻ mạnh kia mà.


Có thể nói rằng thế giới trong nhà thương điên chính là xã hội thực, là thế giới của ý thức, của luật lệ kiềm hãm và của những chuẩn mực mà con người tự xây cho nhau để kiềm chế lẫn nhau. Chúng được xây dựng trên cả hai phương diện vừa tốt vừa xấu. “Phần đông các anh phải vào đây chỉ vì các anh không có khả năng thích ứng với luật lệ của thế giới Bên ngoài; các anh đã không chấp nhận chúng, cố tình bỏ qua chúng. Ngày xưa, có lẽ từ bé, người ta đã cho phép các anh phá luật mà không trừng trị. Mỗi khi vi phạm nguyên tắc, tất nhiên các anh nhận ra tội lỗi của mình. Các anh muốn bị trừng phạt, các anh cần được thế, nhưng không nhận được. Sự chiều chuộng quá đáng của bố mẹ có lẽ đã là một thứ vi trùng gây ra căn bệnh ngày nay của các anh. Tôi nói để các anh hiểu: trật tự, kỷ luật được duy trì chỉ nhằm mục đích muốn tốt cho các anh.”



Ở đời, ai cũng muốn thay đổi và viện ra lý do để phủ nhận quyền kiểm soát của những luật lệ, những quy chuẩn khô cứng lên cái tôi cá nhân, và rằng chúng là cội nguồn của sự tàn bạo hành hạ lẫn nhau nhưng, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc đó cũng là lỗi của chính bản thân mình. Trên đời này chỉ có hai loại người, loaị biết mình ích kỉ và biết thiên hạ ích kỉ; loại thứ hai biết rằng thiên hạ ích kỉ nhưng không biết mình ích kỉ. Để rồi đổ vấy cho kẻ khác và tất cả những lý vặt vãnh khác để tự giam mình trong làn sương mù hèn nhát và yên thân. Tưởng Mụ Y Tá trưởng là Ác và đám bệnh nhân đó là Thiện, khao khát tự do, yêu thương cuộc sống hay blab la bla gì đó á? Không. Có thể tất cả bệnh tật về thần kinh của họ là do cuộc sống, ngoại cảnh, con người,…gây ra, nhưng chủ yếu sự lựa chọn là thuộc về họ. (Tất nhiên trừ những trường hợp bất khả kháng như bẩm sinh, thực vật và hoàn toàn vô thức). Bên cạnh đó, dù họcó muốn tự do thật nhưng lại hèn nhát không dám đấu tranh nên lợi dụng người khác, để rồi tự nhìn mình là kẻ đáng thương và thảm hại.


Lần này, Murphy quyết định ở lại đối đầu đến cùng. Những trò phá hoại và xáo động lại tiếp tục. Người đọc hẳn sẽ nghĩ hắn muốn khiến những con người này tự tin hơn, tìm thấy cái tôi, sống cho ra sống. Rất có thể. Rất có thể hắn muốn giúp họ.


Bản thân người kể chuyện, dưới sự ảnh hưởng của Murphy khi hắn tiếp tục công trình lần thứ hai, bắt đầu thực sự nhận ra lí do mình tự giam cầm bản thân trong nhà thương điên, giả câm điếc, đó là vì không ai nguyện nghe anh ta nói cũng như anh ta không nguyện nói ra. Anh ta vẫn còn rất lưu luyến quá khứ. Nhưng bắt đầu nhận ra, bắt đầu muốn sống, muốn nói và muốn được nhận biết, muốn được thừa nhận. Anh dần hiểu lí do tại sao mình lại trở thành như vậy, là do sự chèn ép của quyền lực. Cha anh ngày trước, một thủ lĩnh da đỏ vĩ đại sống vì quê hương và lí tưởng, đã bị hạ gục và trở nên bé nhỏ: “Chúng vùi đập, bóp nặn, làm tình làm tội sao cho ông bé đi vì ông quá to, không chịu thuần phục ai và chỉ làm những gì ông muốn. Ông đã bị đối xử như mày đang bị đối xử.”

Những con người vĩ đại như vậy đã chọn cách huỷ diệt cuộc đời mình. Càng văn minh, con người càng đánh mất bản thân.


“Chúng nói với ông vậy thôi. Ông hỏi: Các vị sẽ trả bao nhiêu cho cách sống của con người? Ông hỏi: Các vị sẽ trả bao nhiêu để cho người ta là chính mình? Tụi da trắng không hiểu. Người của chúng tao cũng thế. Họ đứng trước cửa, cầm một nắm séc và hỏi ông bây giờ nên làm gì. Họ yêu cầu gửi số tiền vào một ngân hàng nào đó, mua trang trại hoặc chỉ cho họ phải đi đâu với số tiền kia. Nhưng ông đã trở nên nhỏ nhoi. Và say. Liên hợp đã nắm được ông. Nó là kẻ bất khả chiến bại. Và mày rồi cũng thua nó thôi. Chúng không để cho một con người cao lớn nghênh ngang khuấy nước chọc trời như vậy trừ phỉ ông là của chúng. Mày hiểu chứ?”


Chuyến đi câu cá có thể nói là thành công nhất của Murphy, lôi được những con bệnh ra khỏi vỏ kén và lần đầu tiên họ nhận ra một vài điều gì đó thật thiết thực. “Chưa bao giờ tao nghĩ bệnh tâm thần mang lại cho con người một sức mạnh nào đó, một sức mạnh thực sự! Nghĩ mà xem, chẳng phải con người càng điên thì càng mạnh mẽ? Hitler chẳng hạn. Còn vẻ đẹp thì làm chúng ta mất trí. Ðáng để suy ngẫm đấy chứ.”

Dù sao cũng phải nói rằng, trước khi những thiên tài chứng minh được định lý của mình, thì họ chẳng phải cũng là kẻ tâm thần hay sao?


Nhưng điều quan trọng hơn cả, hơn bất cứ thứ gì, họ nhận ra được một lẽ sống giản đơn. “Có lẽ hơn tất cả chúng tôi, McMurphy hiểu sự bốc đồng của chúng tôi là giả tạo, bởi đến tận giờ hắn vẫn chưa gây cười nổi cho một ai. Có thể hắn chưa hiểu tại sao chúng tôi không muốn cười nhưng đã ý thức được rằng người ta chưa phải là chúa tể thực sự chừng nào chưa thể nhìn mọi việc dưới cái mặt hài hước của nó. Hơn nữa, hắn lúc nào cũng cố gắng chỉ ra cái mặt hài hước ấy đến mức khiến tôi nghi ngờ: liệu hắn có nhìn thấy cái mặt kia không? Liệu hắn có nhận ra cái gì đã thiêu rụi tiếng cười ngay từ trong dạ chúng tôi không? Có thể những đứa còn lại cũng không nhận ra nổi điều đó, mà chỉ cảm thấy được áp lực của các tia, các tần số khác nhau đập vào mình từ các phía, uốn cong và xô đẩy họ lúc vào chỗ này lúc tới chỗ kia, cảm thấy Liên hợp đang tác động lên mình - nhưng tôi thì tôi nhận ra. Cũng như người ta chỉ có thể nhận ra sự thay đổi trong mỗi con người sau một thời gian dài xa cách, trong khi những người gặp họ ngày lại ngày không hề để ý, bởi nó diễn ra rất từ từ.”


Và rằng Bởi hắn biết để giữ được thắng bằng và để thể giới không làm mình phát điên thì phải biết cười vào mũi tất cả những gì đang làm khổ mình. Hắn biế́t rõ cái mặt đắng cay, biết rằng tay tôi đau, rằng bộ ngực bạn gái hắn vừa bị bầm dập, rằng gã bác sĩ bị mất kính, nhưng hắn không để nỗi đau lấn át tiế́ng cười cũng như không cho phép tiếng cười thay thế nỗi đau.”


Ngay cả vị bác sĩ cũng tìm thấy cái gì đó ở chuyến đi. Không chỉ những kẻ bị ném vào nhà thương điên mới bị điên, mới hèn nhát, mà ngay cả những con người sống ở thế giới bên ngoài cũng luôn khát khao được thể hiện mình,để tránh được sự cô độc và được cảm thấy mình đặc biệt. Cái tôi luôn là đặc tính cố hữu của loài có suy nghĩ, vậy thôi.


Đến đây nghe Murphy như một vị thánh cứu thế lọt vào trại thương điên để tạo ra một cuộc cách mạng bằng sự ngông cuồng của mình. Nhưng, xin nghĩ lại, hắn cũng là một con người, một kẻ đểu giả, có tiền sử tội phạm dài hàng trang giấy và quậy phá lung tung các nhà tù để được chuyển tới trại tâm thần có điều kiện sống tốt đẹp hơn. Hắn nghiện bài bạc và lột từng đồng từng xu của những bệnh nhân trong bệnh viện đó. Nhưng họ biết, họ biết chứ, họ điên chứ họ không ngu.


“Mỗi lần bị hắn lột, chúng ta đều hài lòng vì đã chi ra, phải không? Hắn nhanh nhẹn, thạo việc và không từ bỏ một đô la thừa nào. Hắn không khoác lên mình cái mặt nạ giả dối, đúng không? Thì chúng ta tự dối mình làm gì? Hắn bày tỏ một cách trung thực và lành mạnh nhất về sự gian xảo của mình, và tôi hoàn toàn ủng hộ hắn, cũng như ủng hộ cái hệ thống tự do kinh doanh tư bản đáng yêu của chúng ta, các bạn, hãy ủng hộ tự do kinh doanh, hãy ủng hộ sự trâng tráo thẳng thắn và không gì bẻ gãy được của hắn ta, ủng hộ lá cờ Mỹ quốc của chúng ta, ủng hộ tượng đài Lincoln và tất cả. Hãy nhớ Maine, P.T. Barnum và ngày Bốn tháng Bảy. Tôi buộc lòng phải bảo vệ danh dự cho bạn tôi, một tên lừa đảo một trăm phần trăm Mỹ quốc đỏ, xanh và trắng. Một chàng trai tuyệt diệu! McMurphy có lẽ sẽ ngượng đến phát khóc lên khi biết chúng ta đánh giá công việc của hắn với những động cơ trong sạch như vậy. Hắn sẽ tiếp nhận điều đó như một sư sỉ nục với nghề nghiệp của mình.”


Có thể nói tôi thích nhất phần thoại này trong truyện :x.


Họ tiếp tục nổi dậy, họ đã tìm thấy cái tôi của mình. Murphy kêu gái điếm đến để làm một đên nổi loạn. Trong một giây phút đêm cuồng loạn họ đã có thể nghĩ rằng chắc hẳn quyền lực và luật lệ vô hình kia có lẽ không mạnh mẽ đến vậy, không toàn năng đến vậy. Sau đêm cuồng loạn, Bibbit cắt cổ tự vẫn. Đó là sự giải thoát, một sự giải thoát khỏi tất cả bao gồm cả chính mình chăng? Không ai có thể khẳng định điều này, nhưng không ai có thể đổ lỗi cho Murphy ngoài chính hắn ta. Hắn ta dường như đã sốc nặng trước việc đó. Mụ y tá trưởng nhanh chóng lấy lại quyền lực của mình bằng cách kích động Murphy và Bromden gây ra một vụ ẩu đả để buộc họ nhận trị liệu sốc điện, điều mà, giúp Bromden tìm lại tuổi thơ, quá khứ và con người của anh. Nhưng còn Murphy đã thực sự trở nên điên dại và bị liệu pháp đó huỷ hoại hoàn toàn con người và sức sống, thân thể hắn. Trước sự trừng phạt dành cho Murphy, rốt cuộc những kẻ điên phải tỉnh ngộ: “Tớ cũng không xem nguyên nhân của tớ là duy nhất. Mặc dù thật ra trước đây mấy năm, khi còn trẻ, tớ đã nghĩ rằng sự trừng phạt của xã hội là sức mạnh duy nhất đẩy tớ vào con đường dẫn đến nhà thương điên, nhưng cậu đã bắt tớ xem xét lại toàn bộ lý thuyết của mình. Một người, kể cả người mạnh mẽ như cậu, bạn ạ, bị xua vào con đường ấy thì chắc là còn một nguyên nhân nào đó.”


Bibbit cắt cổ tự vẫn, Murphy nổi điên sau trị liệu và bị phẫu thuật não. Anh biến thành một hình nhân sống thực vật khốn khổ. Họ nhận ra tất cả là tác phẩm của họ, ngay cả sự chống đối của Murphy cũng là vì họ, do họ tạo nên, do sự tự thương hại mình của họ khiến anh cảm thấy thương hại và quyết định ở lại với họ. Và Bromden, không nỡ nhìn con người một thời oanh lạc đó giờ đã chịu thua số phận và sống khổ sở từng giây, đã giải thoát Murphy khỏi cái đau đớn trần tục, cái khốn khổ của thân xác.


Bromden giết Murphy. Để hắn an nghỉ.


"Mỗi người đều có những phức tạp riêng, cũng như chúng ta thôi. Họ vẫn còn là những thằng người bệnh tật về nhiều mặt. Nhưng ít nhất là thế: họ đang là những thằng người. không còn là thỏ nữa rồi. Và có thể, một lúc nào đó họ sẽ là những người khỏe mạnh. Cái đó thì tôi không biết được."


Thủ lĩnh tự do. Anh trở về quê hương. Về lại với thực tế. Với cuộc sống.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét