Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Báu vật của đời - Phong nhũ phì đồn - Mạc Ngôn



Tôi vừa ghét, vừa thích “Báu vật của đời”. Nói đúng ra, tôi thích cái tính lịch sử trôi qua xung quanh các nhân vật trong truyện và thích cái vững bền không thay đổi trong ý chí và tính cách sắt đá của người mẹ trong “Báu vật của đời”. Nhưng đồng thời tôi ghét nó vì nó khiến tôi có cảm thứ cảm giác dữ dội, một giấc mơ không thật như vũ bão, một thứ xót xa cay đắng nhưng huyễn hoặc. Trong “Báu vật của đời – Mông to vú nẩy” có một thứ bản năng nguyên thuỷ nhất quẫy đạp giúp con người sống sót – tôi không rõ những luận văn tôi đọc được về việc truyện của Mạc Ngôn mang hơi hướm tâm lý học theo trường phái Sigmund Freud có đúng hay không, nhưng với cảm nhận cá nhân, tôi nghĩ rằng cái thứ bản năng của Mạc Ngôn trong truyện không chỉ là bản năng nguyên thuỷ mà còn là đứa trẻ thầm kín tận sâu thẳm con người.


Có lẽ tôi không cần phải nói về Mạc Ngôn – người đã đạt giải Nobel văn học vì có thể dễ dàng google. Tôi cũng không cần thiết phải nói kĩ lưỡng về những biện pháp nghệ thuật trong truyện vì có những nhà nghiên cứu trí tuệ đầy mình đã nghiên cứu về chúng. Tôi muốn nói về cảm nhận của tôi qua từng thời kì lịch sử Trung Quốc thong qua nàng Lỗ thị một đời không phút nào đổi thay với phương châm càng khổ càng phải sống, sống vì con cháu và những người con của bà.


Người đàn bà đáng thương Lỗ thị, người mẹ đáng thương đó cả đời nhọc nhằn khốn khổ còn hơn con la con bò. Cuộc sống của nàng thậm chí không phụ thuộc vào nàng mà phụ thuộc vào lịch sử, vào chế độ. Cái thuở đó người phụ nữ cắm mặt xuống đường biết đâu được cái thú sống vì bản thân mình, con người mỗi người là một cá thể, mà chỉ sống để làm tròn cái tình cái nghĩa với đời do kẻ khác đặt ra. Ngay từ bé (năm 1900) Lỗ Toàn Nhi ở đất Cao Mật đã mất gia đình vì quân Đức tràn vào tàn phá, nên phải đến sống với bà cô và chú dượng Vu Bàn Vả. Thời phong kiến coi mạng người không bằng rơm rạ với những hủ tục hành hạ con người đó hiện lên rõ ràng qua nỗi khổ suốt 11 năm Toàn Nhi phải chịu bó chân – loại hủ tục chỉ nhìn chân nhỏ không nhìn phẩm chất để định giá mua bán gả chồng cho người phụ nữ khiến họ không chỉ cả đời mang bàn chân dị dạng đi không được đứng không xong, mà còn khiến họ bị trói buộc vào một thứ luật lệ tàn nhẫn vô nhân tính khinh rẻ vai trò của họ trong xã hội. Cái đau đớn buốt óc huỷ hoại mài mòn cả tinh thần lẫn thể chất đó chỉ được giải phóng khi Toàn Nhi 16 tuổi. Nhưng 17 tuổi thanh xuân, cuộc sống của Toàn Nhi bước vào một trang mới đằng đẵng đau khổ khó nhọc tủi hờn.


Nàng về làm dâu nhà Thượng Quan qua cuộc trao đổi phá giá của bà dì với mẹ chồng là bà Lã. Vì giờ đây tiêu chuẩn kén chọn dâu công nương cao quý đâu có dựa vào “gót sen vàng” nữa, nên Toàn Nhi về làm dâu trong một gia đình lò rèn khá giả mà bà Lã làm chủ, với ông bố chồng mãi không lớn, và người chồng ngu ngốc cun cút trước mặt mẹ nhưng hở ra là bạo hành với nàng, lại còn bị bất lực không thể cho nàng nổi một mụn con. Mang tiếng đến làm dâu nhà khá giả mà cuộc sống của Toàn Nhi khổ cực như một kẻ tôi tớ, con trâu con bò làm việc quần quật mà vẫn chỉ bị chửi mắng liên hồi vì không đẻ được. Rốt cuộc cái khao khát nối dõi tông đường độc ác của dân châu Á thông qua bà Lã đè năng lên đôi vai bé nhỏ của Toàn Nhi khiến nàng phải đi xin giống khắp thiên hạ để mong có con. Khốn khổ thay, nàng đẻ ra liền 8 đứa con gái, đến đứa thứ 9 mới là con trai. Cứ mỗi đứa con gái ra đời là sự khổ cực khinh thường nàng lại tăng lên một cách tàn nhẫn. Lai Đệ và Chiêu Đệ đều là con của chính chú dượng Vu Bàn Vả của nàng; Lãnh Đệ là con của một anh chàng bán vịt dạo; Tưởng Đệ là con của một gã thầy thuốc rong; Phán Đệ là con gái một kẻ bán thịt ở thôn khác; Niệm Đệ là con của một…gã hoà thượng chùa Thiên Tề giúp bà Lã chữa bệnh; Cầu Đệ là giống má khi nàng bị bốn tên lính Nhật thay phiên cưỡng hiếp ở bờ song Thuồng Luồng; và cặp cuối cùng Kim Đồng – đứa con trai duy nhất của nàng, và Ngọc Nữ, là con của một mục sư Thiên Chúa Giáo Maloa.


Chính tập tục trọng nam khinh nữ là thứ bạo hành đáng sợ nhất đã huỷ diệt toàn bộ cuộc đời của Lỗ Thị. Là một người phụ nữ, phải biết đẻ, và phải đẻ được con trai. Nói như vậy khác nào coi người phụ nữ, một con người chỉ là công cụ để duy trì nòi giống thấp kém? Cứ mỗi đứa con gái sinh ra, Toàn Nhi càng cảm thấy được sự bất công của xã hội và chế độ đang từng phát phang vào nàng những nhát nghiệt ngã. Thậm chí ngay sau khi đẻ, chưa được nghỉ ngơi mà nàng phải đội nắng để lật rơm, làm việc quần quật trong khi bố chồng với chồng ngồi trong bóng râm cãi nhau. Trong lòng người con gái giàu tình thương mà bất hạnh đó bắt đầu có những oán giận căm thù chế độ đã đào mả chôn sống mình. Nàng thà rằng đẻ cả ngàn đứa cũng không đẻ giống má nhà Thượng Quan, như một cách tuyên bố rằng dù nàng có đẻ bao nhiêu con đi chăng nữa nàng cũng sẽ không nuôi dạy chúng bằng cái cách mà xã hội và chế độ đã hành hạ nàng. Đâu phải nàng không muốn tìm đến cái chết cho nhẹ nợ, nhưng bản chất con người lại vốn là tham sống sợ chết. Đứng bên bờ sông nhìn thấy sự tươi đẹp của quê hương, rồi lại nhớ đến những đứa con tội nghiệp, nàng đem một than tàn tạ biến chất trở về tiếp tục những ngày tháng gian truân nuôi dạy con cháu. Nhưng dù có khổ đau tuyệt vọng thế nào, nàng vẫn là một người mẹ vĩ đại với tình yêu thương con cháu cao cả, điều xuất hiện dồn dập và liên tiếp thông qua những cảnh trong truyện. Người đàn bà đó không sống vì mình nữa, mà hiến thân tận tuỵ cả đời chỉ vì tình nghĩa con cháu mà thôi.


Rồi quân Nhật đến giết đi cả gia đình Thượng Quan, khiến nàng từ vai trò làm dâu, làm mẹ trở thành người mẹ lớn, người bà, người cáng đáng cả gia đình khổng lồ 9 đứa con côi cút. Bao thế lực, bao chế độ cứ đến như cơn bão quét thẳng vào con người và vùng đất Cao Mật ấy nhưng không thể lay chuyển nổi lòng dạ sắt đá quyết tâm sinh tồn để nuôi con nuôi cháu và ý chí quật cường sống vì tình thương của người đàn bà khốn khổ này. Người bà, người mẹ bé nhỏ đó vậy mà lại trở nên to lớn luôn giang tay bảo vệ con cháu của mình trước mọi thế lực thù địch. Nàng dường như không chỉ là một người mẹ vĩ đại, nàng còn là đất mẹ vĩ đại, là máu thịt quê hương, là trôn rốn cội nguồn, là điểm tựa nơi mỏi mệt, là thành trì ẩn náu an toàn và trung thành, là cầu nối tình thương trong cái gia đình khổng lồ đó. Nàng không chỉ là hình ảnh một người mẹ Trung Quốc vĩ đại, mà còn là hình ảnh chung của những người mẹ tận tuỵ cả đời vì con vì cháu. Ngay cả khi những đứa con yêu thương mang nặng đẻ đau của nàng lớn lên, rời nhà, có những tư tưởng đối lập nhau, xung khắc nhau, mỗi đứa con gái mang trên mình một thời kì khác nhau, một số phận đều nghiệt ngã khác nhau, tư tưởng chính trị khác nhau, thì đối với nàng, tất cả vẫn là những người con yêu thương cần nàng giơ tay bảo vệ và đón nhận.


Nỗi đau của người mẹ ai hiểu cho thấu khi phải bán cả con không cần tiền chỉ để mong con có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ai hiểu được nỗi lòng cay đắng của nàng khi đứa con cả ra đi thanh xuân trở về điên dại, đứa con thứ hai ra đi mơn mởn trở về khô héo; đứa thứ 3 thành Tiên Chim mà sống nửa người nửa thú vật vờ dặt dẹo; đứa thứ 4 tự bán mình cho nhà thổ để có tiền giúp mẹ, khi trở về thành cái xác sống cho thiên hạ chỉ trỏ chê cười, cũng thành một biểu tượng tát vào mặt chế độ thối nát từ bên trong; đứa thứ 5 đem bán vào năm 41 đói kém tưởng không sống nổi, thứ 6 sống với chế độ mới kết cục cũng tồi tàn; đứa thứ 7 lấy Tây mà chết trong hang với chồng, đứa con gái thứ 8 bị mù tự chọn kết liễu đời mình để không làm gánh nặng cho mẹ, và đứa con trai duy nhất mang tất cả hoài bão mơ mộng và niềm tin của nàng lại là một kẻ vô dụng cả đời bám vú mẹ, bám vú phụ nữ, không làm gì cho ra thần hồn. Rồi đến năm 60, nạn đói đến như cơn bão khiến Lỗ Thị thậm chí biến cả dạy dày mình thành túi đựng lương thực để nuôi con, nuôi cháu. Nàng ăn vụng đậu của hợp tác xã rồi về nhà lấy đũa nôn ra mà nuôi con đàn cháu đống của nàng.


Chính trên con người nàng, người đọc có thể thấy được cả những mặt tốt lẫn những mặt xấu của các thế lực chính trị cứ thay phiên nhau đổi thời thay thế. Ngòi bút đau khổ, mộng ảo và sâu cay đó châm biếm những thế lực chính trị một cách cay đắng, rồi lại hướng ngòi bút đến những nạn nhân của chúng là những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể nhẫn nhục chịu đựng sống sót cho qua ngày. Hết Đức, Nhật, Quốc dân Đảng rồi đến Cộng sản Đảng, tất cả những thế lực chính trị đáng lẽ phải giúp người dân có cuộc sống tốt hơn thì lại chỉ cướp dần cướp mòn tất cả, hiển hiện rõ ràng nhất khi cướp đi từng đứa con, từng đứa cháu một của nàng Lỗ Toàn Nhi kiên cường khốn khổ. Ngoài việc nuôi dưỡng 8 đứa con gái 1 đứa con trai mang nặng đẻ đau, nàng còn phải cáng đáng nuôi dưỡng them 8 đứa cháu của các con gái với những hoàn cảnh khác nhau. Có thể nói rằng những đứa cháu của nàng chính là tàn dư của những thế lực, của những tư tưởng cũ. Nhưng nàng bất chấp tất cả, dù chúng có xuất thân thế nào chúng vẫn là con cháu của nàng, nàng vẫn một lòng trung kiên yêu thương cháu chắt bằng tình yêu của đất mẹ chứ không hề soi xét đánh giá chính những cội nguồn của đám tàn dư nàng nuôi lớn đã từng chút phá huỷ cuộc đời của nàng. Có thể nói nàng còn là một nhân chứng lịch sử chân thật, một chiếc hộp bao bọc duy trì lịch sử.



Ở thời điểm này, hình ảnh của Lỗ Thị không chỉ là người mẹ vĩ đại của, mà còn là cả đất nước Trung Hoa trải bao thăng trầm, giãy dụa tìm ra con đường sống sót phát triển, đem trong mình cả cái cũ lẫn cái mới, những cái tàn dư và cả những quả trứng tương lai. Đau thương khốn khổ nhưng vĩ đại, cơn lốc kéo đến vùn vụt trong một đời người như một cơn ác mộng không thể nào tỉnh dậy nổi, ngay cả đến chết vẫn không yên thân. Cảnh cuối cùng khi nàng nằm xuống mồ mả ở tuổi 95, nàng vẫn bị “ông chính phủ” doạ đào lên vì chon không đúng chỗ. Con trai nàng, đứa con Kim Đồng hi vọng và vô dụng của nàng, chạm vào những cánh hoa đỏ mà phải thốt lên, đất đó cũng toàn là máu của những con người đã nằm xuống….


Tuy vậy cũng phải nhận định rằng mặc dù yêu thương con cái hết lòng, Toàn Nhi vẫn bị ảnh hưởng bởi hủ tục trọng nam khinh nữ thời phong kiến, điển hình là qua sự kiện dành hết dòng sữa cho đứa con trai Kim Đồng duy nhất mà ngay cả Ngọc Nữ là chị sinh đôi với Kim Đồng cũng không được nếm qua dù chỉ một lần. Hoặc là qua những lần nàng ngăn cấm các con gái đến với  người yêu, mặc dù sau đó nàng nhanh chóng nhận ra mỗi đứa con đều có số phận riêng do chúng tự chọn và điều duy nhất nàng có thề làm cho con cái là luôn đứng ở nơi các con có thể tìm về để bảo bọc giúp đỡ chúng một cách hi sinh và thầm lặng. Ngay cả tên của 8 đứa con gái của nàng: tất cả đều hướng đến ý nguyện mong có con trai, là người đọc có thể hiểu được sự nặng nề của hủ tục này.


Xuyên từ đầu truyện đến cuối truyện là hình ảnh hai bầu vú xuất hiện liên tục liên tục không gián đoạn trong tâm tưởng Kim Đồng, đứa con trai duy nhất của Lỗ Thị. Kim Đồng mắc chứng yểm sữa, cả đời không làm nên nổi trò trống gì, chỉ sống bám vào dòng sữa máu thịt của mẹ và của phụ nữ. Nhưng vai trò của Kim Đồng, phải nói là đôi lúc ngu ngốc, không chỉ là một người kể chuyện trong cuộc và chứng kiến hết những đổi thay biến chuyển của xã hội, mà theo thiển ý cá nhân tôi còn là một loại hình tượng bẽ bàng cho chế độ trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến – vô dụng, bị ám ảnh điên loạn, khốn khổ đáng thương và tù túng. Chàng trai đó cũng là một nạn nhân của của trọng nam khinh nữ, vì dành tất cả cho Kim Đồng mà Kim Đồng không biết làm gì cả, chỉ bám vú mẹ mà sống thôi. Bên cạnh đó, cũng chính nhờ những hoàn cảnh nhục nhã chính Kim Đồng trải qua trong những thăng trầm xã hội và nỗi ám ảnh về hai bầu vú của chàng mà người đọc có thể hiểu được tầm quan trọng của cội nguồn, của người phụ nữ, của dòng sữa nuôi dưỡng tinh thần con người. Sâu thẳm bên trong con người là đứa trẻ thơ bản năng cần dòng sữa tinh thần của mẹ bao bọc bảo vệ và nuôi dưỡng, và ngay cả khi lớn lên thì tầm quan trọng của đôi bầu vú và dòng sữa đó càng trở nên khẩn thiết và an toàn hơn. Chính hình ảnh yếu nhược của Kim Đồng – niềm hi vọng đáng thất vọng của Toàn Nhi, đứng cạnh những hình ảnh những người đàn ông đáng mặt đàn ông con rể của Toàn Nhi, mà người đọc có thể nhận ra rõ ràng vị trí kiên cường không thể đổi dời của người phụ nữ trong cuộc sống và xã hội.


Nếu cuộc đời của người mẹ cao cả vĩ đại Lỗ Toàn Nhi bị bịt kín trong bốn bức tường đau khổ tủi nhục, của một thế hệ phong kiến già cỗi, là biểu tượng của sự vững bền như kiềng ba chân giữa giông tố cuộc đời thì những đứa con gái bất khuất của bà lại là đại diện cho những biến chuyển đổi thay, những luồng tư tưởng mới mẻ của xã hội chồng chất lên nhau, đại diện cho sự vùng dậy trong nữ quyền và trong khao khát yêu đương. Người ta thường nói người phụ nữ là bóng tối, với dòng sữa nuôi dưỡng nhân loại và tử cung ẩm ướt kì bí sinh ra những sinh linh mới; họ bất diệt và điên cuồng; họ say đắm và đầy nhiệt huyết. Tám đứa con gái mạnh mẽ dấn thân vào đời một cách không hề do dự của Toàn Nhi ngược hẳn lại với đứa con trai của nàng. Họ khao khát tình yêu và hạnh phúc, dám nghĩ dám làm dám dùng toàn bộ bản năng để yêu, để sống, để tồn tại, để vượt qua những thăng trầm cuộc đời. Có thể nói thế hệ những đứa con của Toàn Thị là thế hệ vừa mới chập chững rời được bóng tối phong kiến và nhìn thấy ánh sang dân chủ tư bản giả tạo. Mỗi câu chuyện về mỗi người con của Toàn Nhi đều có thể trở thành một thiên tiểu thuyết vĩ đại.


Con cả Lai Đệ của nàng, ngay từ nhỏ đã phải giúp đỡ mẹ và gia đình. Phận con gái không được chú ý lại thêm lỗi đẻ toàn con gái của mẹ khiến Lai Đệ phải làm lụng trông em như người mẹ thứ 2 trong gia đình, cũng chính từ đó đã hun đúc lên tính cách quật cường, độc lập, bền chí liều lĩnh của nàng. Trong Lai Đệ phảng phất hình ảnh của Lỗ Toàn Nhi, nhưng say đắm và bất chấp hơn nhiều. Khao khát hạnh phúc,18 tuổi trăng tròn Lai Đệ đã phản kháng lại sự ép duyên của mẹ với thằng Câm để bỏ trốn cùng người nàng yêu là Sa Nguyệt Lượng, một người đàn ông hùm báo mang tiếng Hán Gian. Không được bao lâu, Sa Nguyệt Lượng tự sát để lại người đàn bà đang khao khát tình yêu cuồng dại và hạnh phúc, khiến Lai Đệ lâm vào mối quan hệ bất chính với Tư Mã Khố, chồng của em gái, và sinh ra Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng. Hai đứa trẻ lớn lên trong vòng tay bà ngoại, và bị chính quyền Cộng sản mà Phán Đệ đại diện giết chết. Khi trở về, dù điên dại vì nỗi thương chồng, nàng Lai Đệ đó vẫn quật cường mà sống, quật cường mà khao khát tình yêu bất chấp cả luân lý đạo đức. Cùng mẹ gánh vác cuộc sống gia đình và bảo vệ các cháu trong những cuộc chạy loạn giặc cực khổ gian nan, trong những trận đói kém khát cháy cả thần chí tâm tính con người, nhưng trong Lai Đệ vẫn hừng hực lửa sống và lửa khao khát yêu, để rồi khi nàng phải gạt nước mắt lấy một tên điên dại đi qua chiến tranh, nàng đã bất chấp tất cả lao vào cuộc ngoại tình với Hàn Chim, mối tình cũ của em gái Lãnh Đệ, để thoả mãn nhu cầu khao khát của chính mình, thách thức cả xã hội thối nát. Cuộc tình duyên của Lai Đệ với Hàn Chim vừa treo nghoe vừa kì lạ, vì nó sai trái về mặt đạo đức, nhưng lại dễ dàng thông cảm về mặt tình cảm, vì đó là cuộc tình cứ rỗi linh hồn khô cạn của người con gái khao khát yêu thương. Khi bị chồng phát hiện ngoại tình, nàng thà giết chồng còn hơn ăn năn hối cải, vì về bản chất nàng đâu có tội khi khao khát được làm một người phụ nữ, được thoát khỏi gông cùm, được yêu? Cái chết của Lai Đệ sau khi giết chồng như một cách xã hội khẳng định bầu trời hoài bão, bầu trời tự do dân chủ và ước mơ mà xã hội hứa hẹn chỉ là thứ ánh sáng ảo tưởng. Thứ ánh sáng “dân chủ tư sản” sau Cách Mạng Tân Hợi chỉ làm héo rũ mòn xéo con người, tạo nên sự cô đơn vật vờ không nơi dừng trú chứ có đem lại được lợi ích gì cho người dân? 


Cuộc đời đứa con thứ hai của Toàn Nhi là Chiêu Đệ cũng tréo nghoe đau đớn, cũng đầy tình yêu và theo cá nhân tôi nhận xét là trọn vẹn, ngay cả khi nàng chết khi tuổi đời còn quá trẻ. Lai Đệ mở đường cho sự vùng dậy theo đuổi hạnh phúc, và Chiêu Đệ cũng lao thân vào tình yêu bằng trái tim chân thành và nhiệt huyết. Nàng quyết tâm làm vợ Tư Mã Khố, một người đàn ông kiêu hùng đầu đội trời chân đạp đất không sợ thiên hạ, bất chấp cả việc Tư Mã Khố đã có 3 người vợ. Có hề gì, nàng làm vợ thứ 4. Toàn Nhi hiểu những đứa con gái của mình, chúng khao khát tình yêu và bạo dạn đến vậy thì có 8 ngựa kéo cũng chẳng giằng lại được, huống chi là người mẹ khốn khổ cũng từng khao khát hạnh phúc. Ngay cả khi sau này Tư Mã Khố ăn nằm với Lai Đệ, thì giữa Chiêu Đệ và Tư Mã Khố cũng từng có tình yêu chân thật, thứ tình yêu kết tóc sắt son của Chiêu Đệ theo Tư Mã Khố đến cùng trời cuối đất, từ những ngày lên voi đến ngày xuống chó, cho đến tận ngày Chiêu Đệ chết trong trận bom đạn của Lỗ Lập Nhân, tình yêu đó vẫn không hề thay đổi.  Tư Mã Khố cũng thực long yêu nàng Chiêu Để thuỷ chung, thể hiện qua hình ảnh cười điên loạn khi bế xác Chiêu Đệ đi ra khỏi nhà xay. Mặc dù Tư Mã Khố và Chiêu Đệ là đại diện của chế độ Quốc Dân Đảng, nhưng lại được kính trọng yêu mến bởi sự gần gũi, đặc biệt là Tư Mã Khố nổi danh oanh hùng đến tận lúc bị xử tử. Cuộc đời ngắn ngủi của Chiêu Đệ không hề khiến nàng bị mờ nhạt, bởi nàng, giống chị cả Lai Đệ, cũng là một biểu tượng của khao khát và theo đuổi tình yêu bằng cả mạng sống và con tim, biểu tượng của tuổi trẻ điên khùng, biểu tượng của những cánh chim mộng mơ muốn bay khỏi vùng trời tù hãm đến với tự do. Nào ngờ đâu những cánh chim đó đôi lúc bay cao quá, mỏi mệt quá, và đến lúc phải dừng lại. Kết thúc tưởng chừng bi kịch của Chiêu Đệ hoá ra lại thành trọn vẹn, vì nàng chết trong hạnh phúc.


Nhưng có những cánh chim bay không trọn vẹn như Lãnh Đệ. Đứa con thứ ba của Lỗ Thị, xinh đẹp, duyên dáng và cũng yêu thương nhiệt huyết, đã yêu Hàn Chim, một người đàn ông chân chất tình cảm và thuỷ chung. Nhưng tai hoạ ập đến đầu của cặp uyên ương khi Hàn Chim và những thanh niên khác bị bắt sang Nhật làm nô lệ. Bi kịch tình yêu trong truyện của Mạc Ngôn, như hay được các chuyên gia nói, là dùng nghệ thuật lạ hoá, mang motif “Liêu Trai chí dị”: ông cho Lãnh Đệ biến thành Tiên Chim, bị chim thần nhập hồn để trừng phạt kẻ gian ác và để cứu chữa dân tình bằng thức ăn cho chim. Nàng được tôn thờ, được chào đón, nhưng vẫn mang trong cơ thể tràn trề sức xuân khao khát tình yêu và nhu cầu sinh lý. Hình tượng Tiên Chim là hình tượng một người phụ nữ bế tắc, tuyệt vọng trong tình yêu đến mức dở điên dở dại, thậm chí sau khi bị cưỡng bức bởi Tôn Bất Ngôn (Tôn Câm), được giải toả nhu cầu sinh lý kiềm nén, Tiên Chim Lãnh Đệ giương đôi cánh và lao xuống sườn dốc tự vẫn. Hành động đó như một hành động tự giải thoát cho sự bế tắc không lối thoát; cũng có thể nói đó là kết thúc hợp lý nhất cho những sinh linh cô đơn lạc lõng không có tình yêu làm nền tảng của đất Trung Hoa trong thời kì biến động đã không thể hoà nhập kịp với thời cuộc.


Cô năm Phán Đệ cũng yêu, cũng có khao khát hạnh phúc của tuổi trẻ. Cô yêu một Đảng viên Cộng Sản là Lỗ Lập Nhân, nhưng đáng tiếc thay cặp vợ chồng Cộng Sản này lại là đại diện của một Đảng Cộng Sản hẹp hòi, nông cạn, ích kỉ và lạc hậu. Cả cuộc đời của Phán Đệ và chồng chạy theo tiền tài và danh vọng, lúc nào cũng nung nấu trog tâm khảm khao khát quyền lực đứng trên người khác. Từ sau khi Đảng Cộng Sản lên ngôi, Phán Đệ bắt đầu có quyền lực, đứng trên người khác, cũng trở nên sắt đá và ngang ngược. Trong chị cũng có cái tình cảm gia đình của nhà Thương Quan, nhưng nhiều hơn hết là sự ích kỉ tự yêu mình mãnh liệt, thậm chí còn hơn cả yêu chồng yêu mẹ. Tư tưởng của Phán Đệ ngập chìm trong những lí thuyết chính trị sáo rỗng và cao vời vợi, tách xa với thực tế, với nhân dân, chỉ chăm chăm giữ lấy quyền lực tiền tài cá nhân. Khi cần, những Đảng viên Cộng Sản đó sẵn sang vứt cả nguồn cội gốc gác gia đình, thay tên đổi họ chỉ để tránh rắc rối hoặc để thăng tiến (nào nghe quen không?). Cô là đại diện điển hình của chính trị rời xa nhân dân và cuộc sống, là hình ảnh Trung Quốc những buổi đầu cách mạng Cộng Sản. Nếu người đọc Báu Vật Cuộc Đời của Mạc Ngôn từng học Thuốc của Lỗ Tấn thời cấp 3, sẽ nhớ mang máng cái tàn bạo, cái lạnh lung và mù quáng của Cách mạng thời đó. Một xã hội sai lệch về nhận thức và đạo đức, một xã hội lũ bần nông vô học đè đầu cưỡi cổ người khác, vùi dập những trí thức khao khát cống hiến, coi thường sỉ nhục tư sản vô lý là một xã hội chết, một xã hội lạnh lùng và vô hồn mặc con người ta chết đứng. Trên con đường đạt đến danh vọng xa hoa trong một xã hội thối nát, Phán Đệ sẵn sang hi sinh mọi thứ, không chỉ là tên tuổi sau này khi mang danh thành phần cộng sản cực đoan, mà còn đánh đổi cả tính mạng của thân nhân: chính chị là người đã thi hành lệnh giết chết Tư Mã Lương, Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng, con của Tư Mã Khố với hai người chị của mình. Tư Mã Lương trốn thoát, nhưng Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng không thoát khỏi số phận chết bi thống dù chỉ mới là 2 đứa trẻ đáng thương, mà ngay cả mẹ Phán Đệ, Toàn Nhi, cũng không thể thay đổi được. Vậy mà bà vẫn kiên gan cắn răng nuôi đứa con của Phán Đệ chỉ vì chị ích kỉ: mẹ nuôi con của các chị thì cũng phải nuôi hộ con!


Phán Đệ và Niệm Đệ (lấy một chàng Tây Bácbit) có thể nói là những góc khuất của lịch sử, là đại diện của sự hám danh vọng nhưng đồng thời cũng là nạn nhân tư tưởng của những buổi đầu chế độ mới khiến người đọc vừa căm phẫn vừa thương cảm. Những sai lầm lịch sử đó đã phải trả bằng máu, bằng nước mắt, bằng tình thương của nhân dân! Rồi rốt cuộc, cái chết biểu tượng của cả hai người con gái Phán Đệ và Niệm Đệ của gia đình Thượng Quan như một lời kêu cứu, một sự hả hê, cũng là một vết cắt đau long: Niệm Đệ chết cùng chồng trong một chiếc hang hẻo lánh cùng một cùng đàn bà vô danh, Phán Đệ lặng lẽ ngậm ngùi chết với ước muốn cuối cùng của đời là được trở về nhà, về cội nguồn sinh ra. Bức thư cuối cùng trở về với thi hài của Phán Đệ như một lời chuộc lỗi tha thiết, một lời cầu lỗi của kẻ sa ngã mong muốn trở về chốn bình yên ban đầu bên mẹ. Phán Đệ và Niệm Đệ như một vết nhơ trong lịch sử mà con người muốn được lãng quên nhưng không thể bị gạt bỏ, bởi cái chết của cả hai không chỉ là sự khao khát chuộc lỗi, mà nó còn là dấu hiệu sụp đổ của những tư tưởng thối nát, mở đầu cho thời đại mới.


Đối lại với hai người chị khao khát yêu thương, hai người chị chạy theo danh vọng, đó là hai nhân vật trong sáng thánh thiện nhất bộ truyện: Thượng Quan Tưởng Đệ và Ngọc Nữ. Tuy nhiên phải nói rằng hai nhan vật này vừa giống vừa khác nhau, giống vì Thượng Quan Tưởng Đệ chịu qua đầy đủ những nỗi nhục nhã gian khổ của cuộc đời, nhuốm đủ mọi nhơ bẩn cay đắng nhưng tinh thần lại bất khuất kiên trinh trong sáng tốt đẹp; trong khi đó, Ngọc Nữ hoàn toàn là hình ảnh tinh khiết thánh thiện không một chút nhơ bẩn. Cả 2 đều như những thiên thần, nhưng Tưởng Đệ là thiên thần sa ngã, lại vẫn giữ được cái tâm, còn Ngọc Nữ là một thiên thần quyết định chọn cái chết để giữ cả cái tâm lẫn cái nhân.


Tưởng Đệ từ những trang đầu đã quyết định bán thân làm điếm để giúp đỡ mẹ nuôi cả gia đình, và Mạc Ngôn gần như không động đến cuộc đời không cần đọc cũng biết đầy tủi nhục của người con gái bất hạnh này, nhưng đến những trang cuối cuộc đời Tưởng Đệ khi trở về, dù ngắn ngủi cũng dấy lên bao thương xót lẫn căm phẫn. nàng trở về, héo hon, tiều tuỵ nhục nhã, tấm thân đã làm vợ cả thiên hạ để tích cóp được một gia tài trở về hòng giúp mẹ, giúp em trai, vậy mà bị chính quyền tịch thu, bị người dân làng xóm coi thường khinh rẻ là đĩ điếm, lại còn bị lôi ra làm trò cười nhục nhã cho thiên hạ chỉ trỏ lên án. Nhưng đối với gia đình Thượng Quan, sự trở lại của nàng là sự trở lại của một vị anh hùng. Con người vốn là ích kỉ, từ mắt ngoài nhìn vào họ chỉ thấy Tưởng Đệ là một tạo vật dơ bẩn, thối nát dưới đáy xã hội, mà có ai mảy may nghĩ đến hoàn cảnh đã tạo nên những nạn nhân tuyệt vọng như nàng Tưởng Đệ đáng thương phải vật lộn giãy giụa qua những biến động xã hội đó? Để cứu gia đình, Tưởng Đệ phải tự gạt mình ra khỏi lề thói xã hội, và khi trở lại lại bị chính xã hội sản sinh ra những nạn nhân và những thứ tệ nạn đó quay lung, sỉ nhục không thương tiếc. Cuộc triển lãm mồ hôi xương máu nàng cả đời tích cóp đã vạch mặt trần trụi sự độc ác đáng nguyền rủa và giả tạo của một chính quyền ngu xuẩn, cũng thọc sâu vào tâm tính ngu muội chỉ nhìn bìa đánh giá sách của con người. Nó như một lời cảnh tỉnh khơi gợi lòng nhân đạo đang bị lãng quên. Không những không đưa tay ra cứu giúp, nó còn khoét sâu vào nỗi đau đớn những nhối tanh tưởi của những người khốn khổ do chính nó tạo ra một cách tàn nhẫn. Và chính cái chế độ ngu dốt đó khi lôi người con gái đáng thương đó ra làm triển lãm giai cấp lại tự nó vạch ra bộ mặt vô nhân tính của mình, vạch ra một giai đoạn lịch sử của sự ngu dốt tăm tối đầy sai lầm. Tưởng Để phải trả giá bằng cái chết không nhắm mắt của mình để kêu gọi sự giang tay đón nhận những tâm hồn lạc lối khao khát trở về với xã hội.


Bên cạnh Thượng Quan Tưởng Đệ, Ngọc Nữ - chị sinh đôi mù loà tội nghiệp không được hưởng dù chỉ một giọt sữa mẹ của Kim Đồng – hoàn toàn tinh khiết và trong trắng như ngọn băng Bắc cực không chút vẩn đục. Ngọc Nữ mặc dù mù loà nhưng lại thấu triệt tất cả mọi thứ, lặng lẽ sống, lặng lẽ tồn tại như một cái bóng quật cường mờ ảo, phảng phất như tồn tại một cách kín đáo qua một vài câu tả ngắn ngủi bâng quơ của tác giả. Cuối cùng Ngọc Nữ khi cảm nhận được nỗi khổ của người mẹ phải dùng chính dạ dày của mình làm túi đựng lương thực, nàng cảm thấy mình chỉ là một gánh nặng oằn trên đôi vai nặng trĩu của mẹ, đã chọn cách tự sát để giải thoát cho chính mình và cho mẹ, để giữ trọn cả thân cả tâm trong sáng. Người con gái trong sáng trinh bạch ra đi ở tuổi 20 đó như một ánh sáng cuối đường hầm, một hy vọng bé nhỏ trong chiếc hộp Pandora, một sự cứu rỗi lẩn khuất bí ẩn tồn tại mờ nhạt trong cuộc sống xã hội nhơ bẩn hỗn loạn. nàng là biểu tượng của những con người lương thiện hiếm hoi không thể chịu nổi sự đen tối của cuộc đời nên chọn cách ra đi cô đơn, lặng lẽ biến mất như lặng lẽ sinh ra. Cả đời không được một chút hạnh phúc, đến khi chết lại mất xác….


Đứa con cuối cùng biệt tăm biệt tích Thượng Quan Cầu Đệ được Lỗ Thị bán đi trong trận đói kém năm 41 mãi về sau mới đột ngột trở lại cuộc đời Kim Đồng một cách vô thanh vô tức khi cả hai gặp nhau ở nông trường Thuồng Luồng. Cầu Đệ, lúc này là Kiều Kì Sa, chỉ cười nhạt kể lại cuộc đời mình. Bốn tuổi bị bán cho một bà người Nga giàu có, sau đó bà ta chết lại may mắn được một gia đình tử tế nhận nuôi, cho đi học y khoa đàng hoàng. Nàng là đại diện của một thế hệ trí thức trẻ tuổi, có kiến thức, có hoài bão ước mơ. Nhưng đáng tiếc hay, anh hung phải nhờ thời thế, những thanh niên nhiệt huyết này sinh nhầm thời không dành cho họ, nên những tư tưởng chính trị khoa học của họ dù có tiến bộ, mới mẻ, đúng đắn đến đâu đi chăng nữa cũng chỉ bị người xung quanh dè chừng, coi thường, cô lập mà thôi. Người con gái xinh đẹp nhất nông trường Thuồng Luồng đó là minh chứng của sự sai lầm, khô cứng chai sạn, quan lieu cửa quyền của chế độ và chính quyền khi coi thường khoa học, coi thường chính trị. Đã biết bao nhà trí thức khoa học nêu lên ý kiến đối lập, những sai lầm của chính quyền mà đã bị trù dập, cô lập đến chết. Ở cái xã hội đó, tri thức khoa học bị coi thường, con người dần dần biến chất, chai sạn, vô tri, cơ cực, hèn nhát thảm hại. Tất cả những giá trị chân chính biến thành dư thừa trước cái đói khát cùng cực. Con người có thể dửng dung nhìn người khác tự sát, nhưng lại phát cuồng để lao vào xâu xé lương thực. Họ đã bán cả tâm cả than cho cái đói mất rồi. Ngay chính là Cầu Đệ, có học hành giáo dưỡng tử tế, rồi cũng bán lòng tự trọng cho cái đói, đổi thân mình cho cái bánh bao, chết vì ăn quá nhiều đậu, một cái chết xót xa thương cảm.


Cái chết của Cầu Đệ khép lại trường thiên về những người con gái khốn khổ nhà Thượng Quan. Ngòi bút chân thực đến trần trụi (một cách đúng nghĩa, chứ không phải cái loại trần trụi mà mấy nàh in sách quảng cáo cho đám truyện ất ơ đâu nhé) đã phê phán, khắc ghi, thương xót những mảnh đời, những số phận của lịch sử.


Nhưng, nhìn lịch sử chỉ ở nhân dân và con người là chưa đủ. Nếu ở những người con gái là những thăng trầm lịch sử biến động xã hội, thì những người con rể của Lỗ Toàn Nhi lại chính là đại diện của những bộ mặt của chính quyền. Mỗi người con rể của Lỗ Thị đều yêu nước theo cách riêng của mình, và đều có những con đường của mình. Kẻ thất bại, kẻ thành công, kẻ bỏ mạng trên con đường đi tìm lý tưởng, kẻ với đến đỉnh cao, nhưng tất cả đều là những người đàn ông chân chính, những con báo hùm làm chủ thiên hạ.


Chiến tranh thế giới thứ Hai, đứa con rể đầu tiên của Lỗ Thị là Sa Nguyệt Lượng, oai hung nhiệt huyết, khao khát giết giặc Nhật bảo vệ quê hương, ai dám bảo anh ta không có lý tưởng? Đánh du kích quân Nhật, gan dạ liều lĩnh đầy tính đàn ông, Sa Nguyệt Lượng trở thành một kẻ đáng gờm, nhưng cũng chính vì điều đấy mà những kẻ ghen ghét Sa Nguyệt Lượng đẩy anh vào con đường lầm lạc. Khốn thay, chính long đố kị của những kẻ chung lý tưởng đã biến Sa Nguyệt Lượng thành một Hán Gian khét tiếng, và để lòng căm thù chi phối, Sa Nguyệt Lượng quyết tâm tiêu diệt những kẻ ngáng đường mình. Lúc này Sa Nguyệt Lượng lại trở thành một tai hoạ cần bị tiêu diệt – và như lẽ thường thấy diệt trừ hậu hoạ vốn là điều đứng đắn, thì trong trường hợp của Sa Nguyệt Lượng lại mang màu sắc vô nhân đạo vô nhân tính. Nhất là với chi tiết  bắt lấy đứa con của Sa Nguyệt Lượng là Sa Tảo Hoa làm con tin để Sa Nguyệt Lượng dung tình thương người cha tự sa vào bẫy thì càng mang màu sắc dã man. Sa Nguyệt Lượng chọn cách treo cổ tự sát còn hơn chết nhục nhã trong tay địch. Sự biến chất của Sa Nguyệt Lượng và cái chết của anh là hệ quả của cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Cao Mật.


Tiếp nối đó, hai thế lực của Tư Mã Khố và Lỗ Lập Nhân có thể nói là cuộc nội chiến Trung Quốc “Quốc-Cộng nội chiến” sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, giữa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu được sự hậu thuẫn của Mỹ và tư bản, và Cộng Sản Đảng do Mao Trạch Đông cầm đầu hậu thuẫn Liên Xô. Cuộc nội chiến này không chỉ đơn thuần là của Trung Quốc, mà giống như nội chiến Việt Nam và nội chiến Triều Tiên, cuộc nội chiến này đại diện cho hai luồng tư tưởng Tư Bản và Cộng Sản của toàn thế giới. Nhưng những ai đọc về lịch sử đều có thể biết được những biến động nặng nề trong cuộc chiến giữa người Trung Quốc với nhau để tranh giành quyền lực. Tư Mã Khố - Quốc Dân Đảng dùng hết sức bình sinh để chiến đấu bảo vệ đất nước khỏi quân Nhật xâm lược, khi trở về thấy Cộng Sản Đảng đang tìm cách hất cẳng mình ra khỏi vai trò lãnh đạo, như nhẽ tất nhiên phải tìm cách đấu tranh đoạt lại. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ phải trái trắng đen thông qua cách nhìn của nhân dân và cách hành sự của Tư Mã Khố lẫn Lỗ Lập Nhân. Tư Mã Khố, bất chấp mọi thứ để đoạt được mục đích, nhưng lại vẫn rất được lòng nhân dân, bởi nhẽ ông là con người chính trực, nói một không nói hai, dù tàn nhẫn lại vẫn có lòng nhân đạo. Trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa quân đội của Tư Mã Khố và Lỗ Lập Nhân, Tư Mã Khố lại chỉ chỉ huy bắn doạ đầu chứ không thực sự chết người; thậm chí còn quyết định oanh liệt đầu hang để không làm hại đến nhân dân; Tư Mã Khố vẫn biết phân biệt phải trái trắng đen, nên như nhẽ hiển nhiên nhân dân kính trọng ông như một kẻ oai hùng chẳng sợ trời bất sợ đất. Trong khi đó, Cộng Sản Đảng – Lỗ Lập Nhân, không thể phủ nhận đã đem đến cái gì đó văn minh cho Cao Mật, cho đất Trung Hoa, như nữ quyền, như những lớp học, thì người đọc lại không thể không nhìn thấy những cái gian trá trong những tính toán của lão ta. Mọi thứ đều để tẩy não, để mị dân. Những thủ đoạn độc đoán Cộng Sản Đảng làm từng chút một gặm nhấm lấy vùng đất khô cằn đáng thương đó như con đỉa hút máu người nông dân. Những hành động của họ luôn gây ra những bất bình cho dân, ví dụ như những trò đạo diễn ngu xuẩn mị dân của Lỗ Lập Nhân và Phán Đệ với phiên toà mang tiếng xử oan cho dân mà lại hết sức bất công, thậm chí trong chính phiên toà đó Lỗ Lập Nhân và Phán Đệ đã giết 2 đứa cháu thơ của mình để bảo vệ quyền lực.


Từ những hành động, thủ đoạn của Lỗ Lập Nhân và của Đảng Cộng Sản đã đẩy lý tưởng vời vợi (và vốn không bao giờ có thể thành hiện thực của lý tưởng Cộng Sản nói chung) rời xa quần chúng nhân dân. Nó bộc lộ hết những sự sai lầm, cứng nhắc khuôn phép một cách sáo rỗng của những chính sách cải cách vô giá trị thời kì đổi mới đó. Cải cách ruộng đất, những chính sách ngược đãi tận diệt tư sản và trí thức,…. Những chính sách ngu dốt đẩy cả một đất nước vào nghèo khổ, đói kém và lầm than. Những sai lầm đó đã dẫn đến cuộc trả thù đẫm máu của Hoà Hương Đoàn mà sau đó số lượng người chết và sự đau thương nó đem lại đã trở thành một vết nhơ không thể gột sạch trong tư tưởng và lịch sử bao thế hệ người Trung Quốc.

Đó là xét về mặt đối lập chính trị, nhưng xét ngay cả về mặt nhân bản con người, Tư Mã Khố và Lỗ Lập Nhân cũng có những trái ngược riêng biệt sâu sắc. Con người Tư Mã Khố, cả đời kiêu hung như sư tử chúa sơn lâm, đa tình si tình, nam tính đàn ông, ngông nghênh mà lại bất trị. Thời kì Tư Mã Khố cầm quyền, phải thừa nhận rằng đất Cao Mật đã thật sự có được công bằng, có những tiến bộ hợp lý và luật pháp trừng trị những kẻ gian tham. Huyền thoại về một Tư Mã Khố nghĩa khí lúc nào cũng đầy hào hứng và những sự thán phục. Thời kì Tư Mã Khố với Chiêu Đệ cầm quyền, họ vẫn gần gũi và chiếm được long cảm phục của nhân dân. Ngay khi đối mặt với cái chết, Tư Mã Khố vẫn giữ cái cuồng loạn của một bậc hảo hán không sợ ma không sợ quỷ. Cái chết của Tư Mã Khố là cái kết thúc của Quốc Dân Đảng, của Tưởng Giới Thạch, nhường chỗ cho sự cai trị tàn khốc của Cộng Sản Đảng.


Ngược lại với Tư Mã Khố một đời kiêu hùng, Lỗ Lập Nhân quê không ở Cao Mật nhưng có thể nói là người Cao Mật vì sống và lập nghiệp nơi đây, lại có tính các thay đổi theo thời kì, và cũng nhiều phần nào khiến người đọc cảm thấy ghê tởm. Có thể lúc đầu Lỗ Lập Nhân cũng có những lý tưởng cao cả đấy, khi chiến đấu hắn ta cũng có kiên cường gan dạ đấy, nhưng ngay khi trở thành quan chức thời bình lập tức biến thành một kẻ luồn cúi, chạy theo danh vọng cường quyền đến mức nịnh bợ, rồi còn thay tên đổi họ để trốn chạy khỏi cội nguồn gia đình. Mặc dù chạy theo lý tưởng khô cứng và sáo rỗng, nhưng cũng phải nói Lỗ Lập Nhân là người yêu cuộc sống, có lý tưởng và cũng cố sống chứ không phải tồn tại. Mặc dù cái chết của hắn thì lại tầm thường như bao nạn nhân của nạn đói thời kì đó chứ không được oanh liệt như Tư Mã Khố một thời tung hoành ngang dọc.


Kết thúc cuộc Nội Chiến đầu rơi máu chảy, Trung Quốc bước vào thời kì phát triển công nghệ hiện đại. Ra khỏi tù sau khi mang tội giết người và cưỡng hiếp xác chết, Kim Đồng lóng ngóng không theo kịp thời đại mới, chỉ còn biết cách để mình cuốn theo những thay đổi đột ngột lên voi xuống chó của cuộc đời mình. Đại diện cho thế hệ mới này là hình ảnh của Tư Mã Lương, con trai Tư Mã Khố, và Hàn Vẹt – đứa con ngang trái của cuộc tình duyên giữa Hàn Chim và Lai Đệ. Hàn Vẹt cùng vợ Cảnh Liên Liên đại diện cho một thế hệ hoà nhập vào dòng chảy của xã hội và khao khát làm giàu bất chấp tất cả. Họ lập ra Trại Chim lấy danh nghĩa bảo tồn để nhân giống và bán thịt cho những kẻ có tiền muốn hưởng thụ của lạ. Bên trong đó là những kế hoạch thối nát, mua bán nhân phẩm, hối lộ quan chức, làm giàu bằng sự dối trá. Trong khi đó, Tư Mã Lương, không hổ danh hổ phụ sinh hổ tử, thành một thương nhân giàu có có quyền có thế, trở về vùng đất Cao Mật muốn phát triển quê hương và đền ơn đáp nghĩa bà ngoại. Nếu chỉ nhìn thoáng qua đó hẳn là một người thành đạt, ơn nghĩa, hoàn hảo. Rủi thay vì trở nên giàu có mà Tư Mã Lương vốn thừa hưởng cái đa tình hào hoa của bố lại nhiễm những thói của kẻ giàu, tiêu tiền như nước, phô trương kiêu ngạo. Từ đó, Mạc Ngôn mở ra những suy ngẫm kín đáo về những thói cửa quyền ngang ngược của chính quyền. Nhưng nhà văn dù hiện tại có khốc liệt bao nhiêu thì vẫn luôn đem lại cho hiện thực đó một hi vọng. Giống như giữa bùn nhơ tuyệt vọng trước Mạc Ngôn tạo ra Ngọc Nữ băng thanh ngọc khiết, thì ở thời đại mới ông để lại một hi vọng trong sự hối hận nhận ra sự thối nát của xã hội và trở về quê cha đất tổ của Lỗ Thắng Lợi, con của Lỗ Lập Nhân và Phán Đệ - người đàn bà sắt đá thành công trong sự nghiệp chính trị nhưng lại trở nên lạnh lùng như chính chính quyền mà cô làm việc cho.



Kết thúc trường thiên khổng lồ là hình ảnh Kim Đồng bạc nhược ngồi cạnh mộ người mẹ đáng thương sống cả đời khổ cực chết còn bị doạ lật mồ lên, ngửi thấy mùi máu ở bông hoa mọc cạnh mộ mẹ. Cả miếng đất Cao Mật đó, nhuốm máu thịt bao con người. Chỉ còn lại mỗi Kim Đồng, nhân chứng còn sót lại của lịch sử, vô dụng, bạc nhược, sống vật vờ, mang trong mình những tàn dư của thế kỉ cũ. Chẳng hay Mạc Ngôn đang thương cảm, chê trách, thở dài, hay chỉ là kể lại?


Đi ngược về xuôi, báu vật của đời vẫn là người phụ nữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét