Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Trân Châu cảng - Randall Wallace



Càng đọc, tôi càng nhận ra văn học là một thứ lí lẽ kì diệu có thể xoay đầu óc con người như chong chóng – chúng có thể khiến những thứ không thể tha thứ trở nên đáng cân nhắc; những con người tội lỗi trở nên đáng thương; những trận chiến trở nên hoặc khốc liệt hoặc đáng xem xét ủng hộ… Đối với văn học, không cái gì là hoàn toàn một chiều, mà phải thật đa chiều, thật phức tạp. Nhưng cái phức tạp ở đây là sau khi đã đọc nhiều cách nhìn ở một vấn đề, chứ đọc một và chỉ một thôi lại có thể trở nên đơn giản một cách đáng ngạc nhiên, bởi lẽ văn học không chứng minh một cách tỉ mỉ bằng lý trí như các môn khoa học, mà nó gợi lên cái lý lẽ của tình cảm và của trái tim.


Và đó cũng đang là một trong những cảm giác của tôi sau khi đọc liên tiếp “Nước Nhật mua cả thế giới” và ngay tiếp đó là “Trân Châu cảng”. Ở “Nước Nhật mua cả thế giới”, tôi thấy một đất nước đoàn kết, kiên cường với khao khát khôi phục đất nước sau khi thua cuộc nặng nề ở chiến tranh thế giới thứ hai. Và phải nói rõ rằng chính nước Nhật đẩy mình vào vòng xoáy chiến tranh, biến mình trở thành đế chế vũ trang phát xít khát máu để đi đánh chiếm đô hộ các nước khác. Ở mặt đánh giá xét đoán, Nước Nhật thua như vậy là phải lắm, vì lúc đó họ say mê quyền lực mà trở thành một kẻ phát xít nguy hiểm đáng sợ, nhưng xét trên tâm lý, kẻ mạnh bao giờ chẳng khao khát quyền lực và tiến bộ hơn? Chính cái khao khát, tham lam và ích kỉ đó lại là thứ động lực mạnh mẽ nhất khiến con người và xã hội không ngừng vận động, không ngừng cố gắng để làm giàu, để phát triển – chỉ là đường lối và chế độ phát triển khác nhau mà dẫn đến những kết quả khác nhau mà thôi. Còn nước Mỹ, xét trên bình diện lịch sử thông thường thường học, sau hai cuộc chiến tranh họ trở nên vững chắc, giàu có và hùng cường; nhưng đồng thời họ cũng bị mang tiếng tranh thủ trục lợi, tham lam. Có thể nói, ở mặt lý trí, cả 2 bên không ai đúng hoàn toàn không ai sai hoàn toàn, vì bên nào cũng có những lí lẽ riêng để biện chứng cho hành động của bản than.


Nhưng văn học thay đổi điều đó hoàn toàn. Khi đọc về nước Nhật, người đọc rất dễ dàng bị cuốn theo tư tưởng ủng hộ đất nước không có tài nguyên, bé nhỏ, chịu thua nhục nhã nhưng từng bước từng bước tranh thủ cơ hội để tự khẳng định lại bản than, hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến tới sự phát triển xã hội, giàu có nhân dân. Còn nước Mỹ chỉ là kẻ ngoại đạo đáng ghê sợ khi đã tàn phá cái đất nước nhỏ bé đó thành một đống đổ nát khủng khiếp với những trận dội bom và hai quả bom nguyên tử huỷ diệt. Rõ ràng khi tiếp cận quan điểm ở một quyển sách nói về Nhật Bản, con người ta sẽ vô thức đồng cảm với Nhật.


Nhưng một người đọc sách chân chính cũng sẽ xem một quyển sách có cách nhìn từ phía Mỹ. Và rồi họ sẽ lại thấy một đất nước với lòng tự tôn cao vời vợi. Ví dụ như ở  “Trân Châu cảng”, đó là một đất nước đầy những con người tài năng, hiến thân cho đất nước. Rồi Nhật đến đột kích Trân Châu cảng, giết chết con người, phá huỷ trang bị vũ trang chiến đấu của đất Mỹ, khiến con người lầm than và nhân dân phẫn nộ. Đến lúc này, ai còn muốn một lòng cảm thương Nhật nữa?


Nhưng chú ý kĩ hơn, tất cả những gì tôi nói ở trên đều ở một bình diện đơn giản – không phải chính trị, không phải hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì quá cao siêu. Những gì tôi muốn nói đó là: chính việc văn học viết về vận mệnh con người ở trong hoàn cảnh mới có thể gây nên những rối loạn trong lý trí như vậy. Lan man như vậy, nhưng cũng chỉ là cách nói rằng tôi nhận ra bản thân mỗi khi đọc quyển sách nào là lại bị ngả theo hướng suy nghĩ của quyển sách đó.


“Trân Châu cảng” bắt đầu bằng cảnh chơi đùa của hai đứa trẻ, Danny Walker và Rafe McCawley. Hai đứa trẻ thân thiết với nhau như anh em một nhà, và cả 2 đều có giấc mơ trở thành những phi công vĩ đại. Đây là thời gian đẹp nhất được miêu tả trong truyện, bởi lẽ chúng mang thứ không khí trong sáng, say mê và ngây thơ của tuổi trẻ. Chiến tranh thế giới thứ nhất mới kết thúc không lâu, và đất nước Mỹ vẫn hoà bình, đứng trung lập trong thế sự thế giới. Thời gian trôi qua, hai cậu bạn thân thiết đó cùng trở thành phi công cho máy bay chiến đấu quốc gia Mỹ - Rafe giỏi số 1 và Danny giỏi số 2. Cặp bài trùng hoàn hảo đó hoàn toàn thấu hiểu lẫn nhau, yêu quý lẫn nhau, hỗ trợ và ủng hộ nhau trong mọi trường hợp. Xem họ bay là biết – khi bay họ tuy 2 mà 1. Họ biết rõ thói quen và cách lái của người kia để có thể kết hợp một cách hoàn hảo (mình ủng hộ BL!!!).


Định mệnh bắt đầu xoay vần và thay đổi. Rafe quyết định sang Anh tham gia quân đồng Minh chống phát xít Đức, để Danny ở lại một mình. Trước lúc đó, Rafe đã đem lòng yêu một nữ y tá quân nhân xinh đẹp là Evelyn. Cả 2 có một mối tình say đắm và thắm thiết, và mặc dù Rafe quyết định lên đường đi chiến đấu thì cả 2 vẫn tiếp tục duy trì mối tình xa qua thư từ và lòng tin trao cho nhau. Nhưng trong một ngày chiến đấu, máy bay của Rafe không may bị bắn hạ, và người ta đưa tin về rằng cậu đã hi sinh. Evelyn và cả Danny đều hết sức đau đớn, vì Rafe là người hết sức quan trọng với cả 2 người. Sự đồng cảm giữa Danny và Evelyn đã đem họ lại với nhau, bắt đầu một cuộc tình mới cũng không kém ngọt ngào.


Nhưng Rafe chưa chết. Anh trở về gặp người anh yêu sau khi vật lộn dưới biển thoát khỏi cái chết cận kề chỉ vì một ý nghĩ được trở về và gặp lại Evelyn – nàng là tình yêu của đời anh. Để rồi anh nhận ra anh đã mất Evelyn cho người bạn thân thiết nhất. Không ai ngờ được mọi chuyện sẽ xảy ra theo hướng đó. Danny hết sức chào đón sự trở về của Rafe, vì Rafe không chỉ là bạn mà còn là gia đình anh. Nhưng cùng lúc đó, anh cảm thấy thua thiệt vì e ngại Evelyn vẫn còn yêu Rafe nhiều hơn yêu anh, và anh lại yêu Evelyn quá nhiều để có thể buông tay lúc này. Rafe thì giận dữ vì đã mất một nửa của mình vào tay người bạn than nhất – hẳn anh cảm thấy bị bạn than và người yêu thương phản bội. Trong khi Evelyn, nàng nhận ra mình đã yêu quá sâu cả 2 người đến mức không thể chọn ai, nhưng lại biết rằng hiện giờ nàng đang cùng với Danny – nàng trân trọng tình cảm đó và không hề có ý muốn chấm dứt.


Quân Nhật đến, tấn công bất ngờ vào Trân Châu cảng ở Hawaii. Những lượt thả bom điên cuồng tàn phá hòn đảo trù phú xinh đẹp nơi đây, biến mọi nơi thành địa ngục máu. Người chết, người bị thương, vô số kể. Nước Mỹ và Roosevelt đều bàng hoàng. Đất Mỹ bất khả xâm phạm đã bị tổn thương một cách nhục nhã. Chiếc tàu Arizona niềm kiêu hãnh của Mỹ đã thành tượng đài nỗi nhục dưới đáy biển Thái Bình Dương cùng với 1177 người không bao giờ còn có thể thấy ánh sáng.  Họ phải trả đũa quân Nhật, những kẻ đã giáng cho họ một cú đòn bất ngờ đau điếng sau nhiều ngày tháng ngoại giao không hiệu quả. Danny và Rafe bị gọi về để tham gia vào một nhiệm vụ mật – nhiệm vụ cảm tử : họ và đồng đội phải bất ngờ đánh bom những thành phố lớn của Nhật Bản với lượng nhiên liệu và vũ trang hạn chế, rồi nếu có thể bay về phía Trung Quốc (nơi vẫn bị Nhật Bản chiếm đóng) để xin sự giúp đỡ. Đó là một nhiệm vụ nắm chắc 8 phần phải hi sinh vì tổ quốc.


Điệp vụ cảm tử đó, chỉ 5 người trở về được Hoa Kỳ. Rafe trở về, còn Danny thì không. Anh chết trên xứ người, chỉ thân xác được đưa về, để lại Evelyn và đứa con trong bụng nàng. Rafe lấy Evelyn, và đứa bé được đặt tên là Danny.



Câu chuyện cũng không phải đặc biệt đặc sắc, và chủ yếu hướng vào mối tình trái khoáy giữa Danny, Rafe và Evelyn, ngoài ra còn miêu tả sự khắc nghiệt của chiến tranh và người chịu chủ yếu lại là những người dân thường vô tội nhưng không may bị cuốn vào cuộc chiến giữa các chính phủ các nước. Lời văn đơn giản dễ ngấm, cảm xúc dễ gây cảm thông. Không nhất thiết phải đọc nhưng đọc lại cũng không tốn thời gian cho lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét