Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Hồi ức của một Geisha - Golden Arthur



Tôi xem phim “Hồi ức của một Geisha” từ khi còn rất rất bé (và phải nói là đáng lẽ ở cái tuổi đó không nên xem thể loại phim như vậy, nhưng biết sao được kiểm soát ở Việt Nam có đáng gì đâu), và nói chung tôi chẳng nhớ gì ngoài ấn tượng về điệu múa đau khổ của Sayuri khi cô chuẩn bị từ một Maiko thành một Geisha thuần thục. Khi lớn lên, tôi chọn xem lại cả phim lẫn truyện, bởi lẽ đối với tôi, “Hồi ức của một Geisha” không chỉ đơn thuần là một quyển tiểu thuyết hay hay một bộ phim được đoạt giải, mà nó còn là một phần của văn hoá đất nước Mặt Trời Mọc. Tôi vẫn nói, tôi thích sách hơn – cứ mỗi lần tôi nói điều này là chị ở cùng nhà tôi lại sạc 1 trận bảo phim thì phải theo thị hiếu hơn, nên so sánh quài cũng chẳng tích sự gì. Có lẽ thế thật. Chắc tôi quá cố chấp.


Tôi không bắt đầu bằng tóm tắt câu chuyện của Sayuri như tôi làm với nhiều quyển sách khác, nên trình tự viết sẽ hơi lộn xộn, hoặc giả chỉ nói lên cảm nghĩ mà thôi. Tôi thích truyện hơn bởi cái không khí của truyện nó có cái gì đó bình lặng, trầm tĩnh, sâu thẳm nhưng cuồn cuộn ngầm như dòng nước, giống như cái sức sống không dứt trong Mạng Thuỷ và trong đôi mắt xanh xám của Chiyo. Cái màu sắc về thế giới đó trong tôi mang một chút thần bí, một chút huyễn hoặc, với những chiếc kimono lụa tuyệt hảo với obi đằng sau (obi đằng trước thường là Oiran), gương mặt trắng đôi môi đỏ như mặt nạ kịch Noh ẩn giấu hết những tình cảm biểu hiện trên gương mặt, những bước đi vững vàng nhịp nhàng như lướt trên mặt đất, những chén rượu gạo dịu ngọt trong cổ họng,… Đó là màu sắc trong bóng đêm… Cái cách kể lại mang hơi hướm hoài niệm nhưng lại không hề gây cảm giác muốn trở lại của người đàn bà từng là một trong những Geisha bậc nhất khiến tôi cảm giác cái phần nữ tính quyến rũ xưa cũ đó trong con người bà giờ chỉ còn là một câu chuyện về một mảnh đời khao khát không bị quên lãng. Cũng phải thôi, bà sống cả đời là tình nhân của người khác, một tình nhân trung thành, nghe lời, ngoan ngoãn nhưng kịch liệt ngầm trong tâm khảm.


Tôi thích truyện hơn cũng vì cảm xúc của Sayuri trong truyện. Trong phim, tình cảm của Sayuri được khắc hoạ rõ ràng hơn rất nhiều, đó là tình yêu đối với người đàn ông đã giúp cô sống có mục đích. Tình yêu của Sayuri trong phim chân thật và được bộc lộ thẳng thắn thông qua những ánh nhìn, điều đó là hay lắm, bởi người ta chẳng thể hi vọng sẽ hiểu thấu đáo được những cảm xúc vốn đã khó khan thể hiện qua câu chữ lộ rõ mồn một trên màn ảnh chỉ hơn tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng cái đặc biệt trong truyện chính là cái “tình” của Sayuri. Cái “tình” của Sayuri trong truyện tinh tế, phức tạp và day dứt hơn rất nhiều. Cái “tình” của nàng Geisha đó với Nobu trong truyện phức tạp hơn rất nhiều – tôi không dám nói đó là tình yêu, nhưng chắc chắn là có một thứ tình nghĩa sâu đậm đến mức phải phản bội. Ấn tượng của mọi người về cách Sayuri phản bội lại Nobu vì không muốn người đàn ông khắc nghiệt, cô độc và nghiêm nghị đó làm danna cho mình (ngay cả của đạo diễn bộ phim) là vì nàng muốn được tự do, muốn được làm chủ cuộc đời mình, khao khát được yêu thương và sống cùng với ngài Chủ tịch (người đàn ông giúp cô tìm được mục đích sống). Có lẽ một phần là thế thật, bởi đúng là xuyên suốt câu chuyện về cuộc đời làm người mua vui cho đàn ông, Sayuri quả thực có nhiều lần ngầm khao khát được tự điều khiển số phận mình chứ không muốn địa vị của mình phụ thuộc hoàn toàn vào một kẻ bảo trợ hào phóng. Nhưng tôi nghĩ, cô phản bội Nobu trước khi ông ấy trở thành danna của cô là bởi cô đã thật sự có cảm tình với người đàn ông xấu xí cục cằn đã nhiều lần thể hiện tình cảm đặc biệt với cô, và cứu sống cô khi đất Nhật rơi vào chiến tranh dài dặc đau khổ. Chỉ là, tình cảm đó là loại tình cảm tình nghĩa ghi tâm và cắn rứt, vì cô biết mình sẽ không thể quên được ngài Chủ Tịch của đời cô, và nếu cô trở thành tình nhân của Nobu, cô không chỉ phản bội tình cảm của mình (là phần rất nhỏ), mà cô còn phản bội lại chính tình cảm mà Nobu dành cho cô, khiến nó trở nên giả tạo, bế tắc. Cô không muốn Nobu phải sống với thân xác cô, trong khi cô tơ tưởng về một người đàn ông khác. Vả chăng Sayuri dù lớn lên ở quán kỹ nữ, cô cũng là người biết nghĩ, biết quan sát – tôi không nghĩ cô nông cạn đến mức để tình cảm chân thật vốn phải bị đè ép hoặc thậm chí huỷ đi trong trái tim cô bị bộc lộ ra ngoài như ở trong phim. Đi theo con đường Geisha, theo con đường kỹ nữ đã là đi theo con đường không thể làm vợ, làm mẹ, chỉ vĩnh viễn là bông hoa tô điểm đằng sau người đàn ông thành đạt; và chỉ vậy thôi.


Và, cái tình của cô đối với Chủ Tịch – người đàn ông chỉ vô tình gặp cô một lần khi cả cuộc đời đang chìm trong vũng bùn mịt mù vô tận – đã khiến cô có khao khát trở thành một Geisha hạng nhất để có thể bước theo ông. Hẳn là do hoàn cảnh của cô, hoặc giả lúc đó cô quá trẻ để có thể hiểu rằng Geisha chỉ có thể làm bạn tình, nhưng cô đã dấn thân vào con đường đó một cách chú tâm dưới sự trợ giúp của nàng Geisha kinh nghiệm bậc nhất Mameha. Cô dường như phần nào chấp nhận số phận thành kỹ nữ của mình một cách chắc chắn đến mức không hề nghĩ đến việc muốn thành vợ của ngài Chủ Tịch, mà chỉ là Geisha của ngài thôi, và ngay cả khi cô hoàn toàn dứt khỏi cuộc đời ở Gion và mối liên kết với nhà kỹ nữ Nitta, cô vẫn chỉ là “phòng hai” của ngài Chủ Tịch. Tình cảm của cô mãnh liệt nhưng lại lặng lẽ và được giấu kín đến mức cả ngàn trang giấy không cần lấy một chữ yêu, không cần lấy một câu miêu tả cảm xúc yêu đương khao khát như một người phụ nữ bình thường; trái lại, đó là nhưng câu tả thoáng qua về những ánh nhìn vụng trộm, là tần suất chợt nhớ đến người đàn ông đó, là những cảm giác tội lỗi day dứt và thèm muốn được liếc nhìn dù chỉ một giây phút. Có điều gì đó ở tình cảm của Sayuri vừa cuồn cuộn vừa bí ẩn – một thứ nữ tính mê muội nhịn nhục. Cuối cùng khi sự thật lộ ra rằng vì Nobu đã giúp đỡ ngài Chủ Tịch quá nhiều nên ngài Chủ Tịch dù để mắt đến Sayuri cũng vẫn không thể cướp đi cô, Sayuri vẫn không rơi vào cảm giác sung sướng tuyệt vời khi cô trở thành tình nhân chính thức của ngài Chủ Tịch. Cô chấp nhận nó bình thản như chấp nhận vận mệnh phải trở thành Geisha của mình; cô đã trưởng thành, không còn là cô bé Chiyo tìm cách chạy trốn với chị gái Satsu ngày trước nữa.


Bên cạnh chủ đề tình cảm và hồi ức của nàng Geisha Sayuri đắt giá là bối cảnh và tài liệu quý giá về nghề Geisha và đất nước Nhật đầu thế kỉ 20. Cái nghề “kỹ nữ” thường bị coi là rẻ mạt ở khắp mọi nơi ở đất Nhật phân chia thành một đẳng cấp hoàn toàn khác – ngoài những kỹ nữ rẻ tiền là những Geisha cao cấp, không chỉ phục vụ về mặt thể xác mà còn phục vụ về mặt tinh thần. Chính xác mà nói, họ là “cái đẹp”, họ hoạt động, học về những cái đẹp (múa, hát, cầm, trống, thi, hoạ,…). Họ có những nguyên tắc kỉ luật và không thể phóng đãng lên giường với bất cứ người đàn ông nào. Họ tuy tủi nhục, phụ thuộc nhưng cũng chẳng kém phần cao ngạo và kiêu hãnh; Họ là những Nghệ giả, và hành trình trở thành “gái mại dâm cao cấp” như một số quan niệm sai lầm hiện nay của họ cũng khắc nghiệt, cực khổ và nhiều quy tắc lễ nghi như bất cứ nghề danh giá nào khác. Có lẽ còn phải nói họ khốn khổ hơn vì họ không thể lấy chồng, không thể có con (trừ phi kết thúc sự nghiệp, và họ cũng sẽ chẳng có lấy một kinh nghiệm làm vợ làm mẹ nào để chung sống với phần lớn xã hội).


“Hồi ức của một Geisha” là một tiểu thuyết văn hoá hay ho và thú vị đấy.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét