Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Bị Thiêu Sống - Souad




Tôi chọn Bị Thiêu Sống vì hiện tại tôi đang cô đơn ở đất nước xa lạ, vì tôi cần phải đọc, vì tôi cần phải tiến lên và trau dồi con người mình để không biến thành một kẻ vô dụng khi bước trên con đường chính tôi đang chọn lựa. Nhưng khi đọc xong Bị Thiêu Sống, tôi băn khoăn không biết mình có chọn đúng hay không? Một quyển sách hay, chân thực, đáng sợ. Nhưng theo một cách nào đó, những thứ cảm xúc nó đem lại cho tôi phức tạp hơn nhiều là sự phẫn nộ đơn thuần về tội ác và sự thương cảm một số phận.


Souad là một cô gái Ả Rập đáng thương và hoàn toàn vô tội, hiển nhiên. Cái tội duy nhất của cô là bị sinh ra ở một đất nước Hồi Giáo mù quáng, coi thường số phân và địa vị của người phụ nữ; ở một ngôi làng tàn độc  nghèo khó và khép kín với thế giới bên ngoài, chỉ sống và tồn tại như một cái bóng tách biệt và bị nhấn chìm trong sự tin tưởng đến ngu muội vào tục lệ, hủ tục. Ở nơi đó, số phận người phụ nữ bị khinh rẻ đến cùng cực: mạng của một người phụ nữ rẻ mạt hơn cả con dê con bò; họ sẵn sang bóp chết những đứa trẻ ngay từ khi sinh ra nếu đó là một bé gái, và điều đó hoàn toàn bình thường; con gái lúc nào cũng phải cúi gằm mặt, không được ra đường một mình, phải che kín tay chân mặt mũi và bất cứ hành động khác lạ, hoặc thậm chí chỉ một lời đồn thổi vớ vẩn cũng sẽ bị kết tội “charmuta –con đĩ” và bị trừng phạt nặng nề, thường là bị giết chết; họ thường xuyên bị bạo hành nặng nề dù làm việc quần quật từ sáng đến tối; họ không được đi học và phải hoàn toàn phục tùng luật lệ sinh ra chỉ dành cho những người đàn ông; và đó là những số phận chỉ chờ đợi cầu mong được lấy chồng để rồi bắt đầu cuộc đời mới phục vụ chồng con như nô lệ, chỉ vì có chồng thì sẽ được đi chợ, được ra đường một mình, được hầu hạ một người đàn ông. Ở thế giới hiện đại, khi quyền phụ nữ đã được chấp nhận và người phụ nữ được tôn trọng, những điều này thật sự quá kinh khủng, tàn tệ và vô lý. Đáng tiếc thay, ở miền đất đó, đó là chuyện hoàn toàn bình thường.


Souad lớn lên trong bốn bức tường cầm tù, những cô chị em gái khốn khổ im lặng nhẫn nhục và một đứa em trai mà tất cả những người đàn bà trong nhà tôn sùng như một vị thánh. Cô làm việc quần quật mỗi ngày đổi lấy những trần đòn sỉ nhục của người cha và mong ước mòn mỏi được lấy chồng để thoát khỏi người cha tàn độc. Rồi cô đem lòng yêu một người đàn ông hèn nhát chỉ bằng những ánh nhìn thoáng qua vài giây mỗi ngày khi người đàn ông đó chuẩn bị đi làm với chiếc xe hơi bóng bẩy và vì hắn ta từng đến hỏi cô, nhưng cô chưa thể lấy hắn vì chị cô chưa xuất giá. Lòng khao khát được lấy chồng đã khiến cô liều lĩnh hẹn hò với gã đàn ông cô vốn chỉ biết qua vài giây ngắm nhìn ngắn ngủi mỗi ngày và trao đi đời con gái. Không may thay, cô mang thai – điều chắc chắn khiến cô mang lại ô nhục cho gia đình và dòng họ. Và những người trong gia đình cô kết tội cô là một “charmuta”, và quyết định rằng cô phải chết để bảo toàn danh dự gia đình trước làng xóm. Người thực thi hành quyết với cô là anh rể của cô. Souad bị tắm xăng và thiêu sống. Không chút nhân từ.


Nhưng cô thoát chết. Không biết đây là may mắn hay xui xẻo? Cô may mắn thoát chết và được một người phụ nữ từ tổ chức nhân đạo thế giới cứu giúp, đưa sang một đất nước văn minh mới nơi giá trị và quyền của người phụ nữ được chấp nhận. Cô bắt đầu cuộc sống mới, tình yêu mới, có một gia đình nhỏ với người chồng yêu thương cô và hai người con gái đáng yêu. Cô để lại phía sau kí ức tàn tệ về những hủ tục huỷ hoại cuộc đời một người phụ nữ và đứa trẻ cô sinh thiếu tháng trong khi cả thân thể đang thối rữa khi không được chăm sóc đầy đủ trong bệnh viện. Người ta sẽ nói rằng cô thật may mắn vì được giúp đỡ và thoát khỏi cuộc sống ngục tù tàn bạo đó. Nhưng chỉ Souad biết rằng dù có thoát khỏi cuộc sống đó thì cơn ác mộng vẫn cứ bám theo hành hạ đay nghiến cô cả cuộc đời. Chúng đã bám rễ vào tận tâm can xương tuỷ cô, trở thành một phần của cô. Cô sống cuộc sống mới vừa hạnh phúc vừa đau đớn dằn vặt vì tình yêu và day dứt với người con trai cô buộc phải đưa đi làm con nuôi vì tình trạng tinh thần không ổn định. Rồi Souad, cuối cùng đã đưa ra một quyết định mà cá nhân tôi nghĩ rằng điều đó chứng minh cô đã thật sự thay đổi: cô đồng ý làm nhân chứng cho quyển sách Bị Thiêu Sống nhằm cảnh tỉnh lên tiếng cho hàng ngàn phụ nữ bé gái bị bạo hành hành quyết mỗi ngày ở những miền đất Hồi Giáo vô lý đó.


Quyển sách này có đơn thuần để tố cáo tội ác với những người phụ nữ theo tục lệ Hồi Giáo và kêu gọi đấu tranh hay không? Chúng ta tất nhiên không thể bỏ qua ý nghĩa đó. Nhưng cá nhân tôi lại không cảm thấy tức giận khi đọc về cuộc đời một con người bị đối xử như thế. Tôi thương cảm cho Souad, nhưng cũng càng thương cảm cho những con người ở miền đất đó, những con người thuộc tôn giáo đó. Họ là những kẻ đáng thương vì họ tin tưởng tôn giáo của họ đến mức cuồng tín và mê muội. Họ phục tùng nó và bị tẩy não từ đời này qua đời khác. Họ để những thứ vô lý dẫn dắt mình và biến tôn giáo thành một loại điều kiện sinh tồn thiết yếu và tin tưởng nó vô điều kiện. Và đó cũng là một phần lỗi của họ khi họ không đứng lên đấu tranh cho bản thân, nhưng cũng chẳng phải lỗi của họ khi họ không được học hành và học vấn của họ cũng chỉ bằng một con lừa nên họ không thể biết về những cái “nổi dậy” đó.


Và, tôi thương cho cả những người đàn ông trong cái đất đó, trong cái tôn giáo đó. Họ đáng bị lên án, đáng bị phẫn nộ, bởi họ là những kẻ độc đoán chỉ nghĩ đến cái ích kỉ của mình mà dẫm đạp lên mạng sống của những người đàn bà. Nhưng với tôi, họ cũng chỉ là những nạn nhân bị tẩy não cùng cực bởi những hủ tục chắp vá từ xa xưa không còn rõ nổi đến nguồn gốc. Họ bị môi trường, hoàn cảnh, sự hiển nhiên và hủ tục đẩy đến bước đường suy nghĩ lệch lạc, độc ác và phi nhân tính; họ biến thành những kẻ bị cả thế giới văn minh phỉ nhổ và nguyền rủa bởi họ bị “truyền thống” thôi miên và bị lòng tham của chính họ điều khiển. Đối với tôi, họ vừa là những con quỷ đáng ghê tởm, vừa là những kẻ bất hạnh vì ngu dốt.


Nhìn sâu hơn, cá nhân tôi cho rằng điều đáng phỉ nhổ và lên án là cách con người sử dụng tôn giáo để điều khiển, để thao túng người khác. Những kẻ nắm trong tay cái danh của tôn giáo và làm những chuyện tồi tệ hay định ra những điều tồi tệ mới là những kẻ đáng ghê tởm nhất. Mọi tôn giáo vốn bắt nguồn từ tình yêu thương, và nó bị chính con người bóp méo vì lợi ích của một nhóm nhỏ hay một cá nhân, rồi từ đó lan truyền rộng rãi để gây nên bất hạnh cho những mạnh đời kém may mắn khác. Rốt cuộc thì tất cả những gã đàn ông ngu dốt kia cũng chỉ là những nạn nhân khốn kiếp mà thôi (và thực ra rất có thể họ biết rõ điều đó và cố tình dung chúng để mưu lợi cho mình). Và những người phụ nữ chân yếu tay mềm bất hạnh thay lại bị trút lên đầu tất cả những thứ đáng ghê tởm đó.


Bên cạnh lời cảnh tỉnh về quyền phụ nữ và lời cầu cứu đến xã hội hiện đại, quyển sách cũng là một bằng chứng về một kiểu xã hội từng tồn tại, một khía cạnh khác của thế giới, một bằng chứng về sự phong phú trong con người, xã hội và quan niệm. Ẩn bên trong những tâm sự đau đớn khốn khổ và quang cảnh khái quát về tôn giáo phong tục một miền đất ít người biết đến. Tôi không nói rằng đây là một quyển sách “phải đọc”, và tôi khuyến khích đọc vì nó đơn giản, dễ hiểu; vì nó khiến con người biết nhìn ra xã hội thay vì chỉ chú tâm vào bản thân, và vì rằng nó sẽ giúp con người trân trọng cuộc sống và sự văn minh của mình hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét